TCCSĐT - Không nằm ngoài dự đoán, cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Nhà Trắng đã không đạt được bước đột phá hay cam kết nổi bật.

Châu Á là điểm đến hàng đầu của dòng FDI toàn cầu

“Báo cáo Đầu tư thế giới năm 2015” của Liên hợp quốc cho biết dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) toàn cầu năm 2014 đã giảm 16% so với năm 2013, xuống còn 1.230 tỷ USD giữa lúc kinh tế thế giới đang đối mặt với một loạt thách thức như đà tăng trưởng chậm lại, bất ổn về chính sách và rủi ro địa chính trị. Các nước phát triển đã chứng kiến sự suy giảm tăng trưởng nặng nề nhất trong năm 2014. FDI vào Mỹ và châu Âu lần lượt giảm 60% và 11%. Trong khi đó, thiếu cải cách và các rủi ro liên quan đến chủ quyền đã cản trở các nhà đầu tư nước ngoài rót vốn vào thị trường châu Âu. Tuy nhiên, FDI rót vào châu Á vẫn khởi sắc và đạt mức cao kỷ lục 465 tỷ USD trong năm 2014. Trung Quốc đã vượt Mỹ trở thành nước tiếp nhận FDI lớn nhất thế giới. Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) và Singapore cũng nằm trong Top 5 thị trường thu hút FDI. FDI đã mang lại nhiều cơ hội việc làm cho những nền kinh tế tiếp nhận.

Tuy chưa đưa ra dự báo về triển vọng thu hút đầu tư toàn cầu năm 2016, song báo cáo trên nhận định châu Á là điểm đến hàng đầu của FDI toàn cầu, chiếm tới 35%. Châu Á tiếp tục thu hút nguồn FDI khổng lồ dựa vào lợi thế cạnh tranh, như chính trị ổn định, giá nhân công rẻ, chính sách ưu đãi và hệ thống hạ tầng ngày càng cải thiện. Bên cạnh đó, hàng loạt cải cách về kinh tế nhằm nhanh chóng hướng tới nền kinh tế thị trường của một số nước cũng như sự liên kết nội vùng gia tăng, tạo điều kiện cho dịch vụ, thông tin, lưu thông hàng hóa,... đã thúc đẩy nguồn FDI đổ vào.

Hội nghị thượng đỉnh phát triển bền vững của Liên hợp quốc

 

Tổng Thư ký Ban Ki-moon cho rằng Liên hợp quốc cần tiếp tục có sự cải tổ và điều chỉnh. Ảnh: Reuter/TTXVN

Ngày 25-9-2015, Hội nghị thượng đỉnh phát triển bền vững của Liên hợp quốc đã khai mạc tại trụ sở chính của Liên hợp quốc ở New York. Sau bài diễn văn của Giáo hoàng Francis, các đại biểu đã chính thức thông qua Chương trình nghị sự Phát triển bền vững toàn cầu năm 2030, bao gồm 17 mục tiêu đầy táo bạo nhằm đạt được ba thành tựu “phi thường”, đó là chấm dứt đói nghèo, đấu tranh với tình trạng bất bình đẳng và vô luật pháp, giải quyết tình trạng biến đổi khí hậu. Chương trình đề ra những mốc thời gian cụ thể như 800 tuần để chấm dứt hoàn toàn tình trạng nghèo đói cùng cực ở tất cả mọi nơi trên Trái đất; 800 tuần để giúp 800 triệu người thoát khỏi nghèo đó. Trong vòng 15 năm tới, các chính phủ và tổ chức sẽ tăng gấp đôi những nỗ lực phát triển để xây dựng tương lai tốt đẹp hơn cho mọi người dân trên hành tinh để tất cả các quốc gia được sống trong môi trường hợp tác, hòa bình và thịnh vượng.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon khẳng định những thành tựu quan trọng mà Liên hợp quốc đã đạt được trong 70 năm qua, như có công lớn trong việc đề ra những quy định, những điều luật quốc tế để bảo đảm nhân quyền cho tất cả mọi người dân trên Trái đất, tham gia giải quyết vô số cuộc xung đột, triển khai các họat động gìn giữ hòa bình cũng như làm tốt công tác trung gian hòa giải. Tuy nhiên, ông Ban Ki-moon thừa nhận những điểm nóng nổi lên trên thế giới trong mấy năm trở lại đây cho thấy Liên hợp quốc cần tiếp tục có sự cải tổ và điều chỉnh thì mới có thể theo đuổi mục tiêu cuối cùng đó là trợ giúp tất cả các quốc gia trên Trái đất.

Nga đang giữ thế thượng phong trong hồ sơ Syria

 

Tổng thống Nga V. Putin phát biểu tại khóa họp lần thứ 70 Đại hội đồng Liên hợp quốc ở New York (Mỹ). Ảnh: TTXVN

Rõ ràng, từ nhiều tuần qua, Nga đã giữ thế thượng phong trong hồ sơ Syria qua việc tăng cường mạnh mẽ viện trợ quân sự cho chính quyền của Tổng thống Bashar Al Assad, tiếp đó là cùng với Iraq, Iran và Syria thành lập một trung tâm tình báo ở Baghdad để chiến dịch chống IS hiệu quả hơn. Liên minh chống IS mới do Nga khởi xướng tại khóa họp lần thứ 70 Đại hội đồng Liên hợp quốc ở New York (Mỹ) được truyền thông gọi là “4+1”, gồm Nga, Iran, Iraq và Syria cùng với lực lượng Hezbollah, trong đó Nga đóng vai trò nổi bật.

Những động thái trên của Nga càng làm cho Mỹ và các đồng minh châu Âu cảm thấy sốt ruột khi mà chiến dịch quân sự của phương Tây chống IS dường như không hiệu quả. Trước sự bế tắc trên thực địa và sau 4 năm xung đột quân sự ở Syria làm hơn 240.000 người thiệt mạng và hàng triệu người phải chạy lánh nạn sang châu Âu, Nga muốn chứng minh rằng chỉ có chế độ của Tổng thống Assad, chứ không phải các nhóm đối lập vốn thiếu sự đoàn kết và thống nhất (được sự hậu thuẫn của Mỹ và liên minh quân sự) mới có thể đánh bại được IS và khôi phục hòa bình cho Syria. Đây cũng chính là điểm khác biệt trong quan điểm của Nga và Mỹ về hồ sơ Syria. Trong nhiều năm qua, Mỹ và phương Tây luôn đưa ra điều kiện tiên quyết là Tổng thống Assad phải ra đi ngay lập tức và vô điều kiện. Sự can dự tích cực của Nga vào vấn đề Syria buộc phương Tây phải chấp nhận sự tham gia của họ trong một giải pháp ngoại giao. Ngay cả Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng phải thừa nhận sẽ là “vô trách nhiệm” nếu từ chối đối thoại với Moskva. Việc Mỹ phải cùng phối hợp với Nga trong cuộc chiến chống IS ở Syria cũng có thể mở ra một chương mới trong quan hệ giữa Nga và phương Tây kể từ sau cuộc khủng hoảng ở Ukraine, đồng thời tạo ra một bầu không khí thuận lợi có thể dẫn tới việc phương Tây sẽ dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với Nga.

Nguy cơ tội phạm, khủng bố trà trộn vào châu Âu

 

Theo Bộ Nội vụ Đức ước tính có đến 30% người di cư đến châu Âu đang giả mạo là công dân Syria để được tạo điều kiện thuận lợi khi làm thủ tục nhập cư. Ảnh: AFP/ TTXVN

Báo cáo trước Ủy ban Nội vụ Quốc hội Đức chiều 25-9-2015, Phó Chủ tịch Cục Cảnh sát hình sự liên bang Đức (BKA) Peter Henzler cho biết BKA đã tìm ra gần 1.000 manh mối liên quan đến “tội phạm chiến tranh“ trong số những người xin tị nạn mới tại nước này và đang xem xét để tiến hành điều tra hình sự ít nhất khoảng 100 trường hợp trong số này.

Trong khi đó, theo thông báo của Bộ Nội vụ Đức cùng ngày, ước tính có đến 30% người di cư đến châu Âu đang giả mạo là công dân Syria để được tạo điều kiện thuận lợi khi làm thủ tục nhập cư. Cũng liên quan đến vấn đề này, cựu Giám đốc Văn phòng Liên bang Bảo vệ Hiến pháp và Chống khủng bố của Áo (BVT), ông Gert-Rene Polli cảnh báo hàng chục tay súng thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) cực đoan đã xâm nhập vào châu Âu qua làn sóng người di cư hiện nay. Trả lời phỏng vấn nhật báo Kronen Zeitung, ông G. Polli, đồng thời là một chuyên gia chống khủng bố của Áo, cho rằng tình hình an ninh đã vượt ra ngoài tầm kiểm soát. Theo chuyên gia này, rõ ràng các tay súng IS đang nằm trong số những người di cư và chúng đang lợi dụng cơ hội này để vào châu Âu. Ông G. Polli nhận định các cơ quan an ninh ở châu Âu ít có khả năng bắt những đối tượng tình nghi khủng bố trà trộn trong dòng người di cư vào châu lục này.

Quan hệ Mỹ - Trung Quốc vẫn tồn tại rào cản và thiếu lòng tin chiến lược

 

Tổng thống Mỹ Barack Obama hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Nhà Trắng ngày 25-9-2015. Ảnh: THX/TTXVN

Không nằm ngoài dự đoán, cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Nhà Trắng đã không đạt được bước đột phá hay cam kết nổi bật. Lãnh đạo hai cường quốc chỉ có được sự đồng thuận về hai trong số nhiều vấn đề cơ bản là biến đổi khí hậu và an ninh mạng, trong khi các hồ sơ gây bất đồng như Biển Đông, kinh tế, nhân quyền,... vẫn để ngỏ.

Đối với vấn đề Biển Đông - vốn được coi là một trong những vấn đề gai góc nhất, hai bên chưa thu hẹp được bất đồng. Về đề xuất của Trung Quốc xây dựng “quan hệ nước lớn kiểu mới”, cho đến nay, dường như Mỹ không thực sự mặn mà vì bản chất của ý tưởng này là làm sao Bắc Kinh thuyết phục được Washington tạo không gian cho Trung Quốc tiếp tục phát triển mà không vấp phải sự kiềm chế của Mỹ. Rõ ràng, quan hệ Mỹ - Trung Quốc luôn là vấn đề phức tạp trong quan hệ quốc tế hiện đại do tầm vóc và sức ảnh hưởng của hai cường quốc này đối với thế giới. Việc thiếu lòng tin chiến lược giữa hai bên khiến quan hệ Mỹ - Trung Quốc khó có thể phát triển một cách lành mạnh bởi những bất đồng, mâu thuẫn cơ bản và gai góc giữa hai bên khó có thể được tháo gỡ. Vì thế, để thu hẹp được bất đồng, hai bên cần tạo dựng được lòng tin chiến lược, biến những cam kết thành hành động thực tế để xây dựng mối quan hệ thực chất, đóng góp cho hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới./.