Từ quan điểm của C. Mác về những xu hướng phát triển chủ yếu của lực lượng sản xuất, suy nghĩ về vấn đề phát triển lực lượng sản xuất ở Việt Nam
TCCSĐT - Muốn không ngừng nâng cao mức sống thì phải phát triển sản xuất mà trước hết là phát triển lực lượng sản xuất. Nghiên cứu quan điểm của C. Mác về những xu hướng phát triển chủ yếu của lực lượng sản xuất và qua đó, vận dụng vào lý giải vấn đề phát triển lực lượng sản xuất ở Việt Nam là việc làm cần thiết.
Theo C. Mác, trong quá trình lao động, con người sử dụng những tư liệu lao động để làm cho đối tượng lao động biến đổi theo mục đích đã định trước. Như vậy, quá trình lao động là hoạt động có mục đích nhằm tạo ra giá trị sử dụng, là sự chiếm đoạt những vật liệu trong thiên nhiên để thỏa mãn những nhu cầu của con người, là điều kiện chung của sự trao đổi chất giữa con người với tự nhiên. Theo đó, một bên là con người và lao động của con người; bên kia là tự nhiên và vật liệu của tự nhiên. Nói gọn lại, đó là mối quan hệ của gồm hai yếu tố: yếu tố người và yếu tố vật, mà gộp lại, gọi là lực lượng sản xuất.
Trước hết, xét mối quan hệ giữa yếu tố người và yếu tố vật, hay còn gọi là mối quan hệ giữa yếu tố chủ quan và yếu tố khách quan. Khi nghiên cứu tích lũy tư bản, C. Mác nhận thấy sự phát triển của năng suất lao động xã hội là đòn bẩy mạnh nhất của tích lũy. “Sự tăng năng suất lao động thể hiện ra ở việc giảm bớt khối lượng lao động so với khối lượng tư liệu sản xuất mà lao động đó làm cho hoạt động, hay là thể hiện ra ở sự giảm bớt đại lượng của nhân tố chủ quan của quá trình lao động so với các nhân tố khách quan của quá trình đó”(1).
Theo C. Mác, sự biến đổi nói trên phản ánh vào trong kết cấu giá trị của tư bản, vào trong việc tăng thêm bộ phận bất biến của giá trị tư bản, bằng cách lấy vào bộ phận khả biến của nó. Đại lượng tương đối của giá cả đại biểu cho giá trị những tư liệu sản xuất đã tiêu dùng, hay là phần bất biến của tư bản, sẽ tỷ lệ thuận với sự tăng lên của tích lũy; còn đại lượng tương đối của giá cả được dùng để trả công, nói chung, sẽ tỷ lệ nghịch với sự tăng lên của tích lũy. Khi đổi mới tư bản cố định cũng thường ứng dụng những phát minh mới, nên tư bản cũ cũng được đổi mới “từ đầu đến chân”, khiến cho một khối lượng lao động ít hơn cũng đủ để vận dụng một khối lượng máy móc và nguyên liệu lớn hơn. Hệ quả là giảm sút tuyệt đối lượng cầu về lao động.
Như vậy, một mặt, số tư bản phụ thêm được hình thành trong tiến trình tích lũy ngày càng thu hút ít người lao động hơn so với đại lượng của nó. Mặt khác, số tư bản cũ được tái sản xuất ra một cách chu kỳ trong kết cấu mới, lại gạt bỏ một số ngày càng nhiều những người lao động mà trước đây nó đã dùng.
Khi mục tiêu của sản xuất còn hướng vào thu nhiều giá trị thặng dư hay lợi nhuận tối đa, thì việc tăng năng suất lao động thường dẫn đến tăng lao động thặng dư hơn là rút ngắn ngày lao động, nên tất yếu dẫn đến tăng số người thất nghiệp.
Tiếp đến, xét xu hướng phát triển của yếu tố người. C. Mác cho rằng, dưới chế độ phong kiến, hiệp tác lao động giản đơn cũng đã có ở những trang trại lớn của địa chủ và trong các phường hội, nhưng phổ biến vẫn là lao động riêng lẻ của các tiểu nông. Còn nền sản xuất tư bản chủ nghĩa chỉ thực sự bắt đầu ở nơi nào mà cùng một tư bản cá biệt thuê nhiều công nhân trong cùng một lúc. Do đó, hiệp tác lao động là điểm xuất phát lịch sử và là lô-gíc của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa. Ban đầu, nó chỉ khác phường hội ở chỗ, một số lượng công nhân đông hơn được nhà tư bản thuê cùng một lúc; nhưng rồi việc sử dụng một số lượng lớn công nhân cùng một lúc đã gây ra một cuộc cách mạng về sức lao động. C. Mác đã nêu lên 07 ưu thế của hiệp tác lao động. Tuy nhiên, không phải cứ tập trung đông người là mặc nhiên phát huy được những ưu thế đó, mà phải có 03 điều kiện: Một là, phải có kế hoạch. Trong sự hiệp tác có kế hoạch với những người khác, người công nhân vứt bỏ được những giới hạn cá nhân và phát triển được những tiềm lực loài của mình. Hai là, sự tích tụ một khối lượng lớn tư liệu sản xuất vào tay những nhà tư bản riêng rẽ là điều kiện vật chất cho sự hiệp tác của những công nhân làm thuê, và quy mô hiệp tác hoặc quy mô sản xuất phụ thuộc vào quy mô của sự tích tụ đó. Ba là, phải có sự chỉ huy và kế toán. Một người độc tấu vĩ cầm thì tự mình điều khiển lấy mình, còn dàn nhạc thì phải có nhạc trưởng. Kế toán với tư cách là phương tiện kiểm soát và khái quát hóa quá trình sản xuất trên ý niệm, càng trở nên cần thiết chừng nào mà quá trình sản xuất càng diễn ra trên quy mô xã hội và mất tính chất thuần túy cá thể. Do đó, kế toán càng cần thiết đối với nền sản xuất tư bản chủ nghĩa hơn là đối với nền sản xuất phân tán của thợ thủ công và nông dân, và lại càng cần thiết đối với nền sản xuất tập thể hơn là đối với nền sản xuất tư bản chủ nghĩa.
Theo C. Mác, công trường thủ công thực hiện hiệp tác có phân công vừa phát huy những ưu thế của hiệp tác lao động giản đơn, vừa thêm những ưu thế mới, bởi vì, mỗi công nhân chỉ thích ứng với một chức năng bộ phận, sử dụng một công cụ độc chuyên, do đó, dễ tích lũy kinh nghiệm, nâng cao nhanh trình độ thành thạo và cải tiến phương pháp lao động, nên năng suất lao động tăng lên.
C. Mác nhấn mạnh, trong giai đoạn đại công nghiệp cơ khí, hiệp tác lao động vẫn là tất yếu, vì máy móc, trừ một vài ngoại lệ, chỉ có thể hoạt động trong bàn tay của lao động đã trực tiếp xã hội hóa, hay là của lao động chung, nhưng sự hiệp tác giữa người với người ở đây lại phải theo yêu cầu của máy móc. Trong công trường thủ công và trong nghề thủ công, người công nhân sử dụng công cụ của mình, còn trong công xưởng, người công nhân phải phục tùng máy móc. Công nhân được phân phối cho các máy chuyên môn hóa; giữa các công nhân chỉ có sự hiệp tác giản đơn - giữa thợ chính và thợ phụ, giữa công nhân đứng máy và những người giúp việc,… Ở đây, sự phân công lao động có tính chất thuần túy kỹ thuật. Máy móc làm cho học vấn trở thành điều kiện bắt buộc đối với người lao động, đòi hỏi phải có sự giáo dục bách khoa.
C. Mác dự đoán: Theo đà phát triển của đại công nghiệp, việc tạo ra của cải thực sự sẽ trở nên ít phụ thuộc vào thời gian lao động và số lượng lao động đã chi phí, mà phụ thuộc vào trình độ chung của khoa học và vào tiến bộ kỹ thuật, hay phụ thuộc vào việc ứng dụng khoa học vào sản xuất. Lao động biểu hiện ra không phải chủ yếu là lao động được nhập vào quá trình sản xuất, mà chủ yếu là một loại lao động, trong đó con người là chủ thể kiểm soát và điều tiết bản thân quá trình sản xuất. Hệ thống máy móc tự động sẽ từng bước thay thế hầu hết lao động trực tiếp. Bởi vậy, thay vì làm tác nhân chủ yếu của quá trình sản xuất, người công nhân lại đứng bên cạnh quá trình ấy. Khi ấy, khoa học trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, phát minh trở thành một nghề đặc biệt, và đối với nghề này, việc vận dụng khoa học vào nền sản xuất trực tiếp tự nó trở thành một trong những yếu tố có tính chất quyết định và kích thích. Quá trình sản xuất từ chỗ là một quá trình lao động giản đơn trở thành quá trình khoa học. Lao động trực tiếp về lượng sẽ được quy vào một phần nhỏ hơn, còn về chất được chuyển hóa thành một yếu tố cần thiết nhưng là thứ yếu so với lao động khoa học phổ biến và đối với sự áp dụng khoa học tự nhiên vào công nghệ. Hệ thống máy móc tự động được phát triển cùng với sự tích lũy những tri thức xã hội và nói chung, sự tích lũy sức sản xuất, dẫn đến chỗ cơ sở chủ yếu của sản xuất và của cải sẽ không phải là lao động trực tiếp nữa mà là tri thức (2).
Trong bối cảnh trên sẽ xuất hiện tình huống thừa nhiều lao động giản đơn và thiếu công nhân tri thức (knowledge workers), do đó, đòi hỏi phải đẩy mạnh giáo dục, đào tạo để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
C. Mác khẳng định, ngay cả lao động giản đơn cũng phải phát triển tới một mức độ nào đó mới có thể chi phí được dưới hình thái này hay hình thái khác.
Việc phân bổ yếu tố người cũng biến đổi theo trình độ phát triển của lực lượng sản xuất. Trong nền kinh tế lạc hậu, phần lớn lao động tập trung trong nông nghiệp, nhất là trong trồng trọt. Khi năng suất lao động tăng lên, lao động trong trồng trọt sẽ giảm bớt, chuyển sang chăn nuôi, dịch vụ và các nghề phi nông nghiệp. Cũng như vậy, trong nền kinh tế nông nghiệp, đa số lao động cư trú ở nông thôn; cùng với đà phát triển của công nghiệp, lao động nông thôn giảm bớt để chuyển sang các khu công nghiệp và đô thị, và sau cùng, cả nông dân cũng trở thành công nhân nông nghiệp khi hoàn thành công nghiệp hóa nông nghiệp.
Như vậy, trong nền kinh tế hiện đại, lao động chủ yếu là lao động hiệp tác. Xu hướng biến đổi là lao động trực tiếp ngày càng giảm về số lượng và trở thành thứ yếu về chất lượng, còn lao động khoa học và công nghệ, đứng bên cạnh để giám sát và điều tiết quá trình sản xuất, ngày càng trở thành nguồn gốc chủ yếu của của cải xã hội, ngày càng được nâng cao về chất lượng. Nếu giáo dục, đào tạo không theo kịp xu hướng trên, tất yếu dẫn đến thừa lao động giản đơn và thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao.
Cuối cùng, xét yếu tố vật, tức là đối tượng lao động và tư liệu lao động. Theo C. Mác, tất cả những vật mà lao động chỉ có việc bứt ra khỏi mối quan hệ trực tiếp giữa chúng với đất đai đều là những đối tượng lao động do tự nhiên cung cấp, như cá dưới nước, gỗ trong rừng nguyên thủy, quặng trong vỉa quặng. Đối tượng lao động đã được lọc qua một lần lao động gọi là nguyên liệu.
Tư liệu lao động là một vật hay là toàn bộ những vật mà con người đặt ở giữa họ và đối tượng lao động, và được họ dùng làm vật truyền dẫn hoạt động của họ vào đối tượng ấy. Con người sẽ dùng những thuộc tính cơ học, lý học, hóa học của các vật, để tùy theo mục đích của mình mà dùng các vật đó, với tư cách là những công cụ, tác động vào các vật khác. Nếu không nói đến việc thu nhặt những tư liệu sinh hoạt sẵn có, như việc hái quả chẳng hạn, thì chúng ta thấy rằng, những vật mà con người trực tiếp chiếm hữu không phải là đối tượng lao động, mà là tư liệu lao động. Việc sử dụng và sáng tạo ra những tư liệu lao động là một nét đặc trưng riêng của quá trình lao động của con người. Những thời đại kinh tế khác nhau không phải là ở chỗ chúng sản xuất ra cái gì, mà là ở chỗ chúng sản xuất ra bằng cách nào, với những tư liệu lao động nào. Các tư liệu lao động không những là thước đo sự phát triển sức lao động của con người, mà còn là một chỉ tiêu của những quan hệ xã hội, trong đó lao động được tiến hành.
Theo nghĩa rộng, tư liệu lao động còn gồm tất cả những điều kiện vật chất cần thiết nói chung để cho quá trình lao động có thể diễn ra. Những điều kiện đó tuy không trực tiếp gia nhập vào quá trình lao động, nhưng nếu không có chúng thì hoặc giả quá trình lao động hoàn toàn không thể tiến hành được, hoặc giả sẽ chỉ diễn ra dưới một dạng không hoàn hảo mà thôi, như đất đai, nhà xưởng, kênh đào, đường sá,…
Một giá trị sử dụng nhất định thể hiện ra là nguyên liệu, tư liệu lao động hay sản phẩm, điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào chức năng nhất định của nó trong quá trình lao động, cũng như vào vị trí của nó trong quá trình ấy.
Cùng với sự tiến bộ không ngừng của khoa học - công nghệ, các tư liệu lao động cũng được thay thế bằng những cái mới có hiệu quả hơn. Mỗi sự tiến bộ trong lĩnh vực vật lý và hóa học không chỉ làm tăng thêm số lượng chất có ích và công dụng của những chất đã biết, mà còn tận dụng được phế liệu, phế phẩm; do đó, nguyên liệu ngày càng phong phú.
Khối lượng những tư liệu sản xuất mà người công nhân sử dụng tăng lên cùng với năng suất lao động của người đó, thể hiện trên hai mặt. Một mặt, nó là kết quả của sự tăng năng suất lao động, do trong cùng một khoảng thời gian, người ta chế biến được nhiều hơn nguyên liệu và vật liệu phụ. Mặt khác, các tư liệu lao động được sử dụng lại là điều kiện để tăng năng suất lao động.
Sự phát triển của hệ thống tư liệu lao động là chỉ số cho thấy tri thức xã hội phổ biến đã chuyển hóa đến mức độ nào thành lực lượng sản xuất trực tiếp.
C. Mác nhấn mạnh, bộ phận quan trọng nhất của tư liệu lao động là hệ thống máy móc. Hệ thống máy móc càng hiện đại thì sức sản xuất càng cao, càng làm cho giá trị của từng sản phẩm giảm xuống thấp hơn giá trị thị trường, nên sức cạnh tranh tăng lên và khi bán hàng theo giá cả thị trường sẽ thu được lợi nhuận siêu ngạch. Đối với xã hội nói chung, thì giới hạn sử dụng máy móc được quyết định bởi tình hình là: số lượng lao động tiêu phí để sản xuất ra máy móc phải ít hơn số lao động mà việc sử dụng máy móc thay thế. Song, đối với nhà tư bản thì giới hạn đó hẹp hơn. Các nhà tư bản chỉ dùng máy móc khi giá trị của máy móc thấp hơn so với giá trị của sức lao động bị máy móc thay thế. Bởi vậy, khi tiền công thấp sẽ ngăn cản việc sử dụng máy móc, vì lợi nhuận của nhà tư bản bắt nguồn không phải từ việc giảm bớt lao động được sử dụng, mà là từ việc giảm bớt lao động được trả công. Điều đó giải thích vì sao người Mỹ đã phát minh ra máy nghiền đá, nhưng người Anh không sử dụng những máy đó, bởi vì thuê “những kẻ khốn khổ” làm việc ấy với mức lương thấp sẽ có lợi hơn.
C. Mác còn cho rằng, trong quá trình hoạt động, máy móc sẽ bị hao mòn. Trước hết, đó là sự hao mòn vật chất do sử dụng hoặc bảo quản không tốt. Ngoài ra, máy móc còn bị “hao mòn tinh thần” hay hao mòn vô hình. Nguyên nhân là do chúng bị mất giá trị trao đổi khi có những máy cùng một cấu tạo lại được sản xuất rẻ hơn, hoặc khi có những máy mới tốt hơn cạnh tranh với chúng. Bởi vì, trong kinh tế thị trường, cạnh tranh gay gắt dẫn đến tình hình là giá trị của máy móc không do thời gian lao động đã vật hóa ở trong nó quyết định nữa, mà do thời gian lao động cần thiết để tái sản xuất ra bản thân nó hay để sản xuất ra những máy tốt hơn, quyết định.
Trong điều kiện cách mạng khoa học - công nghệ diễn ra mạnh mẽ, sự hao mòn vô hình của máy móc càng nhanh. Do đó, các doanh nghiệp thường tìm cách khấu hao nhanh để tránh bị thua thiệt bởi hao mòn vô hình và sớm đổi mới tư bản cố định, nhằm nâng cao sức cạnh tranh, và nhà nước ở nhiều nước có chính sách khuyến khích khấu hao nhanh.
*
* *
Trước thời kỳ đổi mới, nhận thức về sự phát triển của lực lượng sản xuất ở nước ta còn có những sai sót.
Một là, đề cao một cách phiến diện yếu tố người về mặt số lượng, không chú ý chất lượng nguồn nhân lực và yếu tố vật của lực lượng sản xuất.
Chẳng hạn, từ quan niệm: “Hiện nay ta chưa có nhiều tư liệu sản xuất lớn, cái ta có nhiều bây giờ là sức lao động. Liệu ta có làm chủ tập thể được sức lao động không, hay là việc gì cũng chỉ dựa vào tiền lương? Nhất định ta có thể làm được”, chúng ta cho rằng, cần dành vài triệu người chuyên làm xây dựng cơ bản để giải quyết nhanh nhà ở cho người dân; tiến hành khai hoang trong mấy năm để tạo thêm một diện tích mà ông cha ta đã mấy nghìn năm mới tạo ra được; làm sao để mỗi người lao động có 100 ngày công làm hàng xuất khẩu; dành vài nghìn người làm đủ đồ chơi cho trẻ em cả nước; giao cho bộ đội chuyên xây dựng thủy điện và làm liên tục trong hàng chục năm, làm xong hết thủy điện trong cả nước;…(3) Nhưng không chỉ rõ làm thế nào mà từ tay không lại có thể làm nhà cho người dân, khai hoang, phục hóa, làm hàng xuất khẩu, xây dựng thủy điện,… Những người không thạo nghề có thể làm được đồ chơi cho trẻ em hoặc xây dựng được thủy điện hay không?...
Hai là, không quan tâm đến những điều kiện để phát huy ưu thế của lao động hiệp tác nên đã nóng vội, mở rộng quy mô hợp tác xã khiến cho sức sản xuất của lao động giảm sút, kinh tế trì trệ .
Trước hết, có thể chúng ta đã hiểu phiến diện luận điểm sau đây của C. Mác: “Lao động hiệp tác không chỉ nâng cao sức sản xuất cá nhân mà còn sáng tạo ra một thứ sức sản xuất, nó chỉ có thể là sức tập thể”; từ đó cho rằng, khi chưa có điều kiện sử dụng máy móc nông nghiệp, thì chỉ cần tổ chức nhau lại là đã sáng tạo ra “sức tập thể” đó, và do vậy, nông dân có thể tăng năng suất lao động. Ở đây, chúng ta quên rằng, chỉ có thể tạo ra “sức tập thể” khi quy mô hiệp tác phụ thuộc vào quy mô tích tụ tư liệu sản xuất và có chỉ huy. Và từ đó, một mặt, chúng ta thừa nhận nền kinh tế ở miền Bắc còn mang tính chất sản xuất nhỏ, cơ sở vật chất - kỹ thuật thấp kém, 80% lực lượng lao động còn là lao động thủ công, năng suất lao động xã hội thấp; nhưng mặt khác, vẫn chủ trương mở rộng quy mô hợp tác xã, đưa một phần hợp tác xã lên bậc cao, thậm chí một số hợp tác xã sẽ phát triển thành xí nghiệp quốc doanh địa phương. Chỉ thị số 221-CT/TW, ngày 18-8-1960, của Ban Bí thư về việc căn bản hoàn thành hợp tác hóa nông nghiệp và đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp trong mùa thu, quy định: “cần phải mở rộng quy mô của hợp tác xã cũ to hơn trước, có thể bao gồm tới 150 hộ (hoặc nếu cần sát nhập một số hợp tác xã nhỏ thành hợp tác xã lớn thì cũng có thể có một số ít hợp tác xã mở rộng tới 200 hộ), tùy theo yêu cầu của xã viên, khả năng quản lý và điều kiện thuận tiện về sản xuất ở từng nơi mà quy định, không nên làm nhất loạt” .
Đồng thời, chúng ta cũng không chú trọng đào tạo cán bộ quản lý (chủ nhiệm hợp tác xã và kế toán), mà lại chủ trương lựa chọn bần nông và trung nông lớp dưới, hầu hết là những người chưa bao giờ quản lý sản xuất, vào ban quản trị; gạt bỏ trung nông lớp trên, là những người ít nhiều đã từng tổ chức và quản lý sản xuất nông nghiệp. Thông tri số 187/TT-TW, ngày 16-01-1959, của Ban Bí thư về việc bổ sung và giải thích một số điểm trong Chỉ thị số 118/CT-TW về đẩy mạnh phong trào hợp tác hóa nông nghiệp, nhấn mạnh: “Những chức vụ quan trọng trong hợp tác xã như chủ nhiệm, kế toán, trưởng ban kiểm soát, đội trưởng hoặc tổ trưởng sản xuất, cần bảo đảm bần nông hoặc trung nông lớp dưới nắm, nhất là bần nông…”; “không bầu trung nông lớp trên vào ban quản trị…”; “trung nông lớp trên… đại biểu cho khuynh hướng tư bản tự phát ở nông thôn miền Bắc nước ta”. “Đối với bần nông mà năng lực công tác còn yếu, ta vẫn có thể đưa vào ban quản trị và cần bồi dưỡng cho họ, giúp đỡ họ tiến bộ”(4).
Ba là, chủ quan, duy ý chí trong chủ trương phân bố lực lượng lao động. Chẳng hạn, một thời chúng ta có quan điểm như sau: Nay mai, đại bộ phận nhân dân ta sẽ sống ở rừng núi, dành đồng bằng cho sản xuất nông nghiệp. Bởi vậy, chúng ta phải nhanh chóng phân công lại lao động để vừa làm chủ đồng bằng, vừa làm chủ rừng núi... Huyện phải bố trí người ở đồng bằng, người lên rừng núi,…
Phương hướng, nhiệm vụ và mục tiêu chủ yếu của kế hoạch 05 năm 1976 - 1980 (Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV) đề ra chủ trương: “Phải thực hiện ngay từ năm 1977 một cuộc phân bố lại lực lượng lao động với quy mô non 4 triệu người trong 4 năm, và trong những năm kế tiếp sẽ tăng lên hơn nữa, để đưa vợi bớt lao động từ những thành thị lớn ở phía Nam, những vùng đồng bằng quá đông dân và thừa sức lao động ở các tỉnh phía Bắc đến những nơi sẵn có đối tượng lao động (nhất là đất đai) mà không có người làm”.
Chỉ thị số 120/CT-TW, ngày 21-10-1981, của Bộ Chính trị quy định: “Thông qua phân bố lại lao động, bố trí lại các kế hoạch sản xuất và xây dựng trong phạm vi từng huyện, từng tỉnh và cả nước; giảm bớt số dân phi nông nghiệp ở các thành phố, thị xã; đưa bớt người từ nơi thiếu lương thực tới những nơi thừa lương thực, còn nhiều khả năng về đất đai và tài nguyên”(5).
Như vậy là làm ngược quy luật: chuyển lao động phi nông nghiệp về nông nghiệp.
Trong quá trình đổi mới, chúng ta từng bước nhận thức rõ hơn, đúng hơn về lực lượng sản xuất, nhưng chủ yếu mới nêu được cần phải làm gì, chưa chỉ ra được cách làm hay những giải pháp khả thi. Chẳng hạn, Văn kiện Đại hội XI của Đảng đã nhận định: Ở nước ta, năng suất lao động thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực; chất lượng giáo dục, đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, nhất là đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao còn hạn chế; chưa chuyển mạnh sang đào tạo theo nhu cầu của xã hội. Vì thế, phải phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực, phát triển khoa học, công nghệ và kinh tế tri thức. Khuyến khích đầu tư vào các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ công nghệ cao và các giải pháp đổi mới công nghệ, chế tạo sản phẩm mới,…; tham gia ngày càng nhiều và có hiệu quả vào những khâu, công đoạn có hàm lượng khoa học, giá trị gia tăng cao trong mạng sản xuất và phân phối toàn cầu (6). Tuy nhiên, chủ trương này chưa được chúng ta cụ thể hóa, hay nói cách khác, chúng ta chưa chỉ ra được làm cách nào để thực hiện chủ trương này.
Thực tế cho thấy, phần lớn thiết bị, máy móc của các doanh nghiệp thuộc khu vực trong nước tụt hậu từ 02 đến 03 thế hệ so với mức trung bình của thế giới, và đến 2010 mới chỉ có khoảng 40% tổng số lao động đang làm việc được đào tạo dưới mọi hình thức. Theo công bố của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), năng suất lao động của Việt Nam năm 2013 thuộc nhóm thấp nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương, thấp hơn Xin-ga-po 15 lần, Nhật Bản 11 lần, Hàn Quốc 10 lần và chỉ bằng 1/5 so với Ma-lai-xi-a, 2/5 so với Thái Lan.
Bởi vậy, vấn đề đặt ra là, trên cơ sở phương hướng chung, chúng ta cần có cuộc điều tra chính xác nhu cầu nguồn nhân lực cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa, gắn với phát triển kinh tế tri thức ở nước ta, về số lượng, chất lượng và cơ cấu ngành, nghề, đồng thời đối chiếu với tình hình giáo dục và đào tạo, chỉ ra mức độ phù hợp hay chưa phù hợp với nhu cầu nói trên ở từng lĩnh vực thì mới cải cách được giáo dục và đào tạo đúng hướng. Mặt khác, phải thống kê được thực trạng yếu tố vật trong lực lượng sản xuất ở nước ta, nhất là trình độ lạc hậu của thiết bị, máy móc và công nghệ, để có lộ trình đổi mới và có chính sách khuyến khích khấu hao nhanh, từ đó mới có thể giảm nhẹ nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới./.
-------------------------------------------
(1) C. Mác và Ph. Ăng-ghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993, t. 23, tr. 877
(2) Xem: C. Mác và Ph. Ăng-ghen: Sđd, t. 46 phần II, tr. 348-384
(3) Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, t. 37, tr. 360, 361, 377, 383, 385, 386, 391
(4) Văn kiện đã dẫn, t. 20, tr. 106-108, 307, 308; t. 21, tr. 457-467; t. 22, tr. 220, 376; t. 23, tr. 237; t. 25, tr. 296; t. 37, tr. 495, 505
(5) Văn kiện đã dẫn, t. 37, tr. 382, 719; t. 42, tr. 343
(6) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 165, 166, 167, 188, 189, 192
Nguồn gốc sự giàu có của các dân tộc: Một số bài học từ Adam Smith trong lãnh đạo, quản lý xã hội hiện đại  (07/07/2015)
Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2015  (06/07/2015)
Hội thảo Quy chế thí điểm điều phối liên kết phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long  (06/07/2015)
Hoạt động của Đoàn công tác Tạp chí Cộng sản tại Cộng hòa Séc  (06/07/2015)
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên