Dù bão táp, mưa sa
Chúng tôi vẫn mãi đi
trên con đường dài anh đã chọn
Chê, người bạn của tôi
Hẹn gặp lại anh ngày chiến thắng
Gerardo Alfonso(1)
 
 

Từ trái qua phải: Phi-đen Cat-xtơ-rô, Ra-un Cat-xtơ-rô và Chê Ghê-va-ra.

Ê-nét-xtô Chê Ghê-va-ra đê la Xê-na (Ernesto Che Guevara de la Serna), thường gọi thân mật là Chê, sinh ngày 14 tháng 6 năm 1928, tại Rô-xa-ri-ô, Ác-hen-ti-na trong một gia đình trung lưu. Năm 1953, Chê Ghê-va-ra tốt nghiệp đại học Y khoa, Trường Đại học Bu-ê-nốt Ai-rét (Buenos Aires). Trong chuyến hành trình qua nhiều nước Mỹ La-tinh, Chê Ghê-va-ra đã nhận thức được rằng, chỉ có một cuộc cách mạng triệt để mới xoá bỏ được đói nghèo và giành được khối đoàn kết chính trị của các nước Mỹ La-tinh anh em. Năm 1953, Chê Ghê-va-ra tới Gua-tê-ma-la - nơi nhà dân chủ Ja-cô-bô A-ben (Jacobo Arbenz) áp dụng chương trình cải cách xã hội rộng rãi, nhưng cuộc đảo chính tại nước này diễn ra trong năm 1954 đã buộc Ông phải rời sang Mê-hi-cô. Tại đây, Ông đã quen Phi-đen Ca-xtơ-rô và Ra-un Ca-xtơ-rô cùng với một số chiến sĩ Cu-ba khác đang chuẩn bị một cuộc tấn công cách mạng chống chế độ độc tài của Ba-ti-xta tại Cu-ba.

Tháng 11-1956, nhóm thanh niên cách mạng do Phi-đen lãnh đạo trong đó có Chê Ghê-va-ra đã trở về Cu-ba trên con tàu Gran-ma. Trong cuộc đụng độ không cân sức đầu tiên với quân chính phủ của Ba-ti-xta, đội quân cách mạng non trẻ đã hy sinh gần hết. Phi-đen, Chê Ghê-va-ra và những người còn sống sót thoát lên được vùng rừng núi Xi-a-ra Ma-ét-tra và lập chiến khu cách mạng - nơi khởi nguồn của cuộc chiến tranh cách mạng Cu-ba và kết thúc bằng Chiến thắng Tháng Giêng năm 1959.

Chê Ghê-va-ra đã tham gia vào những vị trí lãnh đạo quan trọng của nhà nước cách mạng non trẻ do Chủ tịch Phi-đen Ca-xtơ-rô lãnh đạo như: Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Cu-ba, Bộ trưởng Công nghiệp. Ông là đại diện của Cu-ba tại nhiều hội thảo, tổ chức quốc tế quan trọng và tiêu biểu trong đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc. Được coi là một nhà mác-xít không chính thống, Chê Ghê-va-ra đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành những tư tưởng của thanh niên cánh tả trong thập kỷ 60, thế kỷ XX.

Trong những năm 1965-1966, Chê Ghê-va-ra rời Cu-ba sang Công-gô và tham gia một tổ chức cách mạng tại nước Trung Phi này. Mùa thu năm 1966, Chê Ghê-va-ra bắt đầu tham gia tổ chức lực lượng du kích cách mạng tại vùng Xan-ta Cờ-rút của Bô-li-vi-a. Ngày 8-10-1967, nhóm du kích của Ông đã bị quân chính phủ của chế độ độc tài tiêu diệt, Ông bị thương, bị bắt rồi bị hành quyết sau đó ít ngày trong tư thế ngẩng cao đầu.

Chê Ghê-va-ra hy sinh nhưng những tư tưởng tiến bộ, cách mạng của Ông về một xã hội mới vẫn còn mãi trong tâm trí những chiến sỹ cách mạng Mỹ La-tinh và những người yêu chuộng hòa bình trên thế giới.

- Quan điểm mác-xít của Chê Ghê-va-ra

Việc hình thành tư tưởng của Chê Ghê-va-ra được khởi nguồn từ nhiều yếu tố, trong đó đặc biệt quan trọng là quan điểm mác-xít, do vậy, Chê được những người quen biết Ông và cả chính Ông tự đánh giá mình là nhà mác-xít. Ngoài ra, có một chi tiết quan trọng để người ta nhận ra sắc thái riêng biệt trong tư tưởng của Chê Ghê-va-ra là: sự khám phá chủ nghĩa Mác của Chê Ghê-va-ra không đơn thuần từ tri thức và sách vở, mà qua kinh nghiệm sống của chính bản thân, qua thực tế nghèo đói của người dân và sự bóc lột của đế quốc, thực dân tại những nơi Ông đã sống. Những trải nghiệm này đã được Ông cảm nhận và chia sẻ ngay từ khi mới tốt nghiệp đại học và trong suốt hành trình qua các nước của khu vực.

Từ đây, đã khơi nguồn một trong những phẩm chất cơ bản trong quan điểm mác-xít của Chê Ghê-va-ra: chống tư tưởng giáo điều. Ông không đồng ý với việc triển khai chủ nghĩa Mác - Lê-nin trong việc xây dựng một xã hội mới trên thực tế một cách quan liêu, máy móc. Ông cho rằng, việc đóng khuôn chủ nghĩa Mác - Lê-nin trong một hệ thống, rồi coi đó là chân lý vĩnh cửu, không thể lay chuyển và bất di bất dịch là một sự giáo điều tuyệt đối.

- Quan niệm của Chê Ghê-va-ra về “con người mới”

Từ quan điểm cho rằng, cách mạng không phải là một sự biến đổi duy nhất các cấu trúc xã hội, các thiết chế của chế độ, mà còn là sự biến đổi sâu sắc và triệt để của con người, về sự giác ngộ của họ, những tập quán, giá trị và thói quen của những mối quan hệ xã hội giữa con người với con người, Chê Ghê-va-ra cho rằng, một cuộc cách mạng chỉ là đích thực khi nó có khả năng tạo ra một “con người mới”. “Con người mới” thực sự cách mạng, theo Chê Ghê-va-ra quan niệm là: cần lao động suốt đời. Con người đó phải cảm nhận được cách mạng và vì lẽ đó, thời gian làm việc không phải là sự hy sinh, bởi thời gian đó là giành cho cuộc đấu tranh vì lợi ích xã hội. Khi hoạt động này thực sự xuất phát từ nguyện vọng, nhu cầu của cá nhân, làm thoả mãn cá nhân thì đó không phải là sự hy sinh. Cụm từ "hy sinh", do vậy, không còn nữa. Đây phải là một phẩm chất chủ yếu của một người cách mạng, cảm nhận được cách mạng theo đúng ý nghĩa của nó và làm việc với sự cẩn thận, chu đáo. Tuy nhiên, mọi việc trên thực tế không hề đơn giản mà luôn tồn tại những mặt trái. Điều khó nhất để trở thành một người cách mạng là phải biết gạt bỏ những tình cảm riêng tư để có được những hành động và kết quả cụ thể hướng tới mục tiêu duy nhất cải thiện môi trường xã hội.

Một nét tiêu biểu khác trong tư tưởng cách mạng của Chê là việc xác định vai trò trong xã hội của thanh niên và đảng chính trị. Yếu tố thứ nhất, thanh niên đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc xây dựng “con người mới”. Người thanh niên cần có lòng tự hào trở thành người cộng sản, sẵn sàng khẳng định lý tưởng của mình trong mọi lúc, mọi nơi. Cùng với điều này, thanh niên cần nhạy cảm trước mọi vấn đề, trước mọi sự bất công; luôn cảm thấy không bằng lòng với những gì mình có; có thái độ học hỏi, tìm hiểu những điều mình không biết; sẵn sàng đón nhận, học hỏi những kiến thức mới, làm giàu thêm kho tàng tri thức của nhân loại.

Yếu tố quan trọng thứ hai là tất cả các chính đảng, các tổ chức tiền phong trong đó tập hợp những người lao động ưu tú nhất. Trong trường hợp này, khái niệm “con người mới” được hiểu như một nhà chính trị (Chê Ghê-va-ra gọi đó là những "cán bộ"), sẵn sàng thực hiện bất cứ nhiệm vụ gì, và theo nguyên văn của Chê Ghê-va-ra là "Những người mà chúng ta có thể gọi là một chiếc đinh ốc năng động của cỗ máy; chiếc đinh ốc đảm bảo sự hoạt động chính xác của cỗ máy; năng động bởi vì nó không chỉ chuyền động đơn thuần từ dưới lên hoặc từ trên xuống trên theo mệnh lệnh hoặc đòi hỏi mà phải là một người sáng tạo giúp cho sự phát triển của quần chúng và giúp thông tin cho lãnh đạo cấp trên".

- Tinh thần quốc tế trong quan niệm của Chê Ghê-va-ra.

"Người cách mạng, động lực tư tưởng của cách mạng trong đảng của mình cần hoạt động liên tục, chỉ có cái chết mới có thể làm ta ngừng lại, và chỉ tới khi nào việc xây dựng cách mạng đã giành được trên phạm vi thế giới. Nếu người cách mạng tự bằng lòng khi nhìn thấy những nhiệm vụ đã đạt được trên phạm vi đất nước mình và quên đi nghĩa vụ quốc tế vô sản, cách mạng sẽ không còn là lực lượng thúc đẩy và rơi vào tình trạng nhu nhược, dễ bị kẻ thù không đội trời chung lợi dụng: khi đó chủ nghĩa đế quốc sẽ kẻ giành thắng lợi. Chủ nghĩa quốc tế vô sản là một nhiệm vụ, đồng thời đó cũng là một tất yếu cách mạng. Chúng ta sẽ giáo dục nhân dân như vậy!"

Quan niệm trên của Chê Ghê-va-ra có một ý nghĩa nhân văn cách mạng hết sức sâu sắc. Giá trị cao nhất của chủ nghĩa nhân văn đích thực mà Chê Ghê-va-ra quan niệm, nói một cách lô gích không thể là điều gì khác ngoài chính nhân loại. Trong các tác phẩm của Ông, nổi lên một khuynh hướng rõ nét là tinh thần quốc tế vượt ra ngoài yếu tố cá nhân và dân tộc, mang một tầm nhìn quốc tế trong việc tìm kiếm tự do của giai cấp vô sản trên toàn thế giới.

Điều hiển nhiên là chủ nghĩa quốc tế không chỉ là sự cảm nhận mà còn là và trước hết là thực hiện một tình đoàn kết thực sự và năng động giữa các dân tộc trong cuộc đấu tranh giải phóng nhân loại khỏi sự áp bức, bất công. Do vậy, tự do không đạt được từ một hành động duy nhất mà là cả một quá trình: cần phải xây dựng tự do.



(1) Ca sĩ nổi tiếng của Cu-ba hay hát các bài hát cách mạng, đặc biệt các bài hát ca ngợi Chê Ghê-va-ra.