Dễ như vào sư phạm

Quỳnh Lâm
21:11, ngày 24-08-2017

TCCSĐT - Không chỉ riêng với học sinh, các bậc phụ huynh, mà thầy cô và nhà trường cũng “đứng ngồi” không yên khi ngóng trông tin học trò của mình có kết quả thi. “Đỗ rồi”, được vào đại học, thành quả bước đầu của các em đã đạt được, thành công của thầy cô, nhà trường và nỗ lực của phụ huynh được báo đáp. Song, niềm vui đó có trọn vẹn không hay thầy cô và xã hội còn nhiều trăn trở.

Quay ngược lại những năm 80 trở về trước, vào sư phạm được gọi là “chuột chạy cùng sào”, vì cái nghề cao quý ấy được mặc định là “nghèo” và cũng chỉ có con nhà nghèo mới nghĩ vào sư phạm đầu tiên vì không lo tiền học phí.

Ấy vậy mà, những năm gần đây, nhất là năm học 2016 - 2017, giàu - nghèo không phải là vấn đề chính, mấu chốt nằm ở sức học. Nói vậy, không có nghĩa là không có những học sinh giỏi, đạt các giải cao trong các kỳ thi quốc gia, tỉnh và thành phố lựa chọn vào giảng đường sư phạm. Bên cạnh những bạn trẻ đam mê, lực học tốt ấy, số còn lại vào sư phạm chỉ đơn giản là vì điểm thi thấp, chấp chới điểm sàn. “Lọt sàng xuống nia”, trạm dừng chân an toàn nào bằng “thôi thì vào sư phạm”.

Sẽ không nói gì thêm về chủ trương đổi mới của Bộ Giáo dục trong năm học 2016 - 2017 từ cách ra đề, môn thi, cách thức thi, hình thức tổ chức cho kỳ thi tốt nghiệp và đại học, mà chỉ muốn nhìn vào kết quả của kỳ thi. Điểm thí sinh cao, rất cao, đến nỗi các thí sinh cũng không tin vào kết quả của mình, nhất là các môn xã hội.

Có lẽ, chưa có khi nào câu thành ngữ của dân gian lại vừa vặn như thời điểm này “học tài thi phận”, khi mà xác xuất 25% chiếm tỷ lệ không nhỏ cho kết quả một kỳ thi với môn thi trắc nghiệm. Vì vậy mà trước ngày thi, học sinh vẫn truyền “bí kíp” cho nhau: “xoay bút chì, đầu bút xoay ô nào thì đánh vào ô đó”, hay “nhắm mắt lại rồi thả bút rơi tự do”. Đó được coi là một số “chiêu trò” của một bộ phận không nhỏ học sinh lười học, trông chờ vào may rủi, hên xui.

Tuy nhiên, học thật, điểm thật cũng là một tín hiệu đáng mừng cho nền giáo dục nước nhà khi cả nước có hàng nghìn em đạt điểm 9, điểm 10 và tổng điểm 27 đến 30 điểm không thể tính trên đầu ngón tay. Chất lượng giáo dục có bước khởi sắc, cơ hội học tập của học sinh rất nhiều, xã hội hóa giáo dục đang từng bước đạt được mục tiêu đề ra.

Thế nhưng, trên cái vòng nguyệt quế mà chúng ta đang được thấy, có những điều mà chúng ta ít biết hay cố tình lờ đi: “khó như rớt đại học” là vì “dễ như vào đại học”, nhất là vào các trường sư phạm! Và đi kèm với nó là những hệ lụy gì?

Thứ nhất, phần đa người học không xác định được mục đích và động cơ học tập đúng đắn. Học chỉ để cho có học, học để bằng bạn, bằng bè.

Thứ hai, hình thành tâm lý chủ quan cho những thế hệ học sinh đàn em kế tiếp, vì “tiền bối” chơi nhiều hơn học mà vẫn vào đại học như thường.

Thứ ba, nguy cơ thất nghiệp khi ra trường nhãn tiền trước mắt.

Thứ tư, hệ lụy đến thế hệ tương lai từ giáo dục đến kinh tế - xã hội khi mà những cử nhân vật lý, tin học, thú y, nông học... điểm đầu vào chỉ chấp chới điểm sàn. Đây là điều mà thầy cô từ bậc trung học phổ thông đến bậc đại học ái ngại nhất. Học sinh đỗ đạt, thầy cô mừng, mừng lắm chứ! Nhưng với một em, viết một câu văn cho tròn nghĩa chưa được, 4 năm sau là đồng nghiệp của mình thì thật là xót xa, tội lỗi cho thế hệ mai sau. Hay một học sinh giải phương trình bậc hai chưa ổn, chuyển đổi dấu chưa biết cách, mai kia sẽ dạy toán, lý cho các em lớp 10,11,12 như thế nào? Và vô hình chung, hình tượng về người thầy, người cô trong mắt học sinh sẽ bị “thấp đi”, khi chúng chặc lưỡi “học dốt mới vào sư phạm”. Sự đánh đồng này là một sự tổn thương, xúc phạm đến danh dự, nghề nghiệp của những giáo viên tài năng và tâm huyết với nghề.

Sự dễ dãi, ồ ạt trong bất cứ lĩnh vực nào của đời sống cũng là điều không nên, trong giáo dục càng nên không. Sự non yếu được lên ngôi sẽ tạo nên sự dốt nát có tính hệ thống. Và đó là một bước thụt lùi đáng thất vọng!

Vấn đề đặt ra: người học cần gắn một cái mác đại học, trường học cần lấp đầy sinh viên, và cả hai có cùng một quan điểm: học đã rồi tính, dạy đã rồi tính! Chung quy lại: để mai tính! Yếu tố cầu và cung được khỏa lấp nhưng sự lãng phí về tiền bạc và thời gian lại để gánh nặng lên toàn xã hội. Mỗi năm có hàng nghìn sinh viên sư phạm ra trường thất nghiệp, đó là cái mất nhiều hơn cái được!

Xác định đúng mục tiêu học tập, đúng năng lực, sở trường, học để làm được gì là nhận thức mà học sinh và phụ huynh nên định hướng. Cùng với đó là lĩnh vực đào tạo nên đặt chất lượng hơn số lượng, nên chủ trương “quý hồ tinh, bất quý hồ đa”. Và hơn hết, cần một chủ trương nhất quán, toàn diện cho một hệ thống giáo dục lấy chất lượng học sinh từ mặt học lực đến đạo đức phẩm chất lên hàng đầu./.