Nông dân Việt Nam đang "hoa mắt" với hơn 10.000 loại phân bón
Sáng 15-11, các đại biểu Quốc hội bắt đầu phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn với Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh.
Vấn đề hàng giả, hàng kém chất lượng, đặc biệt là phân bón giả là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm, đặt câu hỏi trong phiên chất vấn.
Trả lời chất vấn của đại biểu Võ Đình Tín (Đắk Nông) về vấn đề này, Bộ trưởng cho rằng có vấn đề rất lớn liên quan đến quản lý nhà nước về thị trường phân bón. Hiện nay, thị trường phân bón ở Việt Nam có sự phân khúc và chia đôi trong công tác quản lý. Quản lý phân bón vô cơ giao cho Bộ Công Thương; phân bón hữu cơ giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý bao gồm từ cấp phép sản xuất, sản xuất, rồi sau đó hợp quy, công bố hợp quy và quản lý kinh doanh.
Theo Bộ trưởng, với việc hai Bộ cùng tham gia quản lý phân bón dẫn đến tình trạng chồng chéo.
Bộ trưởng cũng nêu lên một thực tế là Việt Nam đang tồn tại quá nhiều loại phân bón. Riêng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có hơn 5.000 hợp quy dành cho các loại phân bón hữu cơ và Bộ Công Thương có hơn 5700 hợp quy khác dành cho các phân bón vô cơ.
"Vì vậy dẫn đến tình trạng trên thực tế ở thị trường, các loại phân bón có rất nhiều, trong khi cơ quan quản lý nhà nước không có đủ nguồn lực để kiểm soát chất lượng, hàm lượng, định lượng của những sản phẩm phân bón này..."- Bộ trưởng nêu.
Để khắc phục điều này, Bộ trưởng cho biết Bộ Công Thương cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có nhiều đợt phối hợp làm việc.
Mới đây nhất, hai bộ báo cáo đề xuất Chính phủ xem xét giao trách nhiệm quản lý về thị trường phân bón và các mặt hàng phân bón cho một cơ quan duy nhất đồng thời, các bộ, ngành liên quan phải phối hợp tổ chức lại thị trường phân bón theo hướng giới hạn các loại mặt hàng phân bón được sản xuất kinh doanh.
Bộ trưởng dẫn ví dụ Thái Lan có nền nông nghiệp phát triển cũng chỉ có hơn 100 loại phân bón được quy hoạch. Bộ trưởng nêu, phải tăng cường hơn nữa hiệu lực quản lý nhà nước, đặc biệt là các lực lượng như quản lý thị trường, bộ đội biên phòng, công an kinh tế… để đấu tranh chống phân bón giả, chống phân bón kém phẩm chất, phân bón lậu.
Cơ quan chức năng phải sớm xây dựng, hoàn thiện các thủ tục pháp lý, đặc biệt là hệ thống quy chuẩn quốc gia cũng như các tiêu chuẩn để thống nhất quản lý nhà nước trong phân bón, tạo điều kiện để ngành sản xuất phân bón phát triển một cách bền vững về chất lượng, đáp ứng yêu cầu về môi trường, phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.
Bộ trưởng cho biết thêm, Bộ Công Thương đang xây dựng và khẩn trương hoàn chỉnh để có thể trong đầu năm 2017 sẽ gửi Bộ Khoa học và Công nghệ để thông qua hệ thống 16 bộ quy chuẩn quốc gia cho các loại phân bón, qua đó thống nhất về vấn đề này. Cùng với đó, Bộ trưởng cho biết còn rất nhiều việc khác rất cần sự phân cấp và vai trò của chính quyền địa phương trong việc phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước để quản lý tận gốc các hoạt động sản xuất kinh doanh phân bón.
"Cần có sự quản lý tận gốc để không cho những cơ sở nhỏ lẻ cũng như những cơ sở có dấu hiệu gian lận, sản xuất kinh doanh những sản phẩm phân bón giả, kém phẩm chất gây thiệt hại cho nền kinh tế và người tiêu dùng."- Bộ trưởng nêu.
Cùng vấn đề quan tâm, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cho rằng, thiệt hại mà phân bón giả và kém chất lượng gây ra cho hơn 60 triệu nông dân là rất lớn.
Đại biểu nêu câu hỏi: Trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ về vấn đề này như thế nào?
Về vấn đề này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, ngoài những tồn tại, vướng mắc do sự chồng lấn và giao thoa giữa hai Bộ: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về phân bón vô cơ và hữu cơ, trên thực tế đã có những tồn tại, sai phạm trong hoạt động sản xuất và kinh doanh phân bón, cụ thể là các mặt hàng phân bón giả, kém phẩm chất.
Về vai trò quản lý Nhà nước trong việc chỉ định các tổ chức xác nhận và công bố hợp quy các sản phẩm phân bón, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ động tổ chức thanh tra, phát hiện những sai phạm.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nêu rõ, sau khi có những thông tin Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức thanh tra hoạt động chỉ định các tổ chức xác nhận phân bón, đồng thời tiếp thu những thông tin qua các phương tiện thông tin đại chúng và từ thực tế công tác tổ chức kiểm tra hoạt động của cơ quan chức năng, Bộ Công Thương đã tổ chức kiểm tra hai đợt trong tháng 5 và tháng 6-2016, phát hiện hai tổ chức xác nhận sai phạm hoạt động về chứng nhận.
Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành quyết định rút giấy phép của các tổ chức đó; yêu cầu các đơn vị chức năng phối hợp, xử lý hậu quả gây ra. Bộ giao các đơn vị khẩn trương, chủ động rà soát lại hệ thống căn cứ quy định pháp luật thực hiện chỉ định tổ chức xác nhận, tổ chức công bố hợp quy.
Trước mắt, Bộ trưởng cho biết, ngoài việc hoàn thiện sớm hệ thống quy chuẩn mới về sản phẩm phân bón gửi Bộ Khoa học và Công nghệ để thẩm định phê duyệt, Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để ổn định trong việc quản lý phân bón, xây dựng chương trình phối hợp công tác giữa hai Bộ và tổ chức phân cấp cho chính quyền các địa phương trong thực hiện quản lý các hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón tại địa phương.
Giải trình thêm vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết có hai vấn đề lớn đang nổi lên. Đầu tiên là bất cập về định hướng sử dụng phân bón. Cho đến nay, hàng năm, Việt Nam sử dụng khoảng 10-11 triệu tấn phân bón, khả năng sản xuất trong nước đạt từ 8-9 triệu tấn, nhập khẩu từ 2-2,5 triệu tấn. Định hướng sử dụng trong tổng số 11 triệu tấn phân chỉ có 1 triệu tấn là phân hữu cơ, còn tới 90% lượng phân sử dụng là phân hóa học. Đây là bất cập lớn nhất làm cho nông sản Việt Nam không sạch, chất lượng không cao, ô nhiễm môi trường, giảm độ phì nhiêu của đất.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, nếu tình trạng này kéo dài, chắc chắn nông nghiệp Việt Nam không thể có giá trị cao.
“Trách nhiệm của ngành là định hướng vào phân hữu cơ, từng bước chuyển sang nền nông nghiệp sạch. Điều này thể hiện đúng chủ trương của Đảng, Nhà nước trong việc tái cấu trúc nền nông nghiệp theo hướng sản phẩm nông nghiệp sạch, hội nhập với quốc tế,” Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Việc chuyển hướng quản lý từ danh mục trước kia sang quản lý theo tiêu chuẩn như quy định tại Nghị định 202, nảy sinh một số vấn đề bất cập. Theo đó, Nhà nước, cơ quan quản lý phải có một bộ tiêu chuẩn làm cơ sở khẳng định để các tổ chức kinh doanh đăng ký theo tiêu chuẩn đó. Bộ tiêu chuẩn này không thể đầy đủ ngay được mà cần có thời gian.
Bên cạnh đó, theo Nghị định 202, hai Bộ Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trực tiếp quản lý về phân bón. Trong đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được quản lý phần phân bón hữu cơ và phân bón khác (phân vi sinh, phân mùn); Bộ Công Thương quản lý toàn bộ phân vô cơ từ khâu kiểm tra, cấp phép, thanh tra. Sự song trùng này dẫn đến một kẽ hở là hầu hết các cơ sở sản xuất phân bón của Việt Nam và kinh doanh hiện nay đều cùng là phân vô cơ và hữu cơ.
Cũng theo Nghị định 202, nếu một cơ sở sản xuất kinh doanh cả hai loại phân, Bộ Công Thương là cơ quan chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong quá trình xem xét cấp phép cũng như thanh kiểm tra sau này. Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, nếu hai Bộ phối hợp không tốt sẽ xảy ra các hoạt động gian dối về thương mại.
Nêu kiến nghị về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết về quản lý hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo chỉnh sửa Nghị định 202. Nếu sau này giao cho Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ chuyển toàn bộ cơ sở vật chất, nhân lực để tập trung một mối quản lý và ngược lại, nhằm đảm bảo nguyên tắc và thống nhất. Giải pháp thứ hai là tập trung xây dựng các văn bản pháp luật về quản lý sản phẩm phân bón. Thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ ban hành bộ tiêu chuẩn để phục vụ công tác quản lý.../.
Đại biểu Quốc hội: Các bộ trưởng chuẩn bị kỹ, nắm chắc vấn đề  (15/11/2016)
Tăng cường quan hệ hợp tác toàn diện giữa Việt Nam-Nhật Bản  (15/11/2016)
Chất vấn Bộ trưởng về giải pháp khắc phục sự cố do Formosa gây ra  (15/11/2016)
Nhiều luận điểm mới tại Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần 8  (15/11/2016)
Nhiều luận điểm mới tại Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần 8  (15/11/2016)
Bộ trưởng Công Thương trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội  (15/11/2016)
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên