Dấu ấn Đại tướng - Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp trong những chiến công chói lọi của Quân đội nhân dân Việt Nam
TCCSĐT - Trên chặng đường xây dựng, chiến đấu và trưởng thành đầy vinh quang của Quân đội nhân dân Việt Nam, Đại tướng - Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp để lại dấu ấn sâu đậm. Tên tuổi Đại tướng gắn liền với những chiến công chói lọi của Quân đội nhân dân Việt Nam trong thế kỷ XX.
Nhà chiến lược và chỉ huy quân sự lỗi lạc
Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tên khai sinh là Võ Giáp, bí danh là Văn, sinh ngày 25-8-1911, tại xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, trong một gia đình nhà Nho, giàu truyền thống yêu nước và đấu tranh cách mạng. Năm 14 tuổi, đồng chí sớm giác ngộ và tích cực tham gia hoạt động cách mạng.
Ngay từ khi còn là học sinh, sinh viên, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã tích cực tham gia phong trào đấu tranh bãi khóa ở trường Quốc học Huế. Năm 1927, đồng chí gia nhập Đảng Tân Việt - tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Đông Dương, nay là Đảng Cộng sản Việt Nam; tham gia phong trào Xô-viết Nghệ Tĩnh năm 1930. Năm 1940, đồng chí vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Đến đầu những năm 40 của thế kỷ XX, được Chủ tịch Hồ Chí Minh dìu dắt, giao nhiệm vụ, đồng chí Võ Nguyên Giáp tích cực hoạt động cách mạng, bám dân, bám địa bàn, xây dựng cơ sở, mở lớp huấn luyện quân sự tại căn cứ địa Cao Bằng - Bắc Cạn - Lạng Sơn.
Để đưa phong trào đấu tranh cách mạng lên một bước mới, tháng 12-1944, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Theo đó, ngày 22-12-1944, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được thành lập tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Đội gồm 34 chiến sĩ, được trang bị 34 khẩu súng các loại, biên chế thành 3 tiểu đội, có Chi bộ Đảng lãnh đạo, do đồng chí Xích Thắng làm Thư ký Chi bộ. Đồng chí Võ Nguyên Giáp được Trung ương Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh ủy nhiệm tổ chức, lãnh đạo, chỉ huy, tuyên bố thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Đây là dấu ấn đầu tiên của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đối với Quân đội nhân dân Việt Nam. Từ đó, trong mỗi bước đường xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn lãnh đạo, chỉ đạo Quân đội nhân dân Việt Nam khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, phấn đấu vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Gần một năm sau ngày tuyên bố thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, ngày 15-5-1945, tại đình làng Quặng, xã Định Biên, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, đồng chí Võ Nguyên Giáp tuyên bố thống nhất Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, Cứu quốc quân và các tổ chức vũ trang cách mạng trong cả nước thành Việt Nam giải phóng quân. Lực lượng ban đầu gồm 13 đại đội chủ lực và các đội vũ trang tập trung ở các tỉnh, huyện. Bộ Tư lệnh đầu tiên của Việt Nam giải phóng quân do đồng chí Võ Nguyên Giáp làm Tư lệnh, đồng chí Chu Văn Tấn làm Chính trị viên. Trên cương vị Tư lệnh Việt Nam giải phóng quân, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã có đóng góp quan trọng vào thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945.
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam: kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. Tuy nhiên, niềm vui độc lập mà dân tộc Việt Nam được hưởng thật ngắn ngủi. Với bản chất xâm lược, thực dân Pháp đã gây hấn ở Sài Gòn (ngày 23-9-1945), chính thức trở lại xâm lược Việt Nam lần thứ hai. Trong suốt 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tổ chức, lãnh đạo, chỉ huy thắng lợi nhiều chiến dịch lớn của Quân đội nhân dân Việt Nam, qua đó để lại những dấu ấn không thể phai mờ.
Những chiến công vang dội
Trong chiến dịch Việt Bắc - Thu Đông (ngày 07-10-1947 - 22-12-1947), với vai trò là Chỉ huy trưởng chiến dịch, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chỉ đạo Quân đội nhân dân Việt Nam “phá tan cuộc tiến công mùa đông của giặc Pháp”. Chiến thắng này đã đánh dấu bước trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam; làm phá sản chiến lược “đánh nhanh thắng nhanh” của thực dân Pháp, đưa cuộc kháng chiến của quân và dân ta chuyển sang một giai đoạn mới. Cũng trong chiến dịch này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người đầu tiên đưa ra luận điểm “đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung”. Luận điểm đó không chỉ phản ánh tư duy quân sự độc đáo của Đại tướng, mà còn là sự kết hợp giữa chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy, phù hợp với đường lối chiến tranh nhân dân do Đảng lãnh đạo.
Tháng 6-1950, Trung ương Đảng quyết định mở chiến dịch Biên Giới. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng làm Bí thư Đảng ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy chiến dịch. Trong chiến dịch này, lúc đầu ta chủ trương đột phá Cao Bằng, nhưng sau khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp quan sát kỹ thực địa đã đánh giá lại tình hình: Ở đây quân địch rất đông, phòng ngự mạnh, địa hình có sông ngăn cách không thuận lợi cho tiến công. Trên cơ sở phân tích, đánh giá đó, để bảo đảm chắc thắng và tiết kiệm xương máu cho cán bộ, chiến sĩ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đề nghị chuyển sang đột phá Đông Khê. Đề nghị này được Chủ tịch Hồ Chí Minh phê chuẩn.
Với mục đích tiêu diệt sinh lực địch, giải phóng một phần biên giới, mở đường giao thông nối liền với các nước xã hội chủ nghĩa, mở rộng và củng cố căn cứ địa Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp tham gia chỉ đạo chiến dịch và vạch ra ý đồ tác chiến “nhử thú dữ vào tròng - khép vòng lưới thép” tiêu diệt quân thù. Trong khi đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ huy bộ đội thực hiện “vận động chiến” và mưu kế “đánh điểm, diệt viện”. Với sự lãnh đạo, chỉ đạo sắc bén của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Quân đội nhân dân Việt Nam đã kiên cường chiến đấu và giành thắng lợi lớn trong trận mở màn Đông Khê. Từ ngày 02-10 đến 08-10-1950, Đại đoàn 308, Trung đoàn 209 vận động tiến công tiêu diệt Binh đoàn Lơ-pa-giơ từ Thất Khê lên và Binh đoàn Sác-tông (Charton) từ Cao Bằng rút về, tại khu vực Cốc Xá, điểm cao 477. Từ ngày 10-10 đến 23-10-1950, quân địch bỏ Thất Khê, Na Sầm, Đồng Đăng, Lạng Sơn, Đình Lập, An Châu tháo chạy. Với mưu kế hay, cách đánh giỏi, quân ta đã giành thắng lợi trọn vẹn trong chiến dịch Biên giới, qua đó củng cố và mở rộng căn cứ địa Việt Bắc, nối liền nước ta với các nước xã hội chủ nghĩa anh em.
Trong chiến cuộc Đông Xuân năm 1953 - 1954, mặc dù tình hình luôn có những thay đổi nhanh chóng, nhưng Quân đội ta, dưới sự chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã thành công trong việc phân tán lực lượng cơ động của địch và đánh địch trên khắp chiến trường Đông Dương bằng các biện pháp nghi binh, lừa địch. Tổng chỉ huy quân đội Pháp H. Na-va (Henri Navarre) thú nhận, có đến hơn 80% lực lượng cơ động của quân Pháp đã bị phân chia ra các chiến trường.
Ngày 22-12-1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh trao cờ “Quyết chiến quyết thắng” cho Quân đội nhân dân Việt Nam. Người Chỉ thị: “Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy, toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”(1).
Ngày 14-01-1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp được giao nhiệm vụ trực tiếp chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ. Theo kế hoạch tác chiến phổ biến tại Hội nghị cán bộ chiến dịch (ngày 14-01-1954), ngày 20-01-1954, bộ đội Việt Nam bắt đầu nổ súng mở màn chiến dịch. Thế nhưng do chuẩn bị không kịp, kế hoạch mở màn chiến dịch phải lùi lại 5 ngày. Đến ngày 25-01-1954, theo quy định là ngày nổ súng tấn công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, các đơn vị bộ đội Việt Nam ở tư thế sẵn sàng chiến đấu. Tuy nhiên, do đài kỹ thuật của sở chỉ huy phát hiện đối phương thông báo cho nhau về ngày giờ nổ súng, lại nhân chưa tìm được lời giải của bài toán về cách đánh, để có thêm thời gian tiếp tục suy nghĩ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp quyết định lui thời gian mở màn chiến dịch thêm 24 giờ, tức đến ngày 26-01-1954.
Ngày 26-01-1954 đã tới, cũng là lúc Đại tướng Võ Nguyên Giáp phải trải qua 12 ngày đêm không trọn giấc. Điều trăn trở không chỉ vì những lời Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn “trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng, chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”, mà còn vì xương máu của cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam. Vì tính ở thời điểm hiện tại, ¾ lực lượng cơ động chiến lược của Bộ Thống soái đã dồn lên chiến trường Điện Biên Phủ. Nếu chiến dịch không thắng, hơn 04 đại đoàn chủ lực bị thương vong lớn thì tiền đồ cuộc kháng chiến sẽ ra sao, vị thế của đoàn ngoại giao Việt Nam tại Hội nghị Giơ-ne-vơ sẽ như thế nào?
Cuối cùng, Đại tướng đề xuất phương án tạm hoãn cuộc tiến công, kéo pháo ra, thu quân về vị trí tập kết, chuẩn bị lại từ đầu để đánh theo phương châm “đánh chắc tiến chắc”. Quyết định thay đổi phương án tác chiến và trao nhiệm vụ mới đã được lệnh truyền đến các đơn vị ngay trong ngày 26-01-1954. Và cũng ngay trong thời khắc lịch sử này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết thư hỏa tốc báo cáo Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị. Đó cũng là sự quán triệt sâu sắc lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với Đại tướng Võ Nguyên Giáp trước khi ra trận: Tướng quân tại ngoại, trao cho chú toàn quyền quyết định rồi báo cáo sau.
Theo đúng phương châm, kế hoạch tác chiến, sau khi có sự chuẩn bị chu đáo mọi mặt, ngày 13-3-1954, chiến dịch Điện Biên Phủ mở màn. Sau ba đợt tiến công, đến ngày 07-5-1954, chiến dịch kết thúc. Chiến thắng này đặt dấu chấm hết cho quyền lực của thực dân Pháp ở Đông Dương và đưa tên tuổi Đại tướng Võ Nguyên Giáp đi vào lịch sử dân tộc Việt Nam và được vinh danh là một thiên tài quân sự trong thế kỷ XX. Ký giả kiêm sử gia Pháp Giuyn Roa (Jules Roy) viết: “Điện Biên Phủ là nỗi kinh hoàng khủng khiếp, là nỗi thất bại lớn nhất của phương Tây, báo hiệu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ và sự cáo chung của một nền cộng hòa Pháp”. Còn tác giả G. Bu-đa-ren (G.Budaren) viết trên tờ Người quan sát, cho rằng: “Điện Biên Phủ là một trong những trận giao chiến đã thay đổi số phận thế giới”.
Ngày 08-5-1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư khen ngợi bộ đội, dân công, thanh niên xung phong và đồng bào Tây Bắc đã chiến thắng vẻ vang ở Điện Biên Phủ. Người khẳng định: Thắng lợi tuy lớn nhưng mới là bước đầu. Từ chiến trường về căn cứ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến chào Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bác ôm Đại tướng và nói: “Chúc chú thắng trận trở về, nhưng chúng ta còn phải đánh Mỹ”.
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đại tướng Võ Nguyên Giáp tiếp tục giữ cương vị là người đứng đầu Quân đội nhân dân Việt Nam. Trên cương vị của mình, Đại tướng đã cùng với Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh hoạch định đường lối chiến lược để xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam ngày càng hùng mạnh, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp kháng chiến.
Trong lúc cuộc đấu tranh ở miền Nam đang diễn ra cam go ác liệt, để tạo thực lực về cơ sở vật chất và lực lượng cho cách mạng miền Nam, cùng với sự tham mưu, đề xuất của các cơ quan, đơn vị, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đề xuất với Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh cho mở tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn. Theo đó, “Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh” nhanh chóng được hình thành, chi viện sức người, sức của cho miền Nam đánh Mỹ.
Cùng với việc đưa quân vào miền Nam, Mỹ đã thực hiện chiến lược “Chiến tranh cục bộ”. Để đánh bại sức mạnh của quân đội Mỹ, từ thực tiễn chiến trường, bộ đội Tây Nguyên đề ra chiến thuật “Chốt kết hợp với vận động”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Bộ Tổng Tham mưu sửa lại thành “Vận động tiến công kết hợp chốt”, bởi nó thể hiện tinh thần tiến công mạnh mẽ hơn. Nhờ đó, mùa Đông năm 1967, trong chiến dịch Đắc Tô 1, bộ đội Tây Nguyên đã thành công và hoàn thiện chiến thuật “Vận động tiến công kết hợp chốt”, mở ra khả năng mới đánh tiêu diệt những đơn vị quân Mỹ trên chiến trường. Lần đầu tiên ở Tây Nguyên, bộ đội ta đã đánh thiệt hại nặng Lữ đoàn dù 173 - lữ đoàn cơ động chiến lược của Mỹ, làm cho quân Mỹ choáng váng, chùn bước khi tiến vào các căn cứ của ta.
Bước vào mùa xuân năm 1975, thấm nhuần tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh, thực hiện quyết tâm của Bộ Chính trị giải phóng miền Nam, trước hết là giải phóng Tây Nguyên, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có sự chỉ đạo chiến lược hết sức sắc bén. Bằng cách giăng địch ra hai đầu Nam - Bắc chiến tuyến và kìm địch ở Huế, Đà Nẵng và Sài Gòn, Quân đoàn 2 kìm giữ địch ở Huế - Đà Nẵng, Quân đoàn 4 đứng chân ở Đồng Nai - Bắc Sài Gòn, kìm giữ địch ở Sài Gòn và để địch sơ hở Tây Nguyên. Khi giữ chặt được sư đoàn dù và sư đoàn thủy quân lục chiến Quân đội Sài Gòn ở hai đầu Nam - Bắc, đó là thời cơ để tiến công địch ở Tây Nguyên. Điều hay hơn nữa, để phá vỡ Tây Nguyên nhanh chóng, chuyển hóa cả thế và lực, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã quyết định tăng thêm lực lượng cho Tây Nguyên 02 sư đoàn. Như vậy, từ chỗ chỉ có 02 sư đoàn, đến mùa Xuân 1975, Tây Nguyên đã có tới 04 sư đoàn, trở thành quả đấm chủ lực mạnh vào đối phương.
Chiến dịch Tây Nguyên mở màn với trận then chốt quyết định ở Buôn Ma Thuột thắng lợi, qua đó thực hiện xuất sắc nhiệm vụ mà Bộ Chính trị và Đại tướng Võ Nguyên Giáp giao cho. Tiếp đến, Quân đội nhân dân Việt Nam đánh bại sự phản kích của địch, tiêu diệt Sư đoàn 23 dẫn đến sự bùng nổ về chiến thuật và tạo ra phản ứng dây chuyền, làm cho địch ở Pleiku và Kon Tum chưa bị đánh đã tháo chạy. Phản ứng dây chuyền cũng tạo ra sự đột biến về chiến dịch. Lực lượng địch ở Tây Nguyên bị phá vỡ, tạo ra một cục diện chiến tranh mới, đẩy chúng vào thế hỗn loạn về chiến lược và suy sụp nhanh chóng về tinh thần.
Ngay khi chuẩn bị giải phóng Tây Nguyên, Đại tướng Võ Nguyên Giáp tính toán đến khả năng: Nếu địch bị thua đau ở Tây Nguyên, chúng có thể sẽ rút chạy về co cụm ở đồng bằng. Thực tế lịch sử diễn ra đúng như vậy. Nắm bắt thời cơ đó, chúng ta đã chủ động mở tiếp chiến dịch Huế, chiến dịch Đà Nẵng và cuối cùng là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử với thế đánh địch “như chẻ tre”.
Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chỉ huy các mũi tiến công của Quân đội nhân dân Việt Nam bằng mệnh lệnh: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa; tranh thủ từng phút, từng giờ; xốc tới mặt trận; giải phóng miền Nam; thống nhất đất nước!”. Mệnh lệnh của Đại tướng vừa là tiếng kèn xung trận vừa là kết tinh của một tư duy quân sự thiên tài, qua đó góp phần quan trọng vào ngày toàn thắng 30-4-1975.
Có thể nói, những chiến công chói lọi của Quân đội nhân dân Việt Nam trong thế kỷ XX luôn gắn liền với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đại tướng - Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp. Bằng tài năng, trí tuệ và tư duy quân sự độc đáo, đặc biệt là quán triệt sâu sắc sự lãnh đạo của Đảng và tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã dẫn dắt Quân đội nhân dân Việt Nam vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác và đi đến thắng lợi cuối cùng vào năm 1975. Ký giả người Anh Pi-tơ Mắc Đô-nan (Peter MacDonald), viết: “Từ năm 1944 đến năm 1975, cuộc đời của ông Giáp gắn liền với chiến đấu và chiến thắng, đã làm ông trở thành một trong những Thống soái lớn của các thời đại”.
Đã 70 năm trôi qua, tuy Đại tướng Võ Nguyên Giáp không còn nữa, nhưng sự nghiệp, tên tuổi, đạo đức cách mạng và tài năng quân sự của Đại tướng là “di sản vô cùng quý báu” của dân tộc ta, quân đội ta. Cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam hôm nay luôn ghi nhớ, học tập, noi theo và mãi mãi tự hào về một người chỉ huy, một vị Tổng Tư lệnh tài ba, xuất chúng nhưng rất bình dị, gần gũi và thân thiết. Đại tướng Võ Nguyên Giáp mãi là người Anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng (2)!./.
---------------------------------------------
(1) Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: 60 năm Quân đội nhân dân Việt Nam, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004, tr. 141
(2) Với những cống hiến to lớn, đặc biệt xuất sắc cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, Đại tướng Võ Nguyên Giáp được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, hai Huân chương Hồ Chí Minh, Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng và nhiều Huân, Huy chương cao quý của Việt Nam và bè bạn quốc tế.
QE khép lại, một kỷ nguyên mới mở ra cho kinh tế Mỹ  (18/12/2014)
Liên hợp quốc đề ra 4 mục tiêu trong Chương trình hành động năm 2015  (18/12/2014)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên