Trong ngày làm việc thứ hai của Phiên họp thường kỳ tháng 9-2016, Chính phủ thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội.


Tại buổi làm việc này, Chính phủ đã bàn bạc, thống nhất những giải pháp để hoàn thành cao nhất mục tiêu tăng trưởng từ 6,3-6,5% trong năm 2016.

Tăng trưởng cao nhất từ đầu năm

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mặc dù còn nhiều khó khăn hạn chế, nhưng nhìn chung, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực trên hầu hết các lĩnh vực. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 tăng 0,54% so với tháng trước và tăng 3,14% so với tháng 12/2015.

Thông số nổi bật trong bức tranh kinh tế-xã hội đất nước chín tháng qua là mức tăng trưởng mạnh của GDP quý 3 so với hai quý trước (đạt 6,4%) kéo tổng GDP chín tháng lên mức 5,93%.

Trong chín tháng, có 81.451 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký hơn 629.000 tỷ đồng, tăng hơn 19% về số doanh nghiệp và tăng khoảng 50% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ.

Theo kịch bản của Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự đoán, nếu quý 4 có mức tăng trưởng như quý 3 (là 6,4%), thì cả năm 2016 tăng trưởng chỉ đạt 6%. Nếu quý 4 năm nay có mức tăng trưởng tương đương với cùng kỳ năm trước (7%) thì cả năm 2016 tăng 6,3%. Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo để tăng trưởng cả năm đạt 6,5%, thì quý 4 phải tăng 7,7%, điều này, cần có sự cố gắng rất lớn của các cấp, các ngành, các địa phương.

Các thành viên Chính phủ cho rằng trong ba tháng cuối năm, nền kinh tế đất nước vẫn còn một số dư địa tăng trưởng, nhất là đầu tư trực tiếp nước ngoài và tiếp tục đẩy mạnh giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước và trái phiếu Chính phủ năm 2016. Việc này sẽ cải thiện cầu và sức mua trong nước, phát triển mạnh mẽ của ngành du lịch và sự phục hồi của ngành nông nghiệp.

Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong tình hình mới

Nhìn nhận tổng quan tình hình kinh tế-xã hội đất nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao nỗ lực của các thành viên Chính phủ, các cấp các ngành và địa phương trong việc tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho sản xuất kinh doanh; ban hành nhiều quyết sách được người dân và doanh nghiệp hoan nghênh, ủng hộ.

Cho biết nhiều nhà kinh tế nhận định mức 6,5% trở lên tăng trưởng kinh tế năm 2016 sẽ là một điểm sáng của khu vực, Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu phấn đấu tăng trưởng từ 6,3% đến 6,5% là một yêu cầu rất lớn cần có những giải pháp quyết liệt, mạnh mẽ, khắc phục các khó khăn, trở ngại từ phía tập thể Chính phủ và các cấp, các ngành.

Thủ tướng đề nghị mỗi thành viên Chính phủ phải có các biện pháp cụ thể để tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn; đồng thời phải đổi mới cách làm phù hợp trong tình hình mới, nhất là những tồn tại kéo dài như nợ xấu, nợ công, tái cơ cấu tổ chức tín dụng yếu kém, doanh nghiệp Nhà nước thua lỗ kéo dài, sự chậm trễ phát triển các doanh nghiệp nội địa hay một số dấu hiệu trì trệ khác như trong xây dựng cơ bản.

Thủ tướng yêu cầu, năm 2017 và những năm đầu nhiệm kỳ, mỗi bộ, ngành cần dự thảo kế hoạch hành động mạnh mẽ với tinh thần tấn công, đột phá trình Chính phủ, Thường trực Chính phủ xem xét. “Các bộ nhận diện chính xác các thách thức, phân tích nguyên nhân và có các giải pháp để tạo đột phá trong lĩnh vực được giao”, Thủ tướng nêu rõ.

Nêu lên tình trạng thiếu chủ động trong phát huy tinh thần Chính phủ kiến tạo của một số cán bộ, công chức; việc phản ứng, điều chỉnh chính sách còn bất cập, Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ xây dựng bộ chỉ số đánh giá thước đo để theo dõi kết quả đạt được trên từng lĩnh vực quản lý Nhà nước của từng bộ, ngành.

Mong muốn các bộ nỗ lực thực hiện mục tiêu lọt vào nhóm ASEAN 4 về môi trường đầu tư, Thủ tướng yêu cầu những vướng mắc trong thể chế mà thuộc thẩm quyền của Bộ và Chính phủ thì phải khắc phục ngay; tạo điều kiện thuận lợi hơn trong thủ tục, quy trình gia nhập thị trường, rút khỏi thị trường của doanh nghiệp.

Xây dựng định mức mới trong xây dựng cơ bản

Phân tích những yếu tố nâng cao quản lý đầu tư công, tài sản công, chỉ đạo các nhiệm vụ trung hạn, đề cập đến tình trạng thất thoát, thiếu kiểm soát trong xây dựng cơ bản, Thủ tướng yêu cầu thí điểm cắt giảm 10% tổng dự toán các công trình này để tránh để xảy ra tiêu cực, tham nhũng.

Cũng liên quan đến lĩnh vực này, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Xây dựng thí điểm xây dựng định mức mới cho mỗi km đường giao thông theo hướng tiết giảm, tiết kiệm hơn để làm quy chuẩn, áp dụng cho các công trình tương tự trong thời gian tới.

Nhấn mạnh đến công tác quản lý ngân sách, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần có bước chuyển lớn trong tư duy quản lý ngân sách, quản lý tài sản công. Mỗi quyết định chi tiêu phải đặt ba câu hỏi: Có tiết kiệm không, có lãng phí không, có hiệu quả không. Chính sách thu chi ngân sách phải kích thích được sản xuất, khơi thông được nguồn lực, phù hợp với khả năng của nền kinh tế. Thủ tướng hoan nghênh Bộ Tài chính đi đầu trong khoán xe công cấp thứ trưởng và Tổng Cục trưởng. Thủ tướng cũng lưu ý Bộ Tài chính cần sửa đổi những định mức thu, chi quá thấp, là kẽ hở, tạo sự gian dối, bất hợp lý.

Thủ tướng cũng giao Bộ Tài chính nghiên cứu hướng dẫn các thành phố lớn trong cả nước kiểm kê đánh giá hiệu quả sử dụng tài sản công; đề xuất mô hình quản lý công theo hướng thị trường, tránh hành chính hóa hoặc bao cấp.

Đề cập đến một nhiệm vụ quan trọng là tái cơ cấu ngân hàng và xử lý nợ xấu, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, trình những biện pháp đủ mạnh và giải quyết theo cơ chế thị trường, nhất là xử lý một số tổ chức tín dụng đang là nguy cơ của hệ thống ngân hàng; sử dụng tín dụng ưu tiên, kiểm soát chất lượng tín dụng, hạn chế tối đa phát sinh nợ xấu mới; tiếp tục phát huy phối hợp chính sách tiền tệ và tài khóa, nhằm đảm bảo thúc đẩy tăng trưởng và kiểm soát lạm phát.

Thủ tướng cũng đề nghị đẩy nhanh tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước. Việc thoái vốn ngoài ngành phải đảm bảo công khai, minh bạch, không để lợi ích nhóm thao túng và mang về lợi ích tối đa cho Nhà nước; gắn trách nhiệm người đứng đầu.

Về những giải pháp ngắn hạn 2016, khẳng định ổn định kinh tế vĩ mô là chủ trương nhất quán để tăng trưởng bền vững, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương không chủ quan, kiểm soát tốt lạm phát để tăng không quá 5% như Nghị quyết Quốc hội nêu; không tăng giá điện trong năm 2016 và điều chỉnh các loại giá mặt hàng thiết yếu, giá dịch vụ y tế phù hợp.

Thủ tướng giao Bộ Tư pháp khẩn trương phối hợp với các Bộ rà soát các Luật liên quan để đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định trong quản lý đầu tư, xây dựng, đầu tư công, quản lý ngân sách Nhà nước theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy mạnh phân cấp, chuyển đổi phương thức quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm.

Liên quan đến lĩnh vực tài chính, ngân sách, Thủ tướng đề nghị triển khai đồng bộ các biện pháp quản lý thuế để đôn đốc, thu hồi nợ đọng thuế, phấn đấu đến 31-12-2016, nợ đọng thuế không quá 5% so với tổng số thu của năm 2015. Đi đôi với đó là rà soát, mở rộng cơ sở thuế, nhất là thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, chống thất thu, nhất là các hộ, cá nhân kinh doanh có doanh thu lớn ở các thành phố, đô thị; rà soát, kiểm tra chặt chẽ việc kê khai giá tính thuế đối với những mặt hàng hóa nhập khẩu có kim ngạch lớn, thuế suất cao.

Thủ tướng cũng chỉ đạo các bộ, địa phương sớm triển khai việc đền bù, hỗ trợ cho đối tượng bị thiệt hại do sự cố môi trường tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế theo đúng quy định, không để xảy ra thất thoát, tiêu cực.

Để thúc đẩy xuất khẩu, Thủ tướng yêu cầu tất cả các bộ, đặc biệt là Bộ Công Thương rà soát lại những biện pháp xuất khẩu, đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát nhập siêu; khai thác tối đa thị trường trong nước; hỗ trợ đẩy nhanh việc tiêu thụ một số sản phẩm như than, phôi thép, thép xây dựng, phân bón, giấy, ximăng, hóa chất; thủy hải sản, các sản phẩm nông nghiệp. Đẩy mạnh đổi mới công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu theo hướng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp./.