Ấn Độ hướng tới vai trò cân bằng quyền lực tại châu Á

Phan Thị Thu Dung Bộ Công an
20:22, ngày 05-10-2016

TCCSĐT - Là quốc gia lớn nhất tiểu lục địa Nam Á, diện tích rộng thứ bảy và đông dân thứ hai trên thế giới, có 2/3 chiều dài đất nước tiếp giáp với biển, đồng thời là một trong những cái nôi văn minh của nhân loại, Ấn Độ sở hữu nhiều nguồn lực để phát triển sức mạnh tổng hợp quốc gia. Ấn Độ giờ đây đang “trỗi dậy” mạnh mẽ với vai trò và vị thế ngày càng gia tăng tại châu Á.

Bước phát triển “bứt phá”

Ấn Độ chính thức xuất hiện trên bản đồ chính trị thế giới kể từ ngày 15-8-1947 khi tuyên bố giành độc lập từ tay thực dân Anh. Từ đó đến nay, với chính sách đối ngoại dựa trên khả năng nắm bắt và thích ứng nhanh trước các diễn biến của tình hình quốc tế và chính sách đối nội được đánh dấu bằng các cuộc cải cách kinh tế - xã hội, Ấn Độ đã có những bước phát triển đáng chú ý, đặc biệt trong hơn một thập niên trở lại đây.

Thứ nhất, trong những năm 80 của thế kỷ trước, Ấn Độ được biết đến là một đất nước có nền chính trị bất ổn với hàng loạt cuộc biểu tình, hoạt động ly khai và nền kinh tế ảm đạm với mức tăng trưởng khiêm tốn, lạm phát cao. Tuy nhiên, chính sách tự do hóa kinh tế được Chính phủ Ấn Độ khởi xướng vào năm 1991 đã đem lại một “bộ mặt” hoàn toàn mới cả về kinh tế và chính trị cho quốc gia Nam Á này.

Sự chuyển đổi mạnh mẽ của nền kinh tế Ấn Độ trong thời gian này cũng trở thành trụ cột nâng đỡ cho những biến chuyển về chính trị. Tốc độ tăng trưởng trung bình của Ấn Độ đạt 6,9% trong thập niên đầu sau cải cách và trên 8% trong thập niên tiếp theo. Điều đáng nói là, trong khi tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc và thế giới gần đây có dấu hiệu giảm sút, kinh tế Ấn Độ lại đi theo xu hướng trái ngược. Năm 2015, Ấn Độ đã vượt Trung Quốc trở thành nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới(1). Theo nhiều dự báo, “bức tranh tươi sáng” trong tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ sẽ còn tiếp diễn, khi đến năm 2030, thậm chí năm 2020, Ấn Độ có thể trở thành nền kinh tế thứ ba trên thế giới.

Thứ hai, Ấn Độ sở hữu một hệ thống pháp luật khá phát triển cùng với các thiết chế đem lại môi trường thuận lợi cho việc kinh doanh. Đây được coi là “biệt dược” cho sự phát triển sôi động của khu vực kinh tế tư nhân tại Ấn Độ, với mức tăng trưởng trung bình hằng năm đạt trên 25%. Kinh tế tư nhân là xương sống của nền kinh tế, tạo động lực cho tăng trưởng của Ấn Độ. Những cái tên như Infosys, Tata, Ranbaxy hay Tập đoàn Reliance Industries không chỉ nổi tiếng ở Ấn Độ mà còn được toàn thế giới biết đến. Ấn Độ cũng sở hữu một hệ thống ngân hàng và thị trường vốn cho phép huy động hiệu quả các nguồn lực. Công nghệ hiện đại và phương thức quản lý hiệu quả theo tiêu chuẩn quốc tế là những giải pháp được các công ty, tập đoàn Ấn Độ ưu tiên áp dụng.

Thứ ba, lĩnh vực dịch vụ hằng năm đóng góp tới 50% tổng GDP của Ấn Độ, bằng tổng doanh thu của cả hai lĩnh vực công nghiệp và nông nghiệp gộp lại. Những mặt hàng xuất khẩu chủ lực, tạo doanh thu lớn nhất cho Ấn Độ là phần mềm, công nghệ và dịch vụ. Một nguồn nhân lực với đội ngũ doanh nhân, nhà quản lý có năng lực và tầm nhìn chiến lược đang gia tăng nhanh chóng về số lượng là một nhân tố quan trọng để kinh tế Ấn Độ tiếp tục đà tăng trưởng.

Thứ tư, với dân số trên 1,2 tỷ người (và vẫn có xu hướng tiếp tục tăng), trong đó có 30% dưới 15 tuổi, Ấn Độ có một thị trường nội địa và nguồn nhân lực khổng lồ. Hiện nay, Ấn Độ đã đạt được những bước tiến lớn trong xóa đói, giảm nghèo và cải thiện mức sống của người dân. Từ năm 1985 đến nay, những cải cách trong kinh tế của Ấn Độ đã mang đến cơ hội thoát nghèo cho khoảng 431 triệu người. Cơ cấu dân số và những thành tựu kinh tế - xã hội đạt được khiến người dân Ấn Độ có cơ sở để hy vọng về một tương lai tươi sáng hơn nữa.

Những “mặt trái” của tăng trưởng

Bên cạnh những “điểm sáng”, Ấn Độ cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình phát triển.

Một là, tính đa dạng về dân tộc, ngôn ngữ, và cùng với đó là khoảng cách giàu nghèo, chênh lệch phát triển giữa các vùng miền còn rõ nét. Ấn Độ là nơi cư trú của 32 dân tộc với 330 phương ngữ khác nhau. Điều này mang lại cho Ấn Độ tính đa dạng, phong phú của một quốc gia đa dân tộc, tuy nhiên cũng đặt ra những khó khăn không nhỏ trong việc giữ gìn bảo đảm sự hài hòa, đồng thuận trong quá trình phát triển. Nhiều khách du lịch đến với Ấn Độ đã không khỏi ngạc nhiên khi ngay cạnh những khu phố sầm uất, đông đúc là những khu nhà dột nát của người nghèo. Mặc dù tầng lớp trung lưu ở Ấn Độ ngày càng gia tăng, nhưng nơi đây cũng chiếm tới hơn 40% số người nghèo trên toàn thế giới. Hiện nay, ở Ấn Độ vẫn còn hơn 365 triệu người sống với 1 USD/ngày, trên 80% trong số đó sống dưới mức nghèo khổ. Ấn Độ đứng thứ 131 trên thế giới về chỉ số phát triển con người, tỷ lệ xóa nạn mù chữ của Ấn Độ chỉ đạt 60% và 47% đối với phụ nữ.

Hai là, sự đa dạng trong văn hóa, ngôn ngữ và truyền thống của Ấn Độ là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng chia rẽ trong hệ thống chính trị tại nước này. Trong nhiều thế kỷ, Ấn Độ là một tập hợp của 175 thành bang dưới sự cai trị của hằng trăm vương công, quý tộc. Những chính phủ được định hình tại Ấn Độ trong khoảng 30 năm gần đây đều là những khối thống nhất, mà trong đó rất nhiều đảng phái địa phương có ít điểm đồng cùng tham gia. Thủ tướng Anh Uyn-xtơn Chớc-chin (Winston Churchill) từng nhận định, Ấn Độ chỉ khác với châu Âu xét về mặt địa lý, còn về chính trị không có sự khác nhau. Hiện trạng đa dạng và chia rẽ gây khó khăn cho Niu Đê-li trong việc xác định một lợi ích dân tộc nhất quán và huy động các nguồn lực trong nước để thúc đẩy các lợi ích đó. Chế độ dân chủ dân túy của Ấn Độ làm cho nhiều chính sách trong một số lĩnh vực thiếu tính đồng nhất, thường xuyên thay đổi theo quan điểm của đảng cầm quyền.

Ba là, “di sản” của nền văn hóa Ấn Độ đã ăn sâu vào nếp suy nghĩ của người dân, trong đó có một vấn đề không dễ giải quyết trong một sớm một chiều, đó là hệ thống đẳng cấp tồn tại trong lòng xã hội Ấn Độ. Xã hội Ấn Độ - nơi mà địa vị của cá nhân trong một tôn ti trật tự xã hội có sẵn được phân định ngay khi cá nhân đó được sinh ra. Một mô hình xã hội với hệ thống các đẳng cấp vô hình chung làm cho xã hội Ấn Độ cứng nhắc, hạn chế tính năng động của cá nhân và suy rộng ra là của cả nền kinh tế. Chế độ phân biệt đẳng cấp là trở lực lớn đối với tiến trình phát triển của Ấn Độ.

Bốn là, kết cấu hạ tầng, hệ thống đường sá, sân bay, cầu cảng của Ấn Độ chưa đáp ứng kịp với nhịp độ phát triển kinh tế. Những hạn chế trong kết cấu hạ tầng làm giảm sự kết nối nhanh chóng giữa các vùng của Ấn Độ, là yếu tố cản trở phát triển trong lĩnh vực sản xuất, chế tạo và nhiều ngành công nghiệp khác. Mặc dù sở hữu một thị trường với tiềm năng đầy hứa hẹn, song những yếu kém trong hệ thống hạ tầng ngăn cản Ấn Độ tiếp cận và tận dụng các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nhất là nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Minh chứng rõ ràng cho điều này đó là Ấn Độ thu hút nguồn vốn FDI ít hơn 10 lần so với Trung Quốc, mặc dù tiềm năng về thị trường của nước này không thua kém nhiều so với Trung Quốc. Để trở thành một cường quốc về kinh tế, Ấn Độ không thể chỉ dựa vào dịch vụ mà không coi trọng phát triển lĩnh vực công nghiệp.

Dẫu vậy, sự thịnh vượng kinh tế đã truyền một luồng sinh khí và cảm hứng mới mẻ đến mọi người dân, theo thời gian, những “điểm sáng” trong bức tranh kinh tế Ấn Độ sẽ lấp dần những khoảng tối của nghèo đói, dịch bệnh, những điểm hạn chế, hướng tới tương lai tươi sáng hơn phía trước.

Vai trò trong cân bằng quyền lực tại châu Á

Liệu Ấn Độ có thể trở thành một cường quốc về kinh tế - chính trị ở châu Á và thế giới hay không? Câu trả lời là Ấn Độ hoàn toàn có thể. Ấn Độ là một quốc gia lớn, với quy mô nền kinh tế lớn hơn nhiều so với tất cả các nền kinh tế ASEAN cộng lại. Mặc dù GDP của Ấn Độ hiện nay kém GDP của Trung Quốc 3,5 lần, nhưng với tốc độ tăng trưởng như hiện nay và quy mô dân số được dự báo sẽ vượt Trung Quốc vào năm 2050 là một lợi thế đáng nói. Trong ngắn hạn, mô hình dân chủ của Ấn Độ có thể không đem đến những cải cách kinh tế nhanh chóng, nhưng đây lại là một lợi thế chiến lược lâu dài đối với sự phát triển của Ấn Độ. Với hệ thống chính trị linh hoạt, Ấn Độ sẽ dễ dàng thích nghi và đối phó hiệu quả hơn với những thay đổi xã hội nảy sinh trong quá trình phát triển.

Cả Ấn Độ và Trung Quốc đều đang trỗi dậy mạnh mẽ. Tuy nhiên, trong khi sự “trỗi dậy” hòa bình của Trung Quốc được thế giới đón nhận với tâm lý e ngại thì sự “trỗi dậy” của Ấn Độ ít tạo ra tâm lý cảnh giác e ngại đối với cộng đồng quốc tế, các quốc gia khác không cảm thấy sự trỗi dậy của Ấn Độ tạo ra một thách thức đối với trật tự quốc tế. Điều đó có nghĩa là, Ấn Độ có một điều kiện không thể thuận lợi hơn trong việc vươn tầm ảnh hưởng và sức mạnh của họ ra thế giới bên ngoài.

Bên cạnh sức mạnh kinh tế đang gia tăng đáng kể, Ấn Độ còn là một nước lớn nắm trong tay quyền năng về hạt nhân. Gần 30 năm sau vụ thử hạt nhân dưới lòng đất lần đầu tiên, tháng 5-1998, Ấn Độ lại tiến hành một loạt vụ thử hạt nhân và chính thức hóa địa vị cường quốc hạt nhân của họ. Chương trình hạt nhân của Ấn Độ, bấy lâu nay vẫn còn nằm trong vòng bí mật, đã đạt được danh phận chính thức khi một thỏa thuận hạt nhân dân sự giữa Mỹ và Ấn Độ được ký kết vào năm 2008. Thỏa thuận hạt nhân với Ấn Độ là ngoại lệ duy nhất của Mỹ trong khuôn khổ Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) khi Ấn Độ chưa đặt bút ký kết hiệp ước này. Thỏa thuận đạt được đã làm thay đổi căn bản bối cảnh chiến lược, đưa Ấn Độ vững bước trên sân khấu chính trị thế giới với vị thế của một quốc gia dự phần chính yếu. Sự thay đổi căn bản trong chính sách của Oa-sinh-tơn đối với chương trình hạt nhân của Niu Đê-li, bên cạnh những lợi ích quan trọng về kinh tế còn xuất phát từ điểm đồng lợi ích về an ninh của hai nước, đó chính là mối quan ngại về sức mạnh quân sự đang gia tăng mạnh mẽ của Trung Quốc.

Trên thực tế, cả Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản đều tích cực ủng hộ, mong muốn một Ấn Độ hùng mạnh vì một thế giới và khu vực châu Á - Thái Bình Dương cân bằng hơn. Để tận dụng được cơ hội này, Ấn Độ cần phải khẳng định một cách thuyết phục hơn sự hiện diện của mình, đồng thời thể hiện vai trò và tiếng nói lớn hơn đối với các vấn đề nổi lên trong khu vực. Ấn Độ đã khá thành công trong cải cách và hiện đại hóa quân đội, đặc biệt là hải quân và Ấn Độ Dương sẽ tiếp tục nằm dưới sự kiểm soát của họ. Tuy vậy, Ấn Độ cần quan tâm hơn nữa đến an ninh, ổn định và phát triển của các nước nhỏ ở Đông Nam Á.

Sức mạnh và thực lực của Ấn Độ xét về lâu dài là một nhân tố quan trọng trong cân bằng quyền lực tại châu Á và khu vực./.

----------------------------------------

(1) Năm 2015, mức tăng trưởng của Ấn Độ là 7,2% (theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế - OECD), 7,3% (theo IMF), 7,4% (theo Ngân hàng Phát triển châu Á - ADB), trong khi mức tăng trưởng của Trung Quốc là 6,8% (theo OECD, Qũy Tiền tệ quốc tế - IMF), 6,9% (theo ADB)