TCCSĐT - Nhằm phân tích và đánh giá thực trạng nông nghiệp, nông dân và nông thôn các tỉnh phía Nam trong gần 25 năm đổi mới và những tác động của biến đổi cơ cấu xã hội đến quá trình phát triển nơi đây, qua đó đưa ra các khuyến nghị các chính sách phù hợp nhằm phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, ngày 6-7-2009, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Tạp chí Cộng sản phối hợp với Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam và Viện Phát triển bền vững vùng Nam bộ tổ chức Hội thảo Khoa học “Tác động của biến đổi cơ cấu xã hội đến nông nghiệp, nông dân và nông thôn các tỉnh phía Nam trong thời kỳ đổi mới”.

PGS, TS Tạ Ngọc Tấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; GS, TS Trương Giang Long, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; GS, TS Bùi Chí Bửu, Viện Trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam; PGS, TS Bùi Thế Cường, Viện Trưởng Viện Phát triển bền vững vùng Nam bộ, chủ trì hội thảo.

Dự Hội thảo có trên 120 đại biểu bao gồm đại diện Lãnh đạo Ủy ban nhân dân và các Sở Nông nghiệp phía Nam, Trung tâm khuyến nông khuyến ngư Quốc gia, các nhà khoa học cùng đại diện các cơ quan báo chí, truyền thông.

Các tỉnh phía nam với 2 đầu tàu phát triển là Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long, trong đó, vùng Đông Nam Bộ có nữhng đóng góp rất lớn cho nền kinh tế của đất nước, chiếm 60% nguồn thu ngân sách, 70% kim ngạch xuất khẩu... Còn đồng bằng sông Cửu Long - vùng nông nghiệp lớn nhất nước, cung cấp nguyên liệu chế biến công nghiệp và xuất khẩu (khoảng 90% lượng gạo, 50% lượng trái cây và 60% lượng thủy sản xuất khẩu).

Các tỉnh phía nam luôn có vai trò là nền tảng của an ninh lương thực trong quá trình công nghiệp hoá đất nước; là nguồn lao động quan trọng cho sự phát triển thị trường lao động sản xuất công nghiệp, dịch vụ, là nguồn phát triển giai cấp công nhân và đội ngũ doanh nhân và trí thức trẻ Việt Nam.

Phát biểu đề dẫn hội thảo, PGS, TS Tạ Ngọc Tấn nêu rõ, gần hai mươi nhăm năm thực hiện đổi mới của Đảng, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn về kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, cùng với những thành tựu đó, quá trình phát triển kinh tế - xã hội vừa qua cũng đặt ra nhiều vấn đề, thách thức gay gắt: chênh lệch về trình độ phát triển giữa thành thị và nông thôn, giữa đồng bằng và miền núi; khoảng cách giàu - nghèo có xu hướng tăng lên...Cơ cấu xã hội cũng có nhiều biến động, và, một trong những khu vực có những biến động và chịu tác động nhiều nhất của biến đổi cơ cấu xã hội là khu vực nông nghiệp và nông thôn.

Tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng số lao động xã hội đang có xu hướng giảm dần mỗi năm từ 1% đến 1,5%, hiện nay còn 56% khoảng 25 triệu người, theo kế hoạch, phấn đấu còn 50% vào năm 2010 và 30% vào năm 2020. Tổ chức sản xuất của người nông dân cũng ngày càng đa dạng.

Những thay đổi mạnh mẽ trong xã hội nông thôn đã và đang dẫn đến sự khác biệt, sự phân chia thứ bậc các tầng xã hội, qua đó phản ánh vị thế, vai trò, lợi ích của các tầng, các nhóm. Trong nội bộ giai cấp nông dân, có một bộ phận giàu có, biết làm ăn, thu vén, ngược lại cũng có một bộ phận gặp nhiều khó khăn, thu nhập thấp, mức sống nghèo nàn.

Nhằm đạt được mục tiêu hội thảo đặt ra, các tham luận và ý kiến phát biểu đã tập trung phân tích các nội dung chủ yếu: Thứ nhất, những vấn đề đang đặt ra trong quá trình phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn các tỉnh phía nam trong giai đoạn hiện nay.

Thứ hai, đánh giá thực trạng, xu hướng biến đổi của cơ cấu xã hội ở xã hội nông thôn ở khu vực này cũng như tác động của sự biến đổi cơ cấu xã hội đó đến phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ ba, kiến nghị những giải pháp nhằm phát huy mặt tích cực và hạn chế mặt tiêu cực của những biến đổi cơ cấu xã hội, góp phần giải quyết những vấn đề liên quan đến phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn ở đây, làm cho công cuộc Đổi mới ngày càng phát triển nhanh chóng và lành mạnh.

Phát biểu tại hội thảo, GS, TS Bùi Chí Bửu cho rằng, đồng bằng sông Cửu Long không nên nhấn mạnh về lợi thế thiên nhiên, tài nguyên, nhân công…mà cần tập trung tạo ra giá trị gia tăng cao trong sản phẩm bằng việc xác định những giải pháp trước mắt, lâu dài; nâng cao trình độ cho dân; đổi mới hệ thống giáo dục; tổ chức sản xuất có hiệu quả, khắc phục tình trạng manh mún.

Qua các ý kiến phát biểu, các đại biểu tham dự hội thảo cùng chia sẻ nhận định cho rằng, biến đổi cơ cấu xã hội ở nông thôn là hệ quả tất yếu của tiến trình hiện đại hoá xã hội; sẽ tác động mạnh mẽ đến quá trình phát triển ở khu vực nông nghiệp, nông thôn ở cả hai chiều tích cực và tiêu cực. Vấn đề đặt ra là cần phải phát huy mặt tích cực, hạn chế tính tiêu cực của sự biến đổi đó./.