Xây dựng đội ngũ doanh nhân thời kỳ hội nhập quốc tế

Dương Thị Liễu PGS, TS. Đại học Kinh tế quốc dân
23:14, ngày 22-11-2016

TCCSĐT - Trong nền kinh tế Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng, vị trí và vai trò của doanh nhân được ví như những người lính của thời bình, người chiến sĩ xung kích trên mặt trận kinh tế, là lực lượng chủ đạo góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh. Tuy nhiên, tham gia vào sân chơi hội nhập cả trên sân nhà và quốc tế, đội ngũ doanh nhân Việt Nam hiện nay “đông nhưng chưa mạnh”, chưa thể hiện sức mạnh tổng hợp khi tham gia thị trường nước ngoài. Việc cấp bách là phải tạo ra được thế hệ doanh nhân hội nhập có khát vọng chinh phục và năng lực cạnh tranh tốt trong môi trường kinh doanh hội nhập toàn cầu.

Doanh nhân Việt Nam - Những chiến sĩ thời bình

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến đội ngũ doanh nhân Việt Nam. Ngay sau ngày đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Bác đã có cuộc gặp mặt với giới công thương Hà Nội. Ngày 13-10-1945, Bác viết thư kêu gọi giới doanh nhân ủng hộ tài chính cho chính quyền cách mạng non trẻ của nước ta và họ đã nhiệt tình tham gia. Nối tiếp tư tưởng của Bác, đồng thời nhận thức được tầm quan trọng của doanh nhân đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, Chính phủ đã quyết định lấy ngày 13-10 là Ngày Doanh nhân Việt Nam. Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế” đã được ban hành, trong đó, lần đầu tiên trong lịch sử Đảng ta công nhận “doanh nhân là một đội ngũ”. Tiếp đó, Hiến pháp năm 2013 cũng đã hiến định vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam thể hiện sự quan tâm, ghi nhận và đánh giá cao của Đảng, Nhà nước đối với lực lượng này. Điều đó đã tạo thêm niềm tin và sức mạnh cho cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam tiếp tục trụ vững, vượt qua khó khăn, trở ngại đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Nhìn lại lịch sử, cách đây 70 năm, giới công thương Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng cho nền tài chính nước nhà. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, trong thời bình, tầng lớp doanh nhân ngày nay tiếp tục phát huy truyền thống “ích quốc lợi dân” thể hiện rõ vai trò tiên phong của mình.

Cùng với công cuộc đổi mới đất nước, Luật Doanh nghiệp đi vào cuộc sống đã mở đường cho hàng nghìn doanh nghiệp ra đời trong sự ủng hộ mạnh mẽ của toàn xã hội. Cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân đã trở thành trụ cột của nền kinh tế, là lực lượng chủ lực đi đầu thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Đội ngũ doanh nhân có mặt ở mọi lĩnh vực trong cuộc sống như sản xuất nông nghiệp, dịch vụ, các sản phẩm công nghiệp, mang lại nguồn lợi lớn cho nền kinh tế của đất nước. Các doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân Việt Nam ngày càng trưởng thành, lớn mạnh về mọi mặt, từng bước nâng cao uy tín, thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp, khẳng định vị trí, vai trò to lớn của mình trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước. Bên cạnh việc đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp, doanh nhân còn tích cực tham gia các chương trình hoạt động xã hội như đền ơn đáp nghĩa, xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, đóng góp các quỹ nhân đạo, từ thiện…, góp phần quan trọng bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Những năm qua, cộng đồng doanh nghiệp đã nỗ lực, cố gắng vượt qua nhiều khó khăn, thử thách để vươn đến những thành công, mở rộng sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế - xã hội của đất nước và tham gia tích cực vào các hoạt động từ thiện.

Mỗi năm, ở nước ta có gần 80 nghìn doanh nghiệp ra đời. Hiện nay, cả nước đã có trên 600 nghìn doanh nghiệp và hàng triệu hộ kinh doanh cá thể, trên 130 nghìn hợp tác xã và trang trại. Nếu chỉ tính mỗi doanh nghiệp có từ 2 - 3 doanh nhân và mỗi hộ kinh doanh cá thể và trang trại có 1 doanh nhân thì cả nước đã có khoảng trên 2 triệu doanh nhân. Sau 30 năm đổi mới, quy mô nền kinh tế đã tăng 30 lần, từ một nước nhập khẩu là chủ yếu, sau 20 năm, xuất khẩu của Việt Nam đã tăng 30 lần, từ chỗ 60% dân số sống trong nghèo đói, đến nay, con số này giảm xuống chỉ còn khoảng 10%. Sự hồi sinh và phát triển của đội ngũ doanh nhân trong lòng dân tộc là một trong những thành quả quan trọng nhất của công cuộc đổi mới ở nước ta những năm qua.

Đội ngũ doanh nhân tự hào là đội quân xung kích góp phần đưa Việt Nam từ một nước nghèo trở thành một nước có thu nhập trung bình trên thế giới. Trong nền kinh tế Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng, vị trí và vai trò của doanh nhân được ví như những người lính của thời bình, người chiến sĩ xung kích trên mặt trận hội nhập, là lực lượng quan trọng góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh.

Bản lĩnh doanh nhân Việt Nam thời hội nhập

Từ thế hệ “Doanh nhân Đổi mới”

Trong 30 năm đổi mới của đất nước cũng là thời kỳ chứng kiến sự ra đời và trưởng thành của một lớp doanh nhân dũng cảm, dám “bung ra” làm kinh doanh. Có thể gọi là thế hệ “Doanh nhân Đổi mới”. Bằng nỗ lực thoát nghèo và đam mê làm giàu, họ đã cùng xã hội tạo nên một bước chuyển đổi mang tính lịch sử. Nhưng cũng trong giai đoạn trở mình đó, thị trường sơ khai của Việt Nam đã quá dễ dãi cho những người làm kinh doanh, một bộ phận không nhỏ “nhanh tay, nhanh mắt” kiếm được lợi nhuận lớn và giàu lên nhanh chóng, mục tiêu làm giàu cho bản thân đã lớn hơn việc làm giàu cho đất nước. Họ dựa vào lợi thế có sẵn: khai thác tài nguyên, chênh lệch địa tô, lao động giá rẻ,… không cần nhiều sáng tạo, cũng không cần đem đến những giá trị mới cho người tiêu dùng. Rất nhiều trong số những người được gọi là “Doanh nhân” đã giàu lên theo cách đó. Vì thế mà chúng ta có một đội ngũ doanh nhân “đông” nhưng “yếu”, hùng hậu về số lượng nhưng lại nghèo nàn về sự sáng tạo. Khi cơn bão suy thoái ập đến, năng lực thực lộ ra, không ít người làm kinh doanh không thể che giấu được mình và cách làm ăn của mình được nữa, tất cả lung lay như một điều không thể nào khác được. Hằng ngày, con số doanh nghiệp phá sản liên tục được đưa ra, cuộc khủng hoảng này như một cuộc “thanh lọc” doanh nhân và doanh nghiệp, đây thực sự là một cuộc “thanh lọc” khắc nghiệt, nhưng không phải là không cần thiết.

Đến thế hệ “Doanh nhân Hội nhập

Bước vào hội nhập, số doanh nghiệp phát triển bùng nổ trong thời kỳ đổi mới 1996 - 2006 đã phải đóng cửa rất nhiều do không đủ năng lực cho cuộc chơi lớn. Đội ngũ trụ lại đa phần có quy mô ngày càng nhỏ dần. Trong khi doanh nghiệp Việt yếu đi thì dòng đầu tư nước ngoài vào tiếp tục phát triển mạnh. Sân nhà bị doanh nghiệp nước ngoài lấn lướt cả thị trường lẫn thương hiệu, khó khăn với doanh nghiệp Việt ngày càng nặng nề. Cuộc cạnh tranh này có thể coi như cuộc chiến kinh tế, một bên quá yếu, một bên quá mạnh. Số doanh nhân giữ được khí thế làm ăn xưa kia không thiếu, nhưng số dám và biết cách tham gia cuộc chơi hội nhập rất ít. Trong hội nhập, đội ngũ doanh nhân Việt Nam đang phải chịu những sức ép lớn cả ở trong lẫn ngoài nước.

Một đất nước không có đội ngũ doanh nhân giỏi, không có năng lực hội nhập và hội nhập thành công, đất nước đó sẽ thất bại trong phát triển kinh tế. Sự thành bại của một nền kinh tế trong hội nhập có vai trò rất lớn của đội ngũ doanh nhân. Đội ngũ doanh nhân Việt Nam tự hào là đội quân xung kích góp phần đưa Việt Nam từ một nước nghèo trở thành một nước có thu nhập trung bình trên thế giới. Tuy nhiên, quá trình hội nhập trong thời gian tới đây sẽ là những trận tuyến mới đầy cam go và thách thức đối với cộng đồng doanh nghiệp. Hơn 600 triệu dân trong Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) đã chuyển động, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang đến gần, nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực… Nếu không chuẩn bị tốt, doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam có thể thua ngay trên “sân nhà”. TPP và các hiệp định thương mại tự do sẽ là trận tuyến mới của các doanh nghiệp, doanh nhân, khi phải cạnh tranh với những nền kinh tế hàng đầu thế giới, trên một sân chơi bình đẳng.

Chiến thắng nghèo nàn, lạc hậu và góp phần đưa đất nước trở nên giàu có là sứ mệnh của doanh nhân. Tuy nhiên, để hoàn thành sứ mệnh của mình, đội ngũ doanh nhân Việt Nam cần phải được xốc lại để vươn tới những chuẩn mực toàn cầu, để có thể cạnh tranh thắng lợi. Thế hệ Doanh nhân hội nhập cần có bản lĩnh vững vàng, tính quyết đoán, nếu không sẽ đánh mất cơ hội.

Khi đất nước ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, vai trò và trách nhiệm của doanh nhân Việt Nam lại càng to lớn hơn. Chính doanh nghiệp và doanh nhân là nhân tố quan trọng góp phần nâng cao vị thế của nền kinh tế Việt Nam trong môi trường hội nhập. Và đây chính là lúc bản lĩnh doanh nhân phải được thể hiện hơn bao giờ hết.

Doanh nhân Việt Nam cần chuẩn bị gì để hội nhập?

Trong thời gian tới, Doanh nhân Việt Nam cần chuẩn bị đầy đủ cả về trí tuệ, năng lực, phẩm chất để hội nhập thành công.

Một là, hun đúc tinh thần doanh nhân, tinh thần khởi nghiệp, khát vọng chinh phục.

Tinh thần doanh nhân thể hiện ở thái độ dám chấp nhận rủi ro, có đầu óc sáng tạo, có tính độc lập, có bản lĩnh và quyết đoán, không cam chịu số phận và luôn muốn thay đổi hoàn cảnh. Chỉ thông qua giáo dục và giáo dục thường xuyên tinh thần doanh nhân thì mới hy vọng có được đội ngũ doanh nhân trẻ, sáng tạo, có phong cách ứng xử quốc tế, nhưng vẫn giữ được tính truyền thống và văn hóa của cha ông, cũng như có tinh thần vì cộng đồng.

Bài học của I-xra-en, một đất nước nhỏ bé, đất đai cằn cỗi, vốn duy nhất là con người. Năng lượng sống của người I-xra-en là tinh thần làm việc sáng tạo, hướng đến sự sáng tạo, luôn sẵn sàng mạo hiểm và tự làm mới bản thân. Đây chính là tinh thần khởi nghiệp của một quốc gia khởi nghiệp: cứ 1.844 người I-xra-en thì có một doanh nghiệp, chủ yếu là doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực công nghệ và đầu tư mạo hiểm,... là gợi ý cho tư duy quốc gia khởi nghiệp. Việt Nam cần có chương trình quốc gia về khởi nghiệp để thúc đẩy khát vọng kinh doanh, khát vọng chinh phục của doanh nhân Việt. Khởi nghiệp thành công sẽ góp phần phát triển đội ngũ doanh nhân ngày càng lớn mạnh, tạo nên sức sống mới cho nền kinh tế. Đồng thời, cần xây dựng và triển khai thực hiện chương trình quốc gia về đào tạo doanh nhân, từng bước tiếp cận chuẩn mực quốc tế để rèn luyện một thế hệ doanh nhân “nòi” cho tương lai.

Hai là, có tư duy hội nhập, biết chơi “luật chơi” chung.

Để hội nhập một cách chủ động, tận dụng được cơ hội, hạn chế bớt những khó khăn, doanh nhân Việt Nam phải có tư duy hội nhập. Sứ mệnh của doanh nhân Việt Nam thì đã rõ, nhưng nếu vẫn loay hoay và mơ hồ trong những tư duy làm kinh doanh kiểu cũ thì cũng không thể đi được xa. Từ tư duy của thời bao cấp chuyển sang tư duy của một nền kinh tế mở cửa cho đến tư duy thời hội nhập là một quá trình đầy khó khăn và thách thức. Doanh nghiệp, doanh nhân cần tìm hiểu các vấn đề về phát triển và hội nhập, thường xuyên trau dồi kiến thức, phải trang bị cho mình kiến thức cơ bản về thương mại quốc tế, nắm bắt thông tin (tự học, sử dụng chuyên gia, tư vấn ngoài doanh nghiệp). Để hình thành tư duy hội nhập thì cùng với sự hỗ trợ, định hướng thông tin từ phía cơ quan quản lý nhà nước, hơn bao giờ hết, chính doanh nghiệp, doanh nhân phải chủ động.

Việt Nam hội nhập toàn diện với thế giới trong bối cảnh “luật chơi toàn cầu” càng ngày càng chi phối nền kinh tế quốc gia. Hội nhập là “luật chơi”, chứ không đơn thuần chỉ là một “sân chơi”. Không thể tham gia một “cuộc chơi” mà không hiểu gì hoặc lơ mơ về luật của cuộc chơi đó. Để đặt chân vào thị trường mới, phải nhận biết và chấp nhận “luật chơi”. Muốn biết được “luật chơi” thì các doanh nghiệp Việt Nam phải tìm hiểu về luật pháp, thị hiếu và những quy định của thị trường. Các doanh nhân phải học hỏi, hiểu các quy định của WTO, của TPP, của các cam kết khu vực và hệ thống luật phức tạp ở các nước. “Luật chơi toàn cầu” khác xa với “luật chơi” trong nước, doanh nhân cần từ bỏ tư duy ỷ lại vào bảo hộ và bao cấp, ưu đãi của Nhà nước, dựa dẫm vào quan hệ thân quen, từ bỏ những thói quen không phù hợp (“đi cửa sau”, tù mù, làm hàng nhái, hàng giả…) và phải chấp nhận cạnh tranh và quy luật đào thải của thị trường.

Ba là, đồng thuận, cùng nhau hành động, liên kết sức mạnh doanh nhân trong - ngoài nước.

Ở các nước phát triển, doanh nhân kết lại với nhau thành từng giới (dệt may, nghề cá, ngân hàng…). Họ gây ảnh hưởng, vận động hành lang với các dân biểu, nghị sĩ để có các chính sách kinh tế, chính trị có lợi cho mình. Doanh nhân của ta chỉ mạnh khi phải đối phó với một trở ngại chung, thấy trước mắt và thường bắt nguồn từ bên ngoài. Vì chưa kết chặt thành một giới nên các doanh nghiệp cùng ngành dễ vô tình hại nhau (ví dụ, khi phải cạnh tranh, một người trong ngành bèn hạ giá hàng bán cho khách nước ngoài).

Thực tế, nhiều doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam vẫn thích làm ăn riêng lẻ, kể cả khởi nghiệp riêng lẻ nên dễ thất bại. Khi cùng hợp tác, cùng làm với nhau, lợi thế của mỗi doanh nghiệp sẽ được phát huy, rủi ro cũng giảm xuống nhờ chia sẻ cùng nhau. Để hội nhập thành công, bản thân mỗi doanh nghiệp không thể cứ thụ động ngồi chờ, mà phải hợp tác với nhau cùng nắm bắt cơ hội. Thực tế đội ngũ doanh nhân Việt Nam hiện nay “đông nhưng chưa mạnh”, chưa thể hiện sức mạnh tổng hợp khi tham gia thị trường nước ngoài. Nếu các doanh nghiệp, doanh nhân trong nước không đoàn kết, xóa bỏ lối kinh doanh “bóc ngắn, cắn dài”, sẽ không thể phát huy lợi thế cạnh tranh, dẫn đến bị các doanh nghiệp nước ngoài lấn át, thâu tóm. Nếu “đơn thương độc mã”, doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam chắc chắn sẽ thúc thủ trước những thế lực kinh doanh xuyên quốc gia, giàu quyền lực.

Chúng ta đang có hơn 4,5 triệu người Việt Nam đang sinh sống, làm việc, học tập tại nước ngoài với lợi thế thông thạo ngôn ngữ, hiểu rõ về nhu cầu, thói quen, tập quán văn hóa của người dân nước sở tại. Nếu tận dụng được nguồn lực kiều bào này thì việc mở rộng thị trường, tìm kiếm đối tác để xuất khẩu hàng Việt Nam ra nước ngoài sẽ được cải thiện hơn.

Bốn là, cần “bà đỡ” để phát huy sức mạnh.

Để phát huy hơn nữa sức mạnh và vai trò làm giàu cho đất nước của doanh nhân thời hội nhập thì rất cần một môi trường kinh doanh và hành lang pháp lý thông thoáng nhưng quan trọng hơn cả vẫn là vai trò “bà đỡ” của Nhà nước. Trong bối cảnh hội nhập ngày càng mạnh mẽ, điều quan trọng là Nhà nước cần song hành với doanh nghiệp, doanh nhân để tìm ra được con đường phát triển, tận dụng cơ hội trong nước và cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do. Nhà nước cần có lộ trình rõ doanh nghiệp được hỗ trợ gì, đồng thời có định hướng phát triển ra sao để từ đó, doanh nghiệp có sức phát triển mạnh mẽ vươn lên hơn nữa và quyết liệt hơn nữa trong hội nhập.

Đến nay, cơ chế, chính sách hiện hành vẫn chưa đủ động lực để tạo sức bật cho doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu, đặc biệt trước thềm tham gia Hiệp định TPP và các FTA song phương với các đối tác lớn. Doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam vẫn đang gặp nhiều vướng mắc về thủ tục hành chính, quy hoạch, thuế, công nghệ… Cần phải đẩy nhanh tiến trình cải cách thể chế kinh tế theo thông lệ quốc tế, phù hợp với các cam kết quốc tế để có thể tiếp cận nhanh với các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã và đang tham gia ký kết. Cụ thể, cần có cơ chế, chính sách thông thoáng, lâu dài, tạo sự an tâm cho doanh nghiệp, doanh nhân đặc biệt chính sách về tài chính, lãi suất. Tạo hành lang pháp lý giúp doanh nhân yên tâm tập trung đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, đổi mới công nghệ, tạo điều kiện, môi trường thuận lợi cho việc liên doanh, liên kết, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước.

Song song với việc hoàn thiện thể chế kinh tế, Nhà nước cần có chính sách đặc biệt hậu thuẫn cho những doanh nhân có ý chí, khát vọng và năng lực hội nhập để họ hội nhập thành công và phát triển bền vững. Qua đó, tạo niềm tin và cảm hứng khởi nghiệp cho cộng đồng doanh nghiệp và thế hệ trẻ noi theo.

Với những chuẩn bị kỹ lưỡng đầy đủ và đồng bộ, cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân Việt Nam sẽ có bước phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, xứng đáng với vai trò là “người lính” trong thời bình. Thế hệ doanh nhân hội nhập với tinh thần khát vọng vì một dân tộc Việt Nam giàu mạnh, sẽ trở thành những tấm gương thành công truyền cảm hứng cho lớp thế hệ thanh niên Việt Nam thời kỳ đổi mới./.