TCCSĐT - Ngày 11-9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp bà Victoria Kwakwa, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Phụ trách khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe, Thứ trưởng phụ trách thương mại quốc tế, Bộ Thương mại Hoa Kỳ, ông Gilbert Kaplan đang thăm Việt Nam và tham dự Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN 2018 (WEF ASEAN 2018).

* Tại buổi tiếp bà Victoria Kwakwa, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Phụ trách khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh bà Kwakwa đến dự Hội nghị WEF ASEAN lần này, cho rằng việc tham dự của WB sẽ đóng góp quan trọng vào thành công của Hội nghị.

 
 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp bà Victoria Kwakwa, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB). Ảnh: TTXVN

Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam trân trọng những hỗ trợ của WB dành cho Việt Nam, không chỉ qua việc cung cấp các khoản vay dài hạn mà còn là những tư vấn chính sách, giúp Chính phủ nâng cao hiệu quả điều hành kinh tế vĩ mô. Chính phủ Việt Nam ủng hộ chính sách tăng vốn của Ngân hàng thế giới nhằm hỗ trợ nguồn lực tài chính dài hạn cho các thành viên.

Bày tỏ cảm ơn WB và cá nhân bà V. Kwakwa đã vận động tài trợ cho Việt Nam, thời gian tới, Thủ tướng đề nghị WB tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc khuyến khích các ngành như năng lượng, giao thông..., tự vay tự trả, giúp xây dựng lộ trình tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân đầu tư vào các lĩnh vực này, qua đó giảm bớt vai trò bảo lãnh của Chính phủ.

Thủ tướng cũng đề nghị WB hỗ trợ các khoản viện trợ không hoàn lại tập trung vào các lĩnh vực cải cách thể chế, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tái cơ cấu nền kinh tế...

Với nhu cầu phát triển mạnh mẽ cơ sở hạ tầng thời gian tới, Thủ tướng đề nghị WB tư vấn, có hình thức phối hợp với các nhà tài trợ khác như Ngân hàng Phát triển châu Á (ABD), Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) để đồng tài trợ cho Việt Nam.

Cảm ơn Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam vừa qua đã hỗ trợ Chính phủ, Văn phòng Chính phủ Việt Nam trong việc xây dựng Chính phủ điện tử, Thủ tướng cho biết, vào dịp Lễ ra mắt Ủy ban Chính phủ điện tử sắp tới, Thủ tướng sẽ chứng kiến lễ ký Khung hợp tác giữa Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam và Văn phòng Chính phủ.

Thủ tướng cũng vui mừng cho biết ngày càng có nhiều doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp đa quốc gia chọn Việt Nam làm điểm đến đầu tư, kinh doanh, trong đó có những doanh nghiệp lớn, hàng đầu thế giới. Những sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam đều phù hợp với nhu cầu tiêu dùng của các thị trường lớn trên thế giới, nhất là Hoa Kỳ.

Cảm ơn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dành thời gian tiếp, Bà V. Kwakwa vui mừng quay trở lại Việt Nam sau 3 tháng, kể từ sau kỳ họp lần thứ 6 của Đại hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF6).

Chúc mừng Việt Nam về những thành tựu kinh tế xã hội thời gian qua, bà V. Kwakwa đánh giá các chỉ số vĩ mô đều đạt kết quả tích cực, như tăng trưởng, xuất khẩu, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), dự trữ ngoại hối.

Đặc biệt, theo bà Victoria Kwakwa, vị thế đối ngoại của Việt Nam trong khu vực và quốc tế được nâng lên. Mới đây, Việt Nam đã được Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s nâng bậc xếp hạng trái phiếu Chính phủ Việt Nam dài hạn bằng ngoại tệ và khoản vay không được bảo đảm lên mức Ba3 từ mức B1 và thay đổi triển vọng sang mức Ổn định (từ mức Tích cực).

Trao đổi với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về triển vọng tăng trưởng kinh tế trong năm nay, bà V. Kwawa cho rằng kinh tế Việt Nam có triển vọng rất tốt thông qua xuất khẩu và FDI khả quan, Chỉ số nhà quản trị mua hàng PMI trên 50 khả quan...

Bà cho rằng Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng 6,8% năm nay, mức cao trong khu vực và thế giới, đồng thời bày tỏ tin tưởng diễn biến kinh tế Việt Nam sẽ tốt đẹp.

Đánh giá nền kinh tế thế giới có những biến động, trong đó có các điều chỉnh về lãi suất, các chính sách thương mại của các nền kinh tế lớn, tác động đến nền kinh tế toàn cầu, trong đó có các nhà đầu tư ở các nền kinh tế mới nổi, bà Kwakwa khuyến nghị Chính phủ Việt Nam có những chính sách rõ ràng giúp nhà đầu tư có niềm tin, tăng cường quản lý vĩ mô ổn định...

Bà cũng chúc mừng Việt Nam bởi kết quả các nghiên cứu gần đây cho thấy niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp trên thế giới ngày càng lớn đối với tiềm năng của Việt Nam, nhất là kinh tế vĩ mô, chính trị xã hội ổn định và nhiều cơ hội phát triển trên mọi lĩnh vực.

Phó Chủ tịch WB cho rằng nếu Việt Nam tiếp tục quản lý tốt kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát thì ngày càng nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư đến với Việt Nam.

Bà V. Kwakwa khuyến nghị Việt Nam cần tiếp tục chủ động dỡ bỏ những điểm còn chưa phù hợp với thông lệ quốc tế trong lĩnh vực thuế quan.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trân trọng cảm ơn khuyến nghị của bà V. Kwakwa với tư cách là một chuyên gia tài chính, xây dựng chính sách rất am hiểu về Việt Nam và luôn dành cho đất nước và con người Việt Nam những tình cảm đặc biệt, thân thiết.

Trên cương vị Phó Chủ tịch WB, Thủ tướng mong muốn bà V. Kwakwa tiếp tục quan tâm và ủng hộ Việt Nam phát triển và hội nhập.

** Tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã tiếp Thủ tướng Sri Lanka, Ngài Ranil Wickremesinghe nhân dịp sang Việt Nam tham dự Hội nghị WEF ASEAN.

 
 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tiếp Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe. Ảnh: TTXVN

Tại cuộc gặp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe đều khẳng định quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước phát triển tốt đẹp trong những năm gần đây. Hai bên nhất trí tiếp tục tăng cường trao đổi các đoàn cấp cao và các cấp, trên các kênh Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội.

Hai nhà lãnh đạo đều đánh giá hợp tác trên các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực kinh tế thương mại có nhiều tiến triển nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng to lớn của hai nước. Hai bên nhất trí sớm tổ chức họp Tiểu ban Thương mại Hỗn hợp lần thứ 2 tại Việt Nam để rà soát và đề ra các biện pháp cụ thể nhằm đưa kim ngạch thương mại hai nước vượt mục tiêu 1 tỷ USD; tổ chức kỳ họp Ủy ban hỗn hợp lần thứ 4 giữa hai nước trong năm 2019 và sớm ký Bản ghi nhớ về hợp tác ngư nghiệp giai đoạn 3 năm tới; dành ưu tiên và tạo thuận lợi mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực tiềm năng khác như giáo dục - đào tạo, viễn thông, thông tin và kỹ thuật số, dầu khí,kết nối hàng không, vận tải hàng hải, chế biến và phân phối nông sản và thủy sản, trao đổi văn hóa, nghệ thuật, Phật giáo, thể thao, giao lưu thanh niên…

Thủ tướng Ranil Wickremesinghe đánh giá cao những thành tựu vượt bậc mà Việt Nam đã giành được trong phát triển kinh tế xã hội những năm qua cũng như vai trò ngày càng cao của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới. Việt Nam đang trở thành Trung tâm của các sự kiện quan trọng của khu vực và thế giới, là hình mẫu để các nước khác học tập, nhất là về phát triển kinh tế và xã hội; bày tỏ mong muốn thiết lập quan hệ giữa Đảng cầm quyền tại Sri Lanka và Đảng ta và khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Việt Nam tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, nhất là tại Liên hợp quốc và Phong trào Không liên kết.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh hai bên cần tiếp tục thúc đẩy hợp tác, giao lưu giữa hai nước, trước hết là quan tâm thúc đẩy kết nối hàng không, coi đây là giải pháp hiệu quả nhất nhằm tạo thuận lợi cho thương mại và khai thác tiềm năng du lịch; cảm ơn Sri Lanka đã ủng hộ Việt Nam ứng cử vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021 và mong muốn Sri Lanka phát huy vai trò tích cực, đề cao việc bảo đảm an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông, tuân thủ luật pháp quốc tế, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.

** Chiều cùng ngày, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Thứ trưởng phụ trách thương mại quốc tế, Bộ Thương mại Hoa Kỳ, ông Gilbert Kaplan nhân dịp sang Việt Nam dự Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam - Hoa Kỳ.

 
 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Thứ trưởng phụ trách thương mại quốc tế, Bộ Thương mại Hoa Kỳ, ông Gilbert Kaplan. Ảnh: TTXVN

Thủ tướng đánh giá cao phát biểu của ông Gilbert Kaplan tại Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam - Hoa Kỳ do Amcham Việt Nam, Phòng Thượng mại Hoa Kỳ (USCC) và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đồng tổ chức vào ngày 10-9. Thủ tướng hoan nghênh các sáng kiến cũng như nỗ lực tăng cường họp tác và kết nối của Hoa Kỳ ở khu vực; đồng thời khẳng định Việt Nam luôn coi Hoa Kỳ là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu và mong muốn tiếp tục thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện với Hoa Kỳ.

Khẳng định quan hệ song phương còn nhiều dư địa để khai thác, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại - đầu tư, Thủ tướng nhìn nhận, chuyến thăm của Thứ trưởng Thương mại Gilbert Kaplan mở ra không gian mới cho quan hệ hai nước, nhất là trong lĩnh vực thương mại. Trong 6 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu của Hoa Kỳ sang Việt Nam tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm 2017. Phía Việt Nam đang có nhiều hợp đồng lớn, mua sản phẩm từ Hoa Kỳ.

Về phần mình, ông Gilbert Kaplan nhất trí, quan hệ hai nước đang phát triển mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực. Ông cho biết, chuyến thăm Việt Nam lần này nhằm khẳng định cam kết của phía Hoa Kỳ về thúc đẩy hợp tác với Việt Nam, mong muốn tiến hành thảo luận về các biện pháp tăng cường quan hệ thương mại, đầu tư. Ông cũng cho biết, trong chuyến thăm, ông đã có các cuộc làm việc với một số bộ, ngành của Việt Nam và “hai bên đã đạt tiến bộ tuyệt vời trong các cuộc làm việc đó”. Ông hy vọng, từ chuyến thăm này, sẽ mở ra kỷ nguyên mới cho quan hệ song phương, đặc biệt là thương mại.

Ông Gilbert Kaplan cũng nêu một số vấn đề cụ thể với mong muốn Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam quan tâm giải quyết.

Ghi nhận ý kiến của Thứ trưởng Thương mại Hoa Kỳ, Thủ tướng khẳng định, Chính phủ Việt Nam rất quan tâm, lắng nghe và nỗ lực giải quyết các quan tâm của phía Hoa Kỳ. Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện nhất quán chính sách đổi mới và hội nhập quốc tế, nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp Hoa Kỳ đầu tư, kinh doanh hiệu quả tại thị trường Việt Nam.

Thủ tướng bày tỏ vui mừng khi chứng kiến nhiều tập đoàn lớn của Hoa Kỳ đã có mặt ở Việt Nam. Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) mà Việt Nam đăng cai tổ chức là cơ hội để các doanh nghiệp Hao Kỳ tìm hiểu, xúc tiến đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh nền kinh tế của hai nước mang tính bổ sung lẫn nhau và thể hiện mong muốn tiến tới cân bằng cán cân thương mại với Hoa Kỳ.

** Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Taro Kono và cùng Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chủ trì cuộc họp Ủy ban Hợp tác Việt Nam -Nhật Bản lần thứ 10.

 
 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Taro Kono. Ảnh: TTXVN

Tại buổi tiếp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng trước sự phát triển nhanh chóng, thực chất và toàn diện của Quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản; cho rằng việc hai nước đẩy mạnh trao đổi và tiếp xúc đoàn cấp cao thời gian qua đã giúp tăng cường sự tin cậy – điều kiện quan trọng để thúc đẩy quan hệ Việt Nam -Nhật Bản phát triển hơn nữa trên mọi lĩnh vực; mong muốn tăng cường hợp tác ASEAN -Nhật Bản và Mê Công - Nhật Bản, nhất là khi Việt Nam đảm nhiệm vai trò Điều phối viên quan hệ ASEAN -Nhật Bản giai đoạn 2018 - 2021; đánh giá cao Nhật Bản đã cung cấp vốn hỗ trợ phát triển chính thức ODA cho Việt Nam thời gian qua, khẳng định Chính phủ Việt Nam coi trọng và nỗ lực thực hiện hiệu quả các dự án vốn vay ODA giữa hai nước.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Taro Kono quan tâm thúc đẩy liên kết kinh tế giữa 2 nước, đặc biệt là những lĩnh vực có nhiều tiềm năng như hợp tác thương mại, đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực; tiếp tục cung cấp vốn vay ODA cho Việt Nam trong các lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, ứng phó với biến đổi khí hậu; thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực cải cách hành chính, hỗ trợ Việt Nam xây dựng Chính phủ điện tử; phối hợp thực hiện Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP và trong đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế khu vực RCEP; tăng cường tiếp nhận lao động Việt Nam, thúc đẩy giao lưu nhân dân và cùng phối hợp chặt chẽ trong các vấn đề quốc tế và khu vực thời gian tới. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đánh giá cao các hoạt động kỷ niệm có ý nghĩa đang diễn ra tại hai nước nhân dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản, góp phần quan trọng vào tăng cường hiểu biết, thúc đẩy giao lưu nhân dân giữa hai nước.

Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Taro Kono bày tỏ vui mừng được quay lại Hà Nội sau 27 năm, đúng vào dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và tham dự các hoạt động của Hội nghị Diễn đàn kinh tế thế giới về ASEAN tại Việt Nam; bày tỏ mong muốn đóng góp vào thành công của Hội nghị Diễn đàn kinh tế thế giới về ASEAN 2018 và thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản. Bộ trưởng Ngoại giao Taro Kono khẳng định Nhật Bản đánh giá cao vai trò ngày càng chủ động và đóng góp tích cực của Việt Nam trong các vấn đề quốc tế và khu vực; cảm ơn việc Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ dự Hội nghị Cấp cao Mê Công - Nhật Bản thời gian tới theo lời mời của Chính phủ Nhật Bản, đề nghị hai bên phối hợp chặt chẽ vì thành công của Hội nghị. Bộ trưởng Taro Kono khẳng định Nhật Bản sẽ hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng suất lao động, chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng Chính phủ điện tử; ủng hộ quan điểm của Việt Nam và các nước ASEAN trong vấn đề Biển Đông khi Việt Nam đảm nhiệm vai trò Điều phối viên Quan hệ ASEAN - Nhật Bản từ năm 2018./.