Những ngày này, những người làm báo cùng đông đảo công chúng báo chí cả nước tổ chức nhiều hoạt động phong phú, bổ ích kỷ niệm 82 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam. Tròn 45 năm trước, tại Ðại hội lần thứ III Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn các nhà báo: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy, là vũ khí sắc bén của họ”. Thực tiễn báo chí nước ta trong hơn tám chục năm qua đã thể hiện một cách sinh động, hùng hồn câu nói bất hủ của Bác. Trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, hơn 400 nhà báo - chiến sĩ đã hy sinh anh dũng trên các chiến trường. Có những tác phẩm báo chí như hồi kèn xung trận, có sức lôi cuốn, tập hợp, cổ vũ toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân siết chặt đội ngũ dưới cờ Ðảng quang vinh đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Có những tác phẩm báo chí có sức tiến công mạnh mẽ, làm kẻ thù khiếp đảm, hoang mang. Có tác phẩm báo chí được nhân dân truyền tay nhau đọc, thắp lên trong họ niềm tin mãnh liệt vào lý tưởng cách mạng, hun đúc ý chí chiến đấu, khích lệ bao người xả thân vì nghĩa lớn. Cuộc đấu tranh về chính trị, tư tưởng thể hiện trên trận tuyến báo chí, dù thời chiến hay thời bình thì tính chất, cường độ lúc nào cũng ở mức cao hơn; trong giai đoạn hiện nay, trên một số mặt còn cam go, quyết liệt hơn so với trước.

Nhận thức rõ điều này, những năm qua, Ðảng và Nhà nước ta coi báo chí thật sự là vũ khí sắc bén trên mặt trận tư tưởng, văn hóa. Sáu tháng trước, tại TP Hạ Long (Quảng Ninh), Ban Bí thư T.Ư Ðảng đã mở Hội nghị cán bộ toàn quốc sơ kết hai năm thực hiện Thông báo kết luận số 162-TB/TW, triển khai thực hiện Thông báo kết luận số 41-TB/TW của Bộ Chính trị. Vào đầu tháng 7 tới, tại Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành T.Ư (khóa X) sẽ bàn về “Công tác tư tưởng, lý luận và báo chí trước yêu cầu mới”. Như vậy, cùng với Chỉ thị 22-CT/TW và một số thông báo, chỉ thị quan trọng khác của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, lần đầu tiên, Ban Chấp hành T.Ư bàn chuyên sâu về công tác báo chí. Nói như vậy để thấy rõ hơn một điều, trong mọi giai đoạn cách mạng, nhất là những giai đoạn có ý nghĩa bước ngoặt, Ðảng ta luôn dành cho báo chí sự quan tâm sâu sắc, sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên. Từ năm 2006, đất nước ta thật sự bước vào một giai đoạn phát triển mới sau Ðại hội X của Ðảng: Chúng ta chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO); tổ chức thành công Năm APEC Việt Nam 2006, Hội nghị cấp cao APEC 14; lần đầu tiên cả một châu lục - châu Á, nhất trí đề cử Việt Nam là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc; nguyên thủ nhiều nước, trong đó có các nước lớn như Trung Quốc, Mỹ, Nga, Nhật Bản... thăm hữu nghị chính thức Việt Nam; Quốc hội Mỹ thông qua Quy chế Thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) với Việt Nam; lãnh đạo Ðảng và Nhà nước ta thăm hữu nghị chính thức các nước Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Cuba, Chi-lê, Bra-xin, Vê-nê-xu-ê-la... Và quan trọng hơn là từ nay đến năm 2010, chúng ta nỗ lực phấn đấu đưa đất nước ra khỏi tình trạng kém phát triển để đến năm 2020, về cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Báo chí đã đi tiên phong trong sự nghiệp cách mạng của toàn Ðảng, toàn dân, báo chí cần đổi mới và phát triển mạnh mẽ hơn nữa vì công cuộc đổi mới và phát triển của đất nước.

Qua 82 năm ra đời, phát triển, từ báo Thanh Niên - tờ báo cách mạng đầu tiên do Bác Hồ kính yêu sáng lập, rèn luyện, đến nay, báo chí nước ta đã có sự trưởng thành vượt bậc. Cả nước có 687 cơ quan báo chí, hơn 800 báo, tạp chí in, báo điện tử, đài phát thanh, truyền hình. Hơn 14.000 nhà báo, hàng nghìn cán bộ, kỹ sư, nghệ sĩ, nhân viên làm việc trong các cơ quan báo chí và hàng chục nghìn người khác là cộng tác viên, nhân viên, lao động tham gia các công đoạn in ấn, tiếp thị, quảng cáo, phát hành, sống chủ yếu bằng dịch vụ nghề báo. So với năm 1986 - thời điểm đất nước ta bắt đầu tiến hành công cuộc đổi mới thì số lượng các cơ quan báo chí, số lượng báo, đài, tạp chí và đội ngũ những người làm báo hiện nay tăng từ ba đến bốn lần; nếu so với năm 2001, các chỉ số này tăng từ 1,3 đến 1,4 lần. Năm 1969, mạng thông tin toàn cầu (in-tơ-nét), một trong những phát minh lớn nhất của loài người trong thế kỷ 20 ra đời và gần 30 năm sau mới có mặt ở Việt Nam, nhưng đến thời điểm này, số người sử dụng in-tơ-nét của Việt Nam gần bằng 19% dân số cả nước, một mức cao ở khu vực Ðông - Nam Á. Sự ra đời và phát triển vượt bậc của báo điện tử nối mạng in-tơ-nét cùng với khả năng tích hợp nhiều loại hình báo chí trên một thiết bị truyền thông hiện đại tạo ra khả năng to lớn cho việc truyền tải, thu nhận thông tin của các cơ quan báo chí và công chúng báo chí.

Nhìn trên tổng thể, báo chí nước ta đã có bước phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ về nhiều mặt: tăng loại hình; tăng số lượng cơ quan báo chí; tăng số đầu báo, tạp chí, đài phát thanh, truyền hình, ấn phẩm, chương trình; tăng chất lượng nội dung, hình thức, công nghệ in ấn, truyền tải thông tin; tăng số lượng, phạm vi phát hành, phạm vi phủ sóng; tăng số lượng nhà báo và đội ngũ những người làm việc trong các cơ quan báo chí; tăng số lượng công chúng báo chí, đặc biệt là công chúng ở ngoài nước; tăng nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất, kỹ thuật, công nghệ... Phần lớn các cơ quan báo chí hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, định hướng chính trị, thực hiện tốt chức năng vừa là cơ quan ngôn luận của Ðảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội, nghề nghiệp, vừa là diễn đàn của nhân dân. Báo chí đã tích cực tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Ðảng, pháp luật, chính sách của Nhà nước; thông tin, cổ vũ phong trào hành động cách mạng, phản ánh tâm tư, nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân; phát hiện, cổ vũ nhân tố mới, điển hình tiên tiến, thành quả của công cuộc đổi mới; tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, chống thông tin, quan điểm sai trái, chống âm mưu “Diễn biến hòa bình” của các thế lực cơ hội, thù địch; góp phần quan trọng vào quá trình dân chủ hóa đời sống xã hội, củng cố lòng tin của nhân dân đối với sự nghiệp đổi mới; là chiếc cầu nối Việt Nam với bạn bè thế giới, mở rộng tầm nhìn, giao lưu, hội nhập với bên ngoài.

Bên cạnh ưu điểm nổi bật và thành tích to lớn đã nêu, hoạt động báo chí và công tác lãnh đạo, quản lý báo chí những năm qua cũng bộc lộ một số yếu kém cần nhìn nhận đúng, tìm giải pháp khắc phục có hiệu quả. Một bộ phận không nhỏ người làm báo, kể cả một số cán bộ lãnh đạo cơ quan báo chí chưa quán triệt đầy đủ, sâu sắc quan điểm, chính sách, pháp luật của Ðảng và Nhà nước về báo chí; chưa thấy rõ và thực thi đầy đủ trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân của người làm báo. Chưa bám sát nhiệm vụ chính trị của đất nước, của ngành, địa phương, đoàn thể mình. Chưa quan tâm đúng mức việc nêu gương, cổ vũ nhân tố mới, điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt, tạo khí thế, niềm tin để thực hiện các quyết sách lớn của Ðảng và Nhà nước.

Nguyên nhân của những yếu kém, khuyết điểm vừa nêu đã được các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí, cơ quan chủ quản, các báo, đài, tạp chí tập trung phân tích khá kỹ và nghiêm túc rút kinh nghiệm trong thời gian qua. Nguyên nhân đầu tiên, biểu hiện khá rõ là phương thức, năng lực lãnh đạo, quản lý của Ðảng và Nhà nước đối với báo chí chậm đổi mới, chưa có những quyết sách cơ bản, lâu dài.

Công tác xây dựng Ðảng, vai trò của tổ chức đảng, các đoàn thể chính trị - xã hội ở một số cơ quan báo chí chưa được coi trọng đúng mức. Việc cung cấp thông tin cho báo chí, thực hiện cơ chế người phát ngôn của các ngành, địa phương, đơn vị còn nhiều yếu kém, sơ hở. Sự phân công, phối hợp giữa cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý báo chí và cơ quan chủ quản chưa rõ ràng, chặt chẽ.

Nhận thức một số vấn đề cơ bản trong hoạt động báo chí chưa thống nhất, còn bị động trước những vấn đề mới nảy sinh. Luật Báo chí (1989) được bổ sung, sửa đổi năm 1999 đến nay đã bộc lộ những bất cập, hạn chế, khó điều chỉnh các hoạt động vốn sinh động, phức tạp của báo chí, nhất là với loại hình báo chí điện tử. Hệ thống báo chí của ta hiện nay còn nhiều điểm bất hợp lý, cồng kềnh, trùng lặp về nội dung, nặng về bao cấp, gây lãng phí, tốn kém... Một nguyên nhân nữa, không thể xem nhẹ là những tác động tiêu cực từ bên ngoài, khi ngấm ngầm, lúc lộ liễu. Các thế lực cơ hội, thù địch đã và đang triệt để lợi dụng báo chí và một số nhà báo không vững vàng về bản lĩnh chính trị để xâm nhập, tác động, lôi kéo, thực hiện âm mưu “Diễn biến hòa bình” trong lĩnh vực thông tin, báo chí.

Ðể báo chí nước ta phát triển mạnh mẽ, vững chắc trong những năm sắp tới, các cơ quan báo chí và những người làm báo cần quán triệt quan điểm có tính nguyên tắc: Báo chí đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Ðảng, vừa là tiếng nói của Ðảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp, vừa là diễn đàn của nhân dân; tích cực tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, cổ vũ toàn Ðảng, toàn dân thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Tăng cường tính đảng, tính tư tưởng, tính nhân dân, tính chiến đấu, tính văn hóa; vừa kiên trì giữ vững bản chất cách mạng, vừa nỗ lực vươn lên để theo kịp trình độ phát triển của báo chí khu vực và thế giới: hiện đại về mô hình, tổ chức, phương thức hoạt động, không ngừng nâng cao chất lượng chính trị, chuyên môn, kỹ thuật, công nghệ. Tiếp tục phát triển sự nghiệp báo chí đi đôi với tăng cường lãnh đạo, quản lý công tác báo chí, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong tình hình mới. Bám sát nhiệm vụ công tác tư tưởng; tích cực tuyên truyền, cổ vũ thành tựu công cuộc đổi mới; phát hiện, biểu dương các nhân tố mới, điển hình tiên tiến; đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, các tiêu cực và tệ nạn xã hội; phản bác thông tin, quan điểm sai trái, phản động, thù địch.

Trước tình hình, nhiệm vụ mới, những người làm báo càng ghi nhớ lời dạy năm nào của Bác: ‘Nhiệm vụ của người làm báo là quan trọng và vẻ vang. Muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ ấy thì phải cố gắng học tập chính trị, nâng cao tư tưởng, đứng vững trên lập trường giai cấp vô sản; phải nâng cao trình độ văn hóa, phải đi sâu vào nghiệp vụ của mình”. Người nhắc nhở thêm: “Ðể làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng”. Người khẳng định: “Chân lý là cái gì có lợi cho Tổ quốc, cho nhân dân. Cái gì trái với lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân tức là không phải chân lý”.

Chúng ta đang tích cực tuyên truyền, đồng thời mỗi cơ quan báo chí và nhà báo tự giác thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Riêng những lời dạy của Bác, đặc biệt là tư tưởng đạo đức, tấm gương đạo đức của Bác trong lĩnh vực báo chí là di sản vô giá để những người làm báo học tập, noi theo, làm theo suốt đời. Có thể xem đây là một trong những giải pháp đầu tiên, hết sức quan trọng để nâng cao đạo đức nghề nghiệp, đạo đức cách mạng của những người làm báo Ðảng, Nhà nước tiếp tục xây dựng, bổ sung, hoàn thiện các văn bản giúp cho công tác chỉ đạo, quản lý báo chí: Ðịnh hướng phát triển, định hướng thông tin, công tác cán bộ, chủ trương và điều kiện cấp phép, chính sách tài chính cho hoạt động báo chí, quy định thẩm quyền, trách nhiệm, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan được giao nhiệm vụ chỉ đạo, quản lý báo chí. Tăng cường trách nhiệm các cơ quan báo chí và người làm báo; xây dựng chế tài đủ mạnh để vừa tạo điều kiện cho báo chí phát triển, vừa xử lý kịp thời, nghiêm minh các sai phạm. Khắc phục tình trạng xa rời tôn chỉ, mục đích, trùng lặp, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ. Thường xuyên quan tâm công tác xây dựng Ðảng, nâng cao vai trò, vị trí, tác dụng của tổ chức đảng trong cơ quan báo chí. Ðề cao trách nhiệm cán bộ, đảng viên, nhất là người giữ cương vị lãnh đạo. Tăng cường kiểm tra, giám sát các tổ chức đảng, đảng viên ở các cơ quan báo chí trong việc thi hành Ðiều lệ, các quy định của Ðảng trong hoạt động báo chí, nhất là Chỉ thị 22-CT/TW, Thông báo 162-TB/TW, Thông báo 41-TB/TW, Thông báo 68-TB/TW của Bộ Chính trị. Nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập, nghiên cứu, thực hành của các trường, các cơ sở đào tạo báo chí; coi trọng phẩm chất chính trị, năng lực chuyên môn, rèn luyện đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên. Ưu tiên cán bộ, cơ sở vật chất - kỹ thuật - công nghệ cho các báo, đài, tạp chí do các cơ quan Ðảng, Nhà nước ở Trung ương và cấp ủy, chính quyền các địa phương quản lý, giúp các cơ quan này nâng cao chất lượng nội dung, hình thức, tăng tính hấp dẫn, lượng phát hành, phạm vi phủ sóng, tính định hướng, chi phối, làm chủ trận địa thông tin. Ðầu tư thỏa đáng cho hoạt động thông tin đối ngoại. Tiếp tục mở rộng sóng phát thanh, truyền hình ra các nước, các khu vực; đưa được sách, báo có nội dung tốt trong nước phục vụ công chúng, nhất là đồng bào ta ở nước ngoài. Tăng cường giao lưu, hợp tác với các tổ chức báo chí trong khu vực và trên thế giới.

Một giai đoạn phát triển mới của đất nước đồng nghĩa với việc các cơ quan báo chí và những người làm báo nước ta có thêm vinh dự, trách nhiệm, thời cơ, thuận lợi mới để phát triển. Ðổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động báo chí vì sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.