Nga vẫn là cường quốc vũ trụ

Việt Nga
21:22, ngày 12-04-2011

Ngày 12-4-2011 vừa đúng 50 năm, Liên Xô phóng thành công tàu vũ trụ có người lái đầu tiên trên thế giới, mang theo nhà du hành vũ trụ Y-u-ri Ga-ga-rin lên quỹ đạo vòng quanh trái đất, mở đầu kỷ nguyên mới con người chinh phục và khai thác khoảng không vũ trụ phục vụ.

Ngày nay, Liên bang Nga - quốc gia kế thừa Liên Xô, vẫn được coi là quốc gia dẫn đầu trong lĩnh vực khai thác và sử dụng khoảng không vũ trụ với những thành tựu kiệt xuất được thế giới công nhận.

Trong buổi bình minh của kỷ nguyên vũ trụ, không ai có thể tưởng tượng được rằng vũ trụ lại đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong đời sống của loài người. Hiện nay, rất nhiều lĩnh vực đời sống của con người có sử dụng kết quả của việc khai thác khoảng không vũ trụ, trong đó, trước hết phải kể đến các lĩnh vực như công nghiệp; nông nghiệp; giao thông vận tải; năng lượng; y tế; giáo dục; viễn thông; đặc biệt là quân sự. Trong tất cả các lĩnh vực ứng dụng đó, có thể nhận thấy ngành công nghiệp vũ trụ của Liên bang Nga đang là một trong những đầu tàu quan trọng đưa nước Nga tiến vững chắc vào thế kỷ XXI.

Trong những năm kể từ khi Liên Xô phóng thành công vệ tinh nhân tạo đầu tiên của trái đất và tàu vũ trụ có người lái “Phương Đông” mang theo nhà du hành vũ trụ người Nga Yu-ri Ga-ga-rin, tình hình trong khoảng không vũ trụ đã thay đổi căn bản. Hiện nay đã có hơn 40 nước đang tự chế tạo các con tàu vũ trụ để chuẩn bị phóng lên quỹ đạo dựa vào tiềm lực khoa học kỹ thuật của chính họ và có hơn 130 nước sử dụng kết quả chinh phục và khai thác vũ trụ.

Nhưng không phải tất cả các nước đều có tiềm lực khai thác và sử dụng khoảng không vũ trụ một cách đầy đủ. Trong số các nước đó, hiện nay ngoài Liên bang Nga còn có Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Liên minh châu Âu, trong số đó có 3 nước Nga, Mỹ, Trung Quốc có đầy đủ công nghệ và đang thực hiện các chương trình tàu vũ trụ có người lái.

Xét về mức độ đầu tư tài chính cho các đề án vũ trụ, Liên bang Nga còn thua kém Mỹ. Song ngay cả với mức độ đầu tư khiêm tốn hơn, Liên bang Nga vẫn chiếm vị trí dẫn đầu về số lượng các tên lửa mang được phóng lên quỹ đạo từ chính sân bay vũ trụ của mình. Tỷ phần các cuộc phóng tên lửa mang của Liên bang Nga chiếm khoảng 30-40% toàn bộ các cuộc phóng tên lửa mang của thế giới.

Gần đây, Liên bang Nga đã phóng thành công tàu vũ trụ thăm dò từ xa có độ phân dải quang học khoảng 1m. Với các khí tài vũ trụ này, Liên bang Nga đang tiến hành đo đạc chính xác từ vũ trụ để thăm dò các nguồn tài nguyên thiên nhiên của trái đất trên toàn bộ lãnh thổ Nga. Kết quả thăm dò phục vụ thiết thực cho hoạt động của các cơ quan có liên quan tới vũ trụ như Cục Địa lý Nga, Cục Bản đồ Nga, Cục Khí tượng Nga, Bộ Tài nguyên thiên nhiên Nga và Bộ Tình trạng khẩn cấp Nga. Chỉ tính riêng các cơ quan sử dụng thông tin hình ảnh từ vũ trụ của Nga, hàng năm Liên bang Nga đã cung cấp hình ảnh thăm dò trên 220 triệu km2 diện tích lãnh thổ. Việc quan sát từ vũ trụ tạo khả năng để dự báo năng suất mùa màng, phát hiện các vụ cháy rừng, dự báo các vụ động đất và ngập lụt.

Trong thời gian gần đây, Nga đã phóng thành công hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu GLONAASS. Hệ thống này ngày càng có nhiều khách hàng sử dụng. Hiện nay, nhiều khu vực ở Nga đã áp dụng hệ thống tự động hóa quản lý hoạt động giao thông vận tải có sử dụng hệ thống GLONAASS. Theo đó, các trạm định vị vệ tinh đã được lắp đặt trên tất cả các loại xe của Bộ Tình trạng khẩn cấp Nga, trên các xe ô tô giám định, xe ô tô của các trường phổ thông và các phương tiện xây dựng.

Nhờ hệ thống GLONAASS có thể lựa chọn tối ưu tuyến hành trình và kiểm soát chính xác vị trí của các phương tiện giao thông vận tải. Sắp tới đây, hệ thống GLONAASS sẽ được đưa vào hoạt động trên toàn bộ lãnh thổ Nga. Ngoài ra, Liên bang Nga còn có hệ thống kết hợp giữa GLONAASS của Nga với hệ thống định vị toàn cầu GPS của Mỹ để trang bị cho tất cả các phương tiện vận tải đường không và đường sông, các phương tiện vận tải đường sắt và các loại xe ô tô của nhà nước.

Cơ quan Vũ trụ liên bang Nga đang tham gia có hiệu quả và tích cực trong các đề án quốc tế. Tên lửa mang của Nga đã phóng lên quỹ đạo vệ tinh truyền thông của Ca-dắc-xtan “CazCat” nhờ chương trình tàu vũ trụ có người lái của Nga. Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) hiện nay đang hoạt động bình thường chính là nhờ tàu chở hàng vũ trụ của Nga. Các thí nghiệm khoa học trong lĩnh vực công nghệ vũ trụ, địa vật lý, y tế, sinh học, công nghệ sinh học và các khoa học cơ bản cho phép sử dụng các thành tựu nghiên cứu vũ trụ trong bất kỳ lĩnh vực nào của đời sống con người, từ thông tin về các thảm họa sinh thái có thể xảy ra đến việc chế tạo các thế hệ vắc-xin phòng ngừa các loại vi-rút mới. Theo các chuyên gia nghiên cứu vũ trụ trên thế giới, các tên lửa mang của Nga thuộc loại có độ tin cậy cao nhất thế giới, hiện đang được hiện đại hóa và chế tạo mới.

Cơ quan vũ trụ của Nga đã tiến hành thành công các cuộc phóng vệ tinh kết hợp với các vệ tinh của các nước châu Âu“Meton” và “Koro”, trong đó, tên lửa của Nga được phóng từ sân bay vũ trụ của Pháp. Trong năm 2011, Nga sẽ chuẩn bị thử nghiệm tên lửa mang “Ancara”, làm cơ sở cho đề án vũ trụ quốc tế “Baiterek”.

Hiện nay Nga đang tiến hành các công trình nghiên cứu theo chương trình “Spector”, “Bion” và “Fobos-Grunt”. Trong năm 2009, Nga đã phóng thành công tàu vũ trụ lên quỹ đạo để khám phá bí ẩn của một trong những vệ tinh dị thường nhất trên quỹ đạo bao quanh sao Hỏa. Tổ hợp nghiên cứu khoa học “Kornas-Photon” được sử dụng để quan sát mặt trời và Phòng Thí nghiệm công nghệ vũ trụ “Photon-M” của Nga sắp tới sẽ được phóng lên quỹ đạo để thực hiện sứ mệnh tiếp tục khám phá các bí ẩn của vũ trụ.

Trong nhiều thập kỷ qua, hệ thống vệ tinh tìm cứu từ vũ trụ của Liên bang Nga đã hoạt động nhằm giúp đỡ con người trên trái đất trong các tình huống khẩn cấp. Trong vòng 50 giây một, phao vô tuyến sẽ phát đi tín hiệu báo động trong không gian. Vệ tinh gần nhất sẽ thu tín hiệu và chuyển tới trung tâm xử lý thông tin. Với hệ thống này, những người bị nạn trên khắp thế giới sẽ được giúp đỡ. Tính đến nay, hệ thống đã cứu trợ thành công cho hơn 20.000 người thoát khỏi tình trạng nguy kịch. Sắp tới đây, hệ thống tìm cứu từ vũ trụ của Nga sẽ được trang bị những thiết bị mới, tiên tiến hơn. Lúc đó, hoạt động tìm cứu từ vũ trụ sẽ được thực hiện với tốc độ nhanh chóng hơn.

Trong thời gian tới, Liên bang Nga sẽ thực hiện các đề án chế tạo các loại tàu vũ trụ và tên lửa mang kiểu mới. Đây không chỉ là tàu vũ trụ có người lái mà là hệ thống vận tải thực hiện một chức năng quan trọng nhất là khai thác khoảng không vũ trụ có tầm xa hơn, trong đó có chương trình đầy tham vọng nhằm đưa người lên sao Hỏa.

Lĩnh vực công nghệ vũ trụ của Nga là một phần thiết yếu của nền kinh tế quốc dân. Năm 2010, Chiến lược Tin học hóa ngành công nghiệp tên lửa vũ trụ đã được phê chuẩn và thực hiện. Theo chiến lược này, trong thời hạn 2010-2015, Nga sẽ tiến hành hàng loạt các biện pháp nhằm thành lập một không gian thông tin thống nhất bao gồm việc chế tạo và phát triển hạ tầng cơ sở thông tin của ngành, cơ cấu quản lý quá trình tin học hóa và tự động hóa cũng như thiết kế chế tạo các chuẩn thông tin về phương pháp và tổ chức. Trong cơ cấu thành phần của Cơ quan Hàng không vũ trụ Liên bang sẽ có 66 xí nghiệp, trong đó, chủ yếu là các viện nghiên cứu khoa học, các văn phòng thiết kế và các nhà máy chế tạo../.