TCCSĐT - Thông tin từ Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho biết, tháng 7-2018, Ủy ban Kiểm tra các cấp đã kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 219 tổ chức đảng và 734 đảng viên về trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác, cán bộ; quản lý nhà nước về môi trường, tài nguyên, khoáng sản, trật tự xây dựng; thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, nguyên tắc sinh hoạt đảng; việc kê khai tài sản, thu nhập cá nhân...


Qua kiểm tra, Ủy ban Kiểm tra các cấp kết luận 93 tổ chức đảng và 334 đảng viên vi phạm, phải thi hành kỷ luật 4 tổ chức đảng và 154 đảng viên; giải quyết tố cáo 86 đảng viên, đã giải quyết xong 42 trường hợp, kết luận 19 trường hợp có vi phạm, phải thi hành kỷ luật 11 trường hợp.

Đồng thời, Ủy ban Kiểm tra các cấp xem xét, giải quyết đối với 7 tổ chức đảng bị tố cáo, đã giải quyết xong 5, kết luận 3 trường hợp tố đúng và đúng một phần, 2 trường hợp không có cơ sở; giám sát chuyên đề 1.459 tổ chức đảng và 4.995 đảng viên; qua giám sát đã chuyển kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm 3 đảng viên và 2 tổ chức đảng.

Cũng trong tháng 7, Ủy ban Kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 283 đảng viên (trong đó có 102 cấp ủy viên). Cụ thể: Khiển trách 130 đảng viên, cảnh cáo 65 đảng viên, cách chức 5 đảng viên và khai trừ ra khỏi Đảng 83 đảng viên do vi phạm quy chế làm việc, thiếu trách nhiệm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; vi phạm phẩm chất đạo đức, lối sống...

Bổ sung Phó Chủ tịch Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định bổ sung Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đảm nhiệm nhiệm vụ Phó Chủ tịch Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh.

Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ cũng quyết định bổ sung Ủy ban về quan hệ đối tác công tư, là một Ủy ban chuyên môn thuộc Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh.

Ủy ban về quan hệ đối tác công tư do Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam làm Chủ tịch, đại diện lãnh đạo Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam làm Phó Chủ tịch.

Thành viên Ủy ban về quan hệ đối tác công tư gồm: Một số thành viên của Hội đồng; lãnh đạo một số viện nghiên cứu, đại diện một số hiệp hội ngành nghề có liên quan, một số chuyên gia trong nước và quốc tế do Chủ tịch Ủy ban quyết định mời tham gia. Danh sách Thành viên Ủy ban do Chủ tịch Ủy ban quyết định.

Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm Chủ tịch. Hội đồng là tổ chức tham mưu và tư vấn cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về các vấn đề liên quan đến phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Nhiệm vụ của Hội đồng là tham mưu, tư vấn giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo: Xây dựng, thực hiện các chiến lược, chính sách, các kế hoạch, chương trình, nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện có hiệu quả Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh quốc gia; thực hiện Báo cáo Việt Nam 2035...

Đồng thời, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các báo cáo tư vấn, kiến nghị về các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển bền vững, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh; kết quả thực hiện đổi mới sáng tạo và nâng cao tiềm lực khoa học công nghệ, tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4...

Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất tỉnh Sóc Trăng


Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 108/NQ-CP điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020) tỉnh Sóc Trăng. Theo quy hoạch, đến năm 2020 tỉnh Sóc Trăng có 263.087 ha đất nông nghiệp, chiếm 79,44%; đất phi nông nghiệp là 68.100 ha, chiếm 20,56%; đất đô thị 52.373 ha.

Đối với các khu chức năng, đến năm 2020, khu sản xuất nông nghiệp có 211.709 ha; khu lâm nghiệp 68.036 ha; khu phát triển công nghiệp 4.600 ha; khu đô thị có 52.373 ha; khu thương mại - dịch vụ 3.236 ha; khu dân cư nông thôn có 34.944 ha.

Từ năm 2016 - 2020, 18.327 ha đất nông nghiệp được chuyển sang phi nông nghiệp; 32 ha đất phi nông nghiệp không phải là đất ở chuyển sang đất ở.

Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Sóc Trăng có trách nhiệm tổ chức thực hiện điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020), trong đó rà soát điều chỉnh quy hoạch của các ngành, lĩnh vực, các địa phương trong tỉnh có sử dụng đất cho thống nhất với điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020) của tỉnh; việc tổ chức thực hiện điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải thống nhất chặt chẽ đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời xác định ranh giới và công khai diện tích đất trồng lúa, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng cần bảo vệ nghiêm ngặt; điều tiết phân bổ nguồn lực, trước hết là nguồn ngân sách nhà nước bảo đảm lợi ích giữa các khu vực có điều kiện phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ với các khu vực bảo vệ đất trồng lúa, đất rừng; có chính sách, biện pháp phù hợp để giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập, để người trồng lúa yên tâm sản xuất; tăng đầu tư hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa các khu vực.

Tiếp tục chỉ đạo việc lập và phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện theo quy định của pháp luật đất đai làm căn cứ để thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đảm bảo phù hợp với điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của Tỉnh.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật đất đai để người sử dụng đất nắm vững các quy định của pháp luật, sử dụng đất đúng mục đích, tiết kiệm, có hiệu quả, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Chính phủ cũng yêu cầu UBND tỉnh Sóc Trăng quản lý, sử dụng đất theo đúng quy hoạch, kế hoạch, nhất là khu vực sẽ chuyển mục đích sử dụng đất để tập trung cho phát triển kinh tế và chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển dịch vụ, đô thị để tăng nguồn thu cho ngân sách; đẩy mạnh việc đấu giá quyền sử dụng đất. Khuyến khích sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, khắc phục tình trạng bỏ hoang đất đã giao và cho thuê. Tổ chức quản lý, giám sát chặt chẽ quỹ đất được quy hoạch phát triển đô thị, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đất cơ sở sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp nhằm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả quỹ đất, khắc phục tình trạng mất cân đối trong cơ cấu sử dụng đất giữa đất ở với đất xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và các yêu cầu về bảo vệ môi trường.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất đai ngăn chặn và xử lý kịp thời các vi phạm trong thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; kiên quyết không giải quyết giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất đối với các trường hợp không có trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; kiểm tra, xử lý các trường hợp đã được giao đất, cho thuê đất nhưng không sử dụng, sử dụng sai mục đích theo quy định của pháp luật đất đai.

Thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải gương mẫu, đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ thông tin; chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc triển khai xây dựng Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử tại Bộ, ngành, địa phương mình; chỉ đạo tổ chức triển khai nghiêm túc và hiệu quả Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg ngày 12-7-2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước.

Bộ Nội vụ khẩn trương ban hành Thông tư quy định quản lý văn bản đi, văn bản đến và lập hồ sơ, tài liệu điện tử và Thông tư quy định tiêu chuẩn dữ liệu đầu vào của tài liệu lưu trữ điện tử. Đồng thời, Bộ Nội vụ phối hợp với Văn phòng Chính phủ và Bộ Thông tin và Truyền thông nghiên cứu, đề xuất phương án điều chỉnh, bổ sung tiêu chí trong đánh giá chỉ số cải cách hành chính (Par Index) bảo đảm tăng cường gắn kết cải cách hành chính với ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử và triển khai có hiệu quả Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23-4-2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính.

Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan có liên quan xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam cập nhật (phiên bản 2.0) theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 232/TB-VPCP ngày 28-6-2018 của Văn phòng Chính phủ trong tháng 11-2018; khẩn trương trình Chính phủ hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định về định danh điện tử cho cá nhân và tổ chức và Nghị định về chia sẻ thông tin giữa các cơ quan, tổ chức trong tháng 10-2018.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông chủ động phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan đề xuất giải pháp tháo gỡ những khó khăn về cơ chế tài chính cho phát triển ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử để hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 102/2009/NĐ-CP ngày 06-11-2009 của Chính phủ về quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước và Quyết định số 80/2014/QĐ-TTg ngày 30-12-2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định thí điểm về thuê dịch vụ công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước trong tháng 10-2018.

Đẩy nhanh thời điểm công bố báo cáo đánh giá mức độ ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước định kỳ hàng năm chậm nhất trong quý I năm tiếp theo.

Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã và đang thực hiện mạnh mẽ chủ trương ứng dụng công nghệ thông tin nhằm cải cách hành chính, hiện đại hóa cơ quan chính phủ, xây dựng một Chính phủ hiệu lực, hiệu quả hơn, thực sự của dân, do dân và vì dân, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo môi trường thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội. Điều này được thể hiện rõ trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình về cải cách hành chính của đất nước./.