Hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia: Hy vọng giành ưu thế quân sự của Mỹ
Trong thời gian gần đây, dư luận quốc tế rất quan tâm đến triển vọng kế hoạch của Mỹ triển khai một phần hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia, viết tắt là NMD (National Defense Missile), ở Ba Lan và Cộng hoà Séc, thậm chí còn có tin Mỹ sẽ đàm phán để triển khai hệ thống này trên lãnh thổ Cộng hoà Lit-va, nhằm đánh chặn tên lửa đường đạn từ phía I-ran hoặc CHDCND Triều Tiên. Trước đó, Mỹ đã tuyên bố kế hoạch triển khai trạm ra-đa quan sát ở Nam Cáp-ca, ngay sát biên giới nước Nga. Không loại trừ khả năng sau khi kết nạp U-crai-na và Gơ-ru-di-a vào NATO trong thời gian tới, Mỹ sẽ triển khai các thành phần của NMD trên lãnh thổ các quốc gia này. Ngày 20-6-2008, phát biểu tại Oa-sinh-tơn, Ngoại trưởng Mỹ Côn-đô-li-da Rai-xơ đã yêu cầu Nga “nên chấp nhận đề nghị của Mỹ và NATO triển khai các thành phần thuộc hệ thống NMD tại các nước Đông Âu”. Ngày 8-7-2008, Cộng hoà Séc đã chính thức ký thoả thuận cho phép Oa-sinh-tơn xây dựng trạm ra-đa thuộc một phần lá chắn tên lửa của Mỹ trên lãnh thổ Cộng hòa Séc bất chấp sự phản đối kịch liệt từ Nga. Theo kế hoạch của Oa-sinh-tơn, trạm ra-đa này sẽ giám sát phát hiện mục tiêu và dẫn đường cho 10 tên lửa bắn chặn được lắp đặt tại Ba Lan. Tuy nhiên, trước đó, Thủ tướng Ba Lan Đô-nan Tu-xcơ (Donald Tusk) chính thức tuyên bố bác bỏ kế hoạch của Mỹ bởi hai bên chưa đạt được kết quả thoả đáng trong việc tăng cường mức độ an ninh cho phía Ba Lan.
Trong những tháng còn lại trước cuộc đua nước rút vào Nhà Trắng, dư luận nhận thấy chính quyền của Đảng Cộng hoà đang gây áp lực mạnh mẽ đối với Nga nhằm chứng tỏ cho các cử tri ở Mỹ thấy họ chính là những người "kiên quyết bảo vệ lợi ích quốc gia của Mỹ". Trước thái độ có vẻ hối hả đó của Nhà Trắng, Điện Cơ-rem-li, một mặt, kiên quyết phản đối kế hoạch của Mỹ, mặt khác, vẫn tỏ ra khá bình tĩnh trong cách ứng xử với Oa-sinh-tơn.
Một câu hỏi được đặt ra ở đây là các thành phần của hệ thống NMD bố trí ở Đông Âu nhằm đánh chặn tên lửa của ai, có phải là từ phía I-ran hoặc CHDCND Triều Tiên, hay nhằm vào mục tiêu khác? và vì sao Điện Crem-li lại có vẻ bình tĩnh tự tin trong phản ứng trước sức ép ngày càng tăng từ phía Mỹ?
1- Kế hoạch đầy tham vọng nhằm giành ưu thế đơn phương
Theo nhận xét của chính các chuyên gia quân sự Mỹ, ý đồ chiến lược xây dựng NMD được đưa ra trong bản báo cáo đặc biệt của Ủy ban Răm-xphen (Rumsfeld) đệ trình Quốc hội Mỹ năm 1998, trong đó, các chuyên gia hoạch định chiến lược của Mỹ đặc biệt lưu ý đến nguy cơ tiến công hạt nhân nhằm vào Mỹ từ phía “các quốc gia bất trị” như I-ran, I-rắc và CHDCND Triều Tiên. Bản báo cáo này là động lực chính thức tái khởi động các công trình nghiên cứu nhằm xây dựng hệ thống phòng chống tên lửa của Mỹ được khởi đầu từ chương trình "Chiến tranh giữa các vì sao" đầu những năm 1980 nhưng sau đó bị Tổng thống Bin Clin-tơn đình chỉ vào năm 1995 do thiếu tính khả thi. Căn cứ vào các luận chứng trong bản báo cáo năm 1998, Quốc hội Mỹ đã thông qua “Đạo luật về phòng thủ tên lửa”, trong đó đưa ra quyết định xây dựng hệ thống NMD có khả năng bảo vệ toàn bộ lãnh thổ Hoa Kỳ chống lại đòn tiến công hạn chế, ngẫu nhiên, không có chủ định trước hoặc có chủ định. Tuy nhiên, không có bất kỳ văn bản nào về sau này quy định cụ thể các tiêu chí để hiểu một cách minh bạch thế nào là “đòn tiến công hạn chế”.
Trên những nét đại thể, hệ thống NMD của Mỹ gồm ba tuyến phòng thủ. Tuyến 1 (tuyến trên bộ), gồm các căn cứ tên lửa đánh chặn bố trí trên mặt đất, gọi tắt là GBI (Ground-Based Interceptor), trước hết là đặt trên lục địa Hoa Kỳ, cùng với các trạm ra-đa báo động sớm được xây dựng ở Mỹ, Na-uy và Grin-lan-đơ. Tuyến 2 (tuyến trên biển), gồm các chiến hạm lớn "Aegis" được lắp vũ khí đánh chặn tên lửa đường đạn. Tuyến 3 (tuyến đường không - vũ trụ) bao gồm mạng lưới các vệ tinh phát hiện và vũ khí tiến công bố trí trên máy bay và các vệ tinh bay trên quỹ đạo xung quanh Trái Đất. Theo kế hoạch, trong 10 năm tới, Mỹ sẽ bố trí tên lửa đánh chặn GBI và ra-đa phát hiện ở một số nước Đông Âu như Ba Lan và Cộng hòa Séc. Yêu cầu then chốt đối với hệ thống này là phải có khả năng đánh chặn tên lửa trong mọi giai đoạn của quỹ đạo bay, từ lúc mới rời bệ phóng cho đến khi nhằm vào mục tiêu.
Hiện nay, hệ thống NMD đang được triển khai. Mỹ đã tiến hành thử nghiệm thành công bước đầu các tên lửa đánh chặn GBI đặt trên mặt đất và tên lửa đánh chặn SM-3 bố trí trên biển. Tên lửa GBI được bố trí tại các căn cứ quân sự Phốt-ri-lây ở A-li-a-xcơ và Van-đen-béc ở Ca-li-phoóc-ni-a. Còn các tên lửa SM-3 được bố trí trên 3 chiến hạm Aegis của Hải quân Mỹ và 3 chiến hạm khác được hiện đại hoá trong những năm 2006-2007. Ngoài ra, Mỹ đã thử nghiệm thành vũ khí la-de bố trí trên máy bay và trong tương lai sẽ bố trí loại vũ khí này trên vũ trụ đóng vai trò như những cỗ máy “phụt tia chết” nhằm vào các đầu đạn tên lửa của đối phương.
Cùng với thời gian, hệ thống NMD của Mỹ ngày càng tiến xa khỏi mục tiêu ban đầu là chỉ để bảo vệ lãnh thổ Hoa Kỳ chống lại “cuộc tiến công hạn chế” đề ra trong "Đạo luật về phòng thủ tên lửa", buộc dư luận phải nghĩ đến khả năng Mỹ đang nhằm các mục tiêu khác bởi lẽ không một “quốc gia bất trị” nào hiện nay và trong tương lai sắp tới có khả năng chế tạo tên lửa có thể bắn tới lãnh thổ Hoa Kỳ. Do đó, nhiều chuyên gia cho rằng, ý đồ đích thực của Mỹ là xây dựng một hệ thống phòng chống tên lửa có khả năng bảo vệ lãnh thổ Hoa Kỳ chống lại đòn tiến công hạt nhân từ phía Nga và Trung Quốc. Một khi hệ thống đó tỏ ra có hiệu quả thực sự, Mỹ sẽ tước bỏ quyền trả đũa hạt nhân của các nước khác, còn họ sẽ rảnh tay dùng vũ khí hạt nhân làm công cụ để “dọa nạt” các nước khác nhằm đạt các mục tiêu chính trị. Sở dĩ Mỹ nuôi hy vọng lớn vào NMD là vì sau khi Nga đã cắt giảm trên quy mô lớn số vũ khí hạt nhân theo các hiệp ước về hạn chế vũ khí tiến công chiến lược và đạt tới ngưỡng thấp nhất về số lượng, vào khoảng 200-300 tên lửa, lúc đó không loại trừ khả năng những tên lửa còn lại của Nga có thể bị tiêu diệt trong đòn tiến công hạt nhân đầu tiên, còn những tên lửa nào kịp rời bệ phóng sẽ bị hệ thống NMD của Mỹ tiêu diệt nốt. Để tránh xảy ra tình huống này, Mỹ và Liên Xô trước đây đã từng ký kết Hiệp ước về hệ thống phòng thủ tên lửa năm 1972, cấm các bên xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia. Nhưng Mỹ đã đơn phương rút khỏi Hiệp ước này. Tuy nhiên, Nga đã không chịu khoanh tay ngồi nhìn và đã có các biện pháp đối phó thích hợp để vô hiệu hoá hệ thống NMD của Mỹ.
Đề xuất của Tổng thống Pu-tin cùng với Mỹ sử dụng trạm ra-đa “Darial” nhằm đạt mục đích có ý nghĩa chiến lược trong chính sách đối ngoại của Nga là làm rõ ý đồ ẩn dấu đằng sau kế hoạch triển khai lá chắn tên lửa của Mỹ ở Đông Âu. Nếu đồng ý cùng với Nga sử dụng trạm ra-đa “Darial”, Mỹ sẽ không cần xây dựng trạm ra-đa trên lãnh thổ Cộng hoà Séc. Như vậy, Nga sẽ tránh được khả năng Mỹ dùng trạm ra-đa bố trí ở Đông Âu để giám sát vùng không phận rộng lớn thuộc lãnh thổ phía tây nước Nga. Ngoài ra, khi đồng ý cùng với Nga sử dụng trạm ra-đa ở Ga-ban, Mỹ không thể dùng nó để điều khiển tên lửa đánh chặn nhằm vào các tên lửa đường đạn xuyên lục địa của Nga, vì trạm ra-đa này không có chức năng kiểm soát không phận Nga nhưng lại là phương tiện lý tưởng để giám sát không phận I-ran và có khả năng phát hiện bất kỳ tên lửa nào của Tê-hê-ran khi vừa mới rời bệ phóng. Như vậy, trạm ra-đa ở Ga-ban là “phép thử” giúp Nga xác định ý đồ đích thực của Mỹ trong việc xây dựng căn cứ tên lửa đánh chặn ở Đông Âu.
Nếu Mỹ đồng ý cùng với Nga sử dụng trạm ra-đa quan sát không phận ở Ga-ban, có thể kết luận chắc chắn rằng, trên thực tế Mỹ có ý định bảo vệ các đồng minh ở châu Âu chống lại tên lửa đường đạn tầm xa của I-ran. Còn nếu Mỹ từ chối đề xuất của Nga và vẫn không từ bỏ ý định triển khai trạm ra-đa quan sát và báo động sớm ở châu Âu, thì rõ ràng họ không quan tâm đến việc phát hiện và báo động sớm các cuộc phóng tên lửa đường đạn từ phía I-ran mà nhằm mục tiêu hàng đầu là giám sát mọi động thái diễn ra trên phần lãnh thổ châu Âu của Nga, nơi có các dàn phóng tên lửa đường đạn xuyên lục địa và các sân bay cho máy bay ném bom chiến lược của Nga.
Các chuyên gia quân sự cho rằng, đề xuất của Tổng thống Pu-tin đưa ra tại Hội nghị G-8 năm 2007 ở CHLB Đức có ý nghĩa rất quan trọng, buộc phía Mỹ phải đứng trước sự lựa chọn công khai có ý nghĩa chiến lược. Tiếp sau đề xuất rất bất ngờ đó, Tổng thống Pu-tin còn đi thêm một nước cờ nữa không kém ấn tượng. Ông đề nghị thay các dàn tên lửa đánh chặn mà Mỹ có ý định bố trí ở Ba Lan và Séc bằng các tên lửa đánh chặn cơ động bố trí ở Nam Âu, Thổ Nhĩ Kỳ, I-rắc, Địa Trung Hải hoặc vùng Vịnh Péc-xich, nơi Mỹ hoàn toàn có khả năng và điều kiện để làm. Những dàn tên lửa cơ động đó có khả năng đánh chặn tên lửa đường đạn của I-ran với hiệu quả cao hơn nhiều so với các tên lửa đánh chặn bố trí ở Ba Lan và Séc.
Phản ứng của phía Mỹ trước sáng kiến của cựu Tổng thống Pu-tin khiến dư luận thêm nghi vấn mục đích của Oa-sinh-tơn trong kế hoạch bố trí các căn cứ phòng thủ tên lửa ở Đông Âu. Ngoại trưởng Mỹ trong khi tuyên bố rằng đề xuất của cựu Tổng thống Pu-tin là “hoàn toàn bất ngờ” và “sẽ nghiên cứu sáng kiến này” nhưng vẫn tiếp tục chuẩn bị bố trí các dàn tên lửa đánh chặn ở Đông Âu. Còn Tổng thư ký NATO tuyên bố hoan nghênh sáng kiến của Tổng thống Pu-tin và cho rằng, hai bên nên tập trung vào chuyện đương đầu với các thách thức mới trong thế kỷ XXI mà không nên tái hồi “bóng đen của quá khứ”.
3- Liệu Nga có cách gì đối phó với NMD của Mỹ?
Trước khi rút khỏi Hiệp ước phòng thủ tên lửa năm 1972 ký kết giữa Nga và Mỹ, trong đó có điều khoản quy định mỗi bên chỉ được xây dựng một căn cứ phòng thủ tên lửa, với số tên lửa đánh chặn không quá 100, Mỹ đã bắt đầu thực hiện các biện pháp cụ thể để bố trí các trạm ra-đa sát biên giới Nga nhằm phát hiện các cuộc phóng tên lửa và chỉ mục tiêu cho các tên lửa đánh chặn. Trạm ra-đa đầu tiên "Hav Stayer" được bố trí trên lãnh thổ Na-uy. Sau khi Mỹ bố trí các trạm ra-đa ở Ba Lan và Séc, toàn bộ lãnh thổ Nga đến tận dãy U-ran đều nằm dưới quyền kiểm soát của Mỹ.
Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng, mặc dù hệ thống NMD của Mỹ có đánh chặn được tên lửa ở giai đoạn 1, thì các đầu đạn vẫn tiếp tục bay theo quán tính với tốc độ 3,9km/sec, đi xa 2.000km-5.000km và rơi xuống lãnh thổ các nước châu Âu, gây nên thảm hoạ sát thương hàng loạt. Vì thế, trong trường hợp xảy ra xung đột hạt nhân, nơi đầu tiên hứng chịu đầu đạn hạt nhân sẽ là các nước châu Âu – nơi bố trí các căn cứ tên lửa đánh chặn của Mỹ. Như vậy, hệ thống NMD của Mỹ bố trí ở các nước Đông Âu đã đưa toàn bộ các nước này thành “con tin thí mạng” cho chính sách phiêu lưu của họ.
Một trong những biện pháp căn bản của Mát-xcơ-va nhằm đối phó kế hoạch của Oa-sinh-tơn đánh chặn tên lửa của Nga trong giai đoạn 1 là rút ngắn thời gian bay của tên lửa ở giai đoạn này bằng cách lắp cho chúng kiểu động cơ phóng cực mạnh, tạo ra tốc độ siêu nhanh cho tên lửa sau khi rời bệ phóng và giảm thời gian bay trong giai đoạn 1 xuống còn khoảng 1 phút. Trong khoảng thời gian đó, hệ thống NMD của Mỹ rất khó có thể đánh chặn tên lửa của Nga ngay cả khi bố trí ở Ba Lan. Ngoài ra, Nga đã đưa vào trang bị tên lửa đường đạn chiến lược mới nhất "Topol-M" có khả năng cơ động ngay sau khi rời bệ phóng. Công nghệ tên lửa đường đạn vượt đại châu có khả năng cơ động là một thành tựu “độc nhất vô nhị” của người Nga. Theo đánh giá của các chuyên gia quân sự, chưa có một quốc gia nào, kể cả Mỹ, làm chủ được công nghệ cơ động đầu đạn tên lửa xuyên lục địa. Với tên lửa này, Mỹ chưa có cách nào đánh chặn.
Vì thế, theo các chuyên gia quân sự Nga, hành động của Mỹ rút khỏi Hiệp ước phòng chống tên lửa là một sai lầm về chiến lược. Nhưng Nga vẫn chú ý theo dõi các công trình nghiên cứu của Mỹ trong lĩnh vực này và chuẩn bị các phương án đối phó có hiệu quả mà ít tốn kém hơn so với Mỹ. Ngoài ra, nếu Mỹ xây dựng hệ thống NMD chỉ là nhằm “đối phó với tên lửa đường đạn của I-ran và của CNDCND Triều Tiên” như họ tuyên bố, thì Nga sẵn sàng phối hợp với Mỹ xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu và đồng ý cho phía Mỹ bố trí các căn cứ đó ngay trên lãnh thổ Nga. Tuyên bố này của Mat-xcơ-va được giới phân tích quân sự và chính trị đánh giá là đưa Oa-sinh-tơn vào thế tiến thoái lưỡng nan.
4- Tổng thống Nga Đ.Mét-vê-đép: Mỹ nên dừng triển khai NMD ở Đông Âu
Giới phân tích quân sự quốc tế bình luận rằng, nỗ lực của Mỹ giành ưu thế quân sự đối với Nga là ảo vọng và chỉ đưa thế giới lao vào vòng xoáy cuộc chạy đua vũ trang mới nguy hiểm và tốn kém, trong khi cả Nga và Mỹ đang rất cần phối hợp hành động để đối phó với các nguy cơ có tính toàn cầu. Tổng thống Nga Mét-vê-đép đã đề nghị Mỹ nên dừng triển khai NMD ở Đông Âu. Còn cựu Ngoại trưởng Mỹ Kit-xinh-gơ đã từng nhận xét, ngày nay nước Mỹ rất cần đến một nước Nga mạnh để cùng đương đầu với những nguy cơ mới có tầm toàn cầu. Ngày 20-6-2008, phản ứng trước kế hoạch NMD của Mỹ, Ngoại trưởng Nga La-vơ-rốp yêu cầu Mỹ dừng triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Âu và ngừng mở rộng NATO sang phía đông, để hai bên có thể hàn gắn mối quan hệ đang rạn vỡ. Theo ông La-vơ-rốp, mức độ tin cậy giữa Nga và Mỹ hiện ở mức thấp hơn cả thời “chiến tranh lạnh”. Nếu phớt lờ đề nghị của Nga, Mỹ và các đồng minh sẽ phải chứng kiến sự băng giá hơn nữa trong quan hệ vốn đã rất lạnh giữa hai bên. Sau khi được tin Cộng hoà Séc và Mỹ ký Thoả thuận về việc triển khai thành phần của hệ thống phòng thủ tên lửa, phía Nga tuyên bố hành động phản đối của họ giờ đây sẽ không chỉ dừng lại ở biện pháp ngoại giao mà sẽ có cả các biện pháp quân sự. Nhưng sẽ là biện pháp quân sự “phi đối xứng”, nghĩa là Nga sẽ không dính líu vào cuộc chạy đua vũ trang tốn kém với Mỹ, nhưng vẫn có khả năng vô hiệu hoá hệ thống phòng thủ tên lửa đầy tham vọng của Oa-sinh-tơn./.
Tài liệu tham khảo chính:
Số người sử dụng internet ở châu Á tăng 14%  (09/07/2008)
Đầu tư vào năng lượng "xanh" của thế giới tăng 60%  (09/07/2008)
Đất thoái hóa ảnh hưởng tới 1/4 dân số thế giới  (09/07/2008)
2,6 triệu người Việt Nam có trình độ đại học trở lên  (09/07/2008)
Chỉ số minh bạch về bất động sản của Việt Nam được cải thiện  (09/07/2008)
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên