Giữ vững độc lập, tự chủ trong giải quyết những vấn đề toàn cầu dưới ánh sáng Nghị quyết Đại hội XI của Đảng
I. Những vấn đề toàn cầu - mối quan tâm chung của toàn nhân loại
Căn cứ vào tình hình thế giới những năm gần đây, có thể đưa ra một số dạng thức cơ bản những vấn đề toàn cầu.
Một là, những vấn đề toàn cầu gắn liền với mối quan hệ giữa các cộng đồng xã hội của nhân loại, gồm các vấn đề: Lợi ích kinh tế, cương vực lãnh thổ, xung đột tôn giáo và dân tộc, tội phạm quốc tế (buôn bán ma túy, buôn bán phụ nữ, trẻ em…), các tổ chức khủng bố, tập đoàn mafia xuyên quốc gia, sản xuất vũ khí hủy diệt hàng loạt…
Hai là, những vấn đề toàn cầu nảy sinh từ sự tác động qua lại giữa xã hội loài người đối với giới tự nhiên, môi trường sinh thái gồm các vấn đề nổi cộm: biến đổi khí hậu toàn cầu, những thiên tai từ thiên nhiên (động đất, sóng thần, núi lửa, bão, lũ, hạn hán, các cơn bão từ vũ trụ xuống trái đất, sự va chạm giữa các hành tinh, nước biển dâng cao...); suy thoái môi truờng (ô nhiễm nước, phóng xạ, tiếng ồn, bãi thải công nghiệp...); sự cạn kiệt các nguồn tài nguyên thiên nhiên (đất, nước, tài nguyên khoáng sản, động, thực vật, nhiên liệu dầu mỏ, khí đốt, than đá...).
Ba là, những vấn đề toàn cầu liên quan trực tiếp đến con người, đến sự tồn tại của các cá nhân con người gồm: bùng nổ dân số, di cư tự do, đô thị hóa tràn lan, tình trạng nghèo đói, an ninh tài chính, an ninh lương thực, các dịch bệnh lớn và hiểm nghèo (HIV/AIDS, cúm A/H5N1…).
Các dạng thức cơ bản có tính chất toàn cầu nêu trên đã và đang tác động mạnh mẽ đến mọi quốc gia, dân tộc trên thế giới, đe dọa đến sự tồn vong của cả loài người. Thực tiễn cho thấy, trong bối cảnh toàn cầu hóa kinh tế, không một quốc gia, dân tộc nào có thể một mình kiểm soát được những vấn đề toàn cầu, nếu không cùng nhau hợp tác giải quyết có hiệu quả. Vì vậy, nguyên tắc chung trong giải quyết những vấn đề toàn cầu hiện nay, đòi hỏi mỗi quốc gia, dân tộc không kể giàu, nghèo, không phân biệt chế độ xã hội, tôn giáo, chính kiến, hệ tư tưởng, đều phải coi vấn đề toàn cầu là những vấn đề phổ biến; phải gắn chiến lược phát triển của quốc gia mình với lợi ích chung của toàn nhân loại. Vì thế, các quốc gia, dân tộc không những phải có sự thống nhất về mặt nhận thức, mà còn phải có thiện chí trong hợp tác, liên kết để tìm ra hướng giải quyết hữu hiệu những vấn đề toàn cầu trong bối cảnh quốc tế hiện nay.
Song cần nhấn mạnh, trong tiến trình giải quyết những vấn đề toàn cầu, không một quốc gia nào được cậy thế cường quyền, nước lớn, nước giàu để chi phối, áp đặt đối với nước khác bằng các diễn đàn đa phương, hoặc tổ chức quốc tế, đặc biệt là những vấn đề mang tính nhạy cảm như: chống khủng bố, xung đột tôn giáo, dân tộc, giải quyết tranh chấp cương vực lãnh thổ,… mà phải dựa trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền và tình hình cụ thể của mỗi nước.
II. Giữ vững độc lập, tự chủ trong giải quyết những vấn đề toàn cầu hiện nay
Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn nỗ lực chung tay cùng cộng đồng quốc tế giải quyết những vấn đề toàn cầu nổi cộm đang ngày càng lan rộng. Đảng ta nêu rõ quan điểm: “Nhân dân thế giới đang đứng trước những vấn đề toàn cầu cấp bách có liên quan đến vận mệnh loài người. Đó là giữ gìn hòa bình, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh, chống khủng bố, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu, hạn chế sự bùng nổ về dân số, phòng ngừa và đẩy lùi những dịch bệnh hiểm nghèo... Việc giải quyết những vấn đề đó đòi hỏi sự hợp tác và tinh thần trách nhiệm cao của tất cả các quốc gia, dân tộc”(1).
Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại của Đảng là độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế trong tham gia giải quyết những vấn đề toàn cầu cấp bách hiện nay của nhân loại; trước tình hình an ninh thế giới vẫn nổi cộm nhiều vấn đề xung đột sắc tộc và tôn giáo, tranh giành tài nguyên và lãnh thổ, nạn khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia gia tăng, cùng với những vấn đề toàn cầu khác như đói nghèo, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, các thảm họa thiên nhiên… buộc Việt Nam phải có chính sách đối phó và phối hợp cùng các quốc gia khác, các tổ chức quốc tế để hành động hiệu quả. Và thực tế thời gian qua cho thấy, nước ta đã trở thành một đối tác tin cậy và có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, góp phần vào hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới.
Tuy nhiên, bên cạnh các yếu tố tích cực trong phối hợp giải quyết những vấn đề toàn cầu của cộng đồng quốc tế, có những nước lớn lợi dụng “vấn đề toàn nhân loại” để tìm cách áp đặt quan điểm, luận thuyết của mình trong việc giải quyết những vấn đề này lên Liên hợp quốc và với các nước khác, nhất là các vấn đề hết sức nhạy cảm như: chống khủng bố, xung đột dân tộc, sắc tộc, tôn giáo, vấn đề năng lượng; song họ lại tìm cách lảng tránh, thoái thác nhiều vấn đề nóng bỏng như: biến đổi khí hậu, nạn đói nghèo khủng khiếp ở châu Phi, chạy đua vũ trang… mà ai cũng hiểu rõ họ là thủ phạm chính gây ra. Chính thái độ thực dụng cùng với chính sách ngoại giao “pháo hạm”, “chiếc gậy và củ cà rốt” trong quan hệ quốc tế của một số nước lớn là những yếu tố vừa cản phá việc giải quyết, vừa làm nảy sinh thêm phức tạp trong việc tìm ra lối thoát giải quyết những vấn đề toàn cầu cấp bách.
Hiện nay, sau khi trở thành thành viên của WTO, nước ta tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu là phù hợp với yêu cầu, xu thế phát triển khách quan của thế giới. Trong xu thế chung đó, Việt Nam phải tích cực, chủ động hội nhập quốc tế. Việc hội nhập của nước ta không chỉ giới hạn trong lĩnh vực kinh tế mà được mở rộng ra tất cả các lĩnh vực khác, đặc biệt là trong những vấn đề toàn cầu. Để giải quyết vấn đề này phù hợp với điều kiện thực tiễn của đất nước và đạt hiệu quả, chúng ta cần phải xử lý hài hòa mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế. Đây là một trong những mối quan hệ cơ bản, cốt lõi của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Giữ vững độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế, giải quyết hài hòa những vấn đề toàn cầu đều cùng nhằm hướng tới một mục tiêu chung là đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững. Hai nhiệm vụ này gắn bó, tác động qua lại, có mối quan hệ biện chứng với nhau. Độc lập, tự chủ là một yêu cầu nội tại của dân tộc Việt Nam với tính cách là một chủ thể chính trị - pháp lý. Bởi vậy, nó trở thành một trong những nguyên tắc căn bản nhất trong tổ chức và hoạt động của Nhà nước Việt Nam, cả trên bình diện đối nội và đối ngoại. Nhưng độc lập không có nghĩa là biệt lập, khép kín; tự chủ không phải là tự quyết định một cách cứng nhắc và tuyệt đối, không tính đến các quy định của luật pháp và thông lệ quốc tế. Hội nhập quốc tế một cách chủ động và tích cực thể hiện rõ quan điểm, đường lối nhất quán của Đảng ta trong việc đưa đất nước tham gia vào quá trình toàn cầu hóa, phù hợp với xu thế lịch sử trong thế giới hiện đại. Việc chủ động và tích cực hội nhập quốc tế chính là khẳng định độc lập, tự chủ của Đảng và Nhà nước ta, không chịu một sức ép can thiệp nào từ bên ngoài. Vì vậy, giữ vững độc lập, tự chủ là nguyên tắc bất di bất dịch; hội nhập quốc tế là phản ánh tính tất yếu hoạt động của Đảng và Nhà nước ta trên mọi lĩnh vực, trong đó có vấn đề toàn cầu.
Như vậy, biện chứng của mối quan hệ độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế trong giải quyết những vấn đề toàn cầu cấp bách hiện nay dưới ánh sáng Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI là, có giữ vững độc lập, tự chủ mới tạo vị thế và khả năng cho nước ta chủ động hội nhập quốc tế; đồng thời, hội nhập sâu rộng vào cộng đồng quốc tế trong giải quyết những vấn đề toàn cầu cũng bao hàm ý nghĩa mang “thế giới đến với Việt Nam”, nhanh chóng bổ sung sức mạnh cho nội lực còn khiếm khuyết, thiếu hụt, rút ngắn con đường phát triển, giữ vững hơn nền độc lập, tự chủ, để bảo vệ các lợi ích chính đáng của đất nước trong bối cảnh các quan hệ đa phương, song phương giữa các quốc gia, các tổ chức khu vực và quốc tế ngày càng phức tạp, đa dạng.
Trong kỷ nguyên toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đang có những nước, các nhóm nước thực hiện những vấn đề toàn cầu theo ý đồ của họ. Do vậy, giữ vững độc lập, tự chủ trong giải quyết những vấn đề toàn cầu, trước hết phải được thể hiện ở độc lập, tự chủ về chủ trương, quan điểm giải quyết vấn đề này phù hợp với tình hình thực tế của đất nước và đúng luật pháp quốc tế, không chấp nhận bất cứ sự can thiệp nào từ bên ngoài. Phải xuất phát từ lợi ích giai cấp, lợi ích dân tộc, không giáo điều, rập khuôn, máy móc. Quá trình thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng trong giải quyết những vấn đề toàn cầu phải bám sát phương châm không ngừng mở rộng hợp tác, bình đẳng và cùng có lợi; Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy với tất cả các nước, các tổ chức quốc tế; tích cực và chủ động hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, để thực hiện tốt mối quan hệ độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế trong giải quyết những vấn đề toàn cầu hiện nay, cần nhận rõ một số vấn đề sau:
Về môi trường quốc tế: độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế trong giải quyết những vấn đề toàn cầu của Việt Nam luôn nằm trong tương quan và quan hệ chiến lược giữa các nước lớn, các trung tâm quyền lực quốc tế. Việc ta có thể khai thác lợi ích từ việc tham gia giải quyết những vấn đề toàn cầu đến đâu tùy thuộc vào sự ổn định, phát triển trong nước, cũng như năng lực xử lý quan hệ của Đảng, Nhà nước ta với các nước lớn, các trung tâm quyền lực thế giới, bảo đảm cân bằng lợi ích của nước ta trong quan hệ với họ về vấn đề này.
Về môi trường khu vực: chúng ta phải luôn chủ động, có trách nhiệm đối với sự ổn định của khu vực; tăng cường phối hợp và hợp tác ASEAN trong các vấn đề toàn cầu, không ngừng nâng cao năng lực và trách nhiệm nhằm ứng phó hiệu quả với các thách thức toàn cầu, theo đúng tinh thần Tuyên bố “Cộng đồng ASEAN trong Cộng đồng các quốc gia toàn cầu” mà các nhà lãnh đạo các nước ASEAN đã ký kết tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 19 (tháng 11-2011).
Về môi trường toàn cầu: mở cửa và hội nhập quốc tế sẽ tạo cơ hội cho các thế lực thù địch từ bên ngoài mượn cớ “nhân quyền”, “dân chủ”, “tự do tôn giáo” can thiệp vào công việc nội bộ, thực hiện “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ; các thế lực xuyên quốc gia, như: khủng bố quốc tế, buôn bán ma túy, hoạt động rửa tiền... thâm nhập, phá hoại trật tự, an toàn xã hội, gây mất ổn định chính trị. Do đó, chúng ta phải luôn đề cao cảnh giác, có các biện pháp phù hợp, hiệu quả.
Trong tình hình mới, khi tham gia hợp tác giải quyết các vấn đề toàn cầu Việt Nam có nhiều thuận lợi mới: chúng ta có quan hệ hợp tác nhiều mặt với các tổ chức ASEAN, ASEM, APEC và WTO, IMF, WB; đã thiết lập được quan hệ kinh tế - thương mại với gần 180 quốc gia, vùng lãnh thổ; đã ký kết khoảng 90 hiệp định thương mại song phương và đa phương, với các nước phát triển. Nền kinh tế phát triển tạo điều kiện cho chính trị ổn định, nền quốc phòng - an ninh đất nước không ngừng được củng cố vững mạnh, vị thế của Việt Nam nâng cao.
Bên cạnh những thuận lợi khi giải quyết các vấn đề toàn cầu, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với những nguy cơ, thách thức. Trước hết, đó là các vấn đề đói nghèo, bùng nổ dân số, bệnh tật hiểm nghèo... Thứ hai, Việt Nam sẽ chịu tác động lớn đến những biến động về quốc phòng - an ninh trong khu vực cũng như trên thế giới, nếu như những vấn đề toàn cầu không được hợp tác giải quyết ổn thỏa. Bởi hiện nay, nhiều quốc gia chạy đua vũ trang, thử nghiệm vũ khí hạt nhân… đó chính là những thách thức trong quan hệ hợp tác quốc tế để giải quyết vấn đề toàn cầu nóng bỏng và cấp bách. Thứ ba, các thế lực thù địch sẽ lợi dụng mối quan hệ của Việt Nam với các tổ chức quốc tế và các quốc gia trên thế giới trong giải quyết những vấn đề toàn cầu để tiến hành chống phá, gây ảnh hưởng, tuyên truyền các luận điệu phản động, can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam.
Để chủ động hội nhập quốc tế một cách có hiệu quả và giữ vững độc lập, tự chủ trong giải quyết những vấn đề toàn cầu theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI, cần thực hiện một số định hướng giải pháp chủ yếu sau:
Thứ nhất, Đảng và Nhà nước cần có định hướng chiến lược tham gia giải quyết những vấn đề toàn cầu nóng bỏng hiện nay, trên cơ sở giữ vững nguyên tắc độc lập, tự chủ và tăng cường hội nhập quốc tế.
Yêu cầu thực hiện định hướng giải pháp này phải bám sát quan điểm đường lối đối ngoại của Đảng là chủ động, đa phương hóa, đa dạng hóa, Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước, các tổ chức quốc tế, trên tinh thần tôn trọng độc lập, chủ quyền, cùng có lợi.
Thứ hai, đẩy mạnh xây dựng một hệ thống luật pháp hoàn thiện để thúc đẩy hợp tác quốc tế trong giải quyết các vấn đề toàn cầu.
Yêu cầu thực hiện định hướng giải pháp này phải cần xây dựng hệ thống pháp luật chặt chẽ và hoàn thiện, phù hợp với các quy định và thông lệ quốc tế; mở rộng quan hệ quốc tế trong vấn đề này nhưng phải bảo vệ vững chắc chủ quyền và an ninh quốc gia.
Thứ ba, xây dựng năng lực xử lý và ứng phó với những vấn đề toàn cầu.
Yêu cầu thực hiện định hướng giải pháp này phải tăng cường tuyên truyền cho mọi người dân nâng cao nhận thức về những vấn đề toàn cầu; đồng thời tăng cường phối hợp hành động của các cấp, các ngành trong xử lý và ứng phó với những vấn đề toàn cầu; nâng cao năng lực dự báo và xây dựng hệ thống cảnh báo sớm về những vấn đề toàn cầu mà Việt Nam phải đối mặt.
Như vậy, trong việc giải quyết những vấn đề toàn cầu, Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc. Trong điều kiện cụ thể, chúng ta phải luôn giữ vững nguyên tắc độc lập, tự chủ; đồng thời, giải quyết tốt mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế với những vấn đề toàn cầu vì lợi ích chung của nhân loại và vì sự phát triển bền vững của đất nước trong sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội./.
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.69.
Thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy trong mối quan hệ với tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị  (29/06/2012)
Một số vấn đề về lao động và việc làm của thanh niên hiện nay  (29/06/2012)
Hội thảo khoa học lý luận - thực tiễn "Thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong mối quan hệ với tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị”  (29/06/2012)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay