TCCSĐT - Trong 02 ngày 10 và 11-11-2015, tại thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang, Trung tâm con người và thiên nhiên (PanNature) thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với trường Đại học An Giang, Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam (VRN) và một số đối tác tổ chức Hội thảo “Thủy điện Mê Công: Khoa học, chính sách và tiếng nói cộng đồng” và Diễn đàn nhân dân khu vực Mê Công “Tiếng nói của người dân Mê Công: Thông điệp gửi tới chính phủ các nước thuộc lưu vực sông Mê Công về đập thủy điện”.
Hội thảo “Thủy điện Mê Công: Khoa học, chính sách và tiếng nói cộng đồng” nhằm cung cấp thông tin cập nhật và thảo luận đa chiều về vấn đề phát triển thủy điện trên sông Mê Công từ góc nhìn khoa học, chính sách và các mối quan ngại của cộng đồng trong lưu vực sông Mê Công. Diễn đàn Nhân dân khu vực “Tiếng nói của người dân Mê Công: Thông điệp gửi tới Chính phủ các nước thuộc lưu vực sông Mê Công về đập thủy điện” được tổ chức với mong muốn kêu gọi chính phủ các quốc gia Mê Công lắng nghe tiếng nói của cộng đồng dân cư sinh sống tại khu vực Mê Công và tôn trọng quyền quyết định của họ về tương lai của dòng sông.

Theo báo cáo của Trung tâm con người và thiên nhiên (PanNature), sông Mê Công là một trong những dòng sông lớn nhất và có đa dạng sinh học cao nhất thế giới. Nguồn dinh dưỡng từ dòng sông đã giúp tạo nên một vùng xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, đa dạng cá tự nhiên cao thứ hai thế giới, nuôi dưỡng khoảng 60 triệu người trên lưu vực. Tuy nhiên, những năm gần đây, những giá trị của dòng sông, nguồn tài nguyên nước và sông ngòi ở lưu vực sông, bao gồm khu vực các nhánh của sông Mê Công và Biển Hồ ở Cam-pu-chia, đang trong giai đoạn cực kỳ nguy cấp, bị đe dọa trước sức ép phát triển của các quốc gia trong khu vực, đặc biệt là phát triển thủy điện. Trong khi các tác động tiêu cực do 6 công trình đập dòng chính đã hoàn thành từ phía thượng nguồn của Trung Quốc từ những năm 1980 vẫn chưa được giải quyết thì 11 con đập dự kiến xây dựng ở hạ lưu sông Mê Công tại Lào và Cam-pu-chia được đánh giá sẽ gây ra những tác động nghiêm trọng đối với khu vực, đặc biệt là vùng đồng bằng sông Cửu Long, nằm ở cuối nguồn sông Mê Công. Sau khi khởi công xây dựng thủy điện Xa-ya-bu-ri năm 2012, chính phủ Lào mới đây tuyên bố tiếp tục xây đập Don Sahong tại miền Nam Lào gần biên giới Campuchia và đang chuẩn bị cho dự án thủy điện Pak Beng trên dòng chính sông Mê Công.

Theo nhận định của nhiều nhà khoa học tại hội thảo, việc triển khai xây dựng các công trình thủy điện trên sông Mê Công gần đây cho thấy “tinh thần hợp tác” theo Hiệp định Mê Công đang bị lu mờ bởi lợi ích quốc gia. Việc xây dựng các đập thủy điện trên sông Mê Công đã và đang làm thay đổi nghiêm trọng hệ sinh thái của dòng sông, tác động bất lợi về thực phẩm, sức khỏe, sinh kế, hội nhập văn hóa - xã hội và thu nhập của hàng chục triệu cư dân. Cụ thể, việc xây dựng đập thủy điện Don Sahong tại vị trí chiến lược của luồng cá di cư giữa thượng lưu và hạ lưu sông Mê Công đang gây ra sự quan ngại của cộng đồng về việc con đập này sẽ làm sụt giảm đáng kể loài và lượng cá ở lưu vực sông Mê Công trong thời gian tới. Trong khi những tác động này trực tiếp đe dọa cuộc sống, sinh kế và nền kinh tế của cộng đồng tại lưu vực sông Mê Công thì đại đa số cư dân nơi đây chưa nhận được thông tin đầy đủ về các đập thủy điện. Những cộng đồng này không được tham vấn, không có cơ hội tham gia vào quá trình ra quyết định về các công trình thủy điện đã, đang và sắp được xây dựng.

Tại Hội thảo “Thủy điện Mê Công: Khoa học, chính sách và tiếng nói cộng đồng”, các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận các nội dung: Tổng quan về phát triển thủy điện trên sông Mê Công; Thủy điện Mê Công và tác động tiềm ẩn lên môi trường, sinh kế và an ninh lương thực vùng đồng bằng sông Cửu Long; Đập thủy điện Mê Công: Tại sao khoa học và chính sách thất bại; Bài học phát triển thủy điện và các chiến dịch vận động của người dân Thái Lan; Công ước Liên hiệp quốc về nguồn nước: Cơ hội và triển vọng.

Theo chương trình, ngày 11-11-2015, các đại biểu tham dự Diễn đàn Nhân dân khu vực “Tiếng nói của người dân Mê Công: Thông điệp gửi tới Chính phủ các nước thuộc lưu vực sông Mê Công về đập thủy điện” sẽ trình bày và thảo luận về Bản Tuyên bố tới chính phủ các quốc gia khu vực Mê Công có kèm chữ ký của cộng đồng địa phương từ Cam-pu-chia, Thái Lan, Việt Nam và các tổ chức, cá nhân hỗ trợ, với mong muốn tạo ra một không gian đối thoại giữa chính phủ các quốc gia Mê Công và đại diện cộng đồng về vấn đề đập thủy điện và tác động của các đập này đến kinh tế, xã hội, môi trường. Diễn đàn cũng đề xuất các giải pháp khả thi về các đập thủy điện trong khu vực, bao gồm nghiên cứu khoa học về giá trị của các dòng sông và các tác động môi trường - xã hội của các dự án thủy điện, đặc biệt là thủy điện Don Sahong đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long./.