TCCSĐT - Ngày 01-10-2015, tại thành phố Cần Thơ, Văn phòng Quốc hội phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức Diễn đàn chính sách với chủ đề “Tiêu thụ hàng nông sản trong bối cảnh hội nhập - Kinh nghiệm từ đồng bằng sông Cửu Long”.
Tham dự Diễn đàn có hơn 100 đại biểu đại diện cho các Ủy ban của Quốc hội, các bộ, ngành trung ương, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, Đoàn đại biểu Quốc hội và lãnh đạo các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long cùng nhiều nhà khoa học, đại diện các tổ chức xã hội, Hội Nông dân, các tổng công ty, doanh nghiệp trong nước.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, đồng chí Nguyễn Sĩ Dũng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nhấn mạnh: Mục tiêu của diễn đàn là thảo luận mở và tiếp cận đa chiều với các vấn đề liên quan đến tiêu thụ nông sản của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, trong đó đặc biệt chú trọng các kinh nghiệm ở đồng bằng sông Cửu Long, vùng trọng điểm sản xuất, xuất khẩu nông sản, thủy sản của cả nước. Thông tin tại diễn đàn sẽ được tổng hợp và xây dựng thành báo cáo nhằm cung cấp thông tin tham khảo phục vụ các đại biểu Quốc hội trong việc thảo luận và quyết định các chính sách kinh tế - xã hội tại Kỳ họp Quốc hội lần thứ 10 vào tháng 10-2015.

Theo nhận định của nhiều đại biểu tại diễn đàn, nhiều năm qua, một bài toán lớn đã và đang được đặt ra cho nền nông nghiệp Việt Nam nói chung và đồng bằng sông Cửu Long nói riêng nhưng chưa tìm được lời giải thấu đáo là tình trạng được mùa - mất giá, tư thương ép giá nông dân thường xuyên xảy ra; mối liên kết “bốn nhà” trong sản xuất nông nghiệp chưa đi vào thực chất, kém hiệu quả; nhiều mặt hàng nông sản của nước ta kém sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước... Đồng bằng sông Cửu Long là vùng trọng điểm về nông nghiệp của cả nước nhưng đời sống của phần lớn những người trồng lúa nói riêng và sản xuất nông nghiệp nói chung ngày càng khó khăn do những trở ngại, ách tắc trong khâu tiêu thụ nông sản.

Trước áp lực của xu thế hội nhập quốc tế, từ năm 2015 trở đi, ngày càng nhiều loại nông sản của Việt Nam rơi vào thế bị cạnh tranh khốc liệt do việc giảm thuế mạnh nhiều mặt hàng nông sản nhập từ nước ngoài theo thỏa thuận từ các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã và sắp gia nhập. Vấn đề cấp thiết đang đặt ra hiện nay là các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cần khẩn trương phối hợp, kịp thời triển khai những giải pháp nhằm thúc đẩy tiêu thụ các mặt hàng nông sản của Đồng bằng sông Cửu Long và Việt Nam trên thị trường trong và ngoài nước. Những giải pháp này cần gắn với mục tiêu và lộ trình cơ cấu lại nền nông nghiệp Việt Nam nhằm tận dụng những thời cơ và vượt qua những thách thức trong xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng

Diễn đàn tập trung trao đổi, thảo luận 4 nội dung cơ bản là: Tác động của tiêu thụ hàng nông sản tới tình hình kinh tế - xã hội ở đồng bằng sông Cửu Long; Vai trò của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thúc đẩy tiêu thụ hàng nông sản ở đồng bằng sông Cửu Long; Tiêu thụ hàng nông sản ở đồng bằng sông Cửu Long gắn với cộng đồng kinh tế ASEAN và các hiệp định thương mại (TPP, FTA, BTA); Tăng cường sự tham gia của hàng nông sản đồng bằng sông Cửu Long trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Ngoài các nội dung này, các đại biểu tham dự diễn đàn còn quan tâm trao đổi các vấn đề có liên quan như: Giải pháp tăng cường liên kết “bốn nhà” (nhà nước - nhà khoa học - doanh nghiệp- nhà nông) từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản; xây dựng vùng nguyên liệu tập trung; phát triển các hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới; tạo điều kiện hỗ trợ để các doanh nghiệp tăng cường liên kết với nông dân, mạnh dạn đầu tư khoa học - công nghệ nâng cao chất lượng và giá trị nông phẩm qua chế biến; đẩy mạnh liên kết khu vực, liên kết vùng trong chuỗi sản xuất - chế biến - tiêu thụ để nâng cao giá trị nông sản, tránh tình trạng cạnh tranh nội bộ giữa các địa phương, doanh nghiệp với nhau; nâng cấp chuỗi giá trị nông sản tại đồng bằng sông Cửu Long; xây dựng thương hiệu cho các loại nông sản chủ lực của vùng ở thị trường trong nước và thế giới;…/.