Nhớ về Mùa Xuân toàn thắng (phần II)

Trung tướng Phạm Hồng Cư
22:22, ngày 30-04-2012

TCCSĐT - Thời cơ chiến lược xuất hiện. Ngày 18-3-1975, Bộ Chính trị họp hạ quyết tâm “Khẩn trương chuyển hẳn sang phương án thời cơ, chuyển cuộc tiến công chiến lược thành Tổng tiến công chiến lược, hoàn thành kế hoạch hai năm (1975-1976) ngay trong năm 1975”. Đây là một quyết tâm rất lớn, rất kịp thời, phát hiện thời cơ chiến lược, nắm bắt thời cơ để chuyển biến cục diện chiến tranh.

4. Đòn tiến công chiến lược thứ hai giải phóng Huế - Đà Nẵng

Hạ tuần tháng 3-1975, chiến dịch Tây Nguyên toàn thắng. Không khí tại Bộ Tổng tư lệnh sôi nổi, mọi người rất vui mừng thấy cuộc tiến công chiến lược phát triển nhanh hơn dự kiến.

Thượng tướng Song Hào, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị gọi tôi đến giao nhiệm vụ: “Cử đồng chí làm phái viên của Tổng cục Chính trị theo dõi mặt trận Huế - Đà Nẵng. Đồng chí lên đường ngay. Huy động các lực lượng báo chí, thông tấn, văn hóa văn nghệ trong và ngoài quân đội bám sát mặt trận. Giải phóng đến đâu phải có tin, ảnh chiến sự đến đấy. Các đoàn văn công quân đội sẵn sàng tiến vào vùng giải phóng”. Đồng chí Song Hào, nguyên là Chính ủy Đại đoàn Quân Tiên phong 308 khi tiếp quản Thủ đô đã nhắc nhở tôi kinh nghiệm ngày giải phóng Thủ đô năm 1954.

Trước đó, Điện ảnh Quân đội đã cử một bộ phận quay phim bám sát Sư đoàn 316, quay được những hình ảnh sinh động về việc quân ta đánh chiếm Sở chỉ huy Sư đoàn 23 của Ngụy và các mục tiêu khác trong thị xã Buôn Ma Thuột.

Tôi cũng nhanh chóng huy động các lực lượng phóng viên báo chí, văn nghệ sĩ rồi lên đường ngay, theo tuyến Hồ Chí Minh vào Tây Huế. Nhưng tôi đã đến chậm. Đường Hồ Chí Minh nườm nượp những đoàn xe chở quân của Quân đoàn 1 được lệnh lên đường chiến đấu. Vinh dự được vào chiến trường vào thời điểm lịch sử, nét mặt các chiến sĩ tươi rói. Xe tôi bị kẹt, tôi phải bỏ xe, dùng mọi phương tiện kể cả xe lam của đồng bào vùng mới giải phóng để đến được Đà Nẵng một ngày sau khi thành phố được giải phóng. Tôi gặp đồng chí Lê Linh Chính ủy Quân đoàn 2. Chúng tôi ôm nhau giữa Đà Nẵng giải phóng, trong lòng xiết bao vui sướng. Lê Linh với tôi là bạn thân từ trong Kháng chiến chống Pháp, khi ấy Lê Linh là Chính ủy Trung đoàn 36 Đại đoàn 308 mà tôi là Phó Chính ủy. Lê Linh hồ hởi kể chuyện: “Từ ngày 19-3, quân ta đã giải phóng thị xã và toàn bộ tỉnh Quảng Trị. Quân khu Trị Thiên và Quân đoàn 2 được lệnh gấp rút đưa quân xuống đồng bằng, nhanh chóng cắt đứt đường số 1 không cho địch rút về co cụm ở Đà Nẵng. Quân ta khẩn trương đánh chặn, chia cắt đội hình địch, đánh tan Sư đoàn 1 ngụy, giải phóng hoàn toàn Trị Thiên Huế. Ta chiếm lĩnh đèo Hải Vân, bịt Cửa Thuận An không cho địch rút chạy. Pháo tầm xa của ta bắn phá sân bay Phú Bài. Hàng chục ngàn quân ngụy cùng với hàng trăm xe tăng, xe bọc thép bị ta tiêu diệt và bắt sống. Cảnh thảm bại trên đường số 7 ở Tây Nguyên lại diễn ra trên đường từ Huế xuống Cửa Thuận An. Quân ta tiến vào thành phố Huế, phối hợp với quần chúng nổi dậy giải phóng hoàn toàn cố đô Huế ngày 26-3. Lá cờ cách mạng nửa đỏ nửa xanh với ngôi sao vàng năm cánh được kéo lên đỉnh cột cờ trước Ngọ Môn”.

Đồng chí Lê Linh nói tiếp: Quân đoàn 2 được lệnh nhanh chóng tiến vào giải phóng Đà Nẵng. Mặt trận Quảng Đà được thành lập do đồng chí Lê Trọng Tấn làm Tư lệnh, đồng chí Chu Huy Mân làm Chính ủy. Tình hình chuyển biến rất nhanh, tư lệnh và chính ủy mặt trận Quảng Đà chỉ làm việc với nhau bằng điện đài, không kịp họp hành gì cả”. Ngày 27-3, Bộ Tổng tư lệnh đã hạ lệnh: Quân đoàn 2 và một sư đoàn của Quân đoàn 1 tiến công ở phía Bắc Đà Nẵng, riêng Sư đoàn 304 tiến công từ hướng Tây Nam. Phía Nam Đà Nẵng, các lực lượng của Sư đoàn 2 (Quân khu 5) dưới sự chỉ huy trực tiếp của đồng chí Chu Huy Mân bỏ qua các mục tiêu dọc đường tiến thẳng về Đà Nẵng. Pháo binh ta nã đạn khống chế bến cảng và sân bay, bán đảo Sơn Trà và Sở Chỉ huy Quân đoàn 1 của Ngụy. Ta tập trung lực lượng từ hai phía: từ Thừa Thiên Huế đánh vào, từ Quảng Ngãi đánh ra, quyết không cho địch rút chạy để co cụm vào giữ Sài Gòn. Ngày 29-3-1975, cả hai cánh quân cùng tiến công vào thành phố Đà Nẵng, phối hợp với quần chúng nổi dậy đánh chiếm các mục tiêu quân sự, chính trị, kinh tế, giải phóng hoàn toàn thành phố Đà Nẵng và thị xã Hội An. Ta tiêu diệt và làm tan rã hơn 10 vạn quân địch trong bộ máy quân sự, hành chính của ngụy quân ngụy quyền tại thành phố lớn miền Trung này”. Đồng chí Lê Linh hồ hởi kể, chiến dịch này do Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng tư lệnh trực tiếp chỉ huy. Anh Văn (Đại tướng Võ Nguyên Giáp) đôn đốc ráo riết. Thời gian là lực lượng. Chỉ trong một thời gian ngắn kỷ lục có 3 ngày mà ta đã tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ quân địch, giải phóng tỉnh Quảng Đà, đặc biệt là căn cứ quân sự Đà Nẵng, căn cứ liên hợp lớn nhất và quan trọng nhất của địch ở miền Nam Việt Nam. Anh Văn gửi điện khen cả hai cánh quân: cánh Quân đoàn 2 phía Bắc do Nguyễn Hữu An, Lê Linh, Hoàng Đan chỉ huy và cánh quân phía Nam: Sư đoàn 2 (Quân khu 5) do Nguyễn Chơn chỉ huy.

Ngày hôm sau, tôi nhận được lệnh của Tổng cục Chính trị đón đồng chí Lê Quang Hòa, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị vào Đà Nẵng để cùng với đồng chí Lê Trọng Tấn, Tổng Tham mưu trưởng thành lập cánh quân Duyên hải có nhiệm vụ tiến theo đường số 1 vào tham gia mặt trận Sài Gòn.

Như vậy là đòn tiến công chiến lược thứ hai giải phóng Huế - Đà Nẵng đã được hoàn thành xuất sắc. Lại một bước nhảy vọt mới trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng miền Nam mùa Xuân lịch sử 1975.

5. Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa

Trong cuộc đời quân ngũ của tôi, có những lần tôi nhận được lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp mà khi đọc lên thì mệnh lệnh đó âm vang trong tâm hồn tôi như một lời hịch của non sông đất nước. Đặc biệt phải kể tới là ngày 7-4-1975, trên đường hành quân tiến về Sài Gòn, tôi nhận được bức điện của Đại tướng Tổng tư lệnh với nội dung: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng”. Mệnh lệnh nổi tiếng ấy như một lời hịch của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chỉ đạo chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Lúc này, tôi đã là phái viên của Tổng cục Chính trị, theo sát cánh quân Duyên Hải. Tôi giúp đồng chí Lê Quang Hòa truyền đạt tức khắc mệnh lệnh của Đại tướng đến khắp các đơn vị thuộc cánh quân Duyên Hải. Cánh quân này mới thành lập, không nằm trong dự kiến từ trước, gồm lực lượng Quân đoàn 2 vừa giải phóng Đà Nẵng, Sư đoàn 3 Sao Vàng thuộc Quân khu 5, các đơn vị pháo binh, cao xạ, xe tăng, công binh, có nhiệm vụ đánh địch trong hành tiến, khẩn trương hành quân để đến kịp thời gian cùng các đơn vị bạn tham gia giải phóng Sài Gòn. Đồng chí Lê Trọng Tấn là Tư lệnh, đồng chí Lê Quang Hòa là Bí thư Ban cán sự Đảng lâm thời.

Cánh quân Duyên Hải hồ hởi lên đường như được chắp cánh bay về Nam, bảo đảm tốc độ. Thế nhưng mới ra khỏi Đà Nẵng chúng tôi đã gặp trở ngại đầu tiên: Cầu Câu Lâu bắc qua sông Thu Bồn bị địch phá sập 2 nhịp, công binh khắc phục bắc cầu tạm cho các đơn vị nhẹ đi trước, triển khai một bến phà quân sự để chở loại xe trọng tải lớn. Cứ như vậy thì quá chậm. Một người dân vùng mới giải phóng cho biết, phía thượng lưu cách cầu Câu Lâu khoảng hơn 10 km, có một cây cầu, vậy là cả đoàn xe tăng rầm rập cơ động dọc theo bờ sông Thu Bồn cố gắng bù lại thời gian đã mất. Dọc đường qua các tỉnh miền Trung mới giải phóng, đông đảo đồng bào ra đứng hai bên đường hoan hô bộ đội. Tôi gặp một tốp phụ nữ đứng chỉ chỏ, hỏi ra thì trong tốp phụ nữ này, có một chị đã chờ chồng 20 năm nay, thấy bộ đội Giải phóng vội chạy ra đón, hy vọng được thấy anh ấy về.

Ngày 10-4, khi chúng tôi đến Phan Rang thì cánh quân gặp tuyến phòng thủ từ xa của địch. Lúc này chúng tôi còn cách Sài Gòn 350 km. Tại đây có 2 hải cảng Tân Thành và Ninh Chữ, có sân bay Thành Sơn với lực lượng bộ binh và một sư đoàn không quân ngụy. Sáng 14-4, quân ta nổ súng đánh Phan Rang, quân địch được phi pháo yểm hộ, dựa vào hệ thống công sự và địa hình có lợi, ngoan cố chống cự. Sáng 16-4, Tư lệnh Quân đoàn 2 của đồng chí Nguyễn Hữu An tổ chức một đội hình thọc sâu gồm xe tăng, thiết giáp đánh thẳng theo đường số 1, chiếm thị xã Phan Rang, chiếm 2 cảng Tân Thành và Ninh Chữ, đồng thời theo đường 11 đánh ngược lên phía Tây Bắc, vu hồi vào sườn phía Tây của địch, chiếm sân bay Thành Sơn, thu 40 máy bay còn nguyên vẹn (sau này dùng để tổ chức phi đội Quyết thắng ném bom sân bay Tân Sơn Nhất chiều 28-4). Tối 16-4, tôi và đồng chí Đào Huy Vũ tư lệnh bộ đội Tăng Thiết giáp, phái viên của Bộ Tổng tư lệnh có mặt ở sân bay Thành Sơn lúc quân ta bắt sống viên Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi và viên Chuẩn tướng Không quân Phạm Ngọc Sang.

Thừa thắng, bộ binh và xe tăng của Quân đoàn 2 tiến đánh thị xã Phan Thiết.

Sáng 20-4, chúng tôi đến Xuân Lộc. Các đồng chí Lê Trọng Tấn và đồng chí Lê Quang Hòa nhanh chóng bắt liên lạc với Bộ Chỉ huy Mặt trận Sài Gòn. Cánh quân Duyên Hải trở thành cánh quân phía Đông trực thuộc Bộ Chỉ huy Mặt trận Sài Gòn. Cuộc tiến công thần tốc của cánh quân Duyên Hải với hơn 32.000 quân và 2.276 xe, pháo, tăng thiết giáp qua một chặng đường gần một nghìn ki lô mét, đánh địch mà đi là một đòn chiến lược sáng tạo, kịp thời, đánh thông tuyến đường số 1 từ Bắc vào Nam đến tận cửa ngõ phía Đông Sài Gòn, tăng thêm lực lượng cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng.

6. Chiến dịch mang tên Bác

Đến Xuân Lộc, tôi được biết là từ ngày 9-4, Quân đoàn 4 do đồng chí Hoàng Cầm là Tư lệnh, đồng chí Hoàng Thế Thiện là Chính ủy, đã mở cuộc tiến công vào “cánh cửa thép” trên tuyến phòng ngự phía Đông của địch ở Sài Gòn. Nơi đây địch bố trí một lực lượng khá mạnh gồm sư đoàn 18 ngụy và một số đơn vị bảo an, cảnh sát, phòng ngự trong công sự kiên cố. Lê Minh Đảo sư đoàn trưởng ngụy hò hét: “tử thủ”. Trận đánh đã diễn ra phức tạp. Địch tăng viện thêm quân và dùng đến cả loại bom CBU có sức mạnh sát thương, hủy diệt lớn. Đồng chí Lê Trọng Tấn quyết định tăng cường cho Quân đoàn 4 Trung đoàn 95B (Sư đoàn 325) và pháo đạn để tiến công dứt điểm Xuân Lộc. Ngày 20-4 địch rút chạy khỏi Xuân Lộc. “Cánh cửa thép” phía Đông Sài Gòn đã bị mở toang.

Đồng chí Lê Quang Hòa về Bộ Chỉ huy Chiến dịch Sài Gòn - Gia Định. Anh cho tôi biết, Bộ Chính trị đã thành lập Bộ Chỉ huy chiến dịch, đồng chí Văn Tiến Dũng là Tư lệnh, đồng chí Phạm Hùng là Chính ủy, các đồng chí Trần Văn Trà, Lê Trọng Tấn, Lê Đức Anh, Đinh Đức Thiện là Phó Tư lệnh. Đồng chí Lê Quang Hòa là Phó Chính ủy kiêm Chủ nhiệm chính trị, còn đồng chí Lê Ngọc Hiền là quyền Tham mưu trưởng. Thể theo đề nghị của Bộ Chỉ huy chiến dịch, Bộ Chính trị đã đồng ý đặt tên Chiến dịch giải phóng Sài Gòn – Gia Định là Chiến dịch Hồ Chí Minh. Được phổ biến điều này, tất cả chúng tôi cũng như các đơn vị tham gia chiến dịch đều cảm thấy vinh dự được tham gia trận quyết chiến chiến lược cuối cùng mang tên vị lãnh tụ vô vàn kính yêu của dân tộc Việt Nam.

Hạ tuần tháng 4-1975, các lực lượng lớn của quân ta tham gia chiến dịch đã vào vị trí triển khai:

Ở hướng Bắc, Quân đoàn 1 từ miền Bắc vào đã có mặt ở khu vực nam sông Bé.

Ở hướng Tây Bắc, Quân đoàn 3 gồm các lực lượng ở Tây Nguyên đã đến Dầu Tiếng.

Ở hướng Tây và Nam, Đoàn 232 tương đương một quân đoàn do đồng chí Lê Đức Anh Phó Tư lệnh Bộ Chỉ huy chiến dịch trực tiếp chỉ huy đã áp sát đường số 4, Mỹ Tho.

Ở hướng Đông, Quân đoàn 4 sau khi giải phóng Xuân Lộc áp sát Trảng Bom. Quân đoàn 2, Sư đoàn 3 (Quân khu 5) đã áp sát Long Thành Vũng Tàu, Nước Trong Bà Rịa. Đồng chí Lê Trọng Tấn Tư lệnh cánh quân Duyên Hải nay là Phó Tư lệnh chiến dịch chỉ huy hướng này.

Tại Sài Gòn, các lực lượng biệt động, đặc công, các lực lượng của Thành đội Sài Gòn đã đứng sẵn ở vùng ven và nội đô, chuẩn bị phát động quần chúng nổi dậy khi chủ lực tiến công. Đồng chí Nguyễn Văn Linh Phó Bí thư Trung ương Cục, và đồng chí Võ Văn Kiệt Ủy viên Thường vụ Trung ương Cục đặc trách phong trào nổi dậy của quần chúng.

Thế trận đã bày xong. Năm mục tiêu quan trọng đã được xác định: Dinh Tổng thống ngụy quyền, Bộ Tổng tham mưu quân ngụy, Sân bay Tân Sơn Nhất, Biệt Khu thủ đô và Tổng nha cảnh sát.

Giờ phút quyết định đã điểm.

Tôi đi theo cánh quân hướng Đông do đồng chí Lê TrọngTấn chỉ huy. Cánh quân này tiến công căn cứ Nước Trong, Chi khu quân sự Long Thành và thị xã Bà Rịa. Ở Nước Trong địch chống cự, dùng máy bay bắn phá và phản kích suốt cả ngày, Sư đoàn 304 mở nhiều đợt tấn công nhưng chưa dứt điểm. Anh Lê Trọng Tấn đôn đốc việc đánh chiếm căn cứ Nước Trong và nhất là việc triển khai trận địa pháo tầm xa ở Nhơn Trạch để bắn vào căn cứ không quân Tân Sơn Nhất.

Tối 28-4, tôi nghe đài phương Tây đưa tin: “Hồi 16 giờ 40 chiều, 5 chiếc máy bay A37 do Mỹ chế tạo đã dội bom xuống sân bay Tân Sơn Nhất”. Đó là phi đội Quyết thắng do phi công Nguyễn Thành Trung người của ta hoạt động trong hàng ngũ địch, trước đó đã ném bom dinh Tổng thống ngụy quyền và bay ra vùng giải phóng, nay huấn luyện các phi công ta sử dụng máy bay A37 của Mỹ ném bom vào sân bay Tân Sơn Nhất. Cuộc ném bom bất ngờ của Không quân Việt Nam đạt hiệu quả lớn về phá hủy máy bay và sân bay địch, nhưng hiệu quả tâm lý đối với quân ngụy còn lớn hơn nhiều.

Theo kế hoạch của Bộ Chỉ huy chiến dịch, 5 giờ 30 sáng 30 tháng 4, các hướng đồng loạt đánh vào Sài Gòn. Riêng cánh quân phía Đông, đồng chí Lê Trọng Tấn đề nghị cho nổ súng sớm từ 18 giờ ngày 29-4. Lý do là cánh quân phía Đông phải vượt sông Đồng Nai và sông Sài Gòn, nếu cùng nổ súng sẽ đến không kịp. Bộ Tổng Tư lệnh và Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh đồng ý để cánh quân phía Đông nổ súng sớm hơn kế hoạch. Như vậy trên thực tế, từ 18 giờ ngày 29-4-1975, trận tiến công Sài Gòn, Gia Định đã bắt đầu.

Sáng 30-4, binh đoàn thọc sâu của Quân đoàn 2 trong cánh quân phía Đông do đồng chí Lê Trọng Tấn chỉ huy vượt cầu xa lộ trên sông Đồng Nai, diệt ổ đề kháng của địch ở Thủ Đức phía Bắc cầu Rạch Chiếc. Trận địa pháo tầm xa của ta đặt ở Nhơn Trạch đã bắn mấy trăm viên đạn vào sân bay Tân Sơn Nhất.

Lữ đoàn xe tăng 203 của Quân đoàn 2 qua cầu Sài Gòn đến ngã tư thứ bảy thì rẽ trái đánh thẳng vào Dinh Độc lập. Xe tăng 843 dẫn đầu đến cổng dinh dừng lại, xe tăng 390 vượt lên húc đổ cổng dinh. Đại đội trưởng đại đội 4 xe tăng cầm cờ Giải phóng trèo lên cắm cờ trên nóc Dinh Độc lập lúc 11 giờ 30 ngày 30 tháng 4 năm 1975.

Chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203 Bùi Văn Tùng thảo lời đầu hàng và đưa Tổng thống Dương Văn Minh ra đài phát thanh đọc. Một nhà báo người Đức là Von Boris Gallasch đã cho bộ đội ta mượn chiếc cát xét thu lời đầu hàng của Dương Văn Minh và lời chấp nhận đầu hàng của Chính ủy Bùi Văn Tùng đại diện Quân giải phóng. Cho đến nay, bao năm tháng đã trôi qua, nhưng tôi không thể nào quên cảm xúc đã đến với tôi trong ngày lịch sử ấy khi tôi bước vào thảm cỏ khoảng sân trước Dinh Độc lập. Vui mừng khôn xiết nhưng bỗng dưng hai mắt nhòa ngấn lệ.

7. Đại thắng Mùa Xuân, thắng lợi của ý chí và trí tuệ Việt Nam

Quyết đánh và biết đánh, anh dũng và thông minh, đó là nét nổi bật của dân tộc Việt Nam trước kẻ thù xâm lược lớn mạnh. Trong cuộc trường chinh 30 năm giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, nhân dân Việt Nam đã nêu một tấm gương anh dũng, bất khuất, trí tuệ, tài năng, đi tiên phong trong phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới. Chiến thắng vĩ đại Mùa Xuân 1975 kết thúc cuộc Kháng chiến chống Mỹ cứu nước là một biểu hiện sáng ngời của ý chí và trí tuệ Việt Nam.

Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương đã theo dõi diễn biến mau lẹ của tình hình chiến sự và so sánh lực lượng giữa địch và ta trên chiến trường, tạo thời, tạo thế, tạo lực, tìm ra và tạo thời cơ có lợi nhất cho ta, tạo thế mạnh của ta, khoét sâu thế yếu của địch, tập trung lực lượng đánh những đòn quyết định để giành thắng lợi hoàn toàn. Khi tình hình thay đổi, đã kịp thời thay đổi quyết sách về chiến lược, chiến dịch, chiến thuật, tích cực chủ động, cơ động linh hoạt, bí mật bất ngờ, giành được thắng lợi lớn nhất trong một thời gian ngắn nhất.

Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương đã có quyết định kịp thời khi thời cơ mới xuất hiện, chuyển Kế hoạch cơ bản giải phóng miền Nam trong hai năm lúc đầu sang Kế hoạch thời cơ rút xuống một năm, rồi quyết định kết thúc trước mùa mưa, chỉ trong vòng chưa đầy hai tháng đã giành được thắng lợi hoàn toàn và trọn vẹn. Quyết đánh và biết đánh, anh dũng và thông minh, sáng tạo, đó là nét nổi bật trong sự chỉ đạo của Đảng và hành động của quân và dân ta trên chiến trường trong Mùa Xuân đại thắng 1975.

Trận quyết chiến chiến lược mùa Xuân 1975 là trận quyết định ở giai đoạn kết thúc chiến tranh. Trận quyết định kết thúc chiến tranh có yêu cầu đặc biệt là phải tiêu diệt lớn sinh lực địch, đập tan ý chí kháng cự của chúng, dồn đối phương vào một tình thế không còn có thể tiếp tục cuộc chiến tranh được nữa, buộc chúng phải đầu hàng vô điều kiện. Đó là đặc điểm của trận quyết định kết thúc chiến tranh và Đại thắng mùa Xuân 1975 là một trận quyết định như thế.

Thắng lợi của chiến tranh là kết quả của sự hy sinh chiến đấu lâu dài, sự nỗ lực to lớn của toàn dân toàn quân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Trong các nhân tố đưa đến thắng lợi, phải kể đến sự lãnh đạo điều hành chỉ huy ở tầm vĩ mô kết hợp với sự sáng tạo cụ thể của từng mặt trận, từng đơn vị, trong đó Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương giữ vai trò đặc biệt quan trọng. Mùa Xuân 1975, Bộ thống soái tối cao đã tỏ rõ tài năng mưu lược hiểu địch, hiểu mình, điều hành toàn diện cuộc chiến tranh trên phạm vi cả nước, khẩn trương, linh hoạt, thận trọng, chắc thắng, giành toàn thắng trong tình hình quốc tế vô cùng phức tạp lúc đó. Các đòn tiến công chiến lược: chiến dịch Tây Nguyên, chiến dịch Huế - Đà Nẵng, chiến dịch Hồ Chí Minh đều diễn ra theo một kế hoạch thống nhất của Bộ Tổng tư lệnh, có sự phối hợp với nhau cả về kế hoạch và tình huống chiến dịch, tạo tiền đề cho nhau và cùng tạo ra điều kiện để hình thành đòn quyết định chiến lược cuối cùng.

Suy nghĩ về chiến công oanh liệt của dân tộc Việt Nam ở giai đoạn kết thúc chiến tranh, chúng ta thấy Đại thắng Mùa Xuân năm 1975 là điển hình thành công của ý chí quyết tâm và tài năng trí tuệ của dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, bộ tham mưu cách mạng dũng cảm, sáng suốt, dày dạn kinh nghiệm. đã lãnh đạo chiến tranh đến ngày toàn thắng. Xuất phát từ thực tiễn và những phân tích chính xác về tình hình, từ đó đề ra những quyết sách đột phá phù hợp với quy luật vận động của chiến tranh cách mạng, đã đưa cuộc kháng chiến đến toàn thắng. Đó là bài học lịch sử còn nguyên giá trị cho tới ngày nay và mai sau trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.