TCCSĐT - Trong 2 năm 2008 - 2009, kinh tế thế giới có nhiều biến động và chịu nhiều tác động rủi ro của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, nhưng dưới sự điều hành linh hoạt của Chính phủ, sự nỗ lực, cố gắng và quyết tâm cao của ngành Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, hoạt động tiền gửi Việt Nam năm 2009 đã đạt được những kết quả khả quan, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, hội nhập mạnh mẽ và nâng cao vị thế của Bảo hiểm tiền gửi trong hệ thống ngân hàng.

Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã thực hiện giám sát định kỳ 100% các tổ chức tham gia tiền gửi, bao gồm 78 ngân hàng thương mại, 10 tổ chức tín dụng phi ngân hàng và hơn 1000 quỹ tín dụng nhân dân cơ sở và quỹ tín dụng nhân dân trung ương. Nâng cao chất lượng giám sát, từ đó đưa ra những cảnh báo kịp thời với các hoạt động của tổ chức tham gia hoạt động tiền gửi. Tiếp tục áp dụng thử mô hình cảnh báo sớm đối với Ngân hàng thương mại theo đề án giám sát từ xa. Tham gia các hoạt động của Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ, tài chính quốc gia. Tham mưu cho Chính phủ thực hiện các gói kích cầu, chống giảm phát kinh tế nói chung và trong lĩnh vực tài chính ngân hàng nói riêng. Triển khai hoạt động tái cấu trúc hoạt động nhân lực. Hiện đại hóa hoạt động Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam theo mô hình và chuẩn mực quốc tế. Xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin. Hiện đại hóa ngân hàng do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo hiểm tiền gửi và được cộng động bảo hiểm tiền gửi quốc tế đánh giá cao.

Hiện trên thế giới đã có 104 quốc gia thành lập hệ thống bảo hiểm tiền gửi công khai và 16 quốc gia khác đang nghiên cứu xây dựng hệ thống bảo hiểm tiền gửi. Điều này đã khẳng định mô hình bảo vệ người gửi tiền và vai trò cũng như vị trí của tổ chức bảo hiểm tiền gửi đối với hệ thống tài chính trong giai đoạn phát triển mới của kinh tế thị trường. Khi xảy ra khủng hoảng kinh tế toàn cầu, các tổ chức bảo hiểm tiền gửi đã duy trì niềm tin của công chúng thông qua việc nâng hạn mức chi trả để thu hút tiền gửi vào ngân hàng. Mặt khác, các tổ chức bảo hiểm tiền gửi đã xử lý một cách êm thấm các ngân hàng đổ vỡ và phối hợp với các thành viên Mạng an toàn tài chính quốc gia thực hiện giám sát, bảo đảm an toàn cho hệ thống ngân hàng. Ví dụ tại Mỹ, năm 2009, Tổng công ty Bảo hiểm tiền gửi Mỹ (FDIC) đã xử lý 140 ngân hàng đổ vỡ với tổng số tiền lên tới 31 tỉ USD tránh được tình trạng hoảng loạn, rút tiền hàng hoạt và duy trì được niềm tin của công chúng.

Với vai trò quan trọng cũng như kết quả hoạt động của mình, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã góp phần ổn định các hoạt động tổ chức tín dùng, nâng cao niềm tin của người gửi tiền vào hệ thống ngân hàng quốc gia, bảo đảm an toàn hệ thống trong bối cảnh khủng hoảng tác động xấu tới kinh tế Việt Nam. Và theo nhận định của WB, kinh tế Việt Nam đã vượt qua cuộc khủng hoảng tốt hơn so với các nước khác trong khu vực.

Bước vào năm 2010, Ban lãnh đạo DIV đã đề ra nhiều biện pháp để thực hiện các kế hoạch công tác, bảo đảm sự phối hợp, trao đổi thông tin và điều hành công việc có hiệu quả trong đó tập trung vào 7 nhiệm vụ trọng tâm:

Thứ nhất, chủ động triển khai các giải pháp nhằm bảo vệ tốt quyền lợi của người gửi tiền, góp phần bảo đảm an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng. Nâng cao chất lượng hoạt động giám sát trên cơ sở chú trọng giám sát từ xa, hạn chế kiểm tra tại chỗ, thực hiện giám sát chặt chẽ, tăng tần suất báo cáo, xây dựng hệ thống cảnh báo sớm. Nghiên cứu triển khai hệ thống phí bảo hiểm tiền gửi theo mức độ rủi ro. Quản lý an toàn và hiệu quả nguồn vốn Quỹ Bảo hiểm tiền gửi. Xây dựng các phương án tiếp nhận - xử lý các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi. Đẩy mạnh hoạt động quan hệ công chúng. Triển khai đúng tiến độ Dự án Hệ thống thông tin quản lý và hiện đại hóa ngân hàng (FSMINS) do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ. Đẩy mạnh công tác kiểm soát - kiểm toán nội bộ tại Trụ sở chính và chi nhánh theo các nghiệp vụ chủ yếu.

Thứ hai, tham gia tích cực xây dựng Dự thảo Luật Bảo hiểm tiền gửi trình Chính phủ, Quốc hội đúng thời hạn và xây dựng dự thảo các bộ luật liên quan. Rà soát, chỉnh sửa, ban hành mới các văn bản quản trị điều hành, các quy chế, quy định và quy trình nghiệp vụ.

Thứ ba, nghiên cứu và đề xuất với Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia. Xây dựng hệ thống báo cáo phân tích kinh tế, tài chính, ngân hàng trên quan điểm quản lý vĩ mô.

Thứ tư, triển khai hiệu quả các dự án trao đổi hợp tác với các tổ chức bảo hiểm tiền gửi quốc tế và hỗ trợ của các tổ chức quốc tế. Triển khai chương trình nâng cao nhận thức của công chúng về bảo hiểm tiền gửi.

Thứ năm, tái cấu trúc bộ máy kết hợp đào tạo cán bộ.

Thứ sáu, ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng hoạt động nghiệp vụ, quản trị - điều hành.

Thứ bảy, thúc đẩy, triển khai các công trình xây dựng cơ bản./.