Công nghiệp văn hóa - Ngành công nghiệp trụ cột trong phát triển bền vững ở Việt Nam*
TCCSĐT - Phát triển công nghiệp văn hóa không chỉ là mục tiêu và động lực phát triển kinh tế mà trong thực tế, công nghiệp văn hóa đã được thừa nhận như một ngành sản xuất, như lực lượng sản xuất văn hóa, có khả năng tạo ra các sản phẩm tinh thần cao đẹp cho xã hội, đồng thời mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần bảo đảm cho sự phát triển bền vững ở Việt Nam trong thời gian tới.
Vị trí và vai trò của ngành công nghiệp văn hóa trong phát triển bền vững ở Việt Nam với tư cách là lực lượng sản xuất văn hóa
Tại Hội nghị Trung ương lần thứ 5, khoá VIII (năm 1998), Đảng ta đã đưa ra chính sách “kinh tế trong văn hóa” và chính sách “văn hóa trong kinh tế”, nhấn mạnh sự gắn kết kinh tế với văn hóa; xây dựng cơ chế kinh doanh, dịch vụ văn hóa theo hướng kinh tế thị trường; khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia các hoạt động văn hóa… Đây là những luận điểm quan trọng trong tư duy phát triển đất nước, thể hiện sự nhạy bén của Đảng về phát triển văn hóa, đặt phát triển văn hóa trong sự phát triển toàn diện và chỉ ra sự thẩm thấu, tác động lẫn nhau giữa kinh tế và văn hóa.
Đến Hội nghị Trung ương 10, khoá IX (năm 2004), nhận thức về vấn đề gắn kết giữa phát triển kinh tế và phát triển văn hóa được mở rộng hơn một bước, trong đó, Đảng ta nhấn mạnh: các hoạt động văn hóa không chỉ mang tính chất sự nghiệp mà còn mang tính kinh doanh với sự tham gia của các doanh nghiệp văn hóa; thị trường văn hóa cần phải được vận hành và điều tiết theo quy luật kinh tế thị trường.
Từ những thành quả bước đầu của thực tiễn đổi mới, năm 2009, “Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020” đã đưa ra nhận định: “Cơ chế thị trường huy động được sự tham gia của các thành phần kinh tế vào sản xuất, phổ biến các sản phẩm văn hóa, kích thích một số ngành sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực văn hóa xuất hiện, mở ra khả năng giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, tạo tiền đề cho việc phát triển “công nghiệp văn hóa” ở nước ta”(1). Chiến lược cũng khẳng định: “Phát triển công nghiệp văn hóa đang là xu thế lớn và quan trọng trong chính sách văn hóa của các nước trên thế giới”(2).
Yêu cầu đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa một lần nữa được Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI nhấn mạnh trong Nghị quyết về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Phải thấy rằng, thực tiễn phát triển công nghiệp văn hóa ở nước ta tuy còn nhỏ bé nhưng đã bắt đầu tham gia tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Công nghiệp văn hóa hiện nay không chỉ là vấn đề văn hóa, công nghệ, kinh tế mà thực chất là biểu hiện sinh động của quá trình nhất thể hóa văn hóa và kinh tế, tạo thành lực lượng sản xuất văn hóa, thúc đẩy sự phát triển bền vững của quốc gia. Thực tế của các nước phát triển cho thấy, công nghiệp văn hóa có thể phát triển nhanh hơn các ngành công nghiệp khác vì đầu tư vật chất cho ngành công nghiệp này không lớn, chủ yếu là đầu tư chất xám và quảng bá sản phẩm nhưng lại có khả năng đem lại hiệu quả kinh tế cao. Văn hóa hiện đại không chỉ là động lực tinh thần nâng đỡ trí lực của phát triển kinh tế, xã hội mà còn là bộ phận quan trọng của hiện đại hóa kinh tế. Bản thân văn hóa có sức mạnh kinh tế, sức mạnh khoa học - kỹ thuật. Ngày nay, trên phạm vi thế giới, các công ty sản xuất những sản phẩm văn hóa như ti vi, phim ảnh, xuất bản, video, trình diễn văn nghệ, mỹ thuật công nghiệp, thi đấu thể dục thể thao, tin tức, truyền thanh, vui chơi giải trí… đã phát triển thành những tập đoàn công nghiệp khổng lồ, trở thành bộ phận trọng yếu trong kết cấu kinh tế quốc dân. Điều này đòi hỏi chúng ta phải nhanh chóng có những đột phá về đổi mới xây dựng văn hóa, trong đó có đột phá về xây dựng công nghiệp văn hóa. Thực tiễn đổi mới và kinh nghiệm quốc tế cho thấy, đổi mới văn hóa có thể kích thích và thúc đẩy đổi mới nhận thức, đổi mới hành vi và đổi mới tổ chức. Tuy nhiên, đến nay chúng ta vẫn chưa làm cho đổi mới văn hóa trở thành tác nhân quan trọng để nâng cao hiệu suất khoa học kỹ thuật và mặt khác, quan điểm giá trị lấy đổi mới làm cốt lõi vẫn chưa trở thành nhận thức phổ biến. Cần phải nhận thức sâu sắc rằng, văn hóa là một tài sản có ý nghĩa chiến lược trong chính sách ngoại giao, hợp tác quốc tế và củng cố bản sắc độc đáo của quốc gia. Công nghiệp văn hóa chính là công cụ hữu hiệu đối với tăng trưởng, đổi mới kinh tế, biến văn hóa trở thành một thành tố quan trọng của thương mại và cạnh tranh quốc tế. Phát triển công nghiệp văn hóa phải được coi là một thành tố quan trọng của quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và các ngành công nghiệp văn hóa có khả năng cung cấp những cơ hội để tạo công ăn việc làm. Vì thế, phát triển công nghiệp văn hóa đúng đắn sẽ góp phần tích cực vào quá trình tái cấu trúc nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng ở Việt Nam hiện nay. Công nghiệp văn hóa sẽ khai thác tốt hơn mọi nguồn tài nguyên văn hóa phục vụ cho phát triển kinh tế. Với đặc trưng riêng có trong sáng tạo và công nghệ, công nghiệp văn hóa là hướng phát triển mà các quốc gia đều quan tâm, bởi nó có khả năng tạo ra sự đột phá trong phát triển kinh tế tri thức, kinh tế văn hóa, đưa phát triển kinh tế theo chiều sâu.
Về cơ bản, giới khoa học cho rằng, sức mạnh của công nghiệp văn hóa đối với phát triển kinh tế chủ yếu biểu hiện qua các phương diện:
- Có ý nghĩa nền tảng tinh thần, tạo động lực phát triển kinh tế.
- Có khả năng tạo dựng quy phạm hành vi cho phát triển kinh tế, tối ưu hóa môi trường phát triển kinh tế.
- Thúc đẩy sự biến động của phương thức tăng trưởng kinh tế, cấu trúc lại nền kinh tế, nâng cao phẩm chất và giá trị phụ gia của sản phẩm vật chất.
- Bản thân lực lượng sản xuất văn hóa trở thành yếu tố tăng trưởng kinh tế.
Hiện nay, xây dựng kinh tế văn hóa và công nghiệp văn hóa trên cơ sở lực lượng sản xuất văn hóa đang ngày càng chú ý khai thác thuộc tính công nghiệp và thị trường vốn có của văn hóa, ngày càng đi sâu hơn vào đời sống kinh tế - xã hội. Văn hóa đã trở thành một đối tượng lao động, đối tượng sản xuất. Thông qua khâu sản xuất, sản phẩm văn hóa đã chuyển thành sản phẩm mang tính dịch vụ văn hóa, thông qua trao đổi tiêu dùng chuyển hóa thành của cải thực sự. Ở các nước phát triển như Anh, Mỹ, Nhật, Pháp, hay gần đây là Hàn Quốc và Trung Quốc, công nghiệp văn hóa thực sự trở thành trụ cột của nền kinh tế, chiếm tỉ trọng lớn trong GDP của mỗi quốc gia. Như vậy, nếu từ góc độ tăng trưởng kinh tế mà nói thì bản thân lực lượng sản xuất văn hóa đã trở thành một bộ phận hợp thành của tăng trưởng kinh tế. Theo đó, lực lượng sản xuất văn hóa không còn là thực lực mềm mà đang trở thành lực lượng kinh tế có đầy đủ đặc trưng của thực lực cứng.
Công nghiệp văn hóa - thể chuyển tải quan trọng của lực lượng sản xuất văn hóa, là bộ phận hợp thành quan trọng của lực lượng sản xuất xã hội
Lực lượng sản xuất văn hóa và lực lượng sản xuất tuy có liên hệ nội tại nhưng nội hàm và ngoại diên của nó lại không hoàn toàn đồng nhất. Chỉ khi nào lực lượng sản xuất văn hóa hòa nhập vào quá trình sản xuất tiêu dùng mới có đầy đủ đặc trưng, tính chất của lực lượng sản xuất. Sự thâm nhập vào nhau của lực lượng sản xuất văn hóa với kinh tế, khoa học - kỹ thuật, đã hình thành nên lực lượng sản xuất văn hóa có công năng mới mẻ. Nói khác đi, lực lượng sản xuất văn hóa chính là sản phẩm hòa nhập lẫn nhau giữa kinh tế với văn hóa ở một trình độ phát triển nhất định. Nó cho thấy cả sáng tác, chế tạo sản phẩm văn hóa và năng lực xã hội cung cấp dịch vụ văn hóa, là bộ phận hợp thành quan trọng của lực lượng sản xuất xã hội. Đầu tư trí lực và đầu tư vật chất trong sản xuất sản phẩm văn hóa có đầy đủ đặc trưng của lực lượng sản xuất xã hội, sản xuất sản phẩm văn hóa đã hình thành nên quá trình sản xuất hình thái vật chất, giống như việc sản xuất sản phẩm khác cùng tạo nên quy trình phát triển của lực lượng sản xuất xã hội. Nhìn một cách tổng quát, lực lượng sản xuất văn hóa có những đặc trưng cơ bản sau đây:
- Thứ nhất, văn hóa giữ vai trò nội dung chủ đạo. Trong các giai đoạn phát triển khác nhau của văn minh loài người, yếu tố lực lượng sản xuất có vai trò, tác dụng cốt lõi khác nhau: giai đoạn kinh tế nông nghiệp chủ yếu là sức tự nhiên, giai đoạn kinh tế công nghiệp là tư bản (vốn) và máy móc, giai đoạn kinh tế tri thức/văn hóa là sự kết hợp hữu cơ tinh thần nhân văn với tri thức kỹ thuật. Yếu tố cốt lõi của lực lượng sản xuất văn hóa bao gồm trí lực, khoa học quản lý và tổ chức sản xuất, lao động, tài nguyên văn hóa của con người. Như vậy, yếu tố then chốt tạo thành lực lượng sản xuất văn hóa chính là loại lực lượng sản xuất xã hội lấy nội dung văn hóa làm chủ đạo.
- Thứ hai, hàm chứa tính nhân văn sâu sắc. Nếu nói kinh tế tri thức là loại hình kinh tế xây dựng trên cơ sở sản xuất, phân phối sử dụng tri thức và tin tức thì cốt lõi của nó là làm nổi bật giá trị tri thức kỹ thuật trong tăng trưởng kinh tế. Còn nói kinh tế văn hóa là nói đến sự mở rộng và đi vào chiều sâu đối với nội hàm kinh tế tri thức. Kinh tế văn hóa đòi hỏi trong hệ thống kinh tế thấm đầy nhân tố văn hóa. Nội dung của lực lượng sản xuất văn hóa không những tạo nên nhân tố trí lực khoa học - kỹ thuật mà còn bao hàm các nhân tố tinh thần như thông tin, lý tưởng, quan niệm giá trị, nghệ thuật văn hóa, vui chơi giải trí,… Nghĩa là kinh tế văn hóa không chỉ bao hàm tinh thần khoa học mà còn thể hiện tinh thần nhân văn, là thể thống nhất hữu cơ tinh thần khoa học với tinh thần nhân văn. Vì thế, phát triển kinh tế văn hóa sẽ làm cho vai trò, tác dụng của tinh thần nhân văn trong phương thức sản xuất xã hội và phát triển kinh tế sẽ ngày càng nổi bật.
- Thứ ba, nhấn mạnh tính khác biệt giữa các nền văn hóa khác nhau và xu thế hòa nhập của chúng. Đây là hai xu hướng nổi bật trong quá trình phát triển lực lượng sản xuất văn hóa. Một mặt, phải nhấn mạnh tính độc đáo của sản phẩm văn hóa trên toàn bộ thị trường, nhấn mạnh tính khác biệt giữa các nền văn hóa khác nhau để tìm ra phương thức phát triển lớn nhất của lực lượng sản xuất mà các nền văn hóa khác nhau đã bao hàm. Mặt khác, trong quá trình phát triển lực lượng sản xuất văn hóa, các nền văn hóa khác nhau cũng không ngừng điều chỉnh chính mình để thích ứng với nhu cầu thị trường.
- Thứ tư, tính liên tục phát triển. Sự tăng lên của các yếu tố văn hóa như tri thức, kinh tế, ý tưởng văn hóa trong lực lượng sản xuất đã chứng tỏ sự chuyển biến của phương thức tăng trưởng kinh tế. Sự tăng lên của sản xuất và tiêu dùng các sản phẩm tinh thần đồng nghĩa với sự tăng lên về nhu cầu tinh thần của con người. Định hướng giá trị nhân văn thấm sâu vào phát triển kinh tế chứng tỏ sự tiến bộ toàn diện của các quan hệ con người với xã hội, con người với tự nhiên, con người với con người. Sự hòa nhập tố chất nhân văn với tố chất khoa học cũng chứng tỏ sự phát triển toàn diện tố chất người lao động, còn việc chú trọng khai thác và sử dụng khoa học tài nguyên văn hóa lại chứng tỏ sự tiến bộ trong quan điểm tài nguyên của loài người. Vì vậy, lực lượng sản xuất văn hóa không những là bộ phận hợp thành quan trọng của lực lượng sản xuất xã hội mà còn là lực lượng giữ vai trò ngày càng quan trọng của lực lượng sản xuất xã hội. Trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển lực lượng sản xuất văn hóa chính xác chính là biện pháp thực tế để thực thi quan điểm phát triển mà Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng và Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 9 (khóa XI) đã đề ra.
Tóm lại, lực lượng sản xuất của bất cứ thời đại nào cũng là sự tổng hợp sức mạnh vật chất và sức mạnh tinh thần để tác động và cải tạo tự nhiên. Cùng với sự chuyển hướng của lực lượng sản xuất từ loại hình truyền thống sang kinh tế tri thức hiện đại đã tụ hội vào nó các nhân tố của văn hóa như tri thức, khoa học - kỹ thuật, khoa học quản lý trong lực lượng sản xuất vật chất… Theo đó, văn hóa thẩm thấu kinh tế, với tư cách là lực lượng sản xuất ngày càng có ưu thế to lớn. Điều này cho phép chúng ta khẳng định lực lượng sản xuất hiện đại vừa là một sức mạnh vật chất vừa là một sức mạnh văn hóa
Phát triển lực lượng sản xuất văn hóa
Làm thế nào để giải phóng và phát triển hiệu quả lực lượng sản xuất văn hóa nhằm thúc đẩy sự phát triển toàn diện kinh tế - xã hội là một vấn đề cần nghiên cứu, bàn thảo thấu đáo. Liệu có thể thực hiện được phát triển toàn diện kinh tế - chính trị - văn hóa - xã hội hay không trong cạnh tranh quốc tế và khu vực đã trở thành chủ đề quan trọng của phát triển văn hóa, con người và phát triển bền vững hiện nay. Để trả lời câu hỏi này, cần quan tâm đến một số vấn đề sau:
Một là, phải xây dựng quan điểm phát triển văn hóa mới, tăng cường ý thức lực lượng sản xuất văn hóa toàn dân, ra sức hình thành đột phá mới về quan niệm. Phải coi lực lượng sản xuất vật chất, lực lượng sản xuất văn hóa đều là bộ phận hợp thành quan trọng của lực lượng sản xuất. Coi trọng phát triển lực lượng sản xuất cũng có nghĩa là coi trọng phát triển lực lượng sản xuất văn hóa; chuyển dịch trọng tâm phát triển vào quỹ đạo khoa học, giáo dục, văn hóa để phát triển đất nước trong thời kỳ mới. Phải nhận thức rõ việc phát triển toàn diện con người sẽ kích hoạt toàn bộ tiềm năng phát triển và tinh thần sáng tạo của con người như là yếu tố quan trọng của phát triển lực lượng sản xuất văn hóa. Giải phóng và phát triển lực lượng sản xuất văn hóa gắn liền với yêu cầu phát triển toàn diện, liên tục, hài hòa. Đồng thời với việc phát triển quy mô lớn sản xuất văn hóa, tiêu dùng văn hóa, thương mại văn hóa, dịch vụ văn hóa thì phải đưa nội hàm văn hóa vào trong hoạt động kinh tế một cách tự giác, làm cho phát triển kinh tế không chỉ mở rộng liên tục về lượng mà còn nâng cao liên tục về chất, từ đó mở ra quỹ đạo phát triển hài hòa, hiệu quả cao, tiêu hao thấp, ô nhiễm ít.
Hai là, không ngừng đi sâu vào cải cách thể chế văn hóa. Trước hết, phải đưa cải cách thể chế văn hóa vào quy hoạch tổng thể trong chiến lược phát triển quốc gia, tiến hành đồng bộ cải cách thể chế kinh tế, thể chế chính trị và thể chế văn hóa, tăng cường nghiên cứu chiến lược phát triển cải cách thể chế văn hóa, định ra và hoàn thiện biện pháp quản lý văn hóa của nhà nước, kiện toàn pháp luật.
Sau nữa, tích cực thúc đẩy chuyển biến chức năng và cải cách cơ cấu. Cần bắt đầu từ việc phân tích những vấn đề còn tồn tại, cản trở phát triển để thúc đẩy cải cách cơ cấu và chuyển biến công năng, thống nhất quản lý ngành nghề văn hóa, xác định rõ chức trách của ngành quản lý hành chính văn hóa, làm thông suốt quan hệ giữa quản lý hành chính văn hóa với quản lý đơn vị sự nghiệp, tách rời hành chính với sự nghiệp, tách rời chính quyền với doanh nghiệp, từ quản lý hành chính chuyển sang quản lý tổng hợp, kết hợp nhịp nhàng giữa pháp luật, hành chính, kinh tế, bảo vệ kinh doanh hợp pháp của thị trường, nhất là bảo vệ sở hữu trí tuệ,…
Phải lấy thị trường làm trung tâm tạo dựng chủ thể cạnh tranh trong thị trường văn hóa. Đi sâu cải cách cơ cấu nội bộ đơn vị doanh nghiệp sự nghiệp văn hóa, thúc đẩy văn hóa đổi mới, hình thành thể chế quản lý và cơ chế vận hành văn hóa sản xuất ra nhiều hàng hóa tinh xảo, chú trọng đào tạo nhân tài, đẩy nhanh việc tổ chức lại tài sản và điều chỉnh kết cấu, tối ưu hóa việc phối hợp bố trí tài sản văn hóa nhà nước, làm thông thuận quan hệ quyền tài sản đơn vị công nghiệp văn hóa nhà nước, xúc tiến nâng cấp ngành nghề làm cho doanh nghiệp văn hóa của các thành phần kinh tế khác nhau đều phát triển tốt trong cạnh tranh thị trường. Nhanh chóng hình thành nên các doanh nghiệp văn hóa và tập đoàn doanh nghiệp văn hóa có năng lực đổi mới theo hướng tự chủ, có năng lực cạnh tranh thị trường hiệu quả.
Chú trọng mở rộng thị trường vốn (tư bản), thúc đẩy dịch chuyển vốn vào lĩnh vực thị trường có triển vọng, thực lực tổng hợp mạnh, hiệu quả xã hội cao, phát huy đầy đủ lực kiểm soát, lực ảnh hưởng và lực thúc đẩy của nguồn vốn văn hóa nhà nước; đồng thời, phải khuyến khích các thành phần kinh tế khác tham gia phát triển công nghiệp văn hóa, mở rộng kênh đầu tư phát triển văn hóa, nâng cao mức độ nâng đỡ chính sách đối với đầu tư xã hội, sáng tạo ra môi trường chính sách tốt đẹp và cơ hội cạnh tranh bình đẳng, nâng đỡ sự phát triển của doanh nghiệp văn hóa tư nhân.
Ba là, ra sức phát triển công nghiệp văn hóa. Công nghiệp văn hóa khai thác tiềm năng kinh tế của văn hóa là tiến trình tác động tới cải cách thể chế văn hóa, là thể chuyển tải quan trọng của lực lượng sản xuất văn hóa. Việc xuất hiện của công nghiệp văn hóa khiến cho văn hóa không chỉ thuần túy là một loại hoạt động tinh thần mà còn là một loại hoạt động kinh tế, vậy nên, cải cách thể chế văn hóa có thể rút được kinh nghiệm từ cải cách thể chế kinh tế. Tuy nhiên vẫn cần lưu ý rằng, phát triển công nghiệp văn hóa có quy luật vận động tự thân. Vì thế, một mặt, chúng ta phải chú trọng đến các ngành nghề kinh tế bởi lẽ tại đây, về nhiều mặt có sự giao thoa văn hóa và kinh tế, và các ngành nghề này đương nhiên phải tuân theo quy luật phát triển kinh tế nói chung, nhưng mặt khác, phải coi trọng tính đặc thù, tuân theo quy luật phát triển văn hóa. Công nghiệp văn hóa trực tiếp đặt ra vấn đề quan hệ sản xuất thích ứng với nhu cầu phát triển lực lượng sản xuất văn hóa. Đây là lực thúc đẩy quan trọng của cải cách thể chế văn hóa. Việc công nghiệp văn hóa khai thác giá trị hàng hóa của văn hóa cũng đồng thời mở ra triển vọng khai thác lĩnh vực sản xuất và lĩnh vực kinh tế mới. Là trọng điểm của loại hình kinh tế mới, tư bản (vốn) xã hội cũng thể hiện tính tích cực khi thâm nhập sâu công nghiệp văn hóa. Nhưng chú trọng phát triển công nghiệp văn hóa không đồng nghĩa với việc xem nhẹ và bỏ rơi việc xây dựng sự nghiệp văn hóa công ích. Công nghiệp văn hóa và sự nghiệp văn hóa là hai bộ phận của xây dựng văn hóa, mỗi bộ phận có nhiệm vụ riêng, tương hỗ nhau vì sự phát triển bền vững. Phát triển sự nghiệp văn hóa có ý nghĩa giải phóng và phát triển lực lượng sản xuất văn hóa. Mục tiêu của cải cách thể chế văn hóa là hình thành nên thể chế quản lý văn hóa vĩ mô khoa học và hiệu quả, lấy chế độ công hữu làm chủ thể, thúc đẩy sự phát triển của nhiều loại hình sở hữu và hệ thống thị trường văn hóa hiện đại, hình thành thị trường văn hóa cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng.
Bốn là, thực thi chiến lược nhân tài văn hóa. Nhân tài và trí lực là những yếu tố quan trọng nhất quyết định sự lớn mạnh và hiệu quả của lực lượng sản xuất văn hóa. Vì thế, đẩy nhanh phát triển sự nghiệp văn hóa và công nghiệp văn hóa đòi hỏi phải có tài nguyên nhân lực trình độ cao. Nguồn tài nguyên này trước hết phải tìm thấy trong nhân tài văn hóa. Vì vậy, nhất thiết phải đầu tư thích đáng đối với tri thức; thấm nhuần quan niệm “nhân tài là nguyên khí của quốc gia” trong phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng nhân tài khoa học. Xây dựng một xã hội tôn trọng người tài, tôn trọng tri thức, tôn trọng sáng tạo. Quan điểm này không chỉ dừng lại ở khẩu hiệu hay nói suông mà phải đi vào thực tiễn. Muốn thế phải đẩy mạnh sự nghiệp đào tạo nhân tài, xây dựng môi trường tụ hợp nhân tài, có cơ chế khích lệ nhân tài, sử dụng pháp luật bảo vệ nhân tài, xây dựng môi trường xã hội tốt đẹp để người tài có đủ điều kiện làm việc, hiện thực hóa những khát vọng, hoài bão lớn vì lợi ích của Tổ quốc và nhân dân. Thiết lập chế độ quản lý nhân sự thích hợp với nhân tài văn hóa, tìm tòi những biện pháp mới trong việc quản lý ngành nghề của nhân tài văn hóa, thành lập quỹ bồi dưỡng nhân tài, kiện toàn hệ thống bồi dưỡng nhân tài, kết hợp hữu cơ giáo dục nhà trường với giáo dục xã hội, tích cực tìm tòi các phương thức bồi dưỡng, đào tạo nhân tài hiệu quả./.
-------------------------------------------
* Bài viết dựa vào kết quả nghiên cứu của đề tài mã số VIII 1. 99-2013.02 “Đổi mới thể chế văn hóa ở nước ta hiện nay” do Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia NAFOSTED tài trợ.
(1) Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020, ban hành kèm theo Quyết định số 581-QĐ/Ttg ngày 6-5-2009 của Thủ tướng Chính phủ.
(2) Tlđd.
Thủ tướng bổ nhiệm 2 Thành viên của Hội đồng Cạnh tranh  (10/11/2015)
Xu hướng biến đổi của tôn giáo và việc tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc ở Việt Nam hiện nay  (10/11/2015)
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự Lễ hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2015  (10/11/2015)
Hoạt động đối ngoại nổi bật tuần qua (từ ngày 02-11 đến ngày 08-11-2015)  (09/11/2015)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay