TCCS - Nghị quyết số 27-NQ/TW “Về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” được Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X thông qua và ban hành ngày 06-8-2008 đến nay đã 10 năm. Mặc dù Nghị quyết đặt ra yêu cầu là nhằm “xây dựng đội ngũ trí thức” đến năm 2020, song mục tiêu, quan điểm chỉ đạo, những nhiệm vụ và các giải pháp nêu trong đó không chỉ cho 10 năm và nếu được thực hiện có kết quả thì sẽ có giá trị rất lâu dài đối với công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

1- Trong lịch sử dân tộc, cha ông ta đã tôn vinh và rất quý trọng hiền tài. Tại Văn Miếu Quốc Tử Giám Hà Nội, bia Tiến sỹ khoa Nhâm Tuất niên hiệu Đại Bảo năm thứ 3 (1442) từng khắc ghi: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí vững thì thế nước mạnh và thịnh, nguyên khí kém thì thế nước kém và suy, cho nên các đấng thánh đế minh vương không ai không chăm lo việc gây dựng nhân tài, bồi đắp nguyên khí”.

Thấm nhuần lời dạy của tiền nhân, trong quá trình lãnh đạo cách mạng và kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất trọng dụng và bồi dưỡng nhân tài. Người viết: “Kiến thiết cần có nhân tài”; cách mạng “cần có lực lượng của trí thức (chúng ta quen gọi là lao động trí óc)”, “trong xây dựng xã hội chủ nghĩa, lao động trí óc có một vai trò quan trọng và vẻ vang”. Chủ tịch Hồ Chí Minh rất thực tâm trân trọng trí thức nên đã quy tụ được nhiều trí thức giỏi tận tâm phục vụ sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc. Người hiểu rõ “vai trò quan trọng và vẻ vang của trí thức” nên nhiều lần khẳng định rằng, “để xây dựng nước nhà, chúng ta càng ngày càng cần nhiều trí thức tốt”, do vậy, Đảng và Chính phủ cần “quý trọng những người trí thức của nhân dân, vì nhân dân”, “Đảng và Chính phủ vừa phải giúp đỡ cho thế hệ trí thức ngày nay càng ngày càng tiến bộ, vừa phải ra sức đào tạo thêm trí thức mới”, những trí thức “chính tâm và thân dân”(1).

Tôn trọng trí thức và đánh giá cao vai trò của trí thức, song Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đòi hỏi người trí thức phải là người “chính tâm” và trách nhiệm của người trí thức là phải “thân nhân dân” và “vì nhân dân”, phải “đoàn kết chặt chẽ, để phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”.

Kế tục truyền thống coi trọng vai trò đó của trí thức, Hội nghị Trung ương 7, khóa X khẳng định, trong thời đại ngày nay, “đội ngũ trí thức trở thành nguồn lực đặc biệt quan trọng”(2) tạo nên sức mạnh của nước nhà. Nghị quyết cũng đánh giá: “Bằng hoạt động sáng tạo, trí thức nước ta đã có đóng góp to lớn trên tất cả các lĩnh vực xây dựng, bảo vệ Tổ quốc”; “đóng góp tích cực vào xây dựng những luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, góp phần làm sáng tỏ con đường phát triển của đất nước và giải đáp những vấn đề mới phát sinh trong sự ngiệp đổi mới, trực tiếp đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao dân trí và bồi dưỡng nhân tài; sáng tạo những công trình có giá trị”; “từng bước nâng cao trình độ khoa học và công nghệ của đất nước, vươn lên tiếp cận với trình độ của khu vực và thế giới”. Trí thức nước nhà cũng góp phần quan trọng trong các lĩnh vực khác như quản lý nhà nước, quốc phòng và an ninh. Trí thức Việt Nam ở nước ngoài cũng “có những đóng góp thiết thực vào sự nghiệp phát triển đất nước”.

Nghị quyết cũng đánh giá toàn diện về công tác xây dựng đội ngũ trí thức, cụ thể là Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách nhằm phát triển nhanh đội ngũ trí thức về số lượng và từng bước nâng cao về chất lượng; đổi mới giáo dục và đào tạo; đổi mới cơ chế quản lý nghiên cứu khoa học và đào tạo; tôn vinh trí thức qua việc phong tặng các giải thưởng quốc gia, các chức danh khoa học...

Tuy nhiên, Nghị quyết cũng chỉ rõ, không những trí thức nước ta còn nhiều mặt hạn chế cần sớm được khắc phục để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới mà ngay cả cơ chế và chính sách của Đảng và Nhà nước cũng còn vừa thiếu, vừa chưa phù hợp, vừa chưa đồng bộ và nhất là còn thiếu một chiến lược tổng thể. Bên cạnh đó, không những trí thức không được sử dụng đúng năng lực và trình độ mà một số cán bộ lãnh đạo và quản lý các cấp còn chưa coi trọng nguồn nhân lực có trình độ cao. Họ “ngại tiếp xúc, ngại đối thoại, không thực sự lắng nghe, thậm chí quy chụp, nhất là khi trí thức phản biện những chủ trương, chính sách, những đề án, dự án do các cơ quan lãnh đạo và quản lý đưa ra”. Tất cả những thiếu sót đó đang cản trở sự đóng góp thiết thực và sự phát triển của đội ngũ trí thức.

Từ những đánh giá đó Nghị quyết nêu rõ mục tiêu, quan điểm chỉ đạo, những nhiệm vụ và giải pháp cụ thể để xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ mới, thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa nước nhà theo hướng hiện đại. Có thể nói, những nhiệm vụ và giải pháp được nêu trong Nghị quyết là rất đầy đủ, trong đó đáng chú ý là tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho hoạt động của trí thức; trọng dụng, đãi ngộ và tôn vinh trí thức; tạo chuyển biến căn bản trong đào tạo, bồi dưỡng trí thức; đề cao trách nhiệm của trí thức, củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động các hội của trí thức; nâng cao chất lượng công tác lãnh đạo của Đảng đối với đội ngũ trí thức. Những nhiệm vụ và giải pháp được nêu trên trong Nghị quyết đều rất cụ thể, hoàn toàn khả thi nếu như tất cả các cấp, các ngành, cùng giới trí thức và toàn bộ hệ thống chính trị có quyết tâm cao.

Vậy, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết “Về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” của Trung ương đã đi vào cuộc sống ra sao?

2- Từ xưa đến nay, trong lịch sử nhân loại, ở đâu cũng vậy, mọi người dân, nhất là giới trí thức, cần có môi trường tự do và dân chủ giống như không khí để thở vậy. Xã hội và các nhà lãnh đạo cần phân biệt trí thức chân chính, trí thức “thân dân”, “chính tâm” với những trí thức nịnh nọt, xu thời, cơ hội, ăn theo, a dua, chỉ biết thu vén cho bản thân. Đối với trí thức chân chính, dù là trí thức khoa học hay trí thức văn nghệ sỹ, không có dân chủ và tự do thì không có sáng tạo. Họ sáng tạo, họ bảo vệ chân lý là vì đất nước, vì dân tộc, vì khoa học. Hiểu rõ điều đó nên trong công cuộc đổi mới đất nước và dân chủ hóa mọi mặt của đời sống xã hội Đảng và Nhà nước đã tạo môi trường và điều kiện rất thuận lợi cho các hoạt động của đội ngũ trí thức. Tiếng nói của giới trí thức góp vào các chủ trương, đường lối, chính sách, quy hoạch phát triển mọi mặt của đất nước, tuy rằng đôi khi chưa được lắng nghe tức thì, nhưng ngày càng được các cấp có thẩm quyền chấp nhận và tôn trọng hơn, nhờ vậy Đảng và Nhà nước đã kịp thời chỉnh sửa hoặc cho dừng hẳn một số dự án. Môi trường dân chủ đã được tạo ra, song do tình trạng đã kéo dài từ trước (là không thật sự tôn trọng các ý kiến phản biện có đầy đủ cơ sở khoa học của giới trí thức) nên cũng vẫn có một số quyết định vội vàng, thiếu cân nhắc, thậm chí sai lầm, gây lãng phí và những hậu quả không nhỏ khác cho đất nước đã lộ ra. Hậu quả trước mắt về môi trường, về lãng phí tiền của còn có thể tính ngay được nhưng những hậu quả lâu dài về môi trường, những hậu quả xã hội xa xôi thì không thể tính được, trong đó hậu quả về quốc phòng, về an ninh thì càng khó tính toán hơn. Song, hậu quả nặng nề nhất của các quyết sách sai lầm sẽ lớn hơn rất nhiều đó là mất niềm tin của người dân. Cũng phải nói cho rõ rằng, có những cố vấn, chuyên gia là trí thức nhưng hoặc là do trình độ kém cỏi, hoặc là do thiếu trung thực, vì lợi ích cá nhân, vì đồng tiền nên đã liều lĩnh ký vào những văn bản có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường. Hàng loạt lãnh đạo, chuyên gia một số ngành vốn là trí thức đã vào vòng lao lý.

Như vậy, có thể nói, môi trường dân chủ và các điều kiện được Đảng và Nhà nước tạo ra đã giúp cho giới trí thức có cơ hội bày tỏ ý kiến xây dựng vào nhiều quyết sách quan trọng trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, môi trường dân chủ cũng đòi hỏi người trí thức càng phải có trách nhiệm hơn đối với dân tộc, đối với Tổ quốc. Trách nhiệm đó đòi hỏi trí thức trước hết phải trung thực với nhân dân và trung thực ngay với chính bản thân mình, nghĩa là phải chính tâm. Hồ Chí Minh đã từng lưu ý rằng, việc trí thức “thực hiện 2 chữ chính tâm không phải dễ dàng”(3). Rõ ràng là để cho những người có học vấn trở thành trí thức, để họ thực hiện được chính tâm thì cần phải có điều kiện từ hai phía, một là từ chính bản thân trí thức và thứ hai là từ phía Đảng và Nhà nước. Khi Đảng và Nhà nước đã tạo điều kiện rồi thì không có lý gì người trí thức chân chính không tự mình phấn đấu, học tập, tu dưỡng, trung thực và sáng tạo để phục vụ nhân dân. Người có trình độ học vấn cao đến cỡ nào chăng nữa mà nếu không chính tâm, không trung thực thì chắc chắn đó là ngụy trí thức và chỉ có hại cho dân tộc, cho đất nước.

Trong những năm qua, dù đất nước còn vô vàn khó khăn nhưng sự quan tâm và việc đầu tư của Đảng và Nhà nước cho công tác đào tạo, bồi dưỡng trí thức là rất lớn. Nhờ vậy, đội ngũ trí thức nước nhà đã có sự trưởng thành nhanh chóng. Nếu thống nhất coi “trí thức là những người lao động trí óc, có trình độ học vấn cao về lĩnh vực chuyên môn nhất định, có năng lực tư duy độc lập, sáng tạo, truyền bá và làm giàu tri thức, tạo ra những sản phẩm tinh thần và vật chất có giá trị đối với xã hội”. So với năm 2000, năm 2013 cả nước có 6.550.234 người (gấp 4,95 lần), số thạc sĩ là 118.635 (tăng 11,86 lần), số tiến sĩ là 24.667 (tăng 1,94 lần)(4). Con số đó chắc chắn còn lớn hơn rất nhiều nếu tính đến hết năm 2017.

Thực hiện “Đề án đào tạo cán bộ khoa học - kỹ thuật ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước” (Đề án 322, năm 2000) và “Đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước” (Đề án 165, năm 2008) chúng ta đã có hàng trăm thạc sĩ, tiến sĩ được đào tạo và trở về nước công tác. Như vậy, với hai nguồn đào tạo cả ở nước ngoài và ở trong nước nên số lượng trí thức đã tăng lên rất nhanh.

Tuy nhiên, phải thẳng thắn thừa nhận rằng, sự tăng nhanh số thạc sĩ và tiến sĩ được đào tạo trong nước chưa tương xứng với chất lượng cần có ở không ít cơ sở, thậm chí có cơ sở đào tạo chất lượng rất thấp. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Nở rộ nhiều cơ sở đào tạo, trong đó có cơ sở không đủ điều kiện mà ngay từ đầu đã không có sự kiểm tra thật sự chặt chẽ và khách quan của cơ quan chủ quản là Bộ Giáo dục và Đào tạo. Các cơ sở này lúc xin mở ngành đào tạo thì ghi tên và mời nhiều người có uy tín tham gia giảng dạy. Song, chỉ cần ở khóa đầu mà người được mời giảng dạy cho điểm thấp khi chấm thi đánh giá đúng trình độ người học thì ngay khóa sau cơ sở đó sẽ ngừng ngay và không bao giờ được mời nữa. Những cơ sở đào tạo kiểu như vậy chỉ cần người dạy cho học viên của họ điểm cao; châm chước tiêu chuẩn đầu vào; nhẹ nhàng đầu ra cốt sao để có nhiều người theo học, thế là đủ. Với cách thức như vậy thì lấy chất lượng đào tạo ở đâu?

Cũng có học viện đào tạo được mở ra theo đúng quyết định của Nhà nước nhưng các cơ quan có thẩm quyền khi ra quyết định đã không tham khảo ý kiến của các chuyên gia thật sự am hiểu nên đã giao trách nhiệm quá khả năng của nó.

Phải thẳng thắn thừa nhận rằng, tình trạng lãng phí chất xám ở các viện khoa học chuyên ngành trong Viện Hàn lâm Khoa học xã hội này là rất lớn. Nghiên cứu sinh thì không được thường xuyên sử dụng tài liệu chuyên ngành, không được sự giúp đỡ trực tiếp về chuyên môn của các giáo sư, phó giáo sư tại các viện nghiên cứu chuyên ngành, của các cán bộ phòng chuyên môn. Vì vậy, chất lượng luận văn, luận án thấp là điều dễ hiểu. Theo tôi, trách nhiệm trước hết thuộc về các cơ quan có thẩm quyền ra quyết định.

Việc sử dụng, trọng dụng trí thức của Đảng và Nhà nước kể từ khi Nghị quyết được ban hành có nhiều chuyển biến và ngày càng tốt dần lên. Nhiều trí thức có trình độ cao đã được bố trí vào các cương vị công tác quan trọng. Nhiều vị trí lãnh đạo ở cả Trung ương và địa phương đã được chọn lọc qua thi tuyển công khai, công bằng. Đó là những tiến bộ rất đáng mừng. Tuy nhiên, một đất nước bao giờ cũng có rất nhiều loại hình trí thức thuộc các lĩnh vực hết sức khác nhau. Trí thức khoa học cũng như trí thức văn nghệ sĩ không nhất thiết phải nắm giữ địa vị quản lý hay lãnh đạo. Họ cần có những điều kiện để sáng tạo, để sáng chế và phát minh. Vì vậy, việc Nhà nước tôn vinh họ qua các giải thưởng và danh hiệu là hết sức quý, nhất là khi họ đang sung sức. Sự động viên họ kịp thời càng tạo nên động lực để họ sáng tạo nhiều hơn. Sự động viên này trong những năm vừa qua đã được tiến hành đều đặn cần được tiếp tục thường xuyên hơn trong tương lai.

Trí thức, nhất là đội ngũ những trí thức trẻ, còn cần những điều kiện khác nữa để họ có thể toàn tâm toàn ý cho việc đào tạo, nghiên cứu và sáng tạo. Các giải thưởng được đặt ra trong thời gian qua là sự động viên lớn, khơi dậy sự say mê nghiên cứu và sáng tạo của các trí thức trẻ. Việc một số cơ sở giáo dục gần đây trao thưởng bằng tiền và hỗ trợ kinh phí cho những tác giả có các bài báo được đăng trên các tạp chí quốc tế uy tín là rất kịp thời. Nhưng trí thức trẻ cũng đang rất cần để có số tiền lương đủ trang trải cho cuộc sống hằng ngày của họ.

Tuy nhiên, tiền tài đối với người làm khoa học chân chính không phải là tất cả. Họ cần sự lắng nghe, sự ghi nhận kịp thời và sự đánh giá công bằng của xã hội, của lãnh đạo Đảng và chính quyền các cấp đối với sự đóng góp về tất cả các mặt của họ. Đặc biệt, cần tránh sự quy kết vội vàng đối với các ý kiến nhạy cảm, mới mẻ nhưng có thể khác với ý kiến của số đông. Điều này liên quan nhiều và trước hết đến các ngành khoa học xã hội vì trong số các chức năng của những ngành khoa học này có chức năng dự báo và chức năng định hướng; mà các dự báo khoa học được đưa ra thì từ xưa đến nay độ chính xác chưa bao giờ là tuyệt đối. Cái giỏi của những người lãnh đạo tài ba ở tất cả các cấp là biết chắt lọc những gì có tính đột phá trong nhiều những ý kiến của trí thức mà có thể bước đầu nghe có vẻ “không thật lọt tai lắm”. Cần thực hiện ngay trong thực tế việc “tạo chuyển biến căn bản trong đào tạo, bồi dưỡng trí thức”, trước hết là thay đổi, bổ sung các quy định và chính sách hiện hành đối với người được gửi đi đào tạo thì mới mong nâng cao được chất lượng đào tạo.

Nâng cao chất lượng đào tạo là một nhiệm vụ cần kíp nhưng việc sử dụng cho đúng người, đúng ngành mà người học đã được đào tạo cũng vô cùng quan trọng và cấp thiết. Điều mà xã hội đang quan tâm lúc này là tại sao nhiều người được gửi đi đào tạo ở nước ngoài, chứ không phải chỉ ở trong nước, lại được bố trí để làm những công việc không thuộc lĩnh vực đúng chuyên môn, lại phải làm những việc sự vụ hoặc trái ngành nghề chẳng liên quan gì đến chuyên môn đã được đào tạo của họ. Đây là một trong nhiều lý do mà một số người được gửi đi đào tạo ở nước ngoài theo các Để án của Chính phủ đã xin nghỉ việc và chịu trách nhiệm bồi thường. Cách bố trí công việc như vậy không những chỉ lãng phí tiền bạc mà nguy hại hơn là ảnh hưởng đến niềm tin của bản thân trí thức và của cả xã hội đối với trí thức. Lãnh đạo Đảng và chính quyền các cấp cần quan tâm hơn đến công tác này.

Bất cứ một trí thức “chính tâm” nào cũng tha thiết đóng góp phần mình vào sự phát triển của đất nước vừa với tư cách cá nhân, vừa với tư cách là thành viên của một hội nghề nghiệp. Vì vậy, họ sẵn sàng tham gia vào các tổ chức và các hội nghề nghiệp. Đã có rất nhiều hội như vậy được thành lập trong cả nước. Sự đóng góp của các hội này trong thời gian vừa qua rất đáng trân trọng. Nhiều hội và hội viên các hội nghề nghiệp của trí thức đã đóng góp ý kiến chân thành và xác đáng vào các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, phát triển văn hóa, giáo dục và khoa học, xây dựng nông thôn mới và phát triển đô thị, bảo vệ môi trường,.. Tuy nhiên, hoạt động và sự đóng góp của các hội không đồng đều; có những hội hoạt động rất tốt nhưng có hội sinh hoạt chưa đều và đóng góp còn hạn chế. Cũng có rất nhiều trí thức cùng một nghề nghiệp mong muốn có hội của mình nhưng việc thành lập hội lại đang gặp khó khăn. Nhà nước và các cơ quan có thẩm quyền cần sớm gỡ nút thắt này để tạo sự công bằng và thu hút được tối đa trí tuệ tập thể của trí thức nhằm đóng góp vào công cuộc đổi mới và sự phát triển của đất nước.

Cho đến nay, đúng là có những trí thức vẫn còn e ngại nói lên chính kiến thật sự của mình đối với các vấn đề hệ trọng của nước nhà vì họ sợ bị quy kết về quan điểm, về lập trường như thực tế đã từng xảy ra trước đây. Do vậy, các cơ quan, các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước các cấp chưa nắm được hết các ý kiến đóng góp của người dân và của đội ngũ trí thức. Cũng có thể có nhiều ý kiến không đến được đúng nơi cần đến, đến đúng người cần đến; không đến được nguyên văn. Ngoài các ý kiến và kiến nghị góp ý trực tiếp, thông qua các nghiên cứu của mình được đăng công khai trên các tạp chí khoa học, đội ngũ trí thức cũng có những đóng góp không nhỏ vào đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, có cảm tưởng rằng bằng con đường này nhiều ý kiến vẫn chưa đến được với lãnh đạo các cấp, các ngành. Những cảnh báo về hậu quả môi trường của tình trạng phá rừng tự nhiên, của việc khai thác bừa bãi tài nguyên không được kiểm soát, của việc tiếp nhận đầu tư thiếu chọn lọc, của sự nhập nội các công nghệ lạc hậu, nhất là công nghệ nhiệt điện than mà nhiều nước đang từng bước loại bỏ không được quan tâm đúng mức. Những cảnh báo của các chuyên gia môi trường về việc phải tránh việc biến nước ta thành bãi thải công nghiệp cần được các cấp, các ngành có trách nhiệm quan tâm nhiều hơn.

3- Tóm lại, có thể nói, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết của Trung ương Đảng “Về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” chúng ta đã thu được những kết quả rõ rệt. Đội ngũ trí thức thuộc tất cả các lĩnh vực ngày càng đông đảo về số lượng. Dù chất lượng chưa được như kỳ vọng, song họ đã có những đóng góp quan trọng vào công cuộc công nghiệp hóa đất nước theo hướng hiện đại và đã có sự trưởng thành về nhiều mặt. Có những đóng góp đó là nhờ đội ngũ trí thức đã được Đảng, Nhà nước và xã hội tạo ra môi trường và những điều kiện thuận lợi. Những trí thức “chính tâm”, “thân nhân dân” và “vì nhân dân”, đang theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “đoàn kết chặt chẽ, để phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân” và cùng với các hội nghề nghiệp mà họ là thành viên đã ý thức được trách nhiệm, nghĩa vụ và cũng là vinh dự của mình trước vận mệnh của dân tộc. Do vậy, trí thức ở tất cả các lĩnh vực đang nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, thiếu thốn để cùng với toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ra sức phấn đấu thực hiện cho được mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.

---------------------------------------------------------------

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, t. 8, tr. 214, 216
(2) Tất cả các câu trích để trong ngoặc kép trong bài này đều trích trong Nghị quyết “Về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” được Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X thông qua và ban hành
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 8, tr. 215
(4) Theo TS. Lê Công Lương: “Tổng quan về đội ngũ trí thức Việt Nam hiện nay”, Báo Đất Việt, kết nối sức mạnh, ngày 1-9-2016