TCCSĐT - Việt Nam xếp hạng thứ 61/66 về Chỉ số cạnh tranh Công nghệ thông tin toàn cầu trong năm 2008. Đó là thông tin được Liên minh Phần mềm doanh nghiệp đưa ra tại buổi họp báo công bố Chỉ số cạnh tranh Công nghệ thông tin toàn cầu được tổ chức sáng 24-2-2009 tại Hà Nội.

Bức tranh chung

Ứng dụng công nghệ thông tin là điều kiện quan trọng để cải cách hành chính. Việc xây dựng hệ thống thông tin điện tử xuất phát từ việc thiết lập lại và thay đổi các quy trình, thay đổi cách thực hiện các thủ tục hành chính thông qua việc sử dụng các hệ thống thông tin điện tử, nhằm tạo ra một phương thức vận hành thông suốt, hiệu quả cho bộ máy công quyền.

Vai trò của ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính thực chất là khả năng tạo ra sự thay đổi đối với hành chính phù hợp với mục tiêu, yêu cầu của cải cách hành chính thông qua ứng dụng công nghệ thông tin. Cải cách hành chính là nhằm đến tính hiệu quả, chất lượng trong cách thức hoạt động, điều hành của bộ máy hành chính nhà nước; là làm cho bộ máy chuyển từ cơ chế hành chính “xin cho” sang cơ chế hành chính “phục vụ”; giúp nền hành chính có khả năng kiểm soát lãng phí, thất thoát và tham nhũng.

Những ứng dụng công nghệ thông tin là một trong các giải pháp hỗ trợ thực hiện quy trình hoá các hoạt động, các mối quan hệ giữa các chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, các cấp trong bộ máy hành chính.

Công nghệ thông tin có thể tạo ra sự thay đổi lớn trong cách thức làm việc của các cơ quan hành chính, giúp trao đổi thông tin (gửi báo cáo, số liệu thống kê, gửi ý kiến tham gia, thẩm định, chia xẻ thông tin...) qua thư điện tử thay vì qua bưu điện; tổ chức họp, giao ban, hội nghị, hội thảo trực tuyến; giải quyết công việc của dân, doanh nghiệp qua mạng trực tuyến...

Theo đánh giá của Liên hợp quốc về chỉ số sẵn sàng Chính phủ điện tử Năm 2008, nước ta đang ở vị trí 91/182 nước tham gia xếp hạng (tăng 14 bậc so với thứ hạng của năm 2005), vượt qua In-đô-nê-xi-a vươn lên vị trí thứ 6/11 nước trong khu vực Đông Nam Á sau Xin-ga-po, Ma-lay-xi-a, Thái Lan, Phi-líp -pin và Bru-nây. Đây là thứ hạng cao nhất mà nước ta đạt được kể từ khi Liên hợp quốc xây dựng báo cáo đánh giá xếp hạng về chỉ số sẵn sàng Chính phủ điện tử.

Thực tế cho thấy, muốn xây dựng chính phủ điện tử không thể tách rời vai trò của công nghệ thông tin. Ứng dụng công nghệ thông tin có thể tạo ra một lượng thông tin to lớn, thường xuyên được lưu trữ, công bố, cung cấp trực tuyến cho cả xã hội; tạo ra sự tiếp cận trên diện rộng của người dân. Môi trường giao tiếp điện tử còn giúp giảm thiểu những tốn kém về chi phí, thời gian, công sức cho các bên liên quan...

Trong những năm gần đây, sự phát triển kết cấu hạ tầng thông tin - truyền thông của Việt Nam được đánh giá là phát triển nhanh. Chỉ số website (1) năm 2008 của Việt Nam xếp hạng 63/182 (tăng 50 bậc so với thứ hạng 113 của năm 2005). Nghiên cứu của đại học Brown (Mỹ) gần đây về chỉ số sẵn sàng Chính phủ điện tử của Việt Nam cho thấy, hơn 22% số website của các cơ quan Chính phủ đã cung cấp dịch vụ trực tuyến cho người dân; hơn 56% số website của các cơ quan Chính phủ có mục đích phản hồi của người dân; trên 60% chính quyền cấp tỉnh có mạng nội bộ, trên 90% có kết nối in-tơ-nét, trong đó 80% là kết nối băng thông rộng...

Việc ứng dụng công nghệ thông tin có thể tạo ra sự thay đổi lớn trong cách thức làm việc của cơ quan hành chính, giúp trao đổi thông tin qua thư điện tử, thay vì qua bưu điện

Thời gian qua, công nghệ thông tin cũng đã triển khai ứng dụng phổ biến trong cơ quan hải quan, cấp chứng minh thư điện tử, cấp giấy phép kinh doanh qua mạng... cho các đơn vị cá nhân. Những địa điểm có quan hệ nhiều với doanh nghiệp, người dân như cảng biển, sân bay đã tiến hành giải quyết các thủ tục hành chính qua mạng điện tử. Nhiều thủ tục hành chính đã được đăng tải công khai trên các trang điện tử của các bộ, ngành và nhiều tỉnh, thành phố. Nhiều loại giấy tờ được mẫu hoá thống nhất để đưa lên các trang điện tử của các bộ, ngành, địa phương. Nhu cầu giải quyết các thủ tục hành chính của người dân đã được thực hiện một phần qua các trang thông tin của các cơ quan, đơn vị.

Trong năm 2007, Chính phủ đã bãi bỏ 316 giấy phép và chuyển 44 loại giấy phép khác thành điều kiện kinh doanh. Việc thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” trong giải quyết thủ tục hành chính được đẩy mạnh. Những cải cách liên tục và hiệu quả về ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết tục hành chính đã bước đầu làm thay đổi mối quan hệ giữa cơ quan hành chính với tổ chức doanh nghiệp và công dân, đồng thời cải thiện tích cực môi trường kinh doanh trong nước, giảm chi phí, thời gian cho doanh nghiệp và người dân.

Mặc dù, đạt được một số kết quả bước đầu trong tin học hoá hoạt động của các cơ quan nhà nước, song các hệ thống ứng dụng còn độc lập chưa có tính liên kết với nhau theo chiều dọc (ngành) và chiều ngang (phối hợp hoạt động giữa các ngành). Các dịch vụ trực tuyến với người dân chỉ mới bắt đầu.

Đánh giá về những khó khăn hiện nay, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trần Đức Lai cho biết, trong suốt thời gian dài, việc triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin tại các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước cũng gặp nhiều vướng mắc. Trong thời gian dài, việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin tại các đơn vị sử dụng vốn ngân sách Nhà nước cũng gặp nhiều vướng mắc, do chưa có văn bản hướng dẫn đầu tư trong xây dựng cơ bản cho phù hợp với đặc thù của việc đầu tư cho công nghệ thông tin khác biệt nhiều so với các dự án đầu tư xây dựng cơ bản khác.

Lĩnh vực thông tin thường biến đổi nhanh, công nghệ luôn thay đổi vì vậy dự toán thường phải điều chỉnh thường xuyên. Mặt khác, vấn đề bảo mật thông tin và an ninh mạng cũng trở thành một thách thức đối với việc ứng dụng công nghệ thông tinh trong thực hiện cải cách hành chính hiện nay. Để đạt mục tiêu 23% số website có chính sách bảo mật, 21% số website có chính sách an ninh là cả một sự nỗ lực lớn của Chính phủ trong thời gian tới.

Một số giải pháp cần thiết...

Nền tảng quan trong để xây dựng chính phủ điện tử là hạ tầng công nghệ thông tin được sử dụng để thực hiện cải cách hành chính. Lộ trình xây dựng Chính phủ điện tử ở nước ta đã đi qua chặng khởi đầu, từ Nghị định 43/CP của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về việc thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập; Nghị định 64/CP của Chính phủ về ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan Nhà nước, Đề án đơn giản hoá thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý nhà nước giai đoạn 2007-2010; 2010-2015, sẽ xây dựng Chính phủ điện tử có khả năng cung cấp dịch vụ hành chính công cơ bản trực tuyến (đăng ký, cấp phép, thanh toán qua mạng), và cơ bản tích hợp được hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu Quốc gia cho người dân...

Nhiều chuyên gia cho rằng, xây dựng Chính phủ điện tử nên bắt đầu từ một nguyên tắc chung là “Nghĩ nhiều, bắt đầu ít và triển khai nhanh”. Nghĩ nhiều là phải dự kiến được hệ thống Chính phủ điện tử sau này sẽ tiếp tục phát triển được mà không phải bỏ đi hay làm lại từ đầu. Bắt đầu ít là nên bắt đầu từ những dịch vụ đơn giản cung cấp cho đối tượng thụ hưởng, để họ thực sự là “khách hàng” trong các dịch vụ công. Triển khai nhanh để dự án sớm phát huy hiệu quả.

Cải cách hành chính tiến tới xây dựng Chính phủ điện tử là quá trình lâu dài mà các cơ quan hành chính cần thay đổi thói quen làm việc dựa trên công văn, giấy tờ chuyển sang phong cách làm việc dựa trên văn bản điện tử và hệ thống thông tin trợ giúp.

Việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin là góp phần thiết thực vào cải cách hành chính và nâng cao hiệu quả quản lý của Nhà nước, góp phần chống tham nhũng và lãng phí.

Tiếp tục đẩy mạnh quá trình số hoá thông tin, cải tiến thủ tục hành chính, chuẩn hoá nghiệp vụ, cung cấp thông tin trực tuyến cho cán bộ và nhân dân; tiến hành xây dựng Chính phủ nối mạng vào năm 2010; xây dựng cổng thông tin điện tử dành riêng cho cán bộ công chức; xây dựng thử nghiệm 4 bộ không dây, bao gồm Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp và Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ đó rút kinh nghiệm hoàn thiện các sản phẩm công nghệ thông tin áp dụng cho các bộ, ngành địa phương.

Tiếp tục xây dựng hành lang pháp lý đồng bộ và cơ chế tài chính hoàn chỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho việc ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng Chính phủ điện tử, ưu tiên các dự án có vốn đầu tư trong lĩnh vực này./.

 

(1) Chỉ số website là chỉ số so sánh giữa các quốc gia về khả năng cung cấp dich vụ hành chính công trực tuyến tới người dân.