Bản thông điệp đầu tiên của Tổng thống Nga Đ.Mét-vê-đép
Ngày 5-11-2008, Tổng thống Nga Đ.Mét-vê-đép đọc bản thông điệp đầu tiên trước Quốc hội Nga. Mở đầu bản thông điệp, Tổng thống Đ.Mét-vê-đép điểm lại các sự kiện trong năm 2008, trong đó có việc nước Nga đổi mới thể chế quyền lực; xây dựng chính phủ mới; bắt đầu thực hiện các kế hoạch phát triển mới như xây dựng hệ thống giao thông, tái trang bị quân đội và hạm đội, xây dựng trường học; các vận động viên của nước Nga lập những thành tựu kiệt xuất trong năm 2008.
Theo Tổng thống Đ.Mét-vê-đép, năm 2008 không chỉ là biểu tượng của những thành tựu mới mà còn là năm diễn ra các sự kiện có ý nghĩa thử thách rất nghiêm trọng đối với nước Nga. Đó là cuộc xâm lược mà Gru-di-a phát động chống lại Nam Ô-xê-ti-a và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đang lan rộng khắp hành tinh.
Về cuộc chiến tại Nam Ô-xê-ti-a, Tổng thống Đ.Mét-vê-đép cho rằng, cuộc tiến công của quân đội Gru-di-a nhằm vào lực lượng gìn giữ hoà bình của Nga đã trở thành thảm kịch đối với cả một dân tộc, làm gia tăng tình hình căng thẳng trên toàn bộ khu vực Cáp-ca. Cuộc xung đột này được sử dụng làm tiền đề để đưa tàu chiến của NATO vào Biển Đen, xúc tiến kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở Đông Âu. Như vậy, cuộc phiêu lưu của nhà cầm quyền Gru-di-a đã đặt dấu hỏi nghi vấn đối với hiệu lực của các thể chế an ninh quốc tế, gây mất ổn định trật tự thế giới. Nước Nga không thể rút lui ở Cáp-ca, sẽ vượt qua hậu quả khủng hoảng và sẽ trở nên mạnh mẽ hơn sau khi vượt qua thử thách này. Sự kiện ở Nam Ô-xê-ti-a chứng tỏ, Gru-di-a đã vi phạm luật quốc tế. Chính phủ Gru-di-a đã chọn một kịch bản tồi tệ nhất. Lực lượng gìn giữa hòa bình của Nga không nhằm chống lại Gru-di-a. Cuộc khủng hoảng ở Cáp-ca một lần nữa chứng tỏ việc sử dụng sức mạnh không phải là một giải pháp có sức sống. Nga sẽ tiếp tục tạo dựng sự ổn định trên các khu vực lãnh thổ các nước láng giềng.
Từ đây có thể rút ra một số kết luận quan trọng: Một là, cần phải xây dựng một hệ thống địa - chính trị mới, trong đó Nga có khả năng bảo vệ các lợi ích của công dân mình. Hai là, các lực lượng vũ trang của Nga đã khôi phục tiềm năng chiến đấu. Tuy nhiên, Bộ chỉ huy quân sự của Nga cũng phân tích những thắng lợi và khiếm khuyết để rút ra kết luận cần thiết.
Về cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Mặc dù cuộc khủng hoảnh tài chính xuất phát từ Mỹ, được đánh giá ban đầu như là “tình trạng khẩn cấp” ở Mỹ, nhưng vì nền kinh tế Mỹ vốn là một nền kinh tế lớn nhất thế giới, nên cuộc khủng hoảng tài chính này đã kéo theo sự khủng hoảng thị trường tài chính thế giới và rút cuộc mang tính toàn cầu. Nước Nga từ lâu đã lựa chọn con đường hội nhập vào nền kinh tế thế giới, hiểu được vai trò của mình và sẵn sàng tích cực đương đầu với những khó khăn, khống chế hành động ích kỷ của một số thành viên trong cộng đồng quốc tế. Gây nên “bong bóng xà phòng” trong sự phát triển của chính mình, nước Mỹ không những không tham khảo tư vấn với những thành viên còn lại trên thị trường thế giới mà còn coi thường phạm vi các biện pháp tiêu chuẩn, rút cuộc đã gây hại cho chính mình và các nước khác. Bài học của những sai lầm năm 2008 chứng tỏ rằng, cần phải hành động và cải tổ hệ thống chính trị và kinh tế thế giới. Nước Nga chủ trương điều đó và đang làm tất cả mọi việc để thế giới trở nên công bằng hơn và an toàn hơn.
Cuộc khủng hoảng còn lâu mới có thể khắc phục được. Nga cần phải cân nhắc thận trọng một cách đến mức tối đa. Điều này liên quan đến nhà nước, doanh nghiệp và mỗi con người. Nga sẽ khắc phục được và sắp tới sẽ xây dựng hệ thống tài chính độc lập có khả năng đối phó với khủng khoảng. Sẽ nhanh chóng thực hiện các chương trình chiến lược, khẩn trương khắc phục những lỗ hổng trong nền kinh tế thế giới, xây dựng các xí nghiệp mới, áp dụng các công nghệ tiên tiến. Phương pháp này là liều thuốc tốt nhất để chữa căn bệnh khủng hoảng và đã được ghi rõ trong chiến lược phát triển đến năm 2020. Cần phải thực hiện chiến lược này một cách đầy đủ và thêm vào đó một yếu tố tiềm năng trí tuệ. Nhiệm vụ của nước Nga là giành vị trí dẫn đầu trong khoa học, nghệ thuật và giáo dục. Nga phải chiếm lĩnh vị trí hàng đầu trong những lĩnh vực này và không được sao nhãng ngay cả trong những thời kỳ khó khăn nhất. Cơ sở để thực hiện điều đó là con người được bảo đảm mọi khả năng sáng tạo, kết quả đạt được phụ thuộc vào mỗi người.
Về thể chế của nước Nga. Sau những biến cố của năm 2008, nước Nga sẽ mạnh hơn về chính trị và kinh tế. Các sự kiện quân sự chứng tỏ một cách rõ ràng rằng, nhân dân và chính phủ Nga có lợi ích chung. Có thể nhận thấy rằng, trong diễn biến vừa qua, nước Nga đã thể hiện sự đoàn kết và thống nhất giữa nhân dân và chính phủ. Không thể có một cách hành động nào khác ở một dân tộc có lịch sử hàng ngàn năm đã từng tạo ra những giá trị tư tưởng được trải qua thử thách của lịch sử. Ở Nga, công việc của Tổng thống là cụ thể và thực tế, nhưng việc thông qua quyết định của Tổng thống là rất không đơn giản bởi nó quyết định uy tín và số phận của một dân tộc vĩ đại. Khi thông qua quyết định cần phải hiểu rằng có những việc mà vì nó nước Nga phải đấu tranh và chiến thắng. Nhân dân Nga giàu có về tinh thần và có mục tiêu cần đạt tới.
Nước Nga đang xây dựng các biện pháp nhằm tạo ra sự công bằng, tính minh bạch và sáng suốt của toà án, trách nhiệm của người lãnh đạo, tự do cá nhân, tự do tín ngưỡng, tự do lựa chọn nơi cư trú là quyền tự do chung của quốc gia. Cuộc sống của con người, phẩm giá và sự thịnh vượng của con người, nền hoà bình giữa các dân tộc, việc bảo vệ các nền văn hoá thiểu số, truyền thống gia đình, tình yêu và niềm tin, sự quan tâm và chăm sóc trẻ em và người già, chủ nghĩa yêu nước, sự gắn bó với truyền thống dân tộc, với nền văn hoá vĩ đại của nước Nga: tất cả đó là những giá trị, thể chế, định hướng đạo đức để nước Nga trở thành một dân tộc mạnh.
Nước Nga sẽ là một đất nước dân chủ và thịnh vượng, một đất nước tốt đẹp của những người lao động sáng tạo. Tình hình căng thẳng về chính trị và quân sự, khủng hoảng kinh tế sẽ không thể là cái cớ để chúng ta quốc hữu hoá hoạt động kinh doanh. Sở hữu cá nhân và quyền tự do của công dân là bất khả xâm phạm. Nhà nước sẽ thực hiện tất cả những cam kết của mình trước mọi người.
Theo Hiến pháp, Liên bang Nga là một nhà nước định hướng xã hội. Việc vi phạm và làm giảm quyền tự do và hành động của công dân, làm giảm điều kiện vật chất của con người là phi đạo đức và trái với pháp luật. Chính phủ Nga đang thông qua chương trình hành động để làm lành mạnh hệ thống ngân hàng và duy trì hệ thống tài chính. Điều chủ yếu là những biện pháp này đang được thực hiện rất khẩn trương. Cần phải khắc phục các lỗ hổng tài chính trong nền kinh tế để các nguồn chi đến được với người nhận cuối cùng là các xí nghiệp trong những ngành như nông nghiệp và xây dựng, chế tạo máy và tổ hợp công nghiệp - quốc phòng. Mỗi một đồng rúp cần phải được sử dụng một cách có hiệu quả, có tính toán hợp lý.
Trật tự hiến pháp sẽ luôn được bảo đảm bằng các phương tiện hợp hiến. Hiến pháp của Nga vừa tròn 15 năm. Chính nhờ có Hiến pháp, nước Nga mới tạo ra sự công bằng, thống nhất, an toàn, tạo ra sức mạnh thực tế và duy trì mọi tiềm năng của nhà nước, xây dựng các thể chế xã hội. Vai trò quyết định của Hiến pháp là xây dựng nền dân chủ ở Nga, bảo đảm quyền tự do cá nhân. Xây dựng hệ thống pháp lý có chất lượng mới, chống tham nhũng. Xây dựng quyền tự do kinh tế, phát triển doanh nghiệp vừa. Bảo vệ các giá trị xã hội, cấm tuyên truyền ưu thế của một tầng lớp xã hội nào đó. Bảo đảm luật pháp quốc tế nhằm xây dựng an ninh trên hành tinh. Việc thông qua hiến pháp là một sự kiện chưa từng có ở nước Nga.
Hiện nay nước Nga khẳng định đi theo các giá trị dân chủ, thiết chế dân chủ, chống lại tình trạng vô chính phủ và coi thường pháp luật. Vấn đề lúc này không phải là ở chỗ có hay không có dân chủ ở nước Nga mà là cần phải phát triển nền dân chủ ở Nga như thế nào. Một nhà nước mạnh và hệ thống quan liêu không đồng nghĩa với nhau. Nhà nước mạnh là cần thiết, còn bộ máy quan liêu là nguy hiểm đối với xã hội. Xã hội Nga cần phát triển các thể chế dân chủ và các cơ quan dân chủ được thiết lập trong những năm vừa qua cần phải được củng cố trong tất cả các tầng lớp xã hội. Hội đồng liên bang cần phải được xây dựng từ những người được bầu chọn vào các cơ quan hành pháp trong các cuộc bầu cử ở địa phương. Nước Nga có tiến đến dân chủ hay không phụ thuộc vào uy tín của Tổng thống và Đuma quốc gia Nga có cao hay không.
Khi giải quyết các kế hoạch phát triển dài hạn, Nga sẽ chuyển sang nền kinh tế kiểu mới, phải giải quyết nhiều nhiệm vụ phức tạp nhất. Để chống khủng hoảng, hiện đại hoá quân đội, củng cố các thể chế dân chủ và duy trì sự ổn định cần phải có thời gian. Muốn vậy, cần phải mở rộng quyền hạn lập pháp của Quốc hội, tạo cho Quốc hội chức năng kiểm soát đối với cơ quan hành pháp, giao trách nhiệm cho chính phủ Nga hàng năm báo cáo trước Quốc hội về kết quả hoạt động và về những vấn đề mà Quốc hội đề ra. Nên tăng thời hạn nhiệm kỳ của tổng thống lên 6 năm và nhiệm kỳ của Đuma quốc gia lên 5 năm. Đây chỉ là sự điều chỉnh chứ không phải là cải cách, không đụng chạm đến bản chất chính trị của các thể chế. Quyền hạn, chủ quyền, nguyên tắc tổ chức của cơ quan pháp lý và những cơ sở khác của thể chế được xác định trong một thời gian dài.
Ở Nga, tham nhũng là kẻ thù số một. Tổng thống đã đưa ra các quy định pháp luật chống tham nhũng để Quốc hội xem xét. Ưu điểm chủ yếu của những biện pháp này là tính tổng hợp, tính hệ thống, và định hướng các đối tượng rõ ràng. Để chống tham nhũng, cần phải công khai nguồn thu nhập của các quan chức và gia đình họ. Cần xây dựng và tăng cường vai trò của hệ thống toà án độc lập và trong sạch, làm cơ sở cho trật tự xã hội. Trong thời gian tới sẽ áp dụng nhiều biện pháp đổi mới để xây dựng hệ thống toà án.
Về xây dựng đội ngũ cán bộ. Nước Nga hiện nay cần có một cơ chế mới để xây dựng đội ngũ cán bộ nhằm huy động những người trẻ tuổi và tài năng vào các cơ quan nhà nước ở ba cấp: địa phương, khu vực và liên bang. Cần đưa thông tin về những nhà quản lý tốt nhất vào ngân hàng dữ liệu của Liên bang. Hệ thống giáo dục cần phải đóng vai trò quyết định. Trước đây, Nga đã có nhiều thành tựu giáo dục được công nhận trên thế giới và hiện nay cần phải làm tốt hơn. Sắp tới, chính phủ sẽ thông qua chiến lược phát triển hệ thống giáo dục. Đặc biệt chú ý giáo dục phổ thông vì đây là thời kỳ giáo dục dài nhất và quan trọng nhất. Sẽ chuẩn bị sáng kiến mang tên “Trường học mới của chúng ta”. Trước hết, cần tạo điều kiện cho trẻ em có khả năng thể hiện tài năng của mình trong trường phổ thông. Muốn vậy cần phải đổi mới nội dung giáo dục, xây dựng hệ thống phát hiện và ủng hộ những trẻ em tài năng. Ở đây, người thầy giáo đóng vai trò then chốt. Cần xây dựng hệ thống khuyến khích vật chất và tinh thần để huy động những nhà sư phạm giỏi nhất ở lại trường phổ thông và thu hút những giáo viên mới. Sẽ chọn năm 2010 là “Năm người thầy giáo”. Nước Nga sẽ phát triển hệ thống thể dục thể thao trong các trường phổ thông để thế hệ trẻ trở thành những con người khoẻ mạnh và sáng tạo.
Về bảo hiểm y tế. Nước Nga cần từng bước xây dựng hệ thống bảo hiểm y tế nhằm nâng cao tuổi thọ và khả năng sinh sản. Không được quên lãng việc chăm sóc người cao tuổi bởi mỗi một người cần phải hiểu rõ rằng cuối cùng ai cũng phải trải qua thời kỳ cao tuổi và hưu trí. Nga sẽ tăng phụ cấp hưu trí lên ngang với mức của các nước châu Âu.
Về việc đối phó với kế hoạch của Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa ở Đông Âu. Nga sẽ không bị lôi cuốn vào cuộc chạy đua vũ trang nhưng sẽ bảo đảm khả năng phòng thủ và bảo vệ các công dân Nga. Để đối phó với kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở châu Âu, Tổng thống quyết định tạm dừng các kế hoạch đưa ba trung đoàn tên lửa bố trí ở Cô-den-xcơ ra khỏi trạng thái thường trực chiến đấu. Ngoài ra, ở tỉnh Ca-li-nin-grat sẽ triển khai tổ hợp tên lửa “I-xcan-đơ”. Từ tỉnh Ca-li-nin-grat sẽ thực hiện chế áp điện tử đối với các căn cứ phòng thủ tên lửa của Mỹ ở Đông Âu. Đó là những biện pháp bắt buộc đối với Nga. Nước Nga đã nhiều lần tuyên bố rằng cần phải phối hợp để chống lại các mối đe doạ chung nhưng phía Mỹ đã không chấp thuận. Các sự kiện diễn ra trong tháng 8-2008 chứng tỏ, thế giới đang sống trong tiêu chuẩn nước đôi. Nước Nga đã từng nhận thấy mình bị chỉ trích từ chính những người đã từng tách Cô-xô-vô ra khỏi Nam Tư.
Về quan hệ Nga - Mỹ và trật tự thế giới mới. Nước Nga chủ trương ủng hộ cải tổ Liên hợp quốc, củng cố vai trò trung tâm và nâng cao hiệu quả của Liên hợp quốc. Những tiến bộ trong quan hệ giữa Mỹ và Nga sẽ đóng vai trò then chốt. Quan hệ Mỹ - Nga đang trải qua thời kỳ phức tạp nhưng không có vấn đề gì trong quan hệ giữa nhân dân Nga và nhân dân Mỹ. Ở Nga không có tư tưởng và thái độ chống Mỹ. Hy vọng rằng, chính phủ mới ở Mỹ sẽ lựa chọn hướng hợp tác với Nga. Đã đến lúc cần phải xem xét lại cấu trúc an ninh toàn cầu và cần phải xây dựng một hiệp ước mới về an ninh của châu Âu. Chưa bao giờ việc xây dựng hệ thống quốc tế đa trung tâm lại cần thiết như lúc này. Nước Nga sẽ cùng với các nước khác xây dựng một mô hình dân chủ cho các mối quan hệ giữa các quốc gia, trong đó không chấp nhận vai trò lãnh đạo của một quốc gia. Những ai không hiểu được điều đó sẽ chỉ tạo ra khó khăn cho chính mình và cho những nước khác. Cần phải thông qua các phương pháp ngoại giao có tính tổng hợp để giải quyết các tình huống khủng hoảng. Để đạt được kết quả mong muốn, không nên cô lập một quốc gia nào đó mà nên cùng đối thoại với họ. Cũng cần phải hiện đại hoá hệ thống tài chính quốc tế nhằm bảo đảm lợi ích của tất cả các nước thành viên từng tham gia. Các nước trong nhóm G-20 đã quyết định gặp nhau tại Oa-sinh-tơn vào ngày 15-11-2008. Nước Nga đã có những đề nghị riêng gửi các đối tác. Các quốc gia hàng đầu cần phải cảnh báo và hạn chế những khó khăn về tài chính như cảnh báo về khủng hoảng. Từ nay đến cuối năm 2008, Nga sẽ thông qua hàng loạt điều luật làm cơ sở để xây dựng ở Nga một trong các trung tâm tài chính hàng đầu thế giới làm hạt nhân cho hệ thống tài chính của Nga. Cần áp dụng các biện pháp để củng cố giá trị của đồng rúp và chuyển sang thanh toán bằng đồng rúp, trước hết là thanh toán dầu mỏ và khí đốt nhằm mục đích cuối cùng là biến đồng rúp thành một đồng ngoại tệ khu vực. Hy vọng, biện pháp này sẽ được áp dụng ở các nước đang phát triển khác. Ngoài ra, cần phải tăng cường quan hệ với EU, Trung Quốc, Ấn Độ và nhiều đối tác lớn khác ở Mỹ La-tinh và châu Phi, sẵn sàng hợp tác với tất cả các nước và các tổ chức muốn củng cố quan hệ với Nga./.
Hội nghị cấp cao Cam-pu-chia - Lào - Mi-an-ma - Việt Nam  (07/11/2008)
Nước Nga Xô-viết từ thuở ấy đến hôm nay  (07/11/2008)
Nước Nga Xô-viết từ thuở ấy đến hôm nay  (07/11/2008)
Cần giữ gìn ưu thế về đa dạng sinh học  (07/11/2008)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm