Khắc phục đầy đủ và toàn diện các sai lệch xã hội

Đặng Cảnh Khanh
16:26, ngày 21-06-2007

Trong các tài liệu xã hội học ở nước ta, sự quan tâm đến những vấn đề tổng quát, lý thuyết về chuẩn mực xã hội và sai lệch các chuẩn mực xã hội vẫn còn chưa thật đầy đủ và ít giá trị khoa học. Chúng tôi mạnh dạn đề cập đến một số vấn đề lý luận về xã hội học thanh niên có liên quan tới chủ đề về những sai lệch xã hội trong thanh thiếu niên.

Sai lệch xã hội - căn bệnh của cơ chế thị trường

Không còn nghi ngờ gì nữa, cơ chế thị trường dù trong trường hợp nào cũng kéo theo một người đồng hành khá “thuỷ chung”, đó là những tệ nạn xã hội khi thì tăng khi thì giảm, hoặc nói theo một thuật ngữ thông dụng của xã hội học là kéo theo sự “sai lệch hành vi xã hội”.

Chúng ta còn nhớ, khi đi giữa kinh thành Thăng Long buôn bán nhộn nhịp và sầm uất, Phạm Đình Hổ trong “Vũ Trung tuỳ bút” đã hết sức ngạc nhiên khi chợt nhận ra rằng trong sự nhộn nhịp bề ngoài ấy, mọi giá trị đạo đức mà ông tâm niệm đều bị lật nhào đi cả. Đâu đâu cũng lừa đảo, trộm cắp, đâu đâu cũng cờ bạc đỏ đen trắng trợn, con cái khinh nhờn cha mẹ, vợ chồng lủng củng… Có lẽ cũng vì thế mà giống như Phạm Đình Hổ, các cụ đồ nho ngày xưa thường ghét cay, ghét đắng giới thương nhân và cuộc sống thương trường. Tuy nhiên, sự căm ghét thái quá ấy lại dẫn đến một hậu quả tiêu cực khác, là kìm hãm sự phát triển. Cái phương châm thà chịu đói rách còn hơn là làm điều thất đức, thà bỏ “lợi” và giữ lấy “nghĩa”, còn hơn là bỏ “nghĩa” chỉ vì “lợi”, từ lâu đã là một lực cản rất lớn đối với việc xây dựng và phát triển đất nước.

Cái quan niệm, để có “lợi nhuận” thì phải “bất nghĩa” dường như bao giờ cũng tồn tại khi ít, khi nhiều trong một xã hội sản xuất hàng hoá. Bởi vậy, tất cả các quốc gia đi theo con đường phát triển kinh tế thị trường đều đặt ra và giải quyết từ rất sớm vấn đề khắc phục các tệ nạn xã hội. Một xã hội lành mạnh và trong sạch là điều kiện tốt để phát triển kinh doanh, ngược lại một sự kinh doanh hạch toán có hiệu quả lại là cơ sở để thanh toán các tệ nạn và tội lỗi trong xã hội. Trong trường hợp không điều chỉnh hợp lý được mối quan hệ này, xã hội chỉ là một tổ ong vỡ.

Sự phát triển của tệ nạn xã hội là biểu hiện có thể thấy được của một xã hội bệnh hoạn (anomie) từ bên trong. Bởi vậy, vấn đề không chỉ là sự tìm hiểu và chạy chữa các biểu hiện bên ngoài mà phải khám xét và phát hiện những gốc rễ ẩn dấu bên trong của nó. Để hiểu bản chất của những sự bệnh hoạn xã hội, cần phải phân định rõ được những chiều tác động lẫn nhau giữa ba khu vực hết sức cơ bản: thứ nhất, cơ sở kinh tế của xã hội, thứ hai, hệ giá trị và chuẩn mực xã hội và thứ ba, chính những căn bệnh xã hội.

Tệ nạn xã hội và sự sai lệch xã hội ở đây có quan hệ trực tiếp và gián tiếp (thông qua hệ giá trị và chuẩn mực xã hội) với cơ sở kinh tế - xã hội mà cụ thể là với cơ chế thị trường và sự cạnh tranh lợi nhuận. Sẽ là vô ích nếu chỉ tìm hiểu và giải quyết vấn đề tệ nạn xã hội trong phạm vi nội tại mà không nghiên cứu những tác động tương hỗ của nó với cơ sở kinh tế - xã hội cũng như với sự tồn tại khách quan của hệ giá trị và chuẩn mực xã hội. Việc ngăn chặn tệ nạn từ chính cơ sở xã hội đã sản sinh ra nó là hoàn toàn hợp lý. Chẳng hạn, chúng ta sẽ không thể ngăn chặn được tệ nạn trộm cắp nếu không khắc phục được sự nghèo đói cũng như giảm bớt những phân cực xã hội đẻ ra từ cơ chế thị trường khiến cho những nhóm xã hội nhất định có thể bị bần cùng hoá. Mặt khác, cũng không thể không xây dựng và củng cố được những chuẩn mực xã hội tốt đẹp nếu không được các thành viên trong xã hội chấp nhận và ủng hộ.

Ở nước ta, sự phát triển của nền kinh tế hàng hoá mới được thực hiện chưa lâu nhưng nhiều tệ nạn xã hội đã nảy sinh và lan rộng tới mức chóng mặt. Việc chưa được chuẩn bị một cách kỹ càng về mặt xã hội so với mặt kinh tế trong việc chuyển từ cơ chế quản lý kế hoạch hoá tập trung sang cơ chế thị trường đã khiến cho việc lý giải và chữa chạy các tật bệnh xã hội còn có phần lúng túng. Cơ chế thị trường đang làm thay đổi mạnh mẽ hệ giá trị và các chuẩn mực đạo đức truyền thống. Những quan điểm sống gắn liền với sự cạnh tranh lợi nhuận như chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa thực dụng, các mối quan hệ “tiền trao cháo múc” không những chưa bị lên án mạnh mẽ mà còn lấn át các chuẩn mực tốt đẹp.

Tất cả những điều đó đang đòi hỏi một sự đổi mới và chuyển hướng mạnh mẽ trong nhận thức và hành động để phù hợp với việc ngăn chặn và khắc phục những sai lệch chuẩn mực xã hội.

Lược đồ cơ cấu các hành vi sai lệch xã hội

Thực tế chỉ ra rằng, trong tất cả những khu vực hoạt động cơ bản của con người, không nơi nào không có những quy định, quy ước được công nhận dưới dạng các chuẩn mực để điều chỉnh và kiểm soát các hành vi xã hội. Đồng thời, nơi nào tồn tại các chuẩn mực xã hội, nơi đó cũng hàm chứa những vấn đề của sự sai lệch. Nói một cách chính xác, sự lệch chuẩn cũng như các tật bệnh xã hội, khi nhiều, khi ít đều có thể nảy sinh và tồn tại ở bất cứ nơi nào và lĩnh vực nào có những hoạt động của con người. Bởi vậy, nếu lấy các dạng hoạt động cơ bản của con người trong xã hội làm nền tảng, chúng ta có thể xếp đặt và vạch ra được một lược đồ khái quát về những hành vi sai lệch, những tệ nạn xã hội và trên cơ sở đó tìm hiểu sự tác động nội sinh giữa chúng.

Việc nghiên cứu và phân tích lược đồ khái quát về những hành vi sai lệch xã hội dưới đây, với quan điểm tổng hợp, toàn diện cho phép chúng ta đi sâu vào các lĩnh vực cụ thể của sai lệch xã hội mà không lạc mất phương hướng. Các sai lệch xã hội, về phương diện này luôn được nhìn nhận trong các mối tương quan cả trong phạm vi vấn đề tệ nạn xã hội cũng như với tổng thể xã hội.

Chiều ngang của lược đồ chỉ rõ các cấp độ phức tạp của tệ nạn xã hội bắt đầu từ hành vi của mỗi cá nhân tới hoạt động của các băng nhóm và lớn hơn nữa trong các cấu trúc của thiết chế xã hội. Chiều dọc của lược đồ phân định các lĩnh vực cơ bản của hoạt động xã hội làm nảy sinh và tồn tại những sai lệch xã hội. Mỗi lĩnh vực hoạt động cơ bản này lại có thể được phân tích sâu hơn và chi tiết hơn.

Chẳng hạn, hiện tượng tham nhũng có thể được đặt trong cấu trúc của những sai lệch kinh tế, cũng có thể là những tham nhũng cá nhân đơn lẻ, cũng có thể được tổ chức theo băng nhóm hoặc liên kết rộng rãi hơn trong thiết chế kinh tế. Xác định được chính xác vị trí tồn tại và hoạt động của hiện tượng tham nhũng chúng ta lại có cơ sở để phân tích sâu sắc các thành phần cấu kết của nó, các quy tắc hoạt động, các kiểu loại và dạng thức biểu hiện cụ thể để từ đó tìm ra những giải pháp hợp lý để ngăn chặn.

Ở đây, chúng ta có thể nhìn thấy khả năng tái sinh sản của các tệ nạn xã hội từ những yếu tố nội sinh của nó. Và trên thực tế, sự gia tăng các tệ nạn xã hội do kết quả của sự hiệu ứng đô - mi - nô giữa chúng cũng mạnh mẽ không kém gì những tác động trực tiếp từ cơ sở kinh tế - xã hội.

Lược đồ cơ cấu của các hành vi sai lệch trong xã hội

Từ những phân tích trên, có thể nói rằng, những chính sách có tính khả thi đối với việc phòng ngừa và thanh toán các tật bệnh xã hội không thể được đặt ra một cách chủ quan phiến diện và duy ý chí. Nó phụ thuộc rất nhiều vào việc nhận diện đúng đắn những tật bệnh này. Bởi vậy, lược đồ khái quát về sai lệch xã hội và về mối quan hệ giữa sai lệch xã hội với tổng thể xã hội là cơ sở để xác lập trên đó mô hình của những chính sách xã hội tương ứng.

Ngăn chặn những hành vi sai lệch về chuẩn mực và giá trị xã hội trong thanh thiếu niên.

Không phải ngẫu nhiên mà các sai lệch xã hội lại thường xuất hiện ở thanh thiếu niên nhiều hơn ở những nhóm xã hội khác. Một sự khao khát muốn biến đổi, muốn vượt ra ngoài những khuôn khổ cứng nhắc; một sự thiếu hụt những kinh nghiệm sống, kèm theo những bồng bột của tuổi trẻ - tất cả tạo thành những mặt tâm lý đặc thù khiến tuổi trẻ và sự sai lệch, cái tích cực và cái tiêu cực luôn kề cận bên nhau, đan xen vào nhau trong cuộc sống đời thường của thanh thiếu niên, làm cho những người lớn tuổi luôn phải nhìn nhận họ với cặp mắt “khi giận, khi thương” là vì vậy.

Về mặt tâm lý, hiện tượng thanh thiếu niên dễ phạm vào những sai lệch xã hội cũng gần giống với trạng thái hưng phấn khi họ lao vào với những mặt tích cực của xã hội. Chỉ có điều, cũng với bản chất đặc thù của tâm lý thanh niên, họ thường không phải là những người cố chấp, không bảo thủ và vì vậy mà cũng dễ từ bỏ những sai lệch để vươn tới những cái đúng đắn, với lẽ phải, khi họ có điều kiện và được giáo dục để nhận thức được điều đó.

Dẫu vậy, thì những sai lệch xã hội của thanh thiếu niên cũng có thể là thảm kịch đối với một xã hội đang phát triển, khi nó lại gắn liền với bản tính cộng đồng trong sinh hoạt và giao tiếp của thanh thiếu niên. Những hiện tượng sai lệch trong một nhóm nhỏ thanh niên có thể nhanh chóng trở thành đốm lửa lan mạnh trong những nhóm thanh niên khác có cùng hoàn cảnh và điều kiện. Những sai lệch trong nhận thức chính trị có thể gây mất ổn định xã hội và trật tự trị an, dễ bị các thế lực chính trị lừa gạt, lôi kéo. Những sai lệch trong hoạt động kinh tế, trong sự định hướng giá trị lao động và việc làm, có thể gây hậu quả nghiêm trọng đối với việc phát triển nguồn nhân lực, ảnh hưởng tới khả năng hoạt động sáng tạo của xã hội. Những sai lệch trong văn hoá có thể gây những nhiễu loạn trong các giá trị về cảm thụ và sáng tạo thẩm mỹ, dẫn dư luận xã hội vào những cảm xúc không lành mạnh, thậm chí phi nhân bản. Những sai lệch trong phạm vi các hoạt động xã hội có thể là nguyên nhân của những sai phạm về pháp luật, sự gia tăng của tội ác, sự mở rộng của các tệ nạn xã hội, của nạn trộm cắp, ma tuý, rượu chè, cờ bạc, mại dâm...

Các hiện tượng sai lệch xã hội như là một thứ “bi kịch của sự phát triển”. Xã hội càng phát triển nhanh thì bi kịch về sự sai lệch diễn ra ngày càng nhiều và nhu cầu phải giải quyết nó cũng ngày càng lớn.

Con người hiện đại đã đánh mất những giá trị sống cơ bản nhất của mình. Họ chỉ còn là những cái máy “với bao nhiêu ràng buộc và sức ép, khởi đầu là hàng ngày hối hả đi làm rồi hối hả về nhà, hôm nào cũng như hôm nào, ăn rồi ngủ, cuộc sống cứ thế diễn ra bất di bất dịch đến nghẹt thở và làm kiệt sức hệ thần kinh bằng đủ thứ căng thẳng tinh thần chồng chất mãi lên nhau”... “Hoạt động quảng cáo, cổ động kích thích phiến diện và hời hợt chộp lấy các cá nhân vào thời điểm họ vừa thoát khỏi những ràng buộc nô dịch của công việc lao động. Tiêu dùng thái quá dẫn đến căn bệnh phàm ăn vô độ để rồi sau đó bắt buộc phải kiêng khem, chữa trị... Người ta bị ám ảnh triền miên về vị thế cá nhân, về mọi thứ ngoại hình trang phục sao cho sang trọng nhất, chăm lo sắc đẹp, tư thế đường hoàng kiểu thượng lưu...đâu đâu cũng rất sẵn quầy hàng, cửa hiệu, cửa hàng bách hoá lưu động, nhà hàng bán cổ vật, các khu chợ trời bán đồ cũ, còn trong nhà thì bề bộn những đồ lề hổ lốn với mọi thứ trang trí lặt vặt, xô bồ, rẻ tiền lẫn quý hiếm”

Sự sai lệch chuẩn mực và giá trị của thanh thiếu niên chính là hệ quả tất yếu của những sai lệch thường ngày trong một xã hội phát triển sai lệch về giá trị sống như trên. Bởi vậy, trong xã hội hiện đại, khi “thanh niên là khâu yếu nhất trong chuỗi mắt xích của nền văn minh”, thì chúng ta lại không hiểu thanh niên. Mỗi khi giới trẻ nổi loạn chống xã hội, khi họ lao vào những thứ ma tuý mạnh chúng ta cứ đinh ninh rằng vấn đề chỉ là tại con em mình”, chúng ta không hiểu rằng đó còn là “thái độ bất phục đối với lối sống không trung thực và chân thành của người lớn”. Bởi vậy, việc khắc phục các sai lệch về chuẩn mực và giá trị của thanh thiếu niên cần phải được bắt đầu từ việc khắc phục những sai lệch của chính xã hội, khắc phục những “bi kịch của chính sự phát triển”.

Hướng vào mục tiêu khắc phục một cách đầy đủ và toàn diện các sai lệch xã hội, chúng ta cần phải có được một quan điểm mang tính hệ thống. Theo chúng tôi, có ba hệ thống chính sách ở tầm rộng lớn cần phải được chú trọng, trong đó mỗi hệ thống chính sách lại hàm chứa nhiều chính sách và giải pháp ở phạm vi hẹp và cụ thể hơn.

Thứ nhất là, hệ thống những chính sách hướng vào cơ sở kinh tế - xã hội của xã hội, tức là nhằm ngăn chặn tận gốc rễ các sai lệch xã hội, loại bỏ những nguyên nhân là nảy sinh các sai lệch này. Điều đó gắn liền với các giải pháp nhằm ngăn chặn sự hình thành các giá trị và chuẩn mực xã hội sai lệch gắn liền với những “bi kịch của sự phát triển”, những sự “bệnh hoạn xã hội” nảy sinh từ các quan hệ của cơ chế thị trường, của xã hội tiêu thụ, điều chỉnh các mối quan hệ kinh tế, tăng cường cuộc đấu tranh chống đói nghèo, tạo cơ sở kinh tế xã hội bình đẳng để mỗi người lao động có điều kiện làm việc và hưởng thụ hợp lý những thành quả lao động của mình, những chính sách nhằm củng cố các mối quan hệ xã hội, củng cố sự ổn định gia đình và xã hội.

Thứ hai là, hệ thống những chính sách hướng vào việc xây dựng các chuẩn mực xã hội và sự định hướng giá trị xã hội lành mạnh. Cụ thể là các chính sách xã hội nhằm phát huy và kế thừa các phẩm chất đạo đức truyền thống, phát huy và sáng tạo những giá trị cao đẹp của nhân loại trong lối sống để xây dựng những nguyên tắc mới trong mối quan hệ giữa con người với con người. Các chính sách nhằm củng cố vai trò điều chỉnh của luật pháp, tăng cường các biện pháp giáo dục tư tưởng nâng cao ý thức tự giác của mọi người trong đó có thanh thiếu niên trong việc tuân thủ các chuẩn mực mới, phê phán và lên án các hành vi sai lệch

Thứ ba là, những chính sách hướng trực tiếp vào việc tấn công các sai lệch xã hội, xây dựng một hệ thống tổ chức điều hành và quản lý có hiệu lực để kiểm tra, khám phá và loại trừ các hành vi phạm tội. Ở đây, căn cứ vào từng loại sai lệch và tệ nạn, từng đối tượng cá nhân, băng nhóm hoặc những tổ chức cụ thể, chúng ta lại có thể phân tích và tìm ra những chính sách và giải pháp tương ứng.

Các chính sách nhằm ngăn chặn các sai lệch xã hội mặc dù có thể được ban hành dưới nhiều hình thức, hướng vào các lĩnh vực và đối tượng khác nhau nhưng chúng bao giờ cũng cần được đặt trong mối quan hệ thống nhất, bổ sung và hỗ trợ lẫn nhau.

Tuỳ vào những điều kiện xã hội cụ thể mà những chính sách và biện pháp khắc phục các sai lệch xã hôị trong từng nơi và từng thời điểm có thể khác nhau nhưng mục tiêu cơ bản của nó dường như không bao giờ thay đổi. Đó là sự định hướng vào những bản chất tốt đẹp của con người. Thanh toán các lệch xã hội ngay cả trong những biện pháp mạnh mẽ nhất cũng không phải là sự bài trừ con người mà là vì sự trong sáng của con người. Điều đó xét đến cùng chính là sự phản ánh bản chất tốt đẹp và nhân đạo của một chế độ xã hội.