Nguyễn Thành Biên
 
Thứ trưởng Bộ Công Thương 

Gạo là một trong những mặt hàng có giá trị kim ngạch xuất khẩu lớn của Việt Nam 
 Ảnh: TL

Nhìn chung, xuất khẩu năm 2008 đã đạt được kết quả tích cực với mức tăng trưởng cao so với nhiều năm trước, nhất là trong điều kiện nền kinh tế thế giới và Việt Nam đã xuất hiện nhiều yếu tố không thuận lợi. Kết quả này đã thể hiện sự chỉ đạo kịp thời của Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực, cố gắng của các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp.

Năm 2008 tình hình kinh tế thế giới biến động phức tạp, khủng hoảng tài chính, tín dụng không chỉ diễn ra ở Mỹ và châu Âu mà lan ra các nền kinh tế khác trên thế giới, kể cả châu Á và đang dẫn đến suy thoái kinh tế ở nhiều nước. Giá cả hàng hóa và nhu cầu tiếp tục sụt giảm làm cho xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam bị thu hẹp và sụt giảm mạnh trong những tháng vừa qua. Tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm 2008 đạt khoảng 63 tỉ USD, tăng 29,5% so với năm 2007. Tổng kim ngạch nhập khẩu cả năm 2008 đạt khoảng 80,4 tỉ USD, tăng 28% so với năm 2007. Nhập siêu năm 2008 khoảng 17 tỉ USD, bằng 27,7% kim ngạch xuất khẩu.

Tình hình xuất, nhập khẩu năm 2009

Tình hình kinh tế thế giới tiếp tục diễn biễn phức tạp, khó lường. Do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính, tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ suy giảm mạnh trong năm tới và nhiều năm tiếp theo, nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới đã rơi vào suy thoái như Mỹ, EU, Nhật Bản, Nga, tăng trưởng của các nền kinh tế đang nổi cũng suy giảm mạnh.

Hàng hóa của Việt Nam phải cạnh tranh khốc liệt hơn nữa với hàng hóa cùng chủng loại của các nước châu á như nông sản, thủy sản, dệt may, giày dép, điện tử trong bối cảnh nhu cầu nhập khẩu tại các thị trường chủ lực có xu hướng giảm. Các nhà nhập khẩu khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay để nhập khẩu hàng hóa.

Thuận lợi về giá nhìn chung sẽ không còn, giá hàng hóa tiếp tục đứng ở mức thấp do nhu cầu nhập khẩu và khả năng thanh toán tại các thị trường giảm, nền kinh tế thế giới suy thoái cũng sẽ làm cho giá hàng hóa khó có thể tăng trong năm tới. Nhu cầu tiêu dùng giảm sút, do đó, xuất khẩu những mặt hàng nông - lâm - thủy sản (cà phê, hạt tiêu, đồ gỗ, thủy sản...), khoáng sản đã được lợi về giá trong năm 2008 sẽ giảm sút mạnh về giá trị trong năm 2009 (30 - 40%), ảnh hưởng trực tiếp đến chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu.... Năng lực sản xuất nhiều mặt hàng nông sản, khoáng sản đã đến ngưỡng, khó có khả năng tăng trưởng cao như lúa gạo, cà phê, cao su, dầu thô, than.... Lượng dầu thô xuất khẩu năm 2009 sẽ giảm 3,3 - 4 triệu tấn do phục vụ Nhà máy lọc dầu Dung Quất.

Các mặt hàng công nghiệp có kim ngạch lớn là dệt may và da giày sẽ gặp khó khăn về thị trường xuất khẩu, do năm 2009, Mỹ sẽ bỏ hoàn toàn hạn ngạch hàng dệt may đối với Trung Quốc, tạo cạnh tranh lớn với hàng Việt Nam; EU không gia hạn quy chế GSP đối với hàng da giày xuất khẩu của Việt Nam, nhiều hàng rào phi thuế và các biện pháp bảo hộtinh vi được các nước dựng lên.

Theo chỉ tiêu Quốc hội đề ra, xuất khẩu năm 2009 phải phấn đấu tăng trưởng 13%, tương đương kim ngạch xuất khẩu khoảng 71 tỉ USD. Cụ thể khả năng xuất khẩu từng nhóm hàng như sau:

+ Nhóm nông - lâm - thủy sản khó có khả năng tăng trưởng trong năm 2009 do hạn chế về cơ cấu sản lượng và đặc biệt giá nhiều mặt hàng chủ lực sẽ ở mức thấp so với năm 2008. Dự báo, kim ngạch nhóm này đạt khoảng 12,23 tỉ USD, giảm 4,8% so với năm 2008. Tổng kim ngạch 8 mặt hàng chủ lực này năm 2009 sẽ giảm khoảng 628 triệu USD.

+ Nhóm nhiên liệu khoáng sản cũng khó có khả năng tăng trưởng trong năm 2009 do sản lượng dầu thô và than đá xuất khẩu giảm mạnh phục vụ nhu cầu sản xuất và tiêu thụ trong nước. Dự báo, kim ngạch xuất khẩu nhóm này đạt khoảng5,92 tỉ USD, tương đương khoảng 50,2% so với năm2008.

+ Nhóm chế biến, công nghiệp và thủ công mỹ nghệ cũng là nhóm quan trọng nhất, chiếm tỷ trọng trên 70% tổng kim ngạch xuất khẩu. Có thể thấy, do kim ngạch xuất khẩu 2 nhóm hàng nêu trên đều giảm trong năm 2009 (giảm 6,6 tỉ USD) nhưng muốn tăng trưởng xuất khẩu năm 2009 phải dựa chủ yếu vào nhóm này. Tuy nhiên, dự kiến kim ngạch nhóm này cũng chỉ đạt khoảng 52,9 tỉ USD, tăng 38,7% (tương đương 14,7 tỉ USD) so với năm 2008.

Dự kiến, nhập khẩu năm 2009 sẽ không tăng đột biến như năm 2008 do các biện pháp của Chính phủ đã ban hành nhằm kiềm chế lạm phát, thực hiện tiết kiệm trong chi phí công, cắt giảm đầu tư các công trình không hiệu quả hoặc chưa cần thiết... và hạn chế nhập khẩu bằng các công cụ thuế quan phù hợp với các cam kết WTO. Giá nhiều mặt hàng nguyên nhiên vật liệu đầu vào giảm mạnh 30% - 50% so với năm 2008 như sắt thép, phôi thép, phân bón, xăng dầu làm cho trị giá nhập khẩu giảm nhiều, mặc dù lượng có thể tăng nhẹ so với năm 2008. Đồng thời lượng xăng dầu nhập khẩu cũng giảm do Nhà máy lọc dầu Dung Quất đi vào hoạt động. Nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu sản xuất xuất khẩu giảm do khó khăn về thị trường, vốn, lãi suất... Doanh nghiệp và người dân cũng sẽ tiết kiệm hơn trong sản xuất, tiêu dùng. Việc nhập khẩu với số lượng lớn để đầu cơ giá lên như trong năm 2008 đối với mặt hàng sắt thép, phôi thép nhiều khả năng không còn. Ngoài ra, việc nhập khẩu vàng tiếp tục được kiểm soát và hạn chế. Với những biện pháp và tình hình khó khăn nêu trên thì dự kiến kim ngạch nhập khẩu năm 2009 sẽ đạt ở mức khoảng 90,3 tỉUSD, tăng 13% so với năm 2008.

Mục tiêu xuất khẩu

Mục tiêu xuất khẩu năm 2009 là phát triển xuất khẩu với tốc độ tăng trưởng cao và bền vững, làm động lực thúc đẩy tăng trưởng GDP, giải quyết việc làm và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động. Đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng có lợi thế cạnh tranh, tích cực phát triển các mặt hàng khác có tiềm năng thành những mặt hàng xuất khẩu chủ lực mới theo hướng nâng cao hiệu quả xuất khẩu. Chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu theo hướng đẩy mạnh xuất khẩu những mặt hàng có giá trị gia tăng cao; tăng sản phẩm chế biến, chế tạo, sản phẩm có hàm lượng công nghệ và chất xám cao, giảm dần tỷ trọng hàng xuất khẩu thô.

Để đạt được các mục tiêu trên, các phương hướng chính cần triển khai thực hiện là:

Thứ nhất, thực hiện đồng bộ các biện pháp nâng cao chất lượng tăng giá trị hàng hóa xuất khẩu đối với các mặt hàng truyền thống, các mặt hàng sản xuất do bị hạn chế về cơ cấu (diện tích, năng suất, thời tiết...) không có điều kiện tăng nhiều về khối lượng, trong đó đặc biệt chú ý đến các mặt hàng nông - lâm - thủy sản.

Thứ hai, tăng cường đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, chú trọng đổi mới công nghệ, thiết bị, đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng có kim ngạch lớn, có khả năng tăng trưởng cao, có đóng góp quan trọng cho việc thực hiện kế hoạch xuất khẩu cũng như giải quyết nhiều công ăn việc làm, góp phần ổn định xã hội như các sản phẩm chế biến: dệt may, giầy dép, đồ gỗ, sản phẩm nhựa, dây cáp điện... Rà soát và phát hiện các mặt hàng có khả năng sản xuất nhưng không hoặc chưa bị hạn chế về thị trường như đồ nhựa các loại, sản phẩm cơ khí và va li, túi xách, mũ, ô dù...

Thứ ba, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xúc tiến doanh nghiệp, tìm kiếm và mở rộng thị trường, đẩy mạnh đầu tư sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng có tiềm năng phát triển không bị hạn chế về khả năng sản xuất, sử dụng nhiều nguyên liệu trong nước như: hàng thủ công mỹ nghệ, sản phẩm cao su, hàng thực phẩm chế biến, hóa mỹ phẩm, sản phẩm cơ khí, dịch vụ phần mềm v.v.. Tập trung khai thác theo chiều sâu, chiều rộng đối với các thị trường xuất khẩu truyền thống, thị trường xuất khẩu trọng điểm đi đôi với việc phát triển các thị trường có chung đường biên giới với Việt Nam thông qua việc xem xét điều chỉnh những quy định không phù hợp hạn chế xuất khẩu thời gian qua.

Thư tư, vận dụng các lợi thế từ các hiệp định thương mại song phương (FTA); gắn thị trường xuất khẩu với thị trường nhập khẩu, thông qua đó đẩy mạnh xuất khẩu, giảm nhập siêu ở các thị trường hiện có mức nhập siêu lớn nhằm giảm nhập siêu của cả nước; xây dựng và thực hiện lộ trình giảm nhập siêu trong giai đoạn 2008 - 2010.

Giảm chi phí sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa, năng lực quản lý, điều hành ở cả doanh nghiệp và Nhà nước. Về phía doanh nghiệp, cần tổ chức sản xuất hợp lý, nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm. Về phía Nhà nước, chủ động rà soát và điều chỉnh những cơ chế chính sách chưa phù hợp theo hướng mở; không tăng thuế nhập khẩu các mặt hàng là đầu vào sản xuất nói chung và xuất khẩu nói riêng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tận dụng cơ hội giảm giá do suy thoái của thị trường thế giới tạo một mặt bằng chung với thị trường thế giới và kích thích sản xuất, tiêu dùng.

Hạn chế nhập khẩu, kiểm soát nhập siêu

Song song với việc triển khai giải pháp cơ bản, lâu dài là đẩy mạnh xuất khẩu thì các giải pháp hạn chế nhập khẩu, kiểm soát nhập siêu cũng là hoạt động trọng tâm của năm 2009 để bảo đảm ổn định nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu phục vụ trong nước và xuất khẩu, làm động lực thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu và GDP. Phát triển sản xuất các mặt hàng trong nước thay thế hàng nhập khẩu, tiến tới giảm thâm hụt cán cân thương mại. Để đạt được mục tiêu trên, các phương hướng chính cần triển khai thực hiện về lâu dài là:

Một là, ưu tiên nhập khẩu vật tư, thiết bị và công nghệ tiên tiến phục vụ đầu tư và sản xuất trong nước, nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa sản xuất trong nước, đẩy mạnh xuất khẩu.

Hai là, kiểm soát nhập khẩu một cách có hiệu quả thông qua chính sách thuế và các biện pháp phi thuế phù hợp với các cam kết quốc tế. Có chính sách khuyến khích đầu tư sản xuất hàng thay thế nhập khẩu, tăng cường sử dụng máy móc, vật tư, thiết bị sản xuất trong nước trong các dự án sử dụng nguồn ngân sách nhà nước, góp phần giảm nhập siêu.

Ba là, sử dụng hiệu quả các biện pháp đồng bộ như rào cản kỹ thuật, chính sách tiền tệ, chống lãng phí trong đầu tư, xây dựng cơ bản, tiêu dùng và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên trong nước. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân và doanh nghiệp sử dụng hàng Việt Nam và tiết kiệm nguyên, nhiên vật liệu trong sản xuất và tiêu dùng. Trong thời gian tới, cùng với nhiệm vụ đẩy mạnh xuất khẩu cần phải có cơ chế kiểm soát nhập siêu hiệu quả, tiến tới cải thiện cán cân thương mại và nâng cao mức dự trữ ngoại tệ nhằm duy trì sự lành mạnh của các chỉ tiêu kinh tế vi mô.

Bốn là, nâng cao năng lực dự báo, kết hợp với các cơ quan thu thập thông tin, các thương vụ Việt Nam tại nước ngoài và các hiệp hội ngành hàng đưa ra các dự báo sát tình hình, kịp thời bảo đảm công tác điều hành, kiểm soát của Chính phủ và công tác đặt kế hoạch sản xuất, kinh doanh của chính bản thân doanh nghiệp, tránh tình trạng cung cầu ảo, đầu cơ gây thiệt hại cho nền kinh tế. Tiếp tục tăng cường nâng cao và cải tiến công tác thu thập và xử lý thông tin trong nước và quốc tế, mở rộng các kênh thông tin và các cơ quan có chức năng dự báo. Đồng thời nâng cao năng lực tiếp cận thông tin của các doanh nghiệp./.