Nỗ lực vượt qua khác biệt đối với một loạt vấn đề toàn cầu tại Hội nghị thượng đỉnh G20
Tham dự hội nghị, bên cạnh các nước thành viên còn có các nhà lãnh đạo của Hà Lan, Na Uy, Tây Ban nha, Guinea, Senegal, Singapore và Việt Nam, đại diện một số tổ chức quốc tế. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị.
Được thành lập vào năm 1999, G20 là diễn đàn hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực kinh tế và tài chính và hiện chiếm hơn 80% Tổng sản lượng thế giới và 75% thương mại toàn cầu. G20 bao gồm 19 quốc gia thành viên và EU.
Những trọng tâm của chương trình nghị sự
Hội nghị sẽ có 5 phiên thảo luận gồm các vấn đề liên quan đến kinh tế thế giới (tăng trưởng kinh tế thế giới, tăng cường liên kết thương mại và đầu tư, tài chính và thuế); hợp tác chống biến đổi khí hậu, thực hiện các cam kết cắt giảm khí thải và năng lượng; y tế và chống dịch bệnh; các vấn đề phát triển, châu Phi và phụ nữ; vấn đề việc làm trong nền kinh tế số hóa dưới tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Thương mại tự do đã trở thành vấn đề được dư luận hết sức quan tâm kể từ khi Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và kêu gọi giải quyết vấn đề mất cân bằng thương mại. Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump thúc đẩy chính sách "Nước Mỹ trên hết" đã làm nảy sinh bất đồng giữa Washington với nhiều nước, ngay cả những nước vốn là đồng minh thân cận của Mỹ. Do đó, tại hội nghị này, các nhà lãnh đạo G20 sẽ phải nỗ lực tìm ra tiếng nói chung trong vấn đề thương mại tự do, đặc biệt sau khi các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng của nhóm nhất trí chống lại "mọi hình thức của chủ nghĩa bảo hộ" trong tuyên bố chung đưa ra hồi tháng 3.
Một vấn đề khác được cho là cũng sẽ làm nảy sinh bất đồng giữa các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 là biến đổi khí hậu, nhất là sau khi Mỹ quyết định rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015. Ngay trước khi diễn ra hội nghị, Thủ tướng Đức Angela Merkel (An-giê-la Méc-ken) cảnh báo Mỹ sẽ bị cô lập trong vấn đề chống biến đổi khí hậu bởi một thực tế rằng trong khi Washington quyết định rút khỏi Hiệp định Paris năm 2015 thì nhiều nước đang mong muốn triển khai thực thi thỏa thuận mang tính toàn cầu này. Thủ tướng Đức khẳng định các cuộc thương lượng về vấn đề chống biến đổi khí hậu sẽ "không dễ dàng" đối với ông Donald Trump.
Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo G20 cũng sẽ thảo luận việc Triều Tiên phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (IBMC) hồi đầu tuần. Tại cuộc gặp 3 bên trước hội nghị, các nhà lãnh đạo Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đã nhất trí gia tăng sức ép lên Triều Tiên, đồng thời kêu gọi Trung Quốc đóng vai trò lớn hơn trong việc kiềm chế tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng cũng như nhấn mạnh vai trò quan trọng của Nga trong các nỗ lực phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên. Các lãnh đạo 3 nước trên cũng cho biết sẽ đi đầu trong các nỗ lực nhằm gửi một thông điệp mạnh mẽ của G20 tới Bình Nhưỡng.
Ngoài ra, các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 cũng sẽ thảo luận nhiều vấn đề "nóng" khác của thế giới, trong đó có người di cư, đầu tư tại châu Phi, số hóa và trao quyền cho phụ nữ.
Ngay trước thềm hội nghị, lãnh đạo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã nhất trí kêu gọi các nền kinh tế thành viên G20 hành động để khôi phục thương mại, cho rằng "tăng cường hội nhập thương mại kết hợp với các chính sách hỗ trợ trong nước có thể giúp tăng thu nhập và đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng toàn cầu". Theo các nhà lãnh đạo của 3 thể chế quốc tế trên, tiến độ mở cửa thương mại đã bị đình trệ kể từ đầu những năm 2000, với quá nhiều vấn đề thương mại còn tồn tại, cũng như các chính sách ủng hộ ngành công nghiệp trong nước và các rào cản mới được tạo ra. Do đó, các nước cần loại bỏ các rào cản thương mại, giảm trợ cấp và các biện pháp bóp méo thương mại khác, cũng như cần đưa ra các chính sách trợ giúp những người lao động và các cộng đồng bị ảnh hưởng tiêu cực bởi những thay đổi về cơ cấu kinh tế, như hỗ trợ tìm kiếm việc làm, đào tạo bổ túc và hướng nghiệp.
Những bất đồng trong ngày làm việc đầu tiên
Trong ngày làm việc đầu tiên, nhiều vấn đề nóng như tự do hóa thương mại, biến đổi khí hậu, vấn đề hạt Triều Tiên, khủng hoảng Syria… đã được đưa ra thảo luận tại phiên họp chính thức và các cuộc gặp thượng đỉnh bên lề. Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định nhưng các cuộc trao đổi cho thấy còn tồn tại những bất đồng và hội nghị diễn ra trong bầu không khí căng thẳng giữa các bên.
Vấn đề nổi bật được quan tâm là tự do hóa thương mại trong bối cảnh chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có những tuyên bố và biện pháp ủng hộ bảo hộ mậu dịch. Tại Hội nghị thượng đỉnh G20 lần này, ngoại trừ Mỹ, 19 nước thành viên đã khẳng định ủng hộ tự do thương mại, trong đó cam kết tăng cường hợp tác, sử dụng đồng bộ các chính sách tài khóa, tiền tệ, cải cách cơ cấu, chống chủ nghĩa bảo hộ nhằm bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô toàn cầu, thúc đẩy tăng trưởng.
Đối với vấn đề chống biến đổi khí hậu, Hội nghị kêu gọi tăng cường hợp tác triển khai phát triển bền vững; cắt giảm khí thải thông qua nghiên cứu, phát triển năng lượng sạch, sử dụng năng lượng hiệu quả… Bất chấp quyết định của Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về chống biển đổi khí hậu, Hội nghị đã ghi nhận và nhấn mạnh các thành viên khác trong G20 tiếp tục thực hiện các cam kết theo thỏa thuận.
Việc các nhà lãnh đạo G20 gặp khó khăn trong nỗ lực tìm kiếm tiếng nói chung trên các lĩnh vực tự do hóa thương mại và chống biến đổi khí hậu trong ngày làm việc đầu tiên của Hội nghị Thượng đỉnh G20 cho thấy, thế giới đang tồn tại những bất đồng sâu sắc và điều này ảnh hưởng đến vai trò liên kết các nền kinh tế của G20, cũng như mục tiêu "định hình một thế giới kết nối" mà nước Đức đã đề ra nhiệm kỳ làm Chủ tịch G20 năm nay.
Điểm tích cực trong ngày làm việc đầu tiên là các nước đã ra tuyên bố chung nhất trí đẩy mạnh các nỗ lực ngăn chặn tài trợ khủng bố.
Tuyên bố chung của các nước G20 lên án mạnh mẽ việc tài trợ cho chủ nghĩa khủng bố, đồng thời cam kết hành động để ngăn chặn nguồn tài chính của các nhóm và tổ chức trái pháp luật. Một trong những giải pháp được nêu ra là hỗ trợ hệ thống tài chính quốc tế chống lại việc tài trợ cho khủng bố và tăng cường hợp tác quốc tế cũng như trao đổi thông tin về lĩnh vực này. Các nước G20 cũng hối thúc các nước ủng hộ Lực lượng đặc nhiệm hành động tài chính (FATF), một tổ chức quốc tế gồm 37 quốc gia thành viên, trong việc ngăn chặn hiệu quả các nguồn tài trợ cho khủng bố.
Theo giới quan sát, tuyên bố chung về ngăn chặn tài trợ khủng bố là sự đồng thuận hiếm hoi đạt được tại Hội nghị thượng đỉnh G20 lần này trong bối cảnh Mỹ và các nước ngày càng chia rẽ về các vấn đề như thương mại tự do và chống biến đổi khí hậu toàn cầu. Hãng tin AFP còn bình luận Hội nghị thượng đỉnh G20 năm nay, vốn là một sự kiện ngoại giao thường niên, đã trở thành một trong những hội nghị "bão táp" nhất trong lịch sử của G20.
Tìm kiếm thỏa hiệp về thương mại, chống biến đổi khí hậu
Ngày 08-7, tiếp tục chương trình nghị sự, các nhà lãnh đạo đã đạt được sự thỏa hiệp về lĩnh vực thương mại.
Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo thế giới đã bước đầu tìm được sự đồng thuận trong việc giải quyết những vấn đề liên quan đến thương mại, bao gồm tự do thương mại và chủ nghĩa bảo hộ, điều mà Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục theo đuổi tại hội nghị này. Các nhà lãnh đạo G20 dự kiến sẽ tiếp tục đấu tranh chống chủ nghĩa bảo hộ, trong đó có thương mại thiếu công bằng, nhưng mặt khác cũng dành sự tôn trọng đối với vai trò của các biện pháp tự vệ hợp pháp trong thương mại.
Mặc dù tìm được tiếng nói chung trong lĩnh vực thương mại, song lãnh đạo các nước G20 vẫn tiếp tục bất đồng trong việc chống biến đổi khí hậu khi Tổng thống Mỹ D. Trump cương quyết không thay đổi quan điểm trong việc rút khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu.
Đến cuối ngày làm việc thứ hai của Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), lãnh đạo các nước mới đạt được thỏa thuận về nội dung chống biến đổi khí hậu trong tuyên bố chung cuối cùng của hội nghị bất chấp những thông tin tiêu cực về việc các bên không vượt qua được bất đồng.
Trong tuyên bố chung sau hội nghị, các nước nhất trí "lưu ý" tới quyết định rút khỏi Hiệp định Paris 2015 về chống biến đổi khí hậu của Mỹ. Theo tuyên bố, Washington cam kết sẽ "hợp tác chặt chẽ để hỗ trợ các nước khác được tiếp cận và sử dụng nhiên liệu hóa thạch hiệu quả và thân thiện với môi trường hơn", cũng như hỗ trợ triển khai các nguồn năng lượng sạch và tái tạo khác.
Tuyên bố chung nhấn mạnh nội dung thương mại và biến đổi khí hậu
Ngày 08-7, bế mạc Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới, các nước đã ra tuyên bố chung thể hiện tiếng nói đồng thuận trong các nội dung quan trọng bao gồm thương mại và biến đổi khí hậu.
Trong tuyên bố cuối cùng được lãnh đạo 20 nền kinh tế thành viên nhất trí, 19 thành viên của G20 công nhận quyết định của Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris 2015 về chống biến đổi khí hậu. Trong khi đó, Mỹ cam kết sẽ "hợp tác chặt chẽ để hỗ trợ các nước khác được tiếp cận và sử dụng nhiên liệu hóa thạch hiệu quả và thân thiện với môi trường hơn", cũng như hỗ trợ triển khai các nguồn năng lượng sạch và tái tạo khác.
Đối với vấn đề thương mại, các nhà lãnh đạo cam kết sẽ tiếp tục đấu tranh chống chủ nghĩa bảo hộ, trong đó có thương mại thiếu công bằng, nhưng mặt khác cũng dành sự tôn trọng đối với vai trò của các công cụ phòng vệ hợp pháp trong thương mại.
Giới quan sát nhận định tuyên bố chung của G20 là một thắng lợi đối với Tổng thống Mỹ Donald Trump, mở đường cho người đứng đầu Nhà Trắng theo đuổi các chủ trương về thúc đẩy việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch và bảo hộ các doanh nghiệp trong nước trước sự cạnh tranh của các đối thủ nước ngoài. Đồng thời, tuyên bố này cũng mở cửa cho các nước tiếp tục sử dụng nhiên liệu hóa thạch, vốn bị cho là nguyên nhân gây ấm lên toàn cầu.
Trước đó, trong ngày làm việc đầu tiên, các nước đã ra tuyên bố chung nhất trí đẩy mạnh các nỗ lực ngăn chặn tài trợ khủng bố. Tuyên bố chung của các nước G20 lên án mạnh mẽ việc tài trợ cho chủ nghĩa khủng bố, đồng thời cam kết hành động để ngăn chặn nguồn tài chính của các nhóm và tổ chức trái pháp luật./.
Thủ tướng gặp gỡ lãnh đạo nhiều nước, Liên minh châu Âu và WHO  (08/07/2017)
Chủ tịch Quốc hội Lào Pany Yathotou kết thúc chuyến thăm Việt Nam  (08/07/2017)
Báo chí Đức đánh giá cao uy tín, thành tựu phát triển của Việt Nam  (08/07/2017)
Việt Nam đánh giá cao việc thông qua Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân  (08/07/2017)
Hội nghị G20: WB triển khai chương trình hỗ trợ nữ doanh nhân  (08/07/2017)
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên