Ấn tượng sâu sắc về chuyến thăm Việt Nam

Thabo Mkebi
16:50, ngày 21-06-2007
LTS: Nhận lời mời của Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Minh Triết, Tổng thống nước Cộng hoà Nam Phi Thabo Mbeki đã thăm chính thức Việt Nam từ ngày 23 đến ngày 25-5-2007. Chuyến thăm Việt Nam đã để lại tình cảm tốt đẹp và những ấn tượng hết sức sâu sắc của Tổng thống về đất nước, con người Việt Nam. Tạp chí Cộng sản Điện tử xin giới thiệu với bạn đọc bài viết của Tổng thống Thabo Mbeki sau chuyến thăm này.

Chủ tịch nước CNXHCN Việt Nam và Tổng thống Cộng hòa Nam Phi Thabo Mkebi

Vừa qua, chúng tôi được vinh dự thực hiện chuyến đi thăm nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đây là lần đầu tiên tôi và rất nhiều thành viên trong đoàn có cơ hội được đến thăm một đất nước mà suốt bao nhiêu thập kỷ qua đã truyền đầy nhiệt huyết cho chúng tôi bằng tấm gương sáng chói của chủ nghĩa anh hùng và sự hy sinh quên mình trong cuộc đấu tranh vì tự do và độc lập dân tộc.

Chúng tôi trưởng thành trong phong trào đấu tranh, giải phóng dân tộc và luôn tâm niệm rằng hai nhà lãnh đạo kiệt xuất của Việt Nam là Chủ tịch Hồ Chí Minh (Bác Hồ) và Đại tướng Võ Nguyên Giáp là lãnh tụ của chúng tôi. Chúng tôi luôn tìm hiểu họ đại diện cho ai, tìm hiểu những gì họ nói và hành động, bởi, chúng tôi thấy tất cả những điều đó đều liên quan tới thắng lợi của cuộc đấu tranh của nhân dân chúng tôi.

Là các thành viên của Hội Liên hiệp Thanh niên và Ban Thanh niên và Sinh viên của Đảng Đại hội Dân tộc Phi, chúng tôi bị lôi cuốn và được truyền cảm hứng từ thắng lợi vang dội của nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp tại mặt trận Điện Biên Phủ. Chúng tôi đón nhận những tin tức thắng lợi này và những sự kiện khác liên quan tới các cuộc đấu tranh vì sự tiến bộ ở trong và ngoài nước thông qua việc tiếp cận với tờ báo New Age (Thời đại mới) cho đến khi nó bị cấm lưu hành.

Trong số những món quà kỷ niệm quý giá của tôi sau chuyến đi thăm Việt Nam lần này có một số cuốn sách của Đại tướng Võ Nguyên Giáp - nhà chỉ huy quân sự lỗi lạc đã lãnh đạo quân đội nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến tranh vĩ đại và trường kỳ suốt 30 năm kể từ năm 1945, và đã đánh bại thực dân Pháp vào năm 1954 và tiếp đó là đế quốc Mỹ năm 1975.

Trên mọi phương diện, thắng lợi của nhân dân Việt Nam chống lại các thế lực mạnh nhất trong thế kỷ 20 là tiếng vang tiếp nối thắng lợi của những người nô lệ châu Phi ở Hai-ti vào cuối thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19, khi họ đánh bại các cỗ máy quân sự của Tây Ban Nha, Anh và Pháp.

Chắc chắn rằng, khi chúng ta giáo dục lớp trẻ về các cuộc đấu tranh anh dũng vì sự nghiệp giải phóng dân tộc của các dân tộc bị áp bức, chúng ta sẽ gửi tới họ một thông điệp rõ ràng rằng những thắng lợi ở Hai-ti và ở Việt Nam luôn chiếm giữ một vị trí đặc biệt trong nhiều sự kiện vĩ đại khác, là niềm tự hào mà các dân tộc này và tất cả những người yêu chuộng hòa bình trên thế giới luôn tưởng nhớ và tôn vinh.

Chiến thắng Điện Biên Phủ

Trong cuốn sách của mình “Chiến tranh Nhân dân và Quân đội Nhân dân”, (tiếng Anh - xuất bản lần thứ nhất năm 1974), Tướng Giáp viết “Thực dân Pháp ngày càng sa lầy trong cuộc chiến tranh xâm lược phi chính nghĩa. Sự viện trợ của Mỹ chiếm 15% chiến phí trong năm 1950 và 1951, đã tăng lên 35% vào năm 1952, 45% vào năm 1953 và năm 1954 đã lên tới 80%. Mặc dù mức độ viện trợ ngày càng leo thang, nhưng tình thế của quân đội viễn chinh Pháp vẫn khó lòng cứu vãn.” Đại tướng viết tiếp: “Chúng ta đã mở liên tiếp nhiều cuộc tấn công lớn vào những hướng địch tương đối sơ hở, buộc chúng phải chia sẻ binh lực ra đối phó khắp nơi, tạo điều kiện cho quân ta tấn công vào Điện Biên Phủ, tập đoàn cứ điểm mạnh nhất ở Đông Dương mà Bộ tham mưu Pháp - Mỹ cho là không thể nào công phá được. Chúng ta quyết định tấn công địch ở Điện Biên Phủ. Chủ lực của quân ta được tập trung ở đó. Lực lượng của nhân dân ta ở hậu phương được huy động để đảm bảo cho tiền tuyến chiến thắng quân địch.”

“Trải qua cuộc chiến đấu 55 ngày đêm, Quân đội nhân dân Việt Nam đã lập được chiến công lớn nhất trong cuộc chiến tranh giải phóng: tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ. Trận Điện Biên Phủ vĩ đại đã làm cho cục diện thay đổi, và góp phần quyết định vào thắng lợi của Hội nghị Giơ-ne-vơ… trên cơ sở tôn trọng chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Cambodia và Lào…”

“Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta có thể tự hào nói rằng cuộc chiến tranh giải phóng của nhân dân Việt nam đã góp phần tạo ra một chân lý vĩ đại: một nước thuộc địa nhỏ yếu, một khi đã vùng đứng dậy, đoàn kết một lòng, kiên quyết chiến đấu vì độc lập và hòa bình của dân tộc mình, thì hoàn toàn có thể đánh bại đội quân xâm lược của một nước đế quốc ”.

“Điện Biên Phủ không chỉ là thắng lợi của nhân dân ta, mà còn là thắng lợi của nhân dân ở khắp nơi trên thế giới, những người đang đánh đổ ách áp bức của chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa đế quốc. Và ngày kỷ niệm chiến thắng này không chỉ của nhân dân ta, mà còn dành cho những người anh em, những dân tộc vừa giành được độc lập, và những dân tộc còn đang đấu tranh tự giải phóng mình. ”

“Điện Biên Phủ mãi mãi được ghi vào biên niên sử của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân trên thế giới. Lịch sử sẽ ghi nhận chiến thắng này như một trong các sự kiện lịch sử vĩ đại của phong trào giải phóng dân tộc của nhân dân các nước Á, Phi và Mỹ La tinh, các dân tộc đang đấu tranh đòi quyền tự quyết của dân tộc mình...”

“Thắng lợi ở Điện Biên Phủ đã chỉ ra rằng: một dân tộc nhỏ yếu, một quân đội không chính quy, nhưng một khi kiên quyết đứng dậy, đoàn kết , chiến đấu vì độc lập và hòa bình thì hoàn toàn có thể đánh bại bất kỳ thế lực xâm lược nào, kể cả đế quốc Pháp, mặc dù có sự giúp sức của Mỹ.”

Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh

Chúng tôi kết thúc chuyến thăm Việt Nam sau khi đến thăm một viện bảo tàng ở Thành phố Hồ Chí Minh (Sài Gòn trước đây), nơi có rất nhiều người tới - Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh. Tại đây, chúng tôi không được nhìn thấy chứng tích của cuộc chiến tranh chống lại quân đội viễn chinh Pháp, cuộc chíến tranh đã đánh bại đội quân này tại mặt trận Điện Biên Phủ. Nhưng, chúng tôi đã được tận mắt nhìn thấy những tấm hình đau đớn, phơi bày tội ác, những chứng tích cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ chống lại Việt Nam. Chỉ ít phút ngay trước khi rời thành phố Thành phố Hồ Chí Minh, rời Việt Nam, từ trên ban công của khách sạn, chúng tôi nhìn lại nơi mà năm 1975, tàn quân của Mỹ đã tháo chạy bằng máy bay trực thăng do quân đội cách mạng Việt Nam đã giành quyền kiểm soát Sài Gòn, đánh bại đội quân ngụy quyền được Mỹ đào tạo , trang bị vũ khí và được chúng sử dụng như một lá bài.
 

Tổng thống CH Nam Phi Thabo Mkebi và đoàn đại biểu
thăm Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh

Những bức hình chớp được khoảnh khắc chiếc máy bay trực thăng vội vã tháo chạy, nằm nổi bật trên bức tường của Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh. Và còn những tấm hình khác đã đưa chúng tôi quay trở lại thời kỳ cao trào của cuộc chiến tranh ở Việt Nam và phong trào quốc tế đoàn kết, ủng hộ nhân dân Việt Nam trong những năm 1960 và 1970.

Trong số những bức ảnh ở đó, chúng tôi thấy cảnh tượng một phụ nữ Việt Nam bị dí súng trường vào thái dương; một bé gái Việt Nam trần truồng, đau đớn gào thét chạy trên đường vì bỏng bom napal; xác chết của những người dân thường Việt Nam chất thành gò đống mà cái chết vô tội của họ được đối phương mô tả như “một tổn thất không đáng kể”; khung cảnh khắp nơi bị tàn phá, đổ nát bởi chất độc hóa học da cam, và đây nữa là bức ảnh những tên lính Mỹ đang cười khả ố, dưới chân chúng là một dãy đầu người không xác, những chứng nhân câm lặng của cuộc hành quyết những người Việt Nam yêu nước.

Bàng hoàng, phẫn nộ trước sự thật khi tham quan Bảo tàng Chứng tích Chíến tranh, một thành viên trong đoàn chúng tôi đã thốt lên: đây không phải là cách để chúng ta kết thúc chuyến thăm Việt Nam! Chúng tôi hiểu rằng, chính những tổn thất nặng nề, to lớn mà nhân dân Việt Nam phải chịu đựng đã thôi thúc họ vùng lên giành độc lập và tự do, thống nhất đất nước với hy vọng hoà bình mãi mãi trường tồn.

Khi thực dân Pháp chấp nhận bại trận sau chiến thắng Điện Biên Phủ, buộc phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ và rút quân khỏi Đông Dương, Mỹ đã không chịu chấp nhận kết cục này. Mỹ tin rằng, cho dù Pháp đã thua cuộc trong việc mưu toan cai trị Việt Nam, nhưng Mỹ vẫn nuôi tham vọng đó và có nhiều phương tiện để theo đuổi những gì mà thực dân Pháp không thực hiện được. Và kết cục là, đã diễn ra cuộc chiến tranh khủng khiếp nhất của Mỹ chống lại nhân dân Việt Nam.

Sự hủy diệt tàn bạo của chiến tranh

Trong cuộc chiến tranh này, khối lượng bom đạn Mỹ đã trút xuống Việt Nam nhiều gấp hai lần số lượng đạn dược của các bên tham chiến trong Chiến Tranh Thế giới thứ II. Tám năm Mỹ tiến hành chiến dịch ném bom miền Bắc Việt Nam đã hủy hoại 80% khả năng sản xuất công nghiệp của vùng đất này. Hai triệu người chết, hai triệu người bị thương và tàn tật. Một triệu phụ nữ trở thành goá phụ. Một triệu trẻ em mồ côi. 25.000 km2đất nông nghiệp bị che phủ bởi 71.000 tấn chất độc da cam rải xuống. Các loại bom hóa học đã biến hàng trăm héc-ta rừng thành những cánh rừng cằn cỗi, xơ xác, để lại di chứng khủng khiếp cho người dân Việt Nam do phải gánh chịu những hậu quả nặng nề, ảnh hưởng của chất độc hoá học.

Nhưng, mặc cho sự hủy diệt khốc liệt và mọi sức mạnh siêu cường được huy động nhằm hủy diệt đất nước này, rốt cuộc Mỹ vẫn buộc phải đi đến sự thoả thuận với những người Việt Nam yêu nước để kết thúc chiến tranh và rời khỏi Việt Nam. Ngày 27 tháng giêng năm 1973, Tiến sĩ Henry Kissinger thay mặt chính phủ Mỹ đã ký Hiệp Định Paris về Việt Nam.

Trong cuốn sách của Đại tướng Võ Nguyên Giáp “Tổng Hành Dinh trong mùa xuân toàn thắng”, Ông có nói rằng, một trong số các trợ lý của tiến sĩ Kissinger đã phải cay đắng thốt lên: “Chúng ta đã ném bom Bắc Việt Nam để rồi chính chúng ta lại chấp nhận nhượng bộ”.

Cũng trong cuốn sách này, Tướng Giáp viết : “Ngày 29 tháng 3 năm 1973, Bộ Chỉ huy quân sự Mỹ ở Sài Gòn đã làm “lễ cuốn cờ”. Trên đất nước thân yêu của chúng ta, quân xâm lược nước ngoài về cơ bản đã bị quét sạch”. Ông viết tiếp: “Rất nhiều người đã đặt những câu hỏi: vì đâu nhân dân Việt Nam từ không một tấc sắt trong tay, vùng lên bẻ gãy gông xiềng nô lệ, lại đánh thắng “ hai đế quốc lớn ” trong cuộc chiến không cân sức, giành lại non sông đất nước, tiến lên giải phóng xã hội, giải phóng con người ?...”

Để lý giải điều này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết: “Tháng 11 năm 1995, theo đề nghị của phía Mỹ, tôi đã tiếp ông Robert McNamara, nguyên Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ dưới thời hai Tổng thống Kennedy và Johnson, và là một trong những kiến trúc sư của chiến tranh xâm lược Việt Nam. Trong câu chuyện, tôi nhận xét: “Trong cuốn hồi ký của ngài (“Nhìn lại quá khứ. Tấn thảm kịch và những bài học về Việt Nam” - McNamara) có một điều mà tôi cho là đúng. Đó là Mỹ đánh Việt Nam mà không hiểu gì về lịch sử, địa lý, văn hóa, phong tục tập quán, về con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam nói chung và những người lãnh đạo Việt Nam nói riêng. Chúng tôi có một nền văn hóa bền vững, có một học thuyết quân sự độc đáo đã được thử thách trong lịch sử, vì vậy mà chúng tôi đã thắng. Ông McNamara đáp: “Vâng, đúng như vậy”

Cuối cùng thì McNamara cũng nhận ra được một chân lý, rất tiếc là đã quá muộn màng.

Chỉ thị của Tướng Giáp
 

Tổng thống Thabo Mkebi thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Cuối cùng thì ngày 24 tháng 5 năm 2007, chúng tôi có một vinh dự to lớn và hiếm hoi là được gặp một con người phi thường - Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Năm nay, Ông đã bước sang tuổi 97. Ông nói chuyện với chúng tôi, rất khác với những gì ông đã nói khi gặp Robert McNamara, một chính khách nổi tiếng của Mỹ.

Với chúng tôi, Ông nói: “Tôi và vợ tôi rất cảm động khi được các bạn đến thăm từ đất nước Nam Phi xa xôi. Quan hệ giữa Việt Nam và Nam Phi đã được gắn bó từ lâu, khi nhân dân Nam Phi cũng như các nhà lãnh đạo Nam Phi đã ủng hộ và giúp đỡ nhân dân Việt Nam trong suốt cuộc đấu tranh giành tự do và độc lập dân tộc.”

“Chúng tôi rất vui mừng nhận thấy rằng, Nam Phi ngày càng phát triển, đặc biệt là trong việc thống nhất dân tộc và đoàn kết. Và chúng tôi cũng vui mừng nhận thấy rằng, Nam Phi đang đóng vai trò quan trọng trong việc thành lập một châu Phi thống nhất trong Liên minh châu Phi.”

“Chuyến thăm của các bạn đánh dấu một bước quan trọng trong quan hệ giữa hai nước chúng ta. Tôi hy vọng rằng , trong thời gian tới, quan hệ giữa Việt Nam và Nam Phi sẽ phát triển hơn nữa về mọi mặt, đặc biệt là chính trị, văn hóa, quốc phòng và những lĩnh vực khác. Nhân dịp này, tôi xin được gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới Ngài Nelson Mandela.”

“Tôi hy vọng rằng chuyến thăm Việt Nam của các bạn sẽ đánh dấu một bước quan trọng trong việc phát triển quan hệ giữa hai nước chúng ta. Chúng tôi luôn ủng hộ sáng kiến của các bạn trong việc giữ gìn hòa bình và thống nhất ở châu Phi và trên thế giới. Tôi xin chúc các bạn trở thành thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Tôi cũng hy vọng rằng trong khuôn khổ của tổ chức quan trọng này, quan hệ của hai nước chúng ta ngày càng phát triển”.

“Chúng tôi luôn ghi nhận sự ủng hộ của Chính phủ và nhân dân Nam Phi dành cho Việt Nam trong cuộc đấu tranh vì hoà bình và độc lập. Chúng tôi cũng hy vọng rằng Nam Phi sẽ ủng hộ Việt Nam trở thành thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Trong cuộc gặp gỡ ngắn ngủi này, tôi không thể không nhắc đến những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.” “Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh đến sự đoàn kết và thống nhất trong nhân dân và các dân tộc trên thế giới. Và tôi xin nhắc lại lời dạy của Người – Đoàn kết, Đoàn kết, Đại đoàn kết; Thành công , Thành công, Đại thành công! Một lần nữa tôi xin chào mừng Ngài Tổng thống và các vị bộ trưởng trong đoàn sang thăm Việt Nam.”

“Để thúc đẩy và tăng cường phát triển toàn diện tiềm năng hợp tác, nhân dân hai nước chúng ta cần phải thắt chặt hơn nữa quan hệ hợp tác vì sự phát triển và tiến bộ. Tôi xin được chuyển lời chào chân thành nhất đến nhân dân Nam Phi và cựu Tổng thống Nelson Mandela. Tôi xin chúc chuyến thăm của các bạn trên đất nước Việt nam thành công tốt đẹp.”

Khôi phục nền kinh tế

Chia tay với Tướng Giáp và phu nhân, chúng tôi suy ngẫm mãi về niềm tự hào và sự vui mừng mà người lính già cảm nhận được trước những thành tựu kinh tế - xã hội mà Việt Nam đạt được từ khi im tiếng súng.

Phản ánh vấn đề này trong cuốn sách “Nghiên cứu so sánh đổi mới kinh tế ở Việt Nam và cải cách kinh tế ở Trung Quốc”, năm 1976, hai giáo sư Lê Hữu Tầng và Lưu Hàm Nhạc đã viết:

“Việt Nam có một nền kinh tế thuần nông chiếm tới 80% dân số, trong đó 70% người lao động sống chủ yếu bằng các sản phẩm nông nghiệp ở khu vực nông thôn...Sự yếu kém của nền kinh tế được thể hiện chủ yếu qua tổng sản phẩm quốc nội tính theo đầu người…Nền kinh tế đã không sản xuất đủ lương thực nuôi sống người dân...Tình trạng kém phát triển và sự trì trệ của nền kinh tế đã tất yếu dẫn đến sự yếu kém của kinh tế ngoại thương và thâm hụt cán cân thương mại liên miên.”

“Sự yếu kém của nền kinh tế được thể hiện ở mặt bằng của xã hội. Đó là tình trạng khan hiếm hàng hóa tiêu dùng: lương thực, thực phẩm, các nhu yếu phẩm cần thiết hàng ngày, phương tiện giao thông, các thiết bị chăm sóc y tê, thiết bị trường học, vv.. Mức độ lạm phát gia tăng làm giảm giá trị đồng lương thực tế. Hơn nữa, sự tàn phá của chiến tranh đã làm cho việc khôi phục các điều kiện sống và các hoạt động kinh tế khó khăn hơn và mất nhiêu thời gian hơn.

Tướng Giáp đã phân tích cho Robert McNamara về “lịch sử, địa lý, phong tục, tập quán Việt Nam, về con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam nói chung, và những người lãnh đạo Việt Nam nói riêng”. Trải qua nhiều thế kỷ, tất cả những yếu tố đó đã giúp cho dân tộc Việt Nam tạo nên sức mạnh, một quyết tâm sắt đá, tích lũy nhiều kinh nghiệm và giành nhiều thắng lợi trong các cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ, và các thế lực thù địch khác.

Những thành tựu kinh tế - xã hội mà Việt Nam đạt được từ năm 1986 một lần nữa đã nêu bật những nhân tố cơ bản được tướng Giáp nhắc đến trong cuộc trò chuyện với Robert McNamara.

Trong bài viết của Keith Badsher trên tờ New York Time, số ra ngày 25-10-2006 có đoạn: “Việt Nam có nền kinh tế tăng trưởng đứng thứ hai ở châu Á với tốc độ phát triển 8,4% năm 2005, chỉ đứng sau Trung Quốc. Tốc độ xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ thậm chí còn tăng nhanh hơn Trung Quốc…Tính đến cuối năm ngoái, tỷ lệ tăng trưởng của Việt Nam vượt cả Thái Lan, Ma-la-xi-a, Đài Loan, Hàn Quốc và thậm chí cả Ấn Độ - một đối thủ sát nút.

“Như con hổ trẻ của nền kinh tế châu Á, Việt Nam ngày nay sản xuất và sử dụng nhiều xi măng hơn cả Pháp, nước thực dân cai trị trước đây. Chỉ số thị trường chứng khoán ở thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội tăng gần gấp đôi giá trị so với năm ngoái. Việt Nam đang trở thành chủ đề bàn thảo của các ngân hàng đầu tư và các nhà đầu tư ở châu Á”.

“Ở Việt Nam, tốc độ phát triển đạt được gần hai con số đã dẫn đến tình trạng thiếu lao động có tay nghề giống như ở Trung Quốc và Ấn Độ…Đường xá và hệ thống cảng ở đất nước này đã chật cứng những xe cộ và tàu bè. Tình trạng ùn tắc giao thông nặng nền hơn ở Trung Quốc, nhưng chưa đến mức như ở Ấn Độ…

“Việt Nam đã giảm tỷ lệ người nghèo có thu nhập thấp dưới 1 đô la một ngày còn 8% so với 51% năm 1990, một thành tích lớn hơn cả Trung Quốc hoặc Ấn Độ.”

Tạp chí Economist số ra ngày 3-8-2006 đã viết: “Tuổi thọ trung bình của người dân tăng và tỷ lệ trẻ em tử vong giảm hẳn từ những năm 1990. Việt Nam làm công tác này tốt hơn hẳn Thái Lan và các nước giàu hơn khác. Gần ¾ trẻ em Việt Nam ở lứa tuổi trung học cơ sở được đến lớp, tăng hơn 1/3 so với năm 1990. Một lần nữa, Việt Nam lại vượt qua Trung Quốc, Án Độ và In-đô-nê-xi-a.

Một bản báo cáo khác nêu rõ: “Đầu tư tiếp tục tăng trưởng từ 38,4% GDP năm 2004 lên 38,9% năm 2005… Những năm gần đây, khu vực đầu tư tư nhân phát triển nhanh chóng. Năm 2005 đã có 40,000 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh, tăng 9% số doanh nghiệp và tăng 45% số vốn đăng ký. Vốn đầu tư nước ngoài tăng từ 4,2 tỉUSD năm 2004 lên tới USD 6,3 tỉ năm 2005. Ngân sách chi tiêu bao gồm cả các khoản vay nợ của các liên doanh trong nước chiếm khỏang USD 3,3 tỉ , tăng 15 % so với năm trước.”

Hiện nay, Việt Nam có khoảng 260,000 doanh nghiệp tư nhân. Các biện pháp đang được bàn thảo để có thể đạt được con số 500,000 doanh nghiệp vào năm 2010. Trên cơ sở đó, báo cáo của Việt Nam nêu rõ rằng “sự phát triển của các doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là khu vực chế xuất, bán lẻ và công nghiệp dịch vụ mỗi năm đã tạo ra hơn 90% công ăn việc làm cho người lao động”.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì “khoảng USD 4,37 tỉ vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài( FDI) được đổ vào nền kinh tế Việt Nam trong 5 tháng đầu của năm nay… Hơn USD 3,7 tỉ được đầu tư cho 372 dự án mới, trong khi USD 577 triệu USD được sử dụng vào nguồn vốn đầu tư bổ sung cho các dự án đã được cấp phép hoặc đang hoạt động. Tỷ lệ vốn đầu tư nước ngoài tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái và số giấy phép cấp mới tăng 32%. “

Đoàn kết, Đoàn kết, Đại đoàn kết!

Năm 1960, Joe Matthews đã gặp Hồ Chí Minh và các nhà lãnh đạo Việt Nam khác ở Matxcơva và thắt chặt tình đoàn kết giữa những người anh em đang chiến đấu.

Nhiều năm sau, vào năm 1978, Oliver Tambo đã dẫn đầu đoàn đại biểu ANC (Đảng Đại Hội Dân tộc Phi) sang Việt Nam để học hỏi những bài học kinh nghiệm từ cuộc đấu tranh thắng lợi của nhân dân Việt Nam, vận dụng những bài học này để đẩy nhanh hơn nữa cuộc đấu tranh của nhân dân Nam Phi giành độc lập. Chúng tôi sẽ rất vui mừng được sang thăm Việt Nam để học hỏi những gì có thể, để đẩy nhanh hơn nữa tốc độ tăng trưởng và nhằm đạt được mục tiêu là tạo nên một cuộc sống tốt đẹp cho nhân dân Nam Phi.

Và như vậy, chúng ta phải chấp hành nghiêm túc chỉ thị của Đại tướng Võ Nguyên Giáp rằng “Để thúc đẩy và tăng cường phát triển toàn diện tiềm năng hợp tác, nhân dân hai nước Nam Phi và Việt Nam cần phải thắt chặt hơn nữa quan hệ hợp tác vì sự phát triển và tiến bộ.”

Để thực hiện được điều đó, chúng ta vẫn tiếp tục được truyền cảm hứng từ những lời di huấn bất diệt của Bác Hồ: Đoàn kết, Đoàn kết, Đại đoàn kết! - Thành công, Thành công, Đại thành công!