Hôm nay 28-5-2008, Quốc hội tiếp tục thảo luận về dự án Luật Công nghệ cao tại hội trường. Dự án Luật Công nghệ cao gồm 6 chương, 38 điều nhằm quy định về hoạt động nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao; các biện pháp thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng và phát triển công nghệ cao; nhập khẩu, xuất khẩu và chuyển giao công nghệ cao; phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao; đầu tư xây dựng và phát triển các khu công nghệ cao...

Dự án Luật Công nghệ cao được Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Hoàng Văn Phong, thay mặt Chính phủ, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật công nghệ cao và Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội trình bày Báo cáo thẩm tra dự án luật này chiều ngày 27-5-2008. Sau đó, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận dự án Luật Công nghệ cao.

Theo Tờ trình của Chính phủ, công nghệ cao là công nghệ được tích hợp từ các thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến, có khả năng tạo ra đột biến về năng suất, chất lượng và giá trị của sản phẩm hàng hóa, tạo ra các tính năng mới, ngành nghề mới đủ năng lực cạnh tranh cao trong điều kiện kinh tế thị trường.

Mấy chục năm qua, việc nghiên cứu, ứng dụng và tiếp thu công nghệ cao đã được từng bước triển khai ở nước ta và đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần không nhỏ vào thành công to lớn về kinh tế - xã hội của công cuộc đổi mới, nhất là trong các lĩnh công nghệ sinh học, nông nghiệp, thủy sản, thủy lợi, thủy điện, điện tử, tin học, viễn thông, dầu khí, đóng tàu, ngân hàng, tài chính, thương mại, y tế...

Hiện nay, Việt Nam có khoảng 100 viện nghiên cứu và 80 trường đại học, cao đẳng có hoạt động gắn liền với các lĩnh vực công nghệ cao. Thực tế áp dụng kết quả nghiên cứu của các đơn vị này thời gian qua đã làm giảm chi phí nhập khẩu trang thiết bị giá trị cao và góp phần mang lại lợi nhuận hàng nghìn tỉ đồng mỗi năm. Tuy nhiên, những thành tựu này chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao và xuất, nhập khẩu công nghệ cao của Việt Nam.

Tờ trình cũng chỉ rõ, ở nước ta, mặc dù đã có nhiều văn bản pháp luật về công nghệ cao, nhưng nhìn chung, hệ thống văn bản pháp luật hiện hành về công nghệ cao còn tản mạn, rời rạc, chưa thống nhất và đồng bộ, thiếu các hướng dẫn triển khai cụ thể; các chủ trương, chính sách nhằm thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao và phát triển nghệ cao mới được thể chế hóa chủ yếu ở cấp bộ, cấp trung ương... do đó, chưa đáp ứng được những yêu cầu mới của thực tiễn đất nước thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Vì vậy, trong bối hiện nay, việc ban hành Luật Công nghệ cao ở nước ta là hết sức cần thiết và cấp bách. Luật Công nghệ cao sẽ không chỉ là cơ sở pháp lý điều chỉnh thống nhất, toàn diện các hoạt động liên quan đến công nghệ cao ở nước ta mà còn thể chế hóa kịp thời các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao và phát triển công nghệ cao trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định, Ủy ban khoa học, Công nghệ và Môi trường nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật công nghệ cao. Với vị trí quan trọng và đặc thù của Luật công nghệ cao, các quy định trong Luật cần quán triệt quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước về nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao và phát triển công nghệ cao phù hợp với xu thế phát triển chung của thế giới; đồng thời, cần làm rõ thêm những thách thức đối với hoạt động công nghệ cao ở nước ta trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay.

Trong phiên thảo luận tại hội trường đã có 13 vị đại biểu Quốc hội của các tỉnh, thành phát biểu ý kiến. Về cơ bản, các đại biểu đều nhất trí với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Công nghệ cao. Các ý kiến của các vị đại biểu tập trung vào một số vấn đề quan trọng sau: Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng Luật; chương trình quốc gia về công nghệ cao; các biện pháp thúc đẩy hoạt động công nghệ cao, công nghệ sinh học hiện đại; vấn đề đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực công nghệ cao; các khu công nghệ cao; vấn đề đầu tư và quỹ đầu tư mạo hiểm trong lĩnh vực công nghệ cao; thúc đẩy phát triển sản phẩm, dịch vụ công nghệ cao; vai trò của Nhà nước, của Chính phủ trong phát triển công nghệ cao; mô hình, phương thức quản lý và vận hành các khu công nghệ cao ở nước ta hiện nay.../.