Bảo đảm an toàn giao thông đường sắt trong mùa mưa lũ
TCCS - Các đợt thiên tai tại miền Trung vào tháng 10-2020 đã khiến ngành đường sắt Việt Nam thiệt hại lớn cả về hạ tầng cũng như sụt giảm doanh thu, nhưng ngành đường sắt vẫn nhanh chóng khắc phục và phát huy lợi thế trong mùa bão lũ.
Thiệt hại gần 27 tỷ đồng do mưa lũ ở miền Trung
Theo Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) Vũ Anh Minh cho biết: “Trong các đợt mưa lũ kéo dài từ ngày 7-10 đến 19-10-2020, một số vị trí kết cấu hạ tầng đường sắt đã bị hư hỏng, đặc biệt có những vị trí phải phong tỏa dừng tàu để khắc phục hậu quả. Tổng thiệt hại do giảm doanh thu và chi phí phát sinh là 26,9 tỷ đồng, trong đó vận tải hành khách thiệt hại khoảng 16,2 tỷ đồng và vận tải hàng hóa khoảng 10,7 tỷ đồng”.
Tính đến ngày 19-10-2020, hạ tầng đường sắt đã có hơn 30 điểm, vị trí trên tuyến đường sắt Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh bị xói trôi nền đá, sạt lở taluy, đất đá trên núi cao tràn xuống đường sắt và nhiều điểm nước dâng cao ngập trên đỉnh ray từ 150mm - 800mm gây mất an toàn.
Mưa bão đã làm tắc đường khu vực Huế - Đông Hà (Quảng Trị), khu vực Đông Hà đến Đồng Hới (Quảng Bình) và từ Đồng Hới đến Vinh (Nghệ An), gây thiệt hại nặng nề cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các công ty cổ phần vận tải đường sắt.
Ngày 11 và 12-10-2020, ngành đường sắt phải thông báo hủy bỏ một số chuyến tàu tuyến Hà Nội đến Đông Hà, đồng thời ngưng chuyển tải hành khách giữa ga Đông Hà và ga Huế. Tiếp đến, từ ngày 16-10 đến 19-10-220, do ảnh hưởng hoàn lưu cơn bão số 7 và áp thấp nhiệt đới, trên tuyến đường sắt Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh có một số vị trí kết cấu hạ tầng đường sắt bị hư hỏng, nước ngập đường ray làm ảnh hưởng đến chạy tàu.
Nhanh chóng thông tuyến khắc phục sự cố
Trước tình hình đó, các đơn vị của VNR đã tập trung toàn bộ lực lượng, vật tư, máy móc thiết bị, thực hiện triển khai các phương án ứng cứu chuẩn bị, vì vậy khắc phục nhanh chóng, thông đường sớm, kịp thời giải tỏa ách tắc vận tải, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho hành khách và hàng hoá.
“Mặc dù biểu đồ chạy tàu bị ảnh hưởng nhiều nhưng Trung tâm điều hành vận tải đường sắt đã chủ động theo dõi, cập nhật tình hình mưa lũ thực hiện nghiêm túc lệnh phong tỏa khu gian và kịp thời tổ chức chạy tàu khi thông đường. Các công ty cổ phần vận tải đường sắt đã tổ chức chuyển tải cho hành khách, hàng hóa bảo đảm an toàn mọi mặt”, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam Vũ Anh Minh cho biết.
Hiện nay, việc tổ chức chạy tàu khách, tàu hàng phục vụ khách hàng trở lại bình thường, các đoàn tàu đi qua khu vực vừa khắc phục xong có thể bị chậm giờ so với giờ quy định, mong hành khách thông cảm và chia sẻ khó khăn với ngành đường sắt.
Mặc dù bị thiệt hại rất nặng nề, hàng chục khu gian ngập, rất nhiều điểm sạt lở, hệ thống cầu, đường, thông tin tín hiệu bị hư hỏng nặng, nhưng Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam vẫn tích cực chia sẻ với các khó khăn của đồng bào miền Trung. Ngoài việc huy động cán bộ, công nhân viên quyên góp để ủng hộ, VNR còn tích cực tạo thuận lợi cho việc vận chuyển miễn phí hàng cứu trợ tới miền Trung một cách nhanh chóng, hiệu quả, đúng đối tượng và mục đích.
Các cơ quan, tổ chức, đơn vị có nhu cầu vận chuyển hàng cứu trợ, liên hệ với đường dây nóng đã được công bố để nhận hỗ trợ. Ưu tiên vận chuyển trước hàng cứu trợ là các loại nhu yếu phẩm, như lương thực, nước uống, áo phao...
Đến ngày 21-11-2020 tại Ga Hà Nội, nhân viên ngành đường sắt đã bắt đầu chuyển hơn 30 tấn hàng viện trợ đồng bào vùng bão lũ lên tàu SE1. Đây là chuyến tàu nhân đạo đầu tiên trên cả nước hướng tới "khúc ruột miền Trung" sau khi đường sắt Bắc - Nam được thông tuyến.
Tích cực chủ động các biện pháp ứng phó với thiên tai
Để ứng phó với các thiên tai, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam yêu cầu các đơn vị phối hợp thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, tránh hiệu quả, hạn chế thấp nhất những thiệt hại do các thiên tai gây ra.
Các công ty cổ phần đường sắt, cổ phần thông tin tín hiệu đường sắt và các chi nhánh khai thác đường sắt thường xuyên kiểm tra các vị trí xung yếu có nguy cơ mất an toàn; thực hiện nghiêm ngặt chế độ tuần tra, chốt gác tại các vị trí xung yếu, khu vực trọng điểm, lập phương án sẵn sàng đối phó với mọi tình huống xấu có thể xảy ra khi mưa, bão; chuẩn bị nhận lực, vật tư, thiết bị để sẵn sàng ứng cứu khi cần thiết, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người, phương tiện, thiết bị, nhà xưởng và an toàn giao thông đường sắt.
Tại các vị trí chốt gác điểm xung yếu, nhất thiết phải trang bị đầy đủ các thiết bị bảo hộ, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho chốt gác. Tổ chức tăng ban tuần đường, bố trí đi ngược chiều với hành trình tuần đường hiện tại trong suốt thời gian mưa bão. Chủ động làm việc với các đơn vị thi công các công trình sửa chữa định kỳ để xây dựng biện pháp phòng tránh và ứng cứu khi có sự cố xảy ra;
Các đơn vị vận tải chuẩn bị lương thực, thực phẩm, có phương án ứng cứu khi có sự cố do bão và hoàn lưu bão gây ra để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho hành khách, hàng hoá và phương tiện; Thường xuyên phát thanh thông báo cho hành khách ở ga và trên các đoàn tàu được biết về diễn biến về tình hình thời tiết và kế hoạch phải dừng tàu do bão và hoàn lưu bão tạo sự yên tâm cho hành khách.
Các chi nhánh xí nghiệp đầu máy bố trí đủ đầu máy để phục vụ công tác cứu chữa bảo đảm thông tàu trong thời gian nhanh nhất; xây dựng phương án bảo đảm an toàn cho đầu máy; quán triệt cán bộ công nhân viên khi lên ban phải tập trung quan sát, chấp hành nghiêm túc quy trình quy phạm, đặc biệt chú trọng tuân thủ công tác điều hành chạy tàu trong thời gian mưa, bão.
Các ban chuyên môn của Tổng Công ty cử người thường trực 24/24 giờ để nắm bắt kịp thời thông tin về thời tiết và tham mưu lãnh đạo Tổng Công ty phương án ứng cứu. Các đơn vị theo dõi diễn biến của thời tiết và thường xuyên báo cáo tình hình về thường trực Ban chỉ huy phòng, chống lụt, bão Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam.
Trung tâm điều hành vận tải theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết để chủ động điều tiết hành trình chạy tàu tại ga xuất phát, bố trí dừng tàu hợp lý tại các ga có đủ điều kiện phục vụ hành khách và bảo quản hàng hóa tốt nhất, tránh đi vào khu vực có mưa lớn làm gián đoạn chạy tàu; lập kế hoạch bố trí toa xe tại các khu vực có mỏ đá để kịp thời bốc xếp vật tư phục vụ công tác cứu chữa./
Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền về an toàn giao thông  (03/11/2020)
Tình hình trật tự an toàn giao thông có nhiều chuyển biến tích cực  (03/11/2020)
Bảo hiểm Quân đội ủng hộ đồng bào miền Trung khắc phục hậu quả lũ lụt  (02/11/2020)
Giao thông đô thị Việt Nam - những gam màu sáng - tối  (18/09/2020)
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Tỉnh Nam Định xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm