Ngày 15-7, HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng 6 tháng cuối năm 2009. Theo đó, chỉ tiêu tăng trưởng GDP của thành phố được điều chỉnh xuống còn 5,5 - 6%. Hà Nội sẽ phấn đấu giảm 1,4% số hộ nghèo, thay vì chỉ tiêu 2% như đề ra hồi đầu năm 2009.

Việc điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng của Hà Nội nhận được sự đồng thuận cao của đông đảo đại biểu HĐND. Sáu tháng đầu năm 2009, do tác động tiêu cực của suy giảm kinh tế toàn cầu, tốc độ tăng trưởng GDP của Hà Nội chỉ đạt 4,12%, riêng lĩnh vực nông-lâm-thuỷ sản giảm 5,6%. Vì vậy, chỉ tiêu tăng trưởng GDP từ 5,5-6% trong cả năm là phù hợp với tình hình.

Các đại biểu đều cho rằng, các cấp các ngành đều phải nỗ lực rất nhiều, vì để đạt được chỉ tiêu trên, những tháng cuối năm, tốc độ tăng trưởng GDP của thành phố phải đạt xấp xỉ 8%.

Báo cáo của UBND thành phố Hà Nội cũng chỉ rõ, để đạt được chỉ tiêu này, các ngành dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp... đều phải nỗ lực vượt bậc. Trong đó, ngành dịch vụ phấn đấu 6 tháng cuối năm tăng 8,5-9,0%; công nghiệp - xây dựng tăng 6,0-7,0%... Riêng nông nghiệp sáu tháng cuối năm nếu đạt mức tăng 6,0-7,0% thì mới thoát khỏi tình trạng tăng trưởng âm.

Một vấn đề được bàn thảo khá nhiều tại phiên họp là điều chỉnh chỉ tiêu giảm nghèo. Đầu năm 2009, HĐND đề ra chỉ tiêu giảm khoảng 2% hộ nghèo. Tuy nhiên, phát biểu tại phiên họp, Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Đỗ Thị Xuân Phương cho biết, chỉ tiêu này đến nay không khả thi. Sở dĩ đầu năm, đề ra chỉ tiêu khá cao, một phần là thời điểm đó, chưa có thống kê chính xác về số hộ nghèo. Việc điều tra số hộ nghèo được hoàn thành cuối tháng 3, khi đó, mới xác định được Hà Nội có gần 118.000 hộ nghèo, chiếm 8,43% số hộ gia đình trên toàn thành phố. Nếu giảm 2%, tương đương 27.000 hộ, đây là một thách thức lớn. Bên cạnh đó, cuộc suy giảm kinh tế cũng tác động tiêu cực đến nông thôn, khiến việc thoát nghèo với các hộ gia đình trở nên khó khăn hơn. Mặc dù thành phố có nhiều biện pháp hỗ trợ các hộ nhằm giảm tỉ lệ nghèo như cho vay vốn, dạy nghề, phát thẻ bảo hiểm..., nhưng việc điều chỉnh tỉ lệ giảm nghèo xuống còn 1,4%, tương ứng với giảm 20.000 hộ là hợp lý.

Quy hoạch đô thị là vấn đề "nóng" qua nhiều kỳ họp HĐND, tại buổi làm việc thứ hai của HĐND thành phố Hà Nội, vấn đề này tiếp tục được đưa ra bàn thảo.

Đại biểu Vũ Đức Tân nêu ý kiến: Hiện nay, việc xây dựng chung cư thiếu quy hoạch tổng thể, các khu chung cư vẫn tiện đâu xây đó. Đó là nguyên nhân khiến cho diện tích nhà tăng lên, nhưng môi trường sinh hoạt của người dân chưa được đáp ứng. Việc xây nhà cao tầng tràn lan ở những khu vốn đông đúc còn góp phần tăng ách tắc giao thông.

Đại biểu Bùi Thị An cho rằng, bên cạnh quy hoạch tổng thể, cần có quy hoạch của từng ngành, từng quận, huyện thì mới đáp ứng được sự phát triển. Cũng liên quan đến quy hoạch, đại biểu Phạm Thị Thành đề nghị, quy hoạch trị thủy sông Hồng và xây dựng thành phố hai bên sông nên có nhiều đề án khác nhau để nhân dân lựa chọn chứ không nên dừng ở việc chỉ duy nhất có một đề án của phía Hàn Quốc.

Trong kỳ họp này, HĐND sẽ nghe tờ trình về xử lý ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố. Bởi thế, khá nhiều đại biểu kiến nghị chính quyền phải mạnh tay hơn với vấn đề môi trường. Đại biểu Đào Xuân Mùi cho rằng, cần phải có chế tài mạnh, mặt khác, với những doanh nghiệp gây ô nhiễm thuộc diện phải di dời, thành phố nên ấn định thời gian phải di dời, nếu doanh nghiệp chây ỳ thì cưỡng chế dứt điểm.

Vấn đề nông nghiệp - nông thôn được đề cập nhiều nhất ở khía cạnh hỗ trợ kỹ thuật, dạy nghề cho người nông dân, cho con em nông thôn. Hiện nay, đang có sự phân hóa mạnh mẽ giữa thu nhập của người nông dân so với các ngành nghề khác, bởi thế, nếu không có những biện pháp giúp đỡ để người nông dân tăng thu nhập trên mảnh đất của mình thì dù thành phố có phát triển, nhưng đời sống nông dân sẽ không có nhiều thay đổi.

Ngoài những vấn đề kinh tế - xã hội liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân, các đại biểu còn có nhiều ý kiến xung quanh việc chuẩn bị hướng tới Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Các đại biểu mong muốn UBND thành phố phải sát sao hơn nữa để các công trình kịp tiến độ, đồng thời, để dịp kỷ niệm thức sự là đại lễ với mọi người dân Thủ đô./.