Công nghệ hội tụ

14:27, ngày 10-05-2007

Từ một hai thập niên cuối thế kỷ XX trở lại đây, với diễn biến và tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng khoa học – công nghệ, trên thế giới đang diễn ra sự bùng nổ tri thức và thông tin, với vai trò nổi bật của các công nghệ mới, công nghệ cao mà điển hình là công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ nanô, công nghệ vật liệu mới, công nghệ năng lượng mới… Những công nghệ mới này là trụ cột của nền sản xuất hiện đại, đang tiếp tục phát triển ngày càng nhanh và đang xâm nhập lẫn nhau, hội tụ với nhau để trở thành công nghệ infonautic – công nghệ nền tảng cho một hệ thống công nghệ mới của nền kinh tế tri thức toàn cầu.

Trước xu thế khách quan này, từ năm 2004, Ủy ban châu Âu đã thành lập một cơ quan nghiên cứu về tiềm lực và những rủi ro của công nghệ hội tụ (CTs). Điểm khác thường của tổ chức này là việc nghiên cứu được đặt dưới sự lãnh đạo của các nhà lịch sử và do các nhà triết học thực hiện với hy vọng bảo đảm tiếng nói chung giữa các nhà công nghệ và xã hội học.

Về khái niệm, công nghệ hội tụ (CTs) được xác định là các hệ thống tri thức và công nghệ cho phép hệ thống này có thể tiếp nối hệ thống khác để đạt tới mục đích chung, và làm biến đổi sâu sắc các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội.

Theo nhóm nghiên cứu của EU, xét về mục tiêu, CTs phải bao gồm những phần tử được sắp đặt với độ mở cao để lựa chọn công khai và hướng vào xây dựng các biện pháp, chính sách liên quan. Theo hướng này, EU đã cân nhắc kỹ để xác định CTs thành mục tiêu chiến lược trong chương trình nghị sự Lisbon của cả cộng đồng.

Từ việc nghiên cứu về CTs, tổ chức chuyên sâu của EU đưa ra quan niệm cho rằng, xã hội hiện đại muốn phát triển được phải dựa vào những tri thức mới; mỗi vấn đề khác nhau của các chương trình đều được phân tích gắn với công nghệ và khoa học có khả năng công nghệ liên quan đến những lĩnh vực trọng tâm. Những kết quả phân tích bước đầu cho thấy, tiềm lực chuyển đổi của CTs rất to lớn nhưng thường kèm theo những hiểm họa cần được tính đến để tìm cách khắc phục, nhằm đạt mục đích đề ra, và các nhà nghiên cứu, đầu tư có thể theo đuổi không e ngại những khám phá ngoài quy định hoặc không được chấp nhận. Với xu hướng phát triển khách quan và tác động ngày càng sâu rộng của CTs, con người có thể đạt được những tri thức mới cần thiết cho sự phát triển theo các chuẩn mực mới, nhờ sự chi phối ngày càng nhiều hơn của tự do sáng tạo cá nhân kèm theo trách nhiệm ngày càng lớn hơn của mỗi người đối với cuộc sống xã hội.

Nhóm nghiên cứu của EU đã đưa ra khuyến nghị chính sách mục tiêu về CTs cho EU và các nước thành viên. Theo đó, cần tăng cường hơn nữa phạm vi của hội tụ công nghệ trong các chương trình khoa học và công nghệ cộng đồng, sớm có dự án ưu tiên hội tụ công nghệ nanô. Để phát triển CTs, Hội đồng châu Âu và các nước thành viên phải hỗ trợ nhiều hơn cho các nghiên cứu sáng tạo để có những đóng góp về khoa học xã hội và con người, về nhân loại học tiến hóa, kinh tế chính trị học về phát triển công nghệ, phương pháp luận Forsight và triết học. Từ những cân nhắc đạo đức và trao quyền xã hội, nhóm nghiên cứu CTs của EU cũng kiến nghị cần phân cấp mạnh hơn; những vấn đề đạo đức trong nghiên cứu cần được mở rộng trong khuôn khổ xã hội của cả cộng đồng để có mức độ phân cấp, ủy nhiệm cụ thể; đưa những mô đun CTs cần thiết vào giảng dạy ở các trường trung học và đại học.

Công nghệ hội tụ (CTs) chỉ mới đang diễn ra như một xu thế mới nhất của lực lượng sản xuất của thời đại ngày nay, nhưng rất có thể sẽ trở thành loại hình công nghệ học của tương lai gần.