Hội Nông dân Việt Nam với vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn hiện nay
Tập trung đầu tư trước tiên cho việc nâng cao, cải thiện đời sống nông dân được Hội Nông dân Việt Nam coi là cơ sở nền tảng góp phần đẩy mạnh quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn Việt Nam theo hướng hiện đại, để nông nghiệp, nông dân, nông thôn thực sự xứng đáng là cơ sở và lực lượng phát triển kinh tế - xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị và giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường sinh thái.
Tất cả vì lợi ích và sự phát triển của nông dân
Được thành lập từ ngày 14-10-1930, đến nay Hội Nông dân Việt Nam có tổ chức rộng lớn, được hình thành theo 4 cấp từ Trung ương đến cơ sở, thu hút gần 10 triệu hội viên tham gia, chiếm khoảng 80% tổng số hộ nông, lâm, ngư nghiệp. Các chi, tổ hội được thành lập ở tất cả các thôn, ấp, làng, bản, các cụm dân cư, các tổ chức nghề nghiệp sản xuất kinh doanh nông, lâm, ngư nghiệp, trải rộng khắp các vùng miền trên phạm vi cả nước; chi, tổ hội là nơi sinh hoạt thường xuyên của cán bộ, hội viên. Do tổ chức được phát triển rộng lớn, bám sâu đến cơ sở, hoạt động của Hội gắn liền với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn quốc phòng, an ninh và xây dựng nông thôn mới nên cán bộ hội các cấp ngày càng được nâng lên về trình độ nghiệp vụ và năng lực công tác, hội viên phát triển về cả số lượng và chất lượng. Đây là điều kiện thuận lợi, đồng thời là tiền đề quan trọng để các cấp Hội Nông dân Việt Nam triển khai thực hiện và hoàn thành những nhiệm vụ đề ra.
Quán triệt quan điểm đổi mới của Đảng và những đòi hỏi của nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, những năm qua các cấp Hội thường xuyên chăm lo củng cố, xây dựng tổ chức; đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình nhằm thiết thực hỗ trợ hội viên, nông dân trên nhiều lĩnh vực. Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, hội viên, nông dân được các cấp hội đặc biệt quan tâm, coi đây là nền tảng quan trọng thúc đẩy cán bộ, hội viên hăng hái tham gia các hoạt động của hội, tích cực phấn đấu, chủ động, sáng tạo vươn lên làm giàu chính đáng cho mình và cho xã hội. Hội đã sử dụng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, trước tiên là đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến nâng cao sự hiểu biết và ý thức chấp hành các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết của Hội; cung cấp các thông tin về thị trường và hội nhập kinh tế thế giới; chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất và đời sống cho cán bộ, hội viên, nông dân. Đồng thời, tích cực phối hợp với các phương tiện thông tin đại chúng để làm tốt công tác tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan báo chí của Trung ương hội trong công tác tuyên truyền. Báo Nông thôn ngày nay trực thuộc Hội ra 5 kỳ/tuần, số lượng trung bình 60 ngàn bản/kỳ, phát hành đến các chi, tổ hội. Tạp chí Nông thôn mới phát hành 2 kỳ/tháng, website Hội Nông dân Việt Nam có gần 30 chuyên mục, cập nhật nhiều tin bài phong phú, trung bình thu hút hơn 8 ngàn lượt người truy cập mỗi ngày. Bản tin Công tác Hội, tuần tin Thị trường nông thôn của Trung ương và các tỉnh, thành Hội mỗi năm đã phát hành hàng trăm ngàn bản đến các cơ sở hội, giúp nội dung sinh hoạt của các chi, tổ hội, các câu lạc bộ sinh hoạt có thêm nhiều thông tin bổ ích, thiết thực.
Xác định rõ rằng, chất lượng cán bộ là một trong những khâu then chốt góp phần quyết định chất lượng hoạt động của Hội, cũng như tác động đến chất lượng phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn, các cấp hội tập trung xây dựng kế hoạch và thực hiện bồi dưỡng, đào tạo cán bộ hội hằng năm. Đến nay, số cán bộ được bồi dưỡng nghiệp vụ công tác hội đạt tỷ lệ trên 80%. Chỉ riêng trong năm 2007, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã mở 12 lớp tập huấn nghiệp vụ công tác hội cho 1.498 cán bộ hội các cấp. Hội Nông dân các tỉnh, thành phố phối hợp với các trường, các trung tâm bồi dưỡng chính trị của tỉnh và huyện tổ chức 1.800 lớp bồi dưỡng cho 112.890 cán bộ hội. Nhờ đó, trình độ chuyên môn, năng lực công tác của cán bộ hội các cấp, nhất là hội cơ sở, được nâng lên đáng kể.
Chỉ có thể phát triển nông nghiệp, nông thôn Việt Nam theo hướng hiện đại khi đặt nông dân là chủ thể của quá trình phát triển, đầu tư và chăm lo trước tiên cho việc nâng cao, cải thiện đời sống nông dân, mà trước nhất là cải thiện chất lượng nguồn nhân lực. Những năm qua, Hội đã mở 47 trung tâm dạy nghề và hỗ trợ việc làm cho nông dân. Trong 5 năm trở lại đây, các cấp hội đã tổ chức dạy nghề cho 416.559 lao động nông thôn và hỗ trợ được 160.710 người có việc làm mới trong nước, trực tiếp xuất khẩu trên 6.000 lao động nông thôn. Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp hội ngày càng phát triển và hoạt động mang lại nhiều tác dụng thiết thực cho hội viên, nông dân. Đến nay có 54/64 tỉnh, thành, 370/640 huyện, thị và 4.200/11.000 cơ sở hội có Quỹ Hỗ trợ nông dân. Năm 2007, các cấp hội đã vận động xây dựng quỹ được 40,2 tỉ đồng, đạt 140% kế hoạch năm, đưa tổng nguồn vốn của cả hệ thống quỹ hội đạt hơn 312 tỉ đồng. Quỹ đã hỗ trợ cho trên 1,5 triệu hộ nông dân vay với số vốn quay vòng 1.300 tỉ đồng, giúp hội viên, nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo thêm việc làm mới, tăng thu nhập, góp phần đáng kể vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng.
Trung ương hội đã tổ chức ký và thực hiện các chương trình phối hợp với hơn 40 bộ, ngành để hỗ trợ cho các cấp hội hoạt động trên nhiều mặt, thúc đẩy các phong trào nông dân phát triển. Năm 2007, Hội đã phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam giải quyết cho gần 1,5 triệu hộ nông dân ở 85.425 tổ vay vốn với tổng dư nợ 16.820 tỉ đồng; phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội thành lập được 108.000 tổ tiết kiệm vay vốn, giúp hơn 1,9 triệu hộ nông dân vay 11.008 tỉ đồng thực hiện 5 chương trình kinh tế - xã hội, trong đó chủ yếu là cho hộ nghèo vay; phối hợp với các doanh nghiệp giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm, mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, máy nông nghiệp, đồ dùng sinh hoạt theo phương thức trả chậm với lãi suất thấp. Trung ương Hội cũng phối hợp với các bộ, ngành triển khai các chương trình, dự án của Chính phủ hỗ trợ đồng bào dân tộc xóa đói, giảm nghèo ở 18 tỉnh, triển khai chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở 24 tỉnh, chương trình dự án khuyến nông, khuyến lâm và hỗ trợ sản xuất ngành nghề nông thôn ở 20 tỉnh, thực hiện chương trình vay vốn quốc gia giải quyết việc làm (dự án 120) ở 10 tỉnh, chương trình trợ giúp pháp lý ở 23 tỉnh... Các chương trình, dự án đã và đang được triển khai tích cực và đạt kết quả đáng kể.
Các cấp hội phối hợp với các ngành, các cấp đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, khuyến công, 5 năm qua đã mở được 235.000 lớp tập huấn kỹ thuật cho hơn 12 triệu lượt hộ nông dân, xây dựng 11.000 điểm trình diễn mô hình phát triển kinh tế hộ, kinh tế trang trại, thông qua hoạt động trình diễn nhằm phổ biến, nhân rộng mô hình. Nhờ đó, có hàng trăm ngàn hộ nông dân thoát nghèo, nhiều hộ đã vươn lên thành hộ khá, giàu. Chỉ tính riêng năm 2007, Hội đã trực tiếp giúp 252.600 hộ nông dân thoát nghèo.
Thực hiện Chỉ thị số 26/2001/CT-TTg và Công văn số 1502/TTg của Thủ tướng Chính phủ về Hội Nông dân tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo, gắn với thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở, các cấp hội đã triển khai nhiều biện pháp tích cực tuyên truyền pháp luật, trợ giúp pháp lý cho hàng triệu lượt nông dân. Năm năm qua, các cấp hội đã vận động hòa giải thành công hơn 190.700 vụ việc, trong đó chủ yếu là các tranh chấp đất đai, đền bù, giải phóng mặt bằng; phối hợp cùng chính quyền và thanh tra các cấp giải quyết hàng ngàn đơn thư khiếu nại, tố cáo, hạn chế khiếu kiện sai, khiếu kiện vượt cấp, góp phần thiết thực giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở nông thôn.
Tích cực đẩy mạnh các phong trào thi đua
Những năm qua, các cấp hội đã làm tốt việc tập hợp nông dân, giữ vai trò là trung tâm, nòng cốt trong phong trào nông dân, tích cực tham gia hoạch định và thực hiện các chương trình kinh tế - xã hội ở nông thôn, góp phần quan trọng vào việc thực hiện nhiệm vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng được coi là một trong những phong trào trọng tâm, có sức phát triển ngày càng sâu rộng trên phạm vi cả nước, thu hút hàng chục triệu hội viên tham gia, đăng ký phấn đấu trở thành "nông dân sản xuất kinh doanh giỏi" các cấp. Đến năm 2007 đã có gần 5 triệu hộ đạt được danh hiệu này. Phong trào thi đua đã khơi dậy tiềm năng, nội lực trong nông nghiệp, nông thôn, kích thích nông dân lao động sáng tạo, đổi mới cách nghĩ, cách làm và tích cực tiếp thu, ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, mở rộng ngành nghề dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Phong trào này đã góp phần quan trọng thúc đẩy sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp những năm qua phát triển toàn diện, đưa cơ cấu sản xuất và lao động nông, lâm, thủy sản có bước chuyển dịch tích cực theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và tăng tỷ trọng hàng hóa, dịch vụ, tăng hiệu quả kinh tế gắn với nhu cầu thị trường. Các loại nông sản xuất khẩu chủ yếu dần có sức cạnh tranh cao, chiếm vị thế đáng kể trên thị trường thế giới.
Phong trào thi đua xây dựng gia đình văn hóa, tham gia xây dựng làng, xã văn hóa, cùng với phong trào thi đua tham gia bảo đảm quốc phòng, an ninh của nông dân do các cấp hội phát động đã hướng vào các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, chăm sóc sức khỏe trẻ em, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, tham gia bảo đảm an toàn giao thông, bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống các tệ nạn xã hội. Để thực hiện các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, các cấp hội, dưới nhiều hình thức đã trực tiếp giáo dục ý thức cảnh giác, ngăn chặn các âm mưu "diễn biến hòa bình", lợi dụng vấn đề dân tộc tôn giáo, dân chủ, kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc từ các thế lực thù địch đối với hội viên của mình. Với nhiều hình thức hoạt động phong phú, đa dạng, điển hình như các cuộc thi "Nhà nông đua tài", "Thôn nữ giỏi giang duyên dáng", các cuộc liên hoan văn nghệ "Tiếng hát đồng quê", "Văn hóa ẩm thực", các mô hình "Điểm sáng vùng biên", "Tiếng mõ an ninh", "Bình yên làng nghề"... Các phong trào ngày càng đi vào chiều sâu và thu hút đông đảo nhân dân tham gia, góp phần làm phong phú hơn đời sống tinh thần cho nông dân, đóng góp hiệu quả, thiết thực bảo đảm an ninh chính trị - xã hội.
Các phong trào thi đua yêu nước của nông dân do các cấp Hội Nông dân tổ chức trong những năm qua đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện hiệu quả chủ trương của Đảng về đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Kinh tế nông nghiệp, nông thôn ngày càng có bước phát triển toàn diện, đời sống vật chất và tinh thần của nông dân ở hầu hết các vùng, miền được nâng lên rõ rệt, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc, lòng tin của nông dân với Đảng, chính quyền và với Hội được củng cố, từ đó giúp tăng cường sức mạnh của khối đại đoàn kết dân. Đây là tiền đề, căn cứ quan trọng góp phần thiết thực hưởng ứng và quán triệt thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Đổi mới phương thức hoạt động của Hội Nông dân các cấp
Đảng ta xác định nhiệm vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, và coi đó là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân; là nhiệm vụ trực tiếp của giai cấp nông dân liên minh với giai cấp công nhân và đội ngũ trí thức. Tiếp tục quán triệt chủ trương đổi mới của Đảng và đáp ứng ngày càng tốt hơn những đòi hỏi của nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, những năm qua, Hội Nông dân các cấp đã không ngừng củng cố về tổ chức và đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của mình, gắn bó chặt chẽ với nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Các cấp hội ngày càng tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong công tác vận động quần chúng. Uy tín của Hội được nâng lên và thu hút đông đảo hội viên tham gia. Đây là những tiền đề quan trọng giúp Hội Nông dân tích cực hơn nữa trong việc thể hiện vai trò nòng cốt trong phong trào nông dân và thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đề ra.
Với phương châm đoàn kết, năng động, sáng tạo, Hội Nông dân Việt Nam phấn đấu không ngừng xây dựng hội vững về chính trị, mạnh về tổ chức, thống nhất về hành động; là trung tâm và nòng cốt cho phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế. Tham gia có hiệu quả vào công tác xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh và khối đoàn kết toàn dân tộc. Nâng cao vai trò đại diện, chăm lo, bảo vệ lợi ích hợp pháp của hội viên, nông dân; góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Việc đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của các cấp hội được Hội Nông dân Việt Nam tập trung, trước tiên, vào việc đổi mới công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục hội viên, nông dân nắm vững và thực hiện có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nâng cao trình độ về mọi mặt cho cán bộ, hội viên, nông dân. Thứ hai, tiếp tục đổi mới, củng cố xây dựng tổ chức hội các cấp vững về mọi mặt, chú trọng nâng cao chất lượng tổ chức và hoạt động của hội cơ sở, phát triển hội viên; đẩy mạnh công tác đào tạo và bồi dưỡng cán bộ, tăng cường công tác kiểm tra, công tác thi đua - khen thưởng, công tác tài chính và xây dựng cơ sở vật chất của hội. Thứ ba, tăng cường hơn nữa các hoạt động hướng dẫn, tư vấn, dịch vụ, hỗ trợ nông dân. Thứ tư, nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, chủ động tham mưu đề xuất với Đảng, Nhà nước về những chủ trương, chính sách có liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn; mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác cùng có lợi với các tổ chức và nông dân các nước trong khu vực và trên thế giới. Hội Nông dân Việt Nam mong muốn Chính phủ có thể chế, chế tài để Hội có cơ sở pháp lý tham gia nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trực tiếp thực hiện các chương trình, dự án khuyến nông, khuyến lâm, khuyến công, khuyến ngư; tổ chức các dịch vụ hỗ trợ về vốn, vật tư nông nghiệp, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật, thông tin thị trường, tiêu thụ nông sản; tổ chức dạy nghề và hỗ trợ việc làm, tư vấn pháp lý, trực tiếp tham gia thực hiện các chương trình văn hóa, xã hội như chương trình dân số, gia đình - trẻ em, bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nông dân.
Là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp nông dân Việt Nam, kể từ ngày thành lập, Hội Nông dân Việt Nam thường xuyên chăm lo củng cố tổ chức, nâng cao năng lực hoạt động, giữ vai trò là trung tâm, nòng cốt trong các phong trào nông dân, lãnh đạo giai cấp nông dân trung thành tuyệt đối với Đảng, tích cực phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết, dũng cảm trong đấu tranh giải phóng dân tộc, cần cù sáng tạo trong lao động, sản xuất xây dựng quê hương, đất nước; tích cực thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 7, khóa X, về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đồng thời tăng cường vai trò là trung tâm và nòng cốt trong phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới; không ngừng nỗ lực khơi dậy và tập hợp sự đoàn kết, năng động, sáng tạo của các cấp hội và toàn thể hội viên, để nâng cao đời sống cho nông dân, phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại song vẫn giữ gìn và phát huy được bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam./.
Cần giữ gìn ưu thế về đa dạng sinh học  (07/11/2008)
Cần giữ gìn ưu thế về đa dạng sinh học  (07/11/2008)
Lãnh đạo Việt Nam gửi điện chúc mừng Tân Tổng thống Hoa Kỳ  (07/11/2008)
Về phát triển giáo dục và đào tạo trong giai đoạn mới  (07/11/2008)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm