TCCSĐT - Từ ngày 7 đến 8-4-2011, trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN lần thứ 15 tổ chức tại Ba-li (In-đô-nê-xi-a), lãnh đạo nước chủ nhà cùng các quan chức và đại biểu tham dự đã thảo luận, nhất trí đẩy mạnh hợp tác và đối thoại chính sách giữa các nước ASEAN trong lĩnh vực kinh tế, đồng thời, cần tăng cường hơn nữa hợp tác nội khối trong thời gian tới để đối phó hiệu quả với các thách thức và thực hiện lộ trình xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN.

1. Giá dầu thế giới vượt 120 USD/thùng

Ngày 4-4-2011, giá dầu mỏ thế giới
đã tăng vọt lên trên mức 120 USD/thùng.

Ngày 4-4-2011, giá dầu mỏ thế giới đã tăng mạnh, với giá dầu thô Brent biển Bắc lần đầu tiên kể từ tháng 8-2008 vọt lên trên mức 120 USD/thùng do các nhà giao dịch lo ngại cuộc xung đột đang leo thang tại nước xuất khẩu dầu Li-bi và khu vực Bắc Phi. Ngoài ra, tình hình căng thẳng leo thang ở Y-ê-men và Ba-ranh cũng được xem như một mối đe dọa đối với nguồn cung cấp dầu từ Trung Đông và đương nhiên, đang là một nhân tố góp phần đẩy giá dầu tăng lên.

2. Ứng cử viên đầu tiên của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2012

Ngày 4-4, thông qua một băng hình phát trên trang web tranh cử chính thức cũng như Youtube và qua các thư điện tử gửi tới những người ủng hộ, Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma (Barak Obama) đã chính thức bắt đầu tái tranh cử nhiệm kỳ thứ hai vào năm 2012. Ông Ô-ba-ma là ứng viên công khai đầu tiên của cuộc chạy đua vào Nhà Trắng dự kiến diễn ra vào tháng 11 năm tới.

3. G7 vẫn đạt mức tăng trưởng kinh tế khả quan 

Bất chấp những khó khăn của kinh tế thế giới,
G7 vẫn đạt mức tăng trưởng kinh tế khả quan.

Ngày 5-4, các chuyên gia thuộc Cơ quan Hợp tác và phát triển kinh tế (OCDE), có trụ sở tại Pa-ri (Paris), Pháp đã công bố một báo cáo mới về tình hình tăng trưởng kinh tế của các nước thuộc Nhóm G7 và bày tỏ sự lạc quan trong về triển vọng trong thời gian tới. Thống kê của các chuyên gia cho thấy: mức tăng trưởng của các nước thuộc Nhóm G7 (gồm: Đức, Ca-na-đa, Mỹ, Pháp, Anh, I-ta-li-a, Nhật Bản) đạt được cao hơn dự đoán vào đầu năm nay, tức khoảng 3%, trừ Nhật Bản. Theo các chuyên gia, mức tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản giảm từ 0,2 - 0,6 điểm vào quí I-2011, sau đó từ 0,5 - 1,4 vào quí II-2011, nhưng rất có thể sẽ được phục hồi từ quí III-2011.Các chuyên gia cho rằng: lý do dẫn tới triển vọng lạc quan này là đã có sự gia tăng mạnh trong đầu tư ở khu vực tư nhân và sự kích thích phục hồi về thương mại.

4. Liên hợp quốc kêu gọi nhân rộng mô hình xóa đói nghèo ở Đông Á ra toàn cầu

Ngày 6-4, tại các hội nghị về xóa đói nghèo diễn ra ở thành phố Can-bê-ra (Canberra) và Brít-bơn (Brisbane) của Ô-xtrây-li-a, Chủ tịch Quỹ Quốc tế về phát triển nông nghiệp (IFAD) của Liên hợp quốc (LHQ) Ca-nây-ô Nơ-oan-dơ (Kanayo F. Nwanze) khẳng định: mô hình đầy ấn tượng về xóa đói nghèo ở Đông Á có thể nhân rộng nhanh ra các khu vực khác của châu Á và trên toàn cầu. Tuy nhiên, cần phải có chính sách thích hợp và sự đầu tư đúng, bảo đảm sự chuyển hướng tương xứng của thị trường và sự bền vững của môi trường, đặc biệt cần tăng đầu tư vào thanh niên. Đây là lực lượng sáng tạo và năng động mở đường cho sự phát triển và thịnh vượng và hiện đang chiếm tới 20% dân số các nước đang phát triển.

5. UNESCAP: Giá lương thực tăng cao có thể đẩy lùi 5 năm mục tiêu thiên niên kỷ về xóa đói giảm nghèo

Ngày 6-4, Ủy ban LHQ về kinh tế - xã hội khu vực châu Á - Thái Bình Dương (UNESCAP) đã cảnh báo giá lương thực toàn cầu tăng cao có thể làm chậm 5 năm tiến trình thực hiện mục tiêu phát triển thiên niên kỷ về xoá đói giảm nghèo ở nhiều nước trong khu vực, so với thời hạn chót là năm 2015. Sáng kiến chính sách quan trọng nhất đối với các nước đang phát triển ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương là ưu tiên thúc đẩy phát triển nông nghiệp.

6. IMF đề xuất giải pháp tăng nguồn lực tài chính

Ngày 7-4, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã đề xuất một kế hoạch cho phép thể chế tài chính đa phương này tiếp cận và khai thác tiềm năng của các thị trường tài chính để có thêm nguồn lực hỗ trợ hiệu quả các nước thành viên khi xảy ra khủng hoảng. Theo đó, việc thiết lập một cơ chế cho phép thể chế này vay tiền từ các thị trường trong giai đoạn ngắn hạn để bổ sung cho các nguồn lực hiện có là hết sức cần thiết. Đề xuất trên của IMF được đưa ra một ngày sau khi Bồ Đào Nha đã “theo gót” Ai-len và Hy Lạp, đề nghị IMF và Liên minh châu Âu (EU) cứu trợ để thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ công.

7. ILO định hướng giải pháp cho các nước kém phát triển nhất

Ngày 7-4, Báo cáo có tên "Tăng trưởng, lao động và chất lượng việc làm ở các LDC" của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao lần thứ 4 các nước chậm phát triển nhất thế giới (LDC) tại I-xtan-bun (Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ) vào trung tuần tháng 5 tới nhấn mạnh: thành công trong phát triển kinh tế của những nước này trong suốt thập kỷ qua trong bối cảnh thế giới xảy ra các cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính, lương thực và nhiên liệu toàn cầu, nhưng cũng khẳng định việc rút ra bài học kinh nghiệm từ thành công này sẽ là “chìa khóa” để các LDC tiếp tục phát triển.

8. EU vẫn là nhà tài trợ hàng đầu thế giới  

EU cần phải có nỗ lực chung đáng kể
để đạt được mục tiêu 0,7% vào năm 2015.

Ngày 7-4, Cao ủy EU phụ trách phát triển An-đrít Pi-e-bác (Andris Piebalgs) đã công bố các số liệu sơ bộ năm 2010 về viện trợ phát triển chính thức của EU và 27 nước thành viên. Theo đó, viện trợ đã tăng khoảng 4,5 tỉ ơ-rô so với năm 2009, lên tới tổng số 53,8 tỉ ơ-rô, con số này khẳng định vị trí của EU là nhà tài trợ cho viện trợ phát triển chính thức lớn nhất, cung cấp hơn một nửa số viện trợ chính thức trên toàn cầu. Ba trong năm nhà tài trợ lớn nhất trên thế giới là thành viên của EU và 4 trong số này đã đạt được mục tiêu 0,7%. Nhìn tổng thể, viện trợ của EU chiếm 0,43% tổng thu nhập quốc dân (GNI) của EU. Và vẫn cần phải có nỗ lực chung đáng kể để đạt được mục tiêu 0,7% vào năm 2015 mà các nước thành viên đã cam kết.

9. Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN: Nâng cao hiệu quả thị trường tài chính khu vực 

Từ ngày 7 đến 8-4-2011, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN lần thứ 15 đã diễn ra tại Ba-li (In-đô-nê-xi-a).

Từ ngày 7 đến 8-4, trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN lần thứ 15 tổ chức tại Ba-li (In-đô-nê-xi-a), lãnh đạo nước chủ nhà cùng các quan chức và đại biểu tham dự đã thảo luận, nhất trí đẩy mạnh hợp tác và đối thoại chính sách giữa các nước ASEAN trong lĩnh vực kinh tế nhằm củng cố hệ thống tiền tệ khu vực, nâng cao hiệu quả các thị trường tài chính và hành động vì mục tiêu phát triển bền vững. Hội nghị cũng xác định cần tăng cường hơn nữa hợp tác nội khối trong thời gian tới để đối phó hiệu quả với các thách thức và thực hiện lộ trình xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN.

10. Hội nghị về biên giới Thái Lan - Cam-pu-chia: Không đạt thỏa thuận

Trong hai ngày 7 và 8-4, tại Bô-go (Bogor), tỉnh Tây Gia-va của In-đô-nê-xi-a, Hội nghị Ủy ban Biên giới chung (JBC) Thái Lan - Cam-pu-chia về giải quyết tranh chấp biên giới giữa hai nước đã kết thúc mà không đạt được bất kỳ một thỏa thuận nào. Tranh chấp biên giới giữa Thái Lan và Cam-pu-chia tại khu vực ngôi đền cổ Prết Vi-hia kéo dài nhiều năm. Năm nay, In-đô-nê-xi-a với danh nghĩa là Chủ tịch ASEAN đã đề xuất hai nước tổ chức hội nghị nói trên ở Bô-go để giải quyết tranh chấp.

11. Giải trừ vũ khí hạt nhân và bảo đảm quyền sử dụng hòa bình năng lượng hạt nhân là nhu cầu khẩn cấp

Ngày 7-4, kết thúc cuộc tranh luận chung của Ủy ban Liên hợp quốc (LHQ) về giải trừ quân bị, LHQ đã kêu gọi cộng đồng quốc tế có các hành động cụ thể để đạt được mục tiêu giải trừ hoàn toàn vũ khí hạt nhân đồng thời bảo đảm quyền của tất cả các nước sử dụng hòa bình nguồn năng lượng hạt nhân. Các nước đang phát triển khẳng định: giải trừ hoàn toàn vũ khí hạt nhân và sử dụng năng lượng hạt nhân vì các mục đích hòa bình là nhu cầu khẩn cấp để bảo đảm một thế giới an toàn hơn và nâng cao giá trị của cuộc đấu tranh toàn cầu chống vũ khí huỷ diệt. Các nước sở hữu kho vũ khí hạt nhân lớn nhất phải có trách nhiệm đặc biệt thúc đẩy cả hai tiến trình giải trừ quân bị và sử dụng hòa bình năng lượng hạt nhân.

12. Mỹ đưa ra dự Luật Ngân sách mới 

Ngày 9-4-2011, Mỹ đã đưa ra dự Luật Ngân sách mới sau nhiều ngày tranh cãi giữa nghị sỹ Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa của nước này.

Ngày 9-4, các cuộc đàm phán gay gắt và liên tục về cắt giảm ngân sách giữa các nghị sỹ Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa đã đạt được kết quả vào những phút cuối cùng trước khi Luật Ngân sách tạm thời hết hạn. Theo thông tin ban đầu, dự Luật Ngân sách mới này cắt giảm khoảng 40 tỉ USD, con số nhỏ hơn nhiều so với mong muốn của Đảng Cộng hòa nhưng cũng lớn hơn nhiều so với dự kiến của Đảng Dân chủ. Kết quả này đã đặt dấu chấm hết cho các cuộc tranh cãi suốt tuần vừa qua giữa các Nghị sỹ Dân chủ và Cộng hòa và tránh được nguy cơ Chính phủ Mỹ bị đóng cửa trở lại lần đầu tiên sau 15 năm.

13. Hội nghị Đặc biệt Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Nhật Bản

Ngày 9-4, tại trụ sở Ban Thư ký ASEAN ở In-đô-nê-xi-a diễn ra Hội nghị Đặc biệt Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Nhật Bản nhằm trao đổi về việc khắc phục hậu quả động đất và sóng thần tại Nhật Bản vừa qua và hợp tác khu vực trong ứng phó và quản lý thiên tai. Các Bộ trưởng nhất trí trong thời gian tới ASEAN và Nhật Bản sẽ tăng cường hơn nữa hợp tác và phối hợp khu vực trong lĩnh vực quản lý thiên tai, đặc biệt là công tác dự báo, cảnh báo, cứu trợ và khắc phục hậu quả thiên tai, thông qua các cơ chế như ASEAN - Nhật Bản, ASEAN+3, EAS và ARF./.

*** Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 28-3-2011 đến ngày 3-4-2011)