Đó là khẳng định của người phát ngôn Bộ Ngoại giao, ông Lê Dũng, tại cuộc họp báo thường kỳ tổ chức tại Hà Nội, chiều 5-2.

Tại cuộc họp báo thường kỳ tổ chức tại Hà Nội, chiều 5-2, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc ngày 2-2-2009, Hạ viện Phi-líp-pin đã thông qua dự luật HB 3216 về đường cơ sở mới của Phi-líp-pin trong đó đưa một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa và bãi cạn Scarborough vào hệ thống đường cơ sở của Phi-líp-pin. Trước đó, ngày 27-1-2009, Thượng viện Phi-líp-pin đã thông qua dự luật SB 2699 không bao gồm các đảo này trong đường cơ sở và các đảo này được quản lý theo "quy chế các đảo" của điều 121, Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển 1982, người phát ngôn Bộ Ngoại giao, ông Lê Dũng nhấn mạnh: "Quan điểm của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là rõ ràng. Việt Nam đề nghị, trong khi tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài cho các tranh chấp đối với hai quần đảo này, các bên liên quan cần tuân thủ Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 và "Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông" (DOC), không có hành động làm phức tạp thêm tình hình, góp phần duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực".

Về quan điểm của Việt Nam trước tin nói Nhật Bản sẽ sớm nối lại các khoản ODA mới cho Việt Nam, ông Lê Dũng nói: Cho đến thời điểm này, chúng tôi chưa nhận được thông tin chính thức nào từ phía Nhật Bản liên quan đến thông tin nói rằng Nhật Bản sẽ sớm nối lại ODA cho Việt Nam. Nếu đúng như vậy, đây là một tín hiệu đáng khích lệ, cho thấy kết quả của sự hợp tác chặt chẽ giữa Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản trong việc tăng cường các biện pháp phòng chống tham nhũng trong các dự án ODA của Nhật Bản tại Việt Nam. Chúng tôi hy vọng Nhật Bản sẽ sớm công bố quyết định nối lại ODA cho Việt Nam. Về sự hợp tác của hai bên, tháng 12-2008, tại cuộc họp lần thứ 2 của Ủy ban hỗn hợp Việt Nam - Nhật Bản về phòng chống tham nhũng liên quan đến ODA Nhật Bản, hai bên đã dự thảo báo cáo về các biện pháp cụ thể phòng chống tham nhũng, tăng cường hiệu quả sử dụng nguồn vốn ODA của Nhật Bản tại Việt Nam. Hiện Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản đang xem xét báo cáo này. Trong thời gian tới, sau khi các biện pháp được thông qua, chúng tôi sẽ triển khai thực hiện nhằm tăng cường phòng chống tham nhũng liên quan đến các dự án ODA tại Việt Nam và tăng cường sử dụng hiệu quả hơn nguồn vốn ODA của Nhật Bản.

Trả lời câu hỏi về thời gian tổ chức Lễ mừng công phân giới cắm mốc biên giới đất liền Việt Nam -Trung Quốc, ông Lê Dũng cho biết: Lễ mừng công hoàn thành công tác phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa Việt Nam - Trung Quốc dự kiến sẽ được tổ chức tại khu vực cửa khẩu Hữu Nghị - Hữu Nghị Quan vào cuối tháng 2-2009. Hiện Việt Nam đang phối hợp với phía Trung Quốc chuẩn bị cho sự kiện quan trọng này.

Cũng tại cuộc họp báo này, ông Lê Dũng cho biết: Từ ngày 9-2-2009, Hiệp định giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hoà Mô-dăm-bích về miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ (ký ngày 4-4-2008 tại Maputo) bắt đầu có hiệu lực.

Theo Hiệp định này, công dân mỗi bên mang hộ chiếu ngoại giao và hộ chiếu công vụ còn giá trị được miễn thị thực nhập cảnh, xuất cảnh và quá cảnh lãnh thổ bên kia với thời gian tạm trú không quá 90 ngày. Công dân mỗi bên là thành viên Cơ quan đại diện ngoại giao hoặc Cơ quan lãnh sự trên lãnh thổ bên kia và thành viên gia đình họ, mang hộ chiếu ngoại giao hoặc hộ chiếu công vụ còn giá trị, được miễn thị thực nhập cảnh, xuất cảnh và được tạm trú trên lãnh thổ bên kia trong suốt nhiệm kỳ công tác. Trong vòng 90 ngày kể từ ngày nhập cảnh, những người này phải hoàn tất các thủ tục đăng ký tạm trú cần thiết tại cơ quan có thẩm quyền của nước sở tại./.