Công ty Formosa Hà Tĩnh tiếp tục hoàn thiện, đầu tư công nghệ hiện đại trong sản xuất, nỗ lực cao trong việc khắc phục các lỗi vi phạm

Dương Tất Thắng Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh
21:07, ngày 24-08-2017

TCCSĐT - Sau sự cố môi trường biển tại 04 tỉnh miền Trung, dưới sự chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, của tỉnh Hà Tĩnh, Công ty Formosa Hà Tĩnh (FHS) đã khẩn trương bổ sung hoàn thiện khắc phục xong 52/53 lỗi vi phạm. Riêng lỗi chuyển đổi phương pháp làm nguội cốc từ ướt sang khô sẽ hoàn thành vào tháng 6-2019 (theo cam kết của Công ty), do nhà thầu Neisui Nhật Bản làm tổng thầu.

Đến cuối tháng 10-2016, các hạng mục công trình xử lý nước thải, khí thải, quản lý chất thải rắn và quan trắc nước thải, khí thải tự động, liên tục phục vụ Lò cao số 01 của FHS đã cơ bản hoàn thành, đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất thải theo quy định.

Thực hiện Quyết định số 2604/QĐ-BTNMT, ngày 09-11-2016 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc phê duyệt nguyên tắc, lộ trình khắc phục các vi phạm về bảo vệ môi trường và kế hoạch giám sát môi trường, FHS đã phối hợp với các cơ quan khoa học và kỹ thuật, các chuyên gia về môi trường trong nước và quốc tế khẩn trương thực hiện kế hoạch xây dựng bổ sung các hạng mục cải thiện tốt hơn công trình xử lý chất thải theo tiêu chuẩn quốc tế. Đến nay, các hạng mục cải thiện, bổ sung của FHS đã cơ bản hoàn thành, đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường.

Công ty FHS cũng đã phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam lấy mẫu không khí xung quanh khu vực hoạt động của Dự án theo Kế hoạch giám sát môi trường đã được phê duyệt. Kết quả đo đạc và phân tích mẫu môi trường không khí xung quanh tại 11 vị trí bên trong FHS và 11 vị trí bên ngoài FHS cho thấy, môi trường không khí xung quanh bên trong và ngoài khu vực dự án chưa có dấu hiệu ô nhiễm.

Để thực hiện việc bảo vệ môi trường tốt hơn, Công ty FHS đã tăng vốn đầu tư thêm 346 triệu USD để đầu tư và xây dựng các hạng mục công trình bảo vệ môi trường.

Được sự chấp thuận của Chính phủ, ngày 29-5-2017, Công ty Formosa đã tiến hành chạy thử lò cao số 1. Trong quá trình vận hành thử nghiệm có xảy ra một số lỗi kỹ thuật. Tuy nhiên, đến nay đều đã khắc phục xong và đưa vào vận hành ổn định. Trong tháng 7-2017, Lò cao số 1 của Công ty FHS đã tạo ra 945 nghìn tấn sản phẩm, đến thời điểm này đã có 497.675 tấn gang lỏng và 431.820 tấn phôi, các sản phẩm thép cuộn, thép dây đã được xuất khẩu.

Ngày 24-7-2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng với các bộ, ngành liên quan, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đã kiểm tra thực tế tại Công ty FHS và đã đánh giá dự án Khu liên hợp gang thép của Công ty FHS là dự án có quy mô lớn nhất từ trước tới nay về đầu tư tại Việt Nam, có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển ngành công nghiệp thép, đáp ứng mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội toàn diện và bảo đảm an ninh - quốc phòng. Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao nhà đầu tư đã nhận trách nhiệm về sự cố môi trường, đã xin lỗi người dân và Nhà nước Việt Nam, đã bồi thường, hỗ trợ cho người dân 4 tỉnh miền Trung; chủ động, tích cực khắc phục các lỗi vi phạm, nỗ lực quan tâm đầu tư kinh phí đổi mới công nghệ, cải tạo, nâng cấp các công trình xử lý môi trường, ứng phó và phòng ngừa sự cố; đặc biệt đã đầu tư bổ sung hệ thống hồ chỉ thị sinh học và ứng phó sự cố.

Hệ thống hồ sự cố kết hợp hồ sinh học này được xây dựng trên diện tích 10 héc-ta, bảo đảm ứng phó được các sự cố về nước thải có thể xảy ra và tiếp tục xử lý nước đạt chất lượng tốt hơn đối với 02 dòng nước thải sau xử lý đạt quy chuẩn quy định tại Trạm XLNT sinh hóa và Trạm XLNT công nghiệp. Hệ thống hồ FHS là hệ thống hồ sinh học kết hợp với bãi lọc trồng cây quy mô lớn đầu tiên ở Việt Nam được thiết kế với đầy đủ chức năng kiểm soát sự cố, chỉ thị sinh học và xử lý bổ sung nước thải, với các hạng mục công trình và thiết bị hiện đại, cho phép hệ thống hoạt động linh hoạt: hệ thống hồ chứa nước thải sự cố và các tổ máy bơm tuần hoàn nước thải để xử lý lại, hệ thống quan trắc tự động, hệ thống Scada và camera giám sát, điều khiển từ xa, hệ thống đường ống chảy vòng (by-pass), các bể cá chỉ thị sinh học…

Hệ thống hồ được thiết kế với 4 cấp độ ứng phó sự cố:

Cấp độ ứng phó sự cố thứ 1: Phần mềm giám sát sẽ có cảnh bảo khi dữ liệu từ hệ thống quan trắc tự động sau Trạm XLNT sinh hóa và Trạm XLNT công nghiệp chỉ bất kỳ một chỉ tiêu đạt 80% giá trị kiểm soát, để người điều hành kiểm tra, xác nhận sự cố và nguyên nhân.

Khi dữ liệu chỉ giá trị chất lượng nước đạt 90% giá trị kiểm soát, sẽ ngừng dẫn nước thải vào hệ thống hồ, nước sau xử lý được trở lại về bể sự cố trong Trạm XLNT đó để xử lý lại. Khi khắc phục được sự cố thì chuỗi hồ trở lại hoạt động bình thường.

Cấp độ ứng phó sự cố thứ 2: Sau khi kích hoạt cấp độ ứng phó sự cố 1, nếu nước hồi lưu về đầu trạm xử lý nhiều, dung tích chứa của bể sự cố không đủ, sẽ khởi động biện pháp ứng phó sự cố cấp 2. Lượng nước thải công nghiệp nhiễm bẩn được đưa đến chứa trong bể sự cố CN1, nước thải sinh hóa nhiễm bẩn được đến bể sự cố SH1. Sau khi Trạm XLNT sinh hóa hay công nghiệp khắc phục xong sự cố, nước thải đầu ra đạt chuẩn cho phép, sẽ khởi động Trạm bơm tuần hoàn. Nước thải sau xử lý đã đạt quy chuẩn được đưa vào hồ SH3 hay CN3. Chu trình hoạt động của 2 chuỗi hồ bắt đầu từ hồ SH3 và CN3.

Cấp độ ứng phó sự cố thứ 3: Biện pháp ứng phó sự cố cấp 2 đã được kích hoạt, lượng nước thải nhiễm bẩn được đưa đến chứa trong bể SH1 (hay CN1) nhưng dung tích của các bể trên không đủ. Chuyển từ cấp độ 2 sang cấp độ 3: Nước thải sự cố được chứa cả trong SH2 hay CN2, và được bơm dần về Trạm XLNT tương ứng (sinh hóa hay công nghiệp) để xử lý lại, rồi được đưa vào chuỗi hồ từ SH3 (hay CN3).

Cấp độ ứng phó sự cố thứ 4: Cấp độ ứng phó sự cố thứ 4 tính đến trường hợp chất lượng nước trong toàn bộ hệ thống hồ không đạt chuẩn. Khi đó nước thải từ hệ thống hồ sẽ ngừng xả ra biển. Bằng đường ống D350, nước được đưa từ Trạm bơm 1C ngược về hồ sự cố CN1. Từ đây nước được bơm dần về Trạm XLNT thải công nghiệp để xử lý lại.

Nhóm thiết kế sử dụng mô hình thủy lực để mô phỏng các chế độ làm việc của hệ thống hồ, để lựa chọn các thông số thiết kế tối ưu, đồng thời để bảo đảm hồ không bị tràn nước với trận mưa cực đại 630mm/2 ngày. Nhóm cũng sử dụng mô hình tính toán mô phỏng, cho phép dự báo được chất lượng nước sau xử lý qua chuỗi hồ - bãi lọc trồng cây theo các kịch bản khác nhau.

Công trình hồ sinh học là một trong những hạng mục quan trọng để bảo đảm an toàn về môi trường do nước thải tại Công ty FHS, đã nhận được sự đánh giá cao, sự tin tưởng của lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, chính quyền địa phương, doanh nghiệp và của cộng đồng. Công trình đã góp phần quan trọng, làm cơ sở để Chính phủ cho phép Công ty FHS đưa vào vận hành thử nghiệm lò cao số 1 từ ngày 29-5-2017.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã mời các tổ chức tư vấn nước ngoài có uy tín (như Atkins của Anh và Veolia của Pháp) tiến hành khảo sát thực tế tại FHS và đều nhận định công nghệ sản xuất và công nghệ xử lý chất thải đã được FHS đầu tư bài bản, quy mô, sử dụng các thiết bị, công nghệ hiện đại, tiên tiến trên thế giới.

Sắp tới Bộ Tài nguyên và Môi trường và tỉnh Hà Tĩnh sẽ nghiên cứu các tiêu chuẩn, quy chuẩn trên cơ sở số liệu nền hiện trạng tại Khu kinh tế Vũng Áng và có thể ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn về kiểm soát môi trường không khí, nước thải, chất thải... tiệm cận với tiêu chuẩn, quy chuẩn về môi trường của các nước tiên tiến trên thế giới nhằm bảo đảm phát triển bền vững./.