Đoàn Kinh tế - quốc phòng 327 giúp dân xóa đói, giảm nghèo bền vững ở vùng biên giới Đông Bắc
TCCSĐT - Đóng quân và thực hiện nhiệm vụ kinh tế - quốc phòng ở địa bàn trọng yếu, Đoàn Kinh tế - quốc phòng 327, Quân khu 3 luôn xác định, giúp dân xóa đói, giảm nghèo là một việc làm cần thiết, để vừa phát triển kinh tế, vừa hỗ trợ công tác dân vận, góp phần xây dựng vùng biên giới Đông Bắc bình yên, phát triển.
Giúp dân xóa đói, giảm nghèo - những cách làm sáng tạo
Đoàn Kinh tế - quốc phòng 327 có nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố quốc phòng - an ninh trên tuyến biên giới Việt - Trung có chiều dài 118,8km trên bộ và 13,2km trên biển, gồm 9 xã, 1 phường biên giới và 1 phường giáp biên giới thuộc 2 huyện Bình Liêu, Hải Hà và thành phố Móng Cái của tỉnh Quảng Ninh. Đây là địa bàn thuộc vùng kinh tế đặc biệt khó khăn, địa hình hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn, dân cư phân bố không đều, còn nhiều chỗ trắng dân. Trên địa bàn có 6 dân tộc cùng sinh sống là Tày, Nùng, Dao, Sán Chỉ, Kinh, Hoa. Trước khi triển khai dự án kinh tế - quốc phòng trên toàn vùng, kết cấu hạ tầng như giao thông, thủy lợi, điện và các công trình phúc lợi xã hội khác hầu hết chưa được đầu tư, tỷ lệ hộ đói nghèo còn cao (trên 40%). Bên cạnh đó, trình độ dân trí của người dân nơi đây không đồng đều, dẫn đến sự hạn chế trong hiểu biết của họ về đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phong tục tập quán, hủ tục lạc hậu còn diễn ra khá phổ biến. Mặc dù có nhiều khó khăn, trở ngại, song cán bộ, chiến sĩ, trí thức trẻ tình nguyện của Đoàn Kinh tế - quốc phòng 327 luôn xác định, việc giúp dân xóa đói, giảm nghèo bền vững là một nhiệm vụ quan trọng, góp phần ổn định tình hình chính trị, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc trên vùng biên giới của Tổ quốc.
Với phương châm “Nói cho dân hiểu, làm cho dân tin, hướng dẫn để nhân dân làm theo”, Đảng ủy, chỉ huy Đoàn Kinh tế - quốc phòng 327 đã triển khai cho các tổ, đội sản xuất của các lâm trường cùng đội viên trí thức trẻ tình nguyện thực hiện tốt “3 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm), tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Ngoài ra, đơn vị còn phối hợp chặt chẽ với chính quyền cơ sở tổ chức cho bà con các thôn, bản bình chọn hộ nghèo tham gia dự án xóa đói, giảm nghèo, xem xét khả năng của từng hộ để hỗ trợ đầu tư phù hợp. Những việc làm thiết thực, cụ thể đó đã tạo động lực cho bà con tích cực lao động, đồng thời, xóa bỏ dần tư tưởng trông chờ vào sự may rủi của tự nhiên và trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Bản Đồng Thắng (xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh) tập trung chủ yếu bà con các dân tộc Tày, Dao sinh sống, phong tục tập quán còn lạc hậu; trước đây, tỷ lệ hộ nghèo khá cao (hơn 30%), nhưng từ khi bộ đội Lâm trường 155 (Đoàn Kinh tế - quốc phòng 327) về giúp dân triển khai các dự án giảm nghèo, đời sống của bà con có sự đổi thay rõ rệt. Từ chỗ thiếu đói, nay có khá nhiều hộ dân đã dư lương thực, mua được xe gắn máy, máy thu hình và nhiều vật dụng sinh hoạt; một số hộ chăn nuôi giỏi, có năm nguồn thu từ bán gia súc, gia cầm được gần 100 triệu đồng.
Thực hiện nhiệm vụ trên địa bàn có nhiều xã đặc biệt khó khăn, Đoàn Kinh tế - quốc phòng 327 có nhiều cách làm sáng tạo, khắc phục được những bất cập, chồng chéo trong thực hiện các dự án xóa đói, giảm nghèo. Trên cơ sở nhiệm vụ được giao, Đoàn Kinh tế - quốc phòng 327 thường xuyên trao đổi, thống nhất với các cơ quan chức năng địa phương rà soát, điều chỉnh các dự án; phối hợp, lồng ghép các chương trình, dự án của đơn vị với các dự án xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội của Trung ương và địa phương, bảo đảm đầu tư đồng bộ, hiệu quả các dự án. Chẳng hạn, trong việc thực hiện Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, đơn vị tiến hành triển khai rộng khắp trong vùng, tập trung vào các mô hình trồng trọt (như trồng khoai tây, mía đường) và chăn nuôi (như nuôi lợn rừng, dê, lợn nái sinh sản, gà sao, chim cút đẻ trứng và cá song), với phương thức đơn vị hỗ trợ kinh phí đầu tư, người dân đóng góp vốn tự có (nhân công, vật liệu tự làm, tự tạo); các mô hình đã thu hút 430 hộ dân tham gia, trong đó 98% số hộ nghèo là đồng bào các dân tộc thiểu số.
Trên cơ sở nghiên cứu đặc điểm địa bàn, thói quen canh tác của đồng bào các dân tộc thiểu số, Đoàn Kinh tế - quốc phòng 327 đã xây dựng các mô hình giảm nghèo có hiệu quả kinh tế cao, ứng dụng rộng rãi trong đời sống nhân dân, như trồng cây na dai, măng tre Bát Độ, thanh long ruột đỏ, đặc biệt là cây ba kích - loại cây có thể tiêu thụ mạnh trên thị trường. Hiện nay, đơn vị đang phối hợp triển khai 16 mô hình trồng lúa lai, ngô lai, khoai tây, đỗ tương cao sản, mít Thái Lan, nấm sò, thanh long ruột đỏ, hồi, quế,… và 17 mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm, cá song,… tại các vùng dự án đạt hiệu quả khá, giúp cho hơn 3 nghìn hộ gia đình đồng bào các dân tộc thiểu số được hưởng lợi từ các mô hình này.
Trong điều kiện ngân sách đầu tư hạn hẹp, Đoàn Kinh tế - quốc phòng 327 chủ trương tạm dừng triển khai các dự án lớn, tập trung xây dựng, triển khai thực hiện các dự án vừa và nhỏ, “sát sườn” với dân, giúp dân sản xuất lâm nghiệp, nông nghiệp, phát triển chăn nuôi và được hưởng lợi ngay, góp phần giảm nghèo nhanh, tiến tới giảm nghèo bền vững. Sau khi được hướng dẫn các mô hình giảm nghèo, người dân đã từng bước tạo lập kinh tế hộ gia đình, sản xuất được những sản phẩm thiết yếu đáp ứng nhu cầu đời sống nhân dân trong vùng. Nhiều cách làm hay, kinh nghiệm mới được áp dụng và nhân rộng trong thôn, xã; số hộ nghèo tham gia các dự án xóa đói, giảm nghèo được giải quyết một phần việc làm, tăng thu nhập, góp phần giảm tỷ lệ đói nghèo tại địa phương. Điển hình là các mô hình: nuôi gà sao, chim cút (ở các xã Quảng Sơn, Quảng Đức, huyện Hải Hà); bò sinh sản, dê núi (ở huyện Bình Liêu), sò huyết, cá song (ở thành phố Móng Cái),… của Lâm trường 155, Lâm trường 103, Lâm trường 42.
Đi đôi với nhiệm vụ phát triển kinh tế, Đảng ủy, chỉ huy Đoàn Kinh tế - quốc phòng 327 còn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thường xuyên phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương chăm lo xây dựng, củng cố cơ sở chính trị trên địa bàn vững mạnh; tổ chức, quy hoạch lại dân cư trên địa bàn; giúp dân phát triển sản xuất, từng bước tạo dựng nền kinh tế hàng hóa; đưa các dịch vụ văn hóa, y tế về thôn, bản, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Đây là cơ sở quan trọng để xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc trên vùng biên giới của Tổ quốc. Từ năm 2003 đến nay, Đoàn Kinh tế - quốc phòng 327 đã phối hợp với địa phương vận động di dân, giãn dân hơn 1.680 hộ, với gần 4.000 nhân khẩu; tách hộ tại chỗ hơn 560 hộ, với hơn 2.300 nhân khẩu; xóa nhiều “vùng trắng” về dân cư, tạo tiền đề để tách xã Bắc Hải Sơn thành 2 xã Bắc Sơn và Hải Sơn hiện nay; thành lập thêm bản mới Tân Đức (xã Quảng Đức); khôi phục 15 bản, cụm dân cư thuộc các huyện Bình Liêu, Hải Hà và thành phố Móng Cái. Các hộ ra định canh, định cư ở vùng giáp biên cơ bản ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất.
Những vấn đề đặt ra và biện pháp khắc phục
Bên cạnh những kết quả rất đáng tự hào, quá trình thực hiện các dự án xóa đói, giảm nghèo của Đoàn Kinh tế - quốc phòng 327 vẫn còn những hạn chế, khó khăn nhất định, ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế - xã hội vùng dự án xóa đói, giảm nghèo và thu hút bà con đến sinh sống, làm ăn, định cư lâu dài. Chẳng hạn, việc thiếu vốn đầu tư ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của các dự án mà đơn vị đã và đang triển khai, nhất là về kết cấu hạ tầng, “điện, đường, trường, trạm”; tổ chức dịch vụ “hai đầu” cho một số sản phẩm nông, lâm, thủy sản chưa ổn định. Bên cạnh đó, việc thay đổi nhận thức, thói quen du canh, du cư và ý thức thoát nghèo của đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây không thể có được trong thời gian ngắn. Người dân do được hưởng hỗ trợ hết năm này qua năm khác nên nhiều người không muốn thoát nghèo, muốn ỷ lại vào kinh phí của Nhà nước và công sức của bộ đội. Những hạn chế, khó khăn đó cũng là sự trăn trở của tất cả các cán bộ, chiến sĩ luôn tâm huyết với công tác xóa đói, giảm nghèo của Đoàn Kinh tế - quốc phòng 327. Để công tác xóa đói, giảm nghèo của Đoàn đạt được kết quả bền vững, trong thời gian tới cần thực hiện tốt một số nội dung cơ bản sau:
Thứ nhất, Đoàn Kinh tế - quốc phòng 327 phối hợp với các lực lượng trên địa bàn tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp đồng bộ, như tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao nhận thức, dân trí, xóa bỏ các phong tục, tập quán lạc hậu; dạy nghề, tạo việc làm; hỗ trợ đất ở, các điều kiện phát triển sản xuất; đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng ở các khu vực tập trung các hộ đồng bào dân tộc thiểu số.
Thứ hai, để giúp người dân an cư nơi biên giới, trong xây dựng các chương trình, dự án kinh tế - quốc phòng cần thực hiện tốt quy trình khép kín: hỗ trợ cây, con giống, phương tiện sản xuất, dụng cụ khai thác - bao tiêu sản phẩm - ký hợp đồng giao khoán diện tích theo thiết kế khai thác đã cấp giấy phép - thu hút hộ dân vào làm việc - tạo công việc có thu nhập ổn định cho người dân, tạo hiệu quả đồng bộ cả về kinh tế, chính trị, xã hội và quốc phòng, an ninh.
Thứ ba, bồi dưỡng, lựa chọn, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên các đội sản xuất có trình độ lý luận, năng lực tham mưu, kỹ năng công tác và phẩm chất cách mạng, thật sự đồng cam, cộng khổ, cùng ăn, cùng ở, cùng làm với dân, thông hiểu tiếng nói, chữ viết, phong tục, tập quán của từng dân tộc thiểu số; khắc phục tình trạng đưa cán bộ thiếu phẩm chất, năng lực yếu và không có uy tín về công tác tại các đội sản xuất.
Thứ tư, có chính sách thỏa đáng (chính sách lương, phụ cấp ưu đãi, chính sách sử dụng, đào tạo và chính sách hậu phương quân đội) đối với cán bộ, chiến sĩ, để họ yên tâm, gắn bó với nhiệm vụ ở địa bàn biên giới, miền núi. Bên cạnh đó, cần có sự quan tâm, sắp xếp ổn định nơi ăn ở, công tác cho trí thức trẻ tình nguyện. Hầu hết các đội viên trí thức trẻ tình nguyện đều chưa có gia đình, trong đó có khoảng 60% là người dân tộc thiểu số, ở gần địa bàn công tác, do đó, để tạo điều kiện cho đội ngũ này lập nghiệp, yên tâm gắn bó lâu dài ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, đề xuất việc hoàn thiện cơ chế, chính sách tuyển chọn những trí thức trẻ đủ đức, đủ tài, tự nguyện ở lại phục vụ lâu dài.
Có thể nói, những kết quả đạt được trong công tác xóa đói, giảm nghèo của Đoàn Kinh tế - quốc phòng 327 những năm qua đã góp phần làm thay đổi diện mạo tuyến biên giới tỉnh Quảng Ninh; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở các địa bàn trọng yếu, “nhạy cảm” trên tuyến biên giới được giữ vững, qua đó khẳng định chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Quân đội về xây dựng các khu kinh tế - quốc phòng là đúng đắn, mang lại hiệu quả nhiều mặt, có tính chiến lược lâu dài./.
Ấn Độ hướng tới vai trò cân bằng quyền lực tại châu Á  (05/10/2016)
Binh chủng Tăng Thiết giáp phát động thi đua cao điểm "Đoàn kết, lập công, quyết thắng"  (05/10/2016)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Đại sứ Nhật Bản chào từ biệt  (05/10/2016)
Thủ tướng: Các bộ, ngành phải có kế hoạch hành động mạnh mẽ  (05/10/2016)
Mở rộng hợp tác giữa các địa phương Việt Nam và Nhật Bản  (05/10/2016)
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp và sự vận dụng của Đảng đối với vấn đề bảo đảm an ninh lương thực ở Việt Nam hiện nay
- Công an nhân dân tu dưỡng, rèn luyện, quyết tâm thực hiện lời căn dặn “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Chính sách đối ngoại đa phương của nước Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Nâng cao chất lượng quản lý đảng viên ở ngoài nước trong giai đoạn mới: Thực trạng và giải pháp
- Xây dựng huyện đảo Trường Sa trở thành trung tâm kinh tế - xã hội trên biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo: Thực tiễn và vấn đề đặt ra hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên