Tận dụng các thành tựu tiên tiến để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội
Ngày 18-8, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã có cuộc gặp mặt với 100 đại biểu người Việt Nam tài năng trong lĩnh vực khoa học và công nghệ về dự Chương trình kết nối Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam. Đây là sáng kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, và cũng là lần đầu tiên diễn ra một chương trình hợp tác khoa học - công nghệ mang tính hội tụ, kết nối có quy mô lớn với sự góp mặt của đông đảo các nhà khoa học, chuyên gia tiêu biểu cho tài năng, trí tuệ Việt Nam.
Tại cuộc gặp, nhiều đại biểu bày tỏ mong muốn sẵn sàng trở lại Việt Nam để hỗ trợ các bộ, ngành thông qua các dự án cụ thể; cho rằng, với những tiềm năng sẵn có, Việt Nam hoàn toàn có thể phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới. Tuy nhiên, để thực hiện được điều này, Việt Nam cần thúc đẩy phát triển, nghiên cứu ứng dụng, tăng cường khai thác những bằng sáng chế trên thế giới tại Việt Nam, cũng như tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khởi nghiệp.
Ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến của các đại biểu, Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định Đảng, Nhà nước luôn đề cao chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài người Việt Nam ở khắp nơi trên thế giới để tham gia, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước, đặc biệt là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, và khoa học - công nghệ trở thành yếu tố then chốt, mang tính quyết định để các nước đang phát triển bắt kịp trình độ phát triển của các nước tiên tiến.
Sau hơn ba thập niên đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn về kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, trở thành một nước thu nhập trung bình, có tốc độ tăng trưởng cao. Nhiều lĩnh vực của nền kinh tế có nền tảng phát triển tốt, trong đó có khoa học - công nghệ.
Với hơn 4,5 triệu người Việt Nam đang sống, học tập và làm việc ở nước ngoài, sự tham gia, đóng góp của các nhà khoa học, chuyên gia người Việt Nam trên thế giới là một nguồn lực quý báu để Việt Nam nhanh chóng bắt kịp thế giới về công nghệ.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho rằng, đưa Việt Nam trở thành một nước phát triển, thịnh vượng, có trình độ công nghệ cao là trách nhiệm và khát vọng của người Việt Nam ở khắp nơi trên thế giới. Để thực hiện thành công mục tiêu này, cần có sự chung sức, đồng lòng, hợp tác chặt chẽ của tất cả người Việt Nam.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang đánh giá cao nhiều nhà khoa học, chuyên gia người Việt Nam đã về nước tham gia vào các hoạt động nghiên cứu, giảng dạy và khởi nghiệp sáng tạo, đem lại nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao năng lực khoa học - công nghệ quốc gia và phát triển kinh tế - xã hội. Mỗi cá nhân có sự tham gia, đóng góp khác nhau nhưng nhìn chung, mọi người đều có tấm lòng hướng về quê hương, cội nguồn Việt Nam. Chủ tịch nước nhấn mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc chính là cội nguồn sức mạnh để đưa đất nước vươn lên sánh vai với các cường quốc năm châu như sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn.
Các nhà khoa học người Việt Nam ở nước ngoài đề nghị Việt Nam cần tiếp cận với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 nhanh chóng hơn, cụ thể hơn. Muốn làm được điều đó, các đại biểu cho rằng, Việt Nam cần có một hành lang pháp lý rõ ràng cho việc phát triển trí tuệ nhân tạo, khai phá dữ liệu, các thuật toán blockchain. Các đại biểu đánh giá cao quan điểm của Chủ tịch nước Trần Đại Quang về vấn đề an ninh mạng qua cuốn sách “Không gian mạng - Tương lai và hành động”; một số đại biểu cho rằng Việt Nam cần có những chính sách cụ thể đối với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 bởi nó mang ý nghĩa rất lớn tới vấn đề an ninh quốc phòng của đất nước.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang chỉ rõ, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra sôi động, mạnh mẽ, các sản phẩm và thành tựu công nghệ phát triển nhanh chóng. Khoa học - công nghệ trở thành yếu tố then chốt, mang tính quyết định để các nước đang phát triển bắt kịp trình độ phát triển của các nước tiên tiến.
Trong bối cảnh này, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước đã và đang triển khai các chính sách khuyến khích phát triển khoa học - công nghệ để Việt Nam có thể tận dụng các thành tựu của các nước tiên tiến, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đóng góp vào sự phát triển chung của khoa học - công nghệ thế giới. Việc xây dựng Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam là một trong những hoạt động cụ thể thực hiện chính sách này.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Khoa học và Công nghệ, các bộ, ban, ngành liên quan để tập trung nguồn lực, trao đổi, hợp tác với các nhà khoa học, chuyên gia, doanh nhân người Việt Nam trên toàn thế giới mở rộng, phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam.
“Đưa Việt Nam trở thành một nước phát triển, thịnh vượng, có trình độ công nghệ cao là chính sách xuyên suốt, nhất quán của Đảng và Nhà nước ta. Đây vừa là trách nhiệm vừa là khát vọng của người Việt Nam ở khắp nơi trên thế giới. Để thực hiện thành công mục tiêu này, cần có sự chung sức, đồng lòng, hợp tác chặt chẽ của tất cả người Việt Nam chúng ta, bởi đại đoàn kết toàn dân tộc chính là cội nguồn sức mạnh để đưa đất nước ta vươn lên sánh vai với các cường quốc năm châu như sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu hằng mong muốn”, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang kêu gọi các nhà khoa học, các chuyên gia người Việt Nam trên toàn thế giới tiếp tục thể hiện tình cảm với quê hương, đất nước bằng những hành động cụ thể, đóng góp thiết thực vào việc xây dựng, phát triển Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam; đồng thời tích cực tham gia các hoạt động chuyển giao công nghệ, đầu tư phát triển, hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và các hoạt động phục vụ phát triển khoa học - công nghệ và kinh tế - xã hội của đất nước.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang tin tưởng, với nỗ lực của các cơ quan chức năng và các nhà khoa học, chuyên gia trong và ngoài nước, Chương trình kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam sẽ thành công, trở thành một biểu tượng mới của trí tuệ Việt Nam, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thịnh vượng và phát triển./.
Chủ tịch Tôn Đức Thắng - tấm gương đạo đức sáng ngời của Cách mạng  (18/08/2018)
'Tự chủ đại học không có nghĩa là Nhà nước không cấp ngân sách nữa'  (17/08/2018)
Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30 nâng tầm ngoại giao Việt Nam  (17/08/2018)
Bước tiến rõ nét và toàn diện trong công tác phòng, chống tham nhũng  (17/08/2018)
Ủy ban Kiểm tra các cấp kỷ luật 283 đảng viên trong tháng 7  (17/08/2018)
Bộ Chính trị, Ban Bí thư học tập chuyên đề về công tác đối ngoại  (17/08/2018)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển