Trong gần 170 nước mà Việt Nam có quan hệ ngoại giao, Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào là nước duy nhất mà Việt Nam phát triển quan hệ đặc biệt theo thỏa thuận đạt được giữa hai bên.

Là hai nước láng giềng, núi sông liền một dải, hai dân tộc Việt - Lào cùng trải qua một quá trình lâu dài suốt 2/3 thế kỷ liên tục chiến đấu giành độc lập dân tộc và cùng nhau giành được những thắng lợi to lớn: cùng giành độc lập trong năm 1945; cùng đánh thắng chủ nghĩa thực dân kiểu cũ năm 1954; cùng giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cùng hoàn thành sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc năm 1975. Những điểm tương đồng, gắn bó đó đã phần nào nói lên tình cảm đặc biệt keo sơn giữa hai dân tộc và nhân dân hai nước.

Quan hệ trong sáng, thủy chung; sự giúp đỡ vô tư, chí tình giữa hai nước Việt - Lào luôn được gìn giữ, phát huy, dù cho các thế lực thù địch dùng mọi âm mưu, thủ đoạn nhằm chống phá, chia rẽ hai dân tộc và nhân dân hai nước.

Nhân dân Việt Nam biết ơn sâu sắc những việc làm đầy tình nghĩa của nhân dân các bộ tộc Lào trong việc giữ gìn, kiểm tra và cất bốc hài cốt quân tình nguyện Việt Nam hy sinh trên đất nước Lào trong những năm kháng chiến để hồi hương về Việt Nam.

Nhìn lại 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước (5-9-1962 đến 5-9-2007) và 30 năm ngày Việt Nam - Lào ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác (18-7-1977 đến 18-7-2007), quan hệ giữa hai nước Việt Nam - Lào đã có những bước phát triển tích cực trên nhiều lĩnh vực:

1. Về chính trị:

Những chuyến thăm chính thức gần đây của các đồng chí lãnh đạo cấp cao hai nước như: chuyến thăm của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh (tháng 10-2006), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (tháng 12-2006), Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (tháng 2-2007), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng (tháng 4-2007) cũng như những chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Chu-ma-ly Xay-nha-xỏn (tháng 6-2006), chuyến thăm của Thủ tướng Bua-xỏn Búp-phảy-văn (tháng 8-2006), chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Thoong-xỉnh Tham-ma-vông (tháng 11-2006) đã tăng cường sự hiểu biết, tin cậy lẫn nhau, thúc đẩy sự hợp tác hữu nghị không ngừng phát triển giữa hai nước Việt - Lào.

Ngoài ra, hai bên còn có nhiều chuyến thăm giữa các cấp, các ngành, các địa phương và các tổ chức đoàn thể quần chúng hai nước. Hiện tại, hai nước đang phối hợp, biên soạn cuốn Lịch sử quan hệ đặc biệt và liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào; phối hợp trao đổi công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn về sự nghiệp đổi mới và xây dựng Đảng, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

2. Về kinh tế:

Trong 30 năm qua, sự hợp tác toàn diện giữa hai nước trong đó có hợp tác về kinh tế không ngừng được tăng cường, góp phần đưa nền kinh tế hai nước liên tục tăng trưởng, từng bước hội nhập kinh tế quốc tế.

Trong lĩnh vực thương mại: Kim ngạch xuất khẩu hai chiều tăng 48%, từ 165 triệu USD (năm 2005) lên 240 triệu (năm 2006). Hai bên cũng phấn đấu đạt mục tiêu nâng cao tổng kim ngạch xuất nhập khẩu lên 1 tỉ USD vào năm 2010 và 2 tỉ USD năm 2015. Bên cạnh đó, việc lập khu thương mại tự do ở cửa khẩu quốc tế Đen-xa-vẳn - Lao Bảo cũng như việc cho phép các tỉnh biên giới kết nghĩa mở các cửa khẩu phụ và tổ chức 11 điểm chợ biên giới là những hoạt động kinh tế thương mại nổi bật giữa hai nước trong thời gian vừa qua.

Trong lĩnh vực đầu tư: Trong 10 năm trở lại đây, doanh nghiệp hai nước ngày càng nhận được nhiều sự ưu tiên, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện các dự án hợp tác đầu tư. Tính từ năm 2000 đến nay, trong tổng số 37 nước đầu tư vào Lào, Việt Nam xếp thứ 3 trong các lĩnh vực nông nghiệp, chế biến gỗ, năng lượng, khai thác mỏ, sản xuất dược phẩm, dịch vụ… Hiện Lào cũng có 7 dự án đầu tư vào Việt Nam đang được triển khai với tổng số vốn là 17 triệu USD.

Trong lĩnh vực nông - lâm nghiệp: Đến nay, hai bên đã hoàn thành và đưa vào hoạt động các chương trình, dự án thủy lợi, trồng rừng, chăn nuôi, góp phần hỗ trợ hiệu quả đến điều kiện sản xuất và chế biến của nông dân; thúc đẩy sự hợp tác, toàn diện chuyên ngành nông- lâm nghiệp giữa hai nước. Một số dự án trồng cây công nghiệp như cao su, cà-phê, hạt tiêu, sắn… tại các tỉnh Nam Lào đang phát huy hiệu quả. Hiện nay, có khoảng 50 doanh nghiệp Việt Nam có nguyện vọng đầu tư trồng cây cao su tại Lào.

Trong lĩnh vực giao thông vận tải: Do có chung hơn 2000 km đường biên giới, Việt Nam và Lào đều rất quan tâm đến việc mở rộng hợp tác về giao thông vận tải. Hệ thống giao thông trong nước Lào, cũng như việc xây dựng nâng cấp những tuyến đường nối thông hai nước đã phần nào giúp Lào thoát khỏi thế “ốc đảo”, tiếp cận thuận lợi hơn với biển. Cùng với phát triển đường bộ, một số cảng biển Đà Nẵng, Cửa Lò, Xuân Hải được cải tạo, nâng cấp; dự án xây dựng cảng Vũng Áng đang được triển khai giai đoạn 2, để sử dụng hiệu quả việc tập kết, xuất khẩu hàng hóa của Lào ra nước ngoài. Việt Nam cũng ưu tiên giảm 4 loại lệ phí khi tập kết hàng hóa và sử dụng cảng biển Việt Nam để tạo điều kiện thuận lợi cho bạn vận chuyển hàng hóa quá cảnh qua cảng biển của Việt Nam.

Bên cạnh việc tăng tuyến hàng không Hà Nội - Viên Chăn - Thành phố Hồ Chí Minh và ngược lại, tuyến bay mới được lập thêm là Hà Nội- Luông Pha băng với lịch trình mỗi tuần 3 chuyến đã phần nào đáp ứng nhu cầu đi lại, phát triển du lịch và trao đổi thương mại giữa hai nước.

Trong lĩnh vực viện trợ không hoàn lại: Giai đoạn 1996-2000, Việt Nam đã dành cho bạn một khoản viện trợ không hoàn lại gần 350 nghìn tỉ đồng, xấp xỉ 26,6 triệu USD. Giai đoạn 2001-2005 là 560 tỉ đồng, tương đương với 37 triệu USD; đồng thời, giúp bạn hoàn thành 8 dự án đầu tư, 19 chương trình quy hoạch và chuẩn bị đầu tư, 15 chương trình hỗ trợ cho các ngành, địa phương nước bạn. Tính riêng đầu năm 2007, Việt Nam đã viện trợ không hoàn lại cho bạn Lào 180 tỉ đồng, chủ yếu tập trung vào các dự án đào tạo học sinh, bồi dưỡng cán bộ thủy lợi và nông nghiệp.

3. Về văn hóa - giáo dục - y tế

Trong lĩnh vực hợp tác văn hóa - thông tin, sự hợp tác có hiệu quả và đầy tinh thần trách nhiệm giữa hai nước Việt Nam - Lào được thực hiện trên nhiều lĩnh vực như bảo tồn, bảo tàng, nghệ thuật biểu diễn, điện ảnh, xuất bản báo chí thông tin, hợp tác quốc tế, đào tạo cán bộ… đặc biệt trong lĩnh vực di sản văn hóa. Việt Nam đã đầu tư hơn 6 tỉ đồng để xây dựng Trung tâm Thông tin văn hóa Việt Nam tại thủ đô Viên Chăn và viện trợ 5 tỉ đồng để xây dựng Viện Bảo tàng Cay-xỏn Phôn-vi-hản.

Bên cạnh đó, với sự giúp đỡ của Việt Nam, hệ thống trường học phổ thông dân tộc nội trú đã được xây dựng tại các tỉnh: Xa-văn-na-khệt, U-đôm-xay, Xê-kông, Chăm-pa-xắc; trường dạy nghề Hữu nghị Viên Chăn - Hà Nội…; gần 3.500 cán bộ, học viên, sinh viên; 11.000 cán bộ, công nhân kỹ thuật được đào tạo, góp phần vào công cuộc xây dựng bảo vệ đất nước, phát triển kinh tế - xã hội ở nước bạn.

Trong lĩnh vực y tế, hơn 6 năm qua, Việt Nam đã viện trợ giúp bạn 5,5 tỉ đồng để thực hiện các dự án chuyển giao kinh nghiệm trong lĩnh vực y tế, thực hiện các dự án phòng chống các bệnh sốt rét, biếu cổ.

4. Về an ninh - quốc phòng

Trong những năm qua, Việt Nam - Lào đã gặt hái được những kết quả đáng khích lệ trong việc bảo đảm an ninh biên giới giữa hai nước, ngăn chặn các hoạt động buôn lậu, tội phạm, chống lại âm mưu “diễn biến hòa bình, thực hiện dự án tôn tạo và cắm 800 cột mốc biên giới với chiều dài hơn 200 km.Đồng thời, phối hợp với Cam-pu-chia và Trung Quốc trong việc xác định vị trí, xây dựng cột mốc tại ngã ba biên giới Lào - Việt Nam - Cam-pu-chia và Lào - Việt Nam - Trung Quốc.

5. Về đối ngoại

Hai bên thường xuyên trao đổi, tham khảo kinh nghiệm của nhau về vấn đề hội nhập quốc tế; phối hợp hoạt động trên các diễn đàn quốc tế trong khuôn khổ Liên hợp quốc, ASEAN, ASEM; mở rộng các mối quan hệ hợp tác đa phương mang tính khu vực như: Hợp tác lưu vực sông Mê-công (MRC); Hợp tác tiểu vùng sông Mê-công mở rộng (GMS); Chiến lược hợp tác kinh tế 5 nước Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia, Mi-an-ma, Thái Lan (AMECS); Hợp tác 4 nước Cam-pu-chia, Lào, Mi-an-ma và Việt Nam; Hợp tác phát triển khu vực tam giác 3 nước Cam-pu-chia, Lào, Việt Nam. Việt Nam cũng hoàn toàn ủng hộ Lào tham gia tổ chức APEC và WTO. Sự đóng góp tích cực, hiệu quả của hai nước Việt - Lào đối với hợp tác đa phươngg được dư luận đánh giá cao, ngày càng khẳng định uy tín và vị thế quan trọng của hai nước trong khu vực và trên thế giới.

Chiều 17-7-2007, tại Phủ Chủ tịch, thay mặt Đảng và Nhà nước Việt Nam, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã trao tặng huân chương Sao Vàng cho đồng chí Bun-nhăng Vo-la-chít - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Phó Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào. Đây là phần thưởng cao quý nhất của Đảng và Nhà nước Việt Nam nhằm ghi nhận những cống hiến quan trọng của đồng chí Bun-nhăng Vo-la-chít trong việc thắt chặt và tăng cường mối quan hệ hữu nghị, truyền thống, tình đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước Việt -Lào. Đồng chí Bun-nhăng Vo-la-chít bày tỏ xúc động khi được nhận Huân chương Sao vàng – Huân chương cao quý nhất của Nhà nước Việt Nam và cũng là phần thưởng cao quý nhất trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình. Đồng chí cũng khẳng định: đây là thành tựu chung của tình hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt – Lào, là sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam dành cho Đảng, Nhà nước và nhân dân các bộ tộc Lào cũng như cá nhân đồng chí. Trên cương vị công tác của mình, đồng chí Bun-nhăng Vo-la-chít khẳng định sẽ làm hết sức mình để bảo vệ, gìn giữ, phát huy mối quan hệ truyền thống, tình đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt – Lào “mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững”.

Là nước láng giềng anh em gần gũi, nhân dân Việt Nam luôn tự hào có nhân dân Lào là người bạn thủy chung, trong sáng. Vui mừng chứng kiến những đổi thay nhanh chóng đang diễn ra hằng ngày, hằng giờ trên nước bạn Lào xinh đẹp, nhân dân Việt Nam chân thành mong muốn trên chặng đường phát triển, thoát ra khỏi sự nghèo nàn, lạc hậu, hai nước Việt Nam - Lào sẽ có những cuộc trao đổi thường xuyên, sâu rộng về những phương hướng lớn và những biện pháp thúc đẩy quan hệ giữa hai Đảng, hai Nhà nước trong thời gian tới. Đồng thời, thực hiện tốt các thỏa thuận cấp cao, quyết tâm đưa quan hệ hợp tác Việt - Lào lên tầm cao mới, xây dựng mối quan hệ đối tác toàn diện, thúc đẩy sự hợp tác kinh tế - thương mại xứng tầm với tiềm năng và quan hệ hợp tác của hai nước.