Một số giải pháp phát triển giáo dục nghề nghiệp trong giai đoạn hiện nay

ThS. Nguyễn Trung Dũng Trường Đại học Y khoa Vinh
23:14, ngày 29-05-2015

TCCSĐT - Từ ngày 01-7-2015 Luật Giáo dục nghề nghiệp chính thức có hiệu lực, theo đó, hợp nhất giáo dục chuyên nghiệp với giáo dục nghề, gọi chung là giáo dục nghề nghiệp. Cùng với giáo dục phổ thông, giáo dục đại học, đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục nghề nghiệp theo hướng tập trung đào tạo nhân lực có kiến thức, kỹ năng và trách nhiệm nghề nghiệp,… là nhiệm vụ quan trọng.

Một số kết quả chủ yếu của giáo dục nghề nghiệp thời gian qua

Hiệu lực, hiệu quả quản lý giáo dục chuyên nghiệp từng bước được nâng cao. Các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo đã tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đồng bộ làm cơ sở triển khai thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện về giáo dục và đào tạo, hoàn thiện các quy định về mở ngành đào tạo, tuyển sinh, đào tạo trung cấp chuyên nghiệp theo hướng đơn giản hóa các thủ tục, khắc phục những bất cập của các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành và giải quyết các vấn đề phát sinh chưa được điều chỉnh bởi các văn bản quy phạm pháp luật.

Công tác tổ chức và nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục nghề nghiệp được quan tâm thực hiện, chất lượng giáo dục chuyên nghiệp từng bước được cải thiện, chất lượng, hiệu quả đào tạo trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề từng bước được củng cố. Nhiều cơ sở đào tạo đã tập trung đổi mới chương trình, phương pháp dạy, học, công tác thi, kiểm tra, đánh giá trong đào tạo trung cấp chuyên nghiệp; biên soạn, lựa chọn giáo trình, tài liệu tham khảo, tổ chức đào tạo kỹ năng chuyên nghiệp cho người lao động; xây dựng các chỉ số về giám sát đánh giá chất lượng dạy và học. Bước đầu triển khai xây dựng khung trình độ quốc gia, trong đó có trình độ trung cấp; triển khai xây dựng các tiêu chuẩn định mức kinh tế - kỹ thuật về trung cấp chuyên nghiệp; xây dựng văn bản hướng dẫn thành lập, sáp nhập, tổ chức lại các trung tâm dạy nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên và trung tâm giáo dục kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp; hướng dẫn các sở giáo dục và đào tạo về việc phối hợp để thực hiện giáo dục hướng nghiệp, đào tạo kỹ năng nghề nghiệp cho học sinh phổ thông và đang triển khai xây dựng nhiều văn bản quan trọng khác,... Công tác xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên được tăng cường; công tác tổ chức đào tạo, bồi dưỡng năng lực giáo viên tập trung vào năng lực phát triển chương trình đào tạo, xây dựng chuẩn đầu ra, tổ chức thi, kiểm tra, đánh giá gắn với chuẩn năng lực thực hiện. Các trường tăng cường hợp tác với các đơn vị sử dụng lao động để đưa giáo viên đi đào tạo, bồi dưỡng kiến thức thực tế.

Công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý các vi phạm trong đào tạo trung cấp chuyên nghiệp được tăng cường, có trọng tâm, trọng điểm và có sự phối hợp tốt giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo với các sở giáo dục và đào tạo. Do đó, đã có bước chuyển quan trọng trong nhận thức, tư duy về quản lý nhà nước đối với giáo dục trung cấp chuyên nghiệp, không can thiệp vào công việc chuyên môn của trường và chuyển mạnh theo định hướng lấy chất lượng làm trọng. Việc tổ chức đào tạo theo hướng tiếp cận theo năng lực đã được triển khai trong năm học vừa qua, từ việc phát triển chương trình, tổ chức đào tạo, đánh giá kết quả người học theo chuẩn năng lực thực hiện (Competence-based assessment). Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất và các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo. Nhiều địa phương đã tích cực triển khai các hoạt động của Đề án Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, các phong trào và các cuộc vận động lớn của ngành. Ngành giáo dục - đào tạo nói chung, giáo dục chuyên nghiệp và giáo dục nghề nói riêng đã tích cực xây dựng chương trình hành động cụ thể để thực hiện các cuộc vận động, với sự tham gia của tất cả các giáo viên, học sinh; cam kết và tổ chức thực hiện thường xuyên, hiệu quả, có chất lượng việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Lồng ghép, tích hợp nội dung giáo dục tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh một cách hiệu quả trong các giờ học chính khóa và ngoại khóa; tiếp tục thực hiện tốt các cuộc vận động lớn của ngành. Các sở giáo dục và đào tạo chỉ đạo các trường duy trì tổ chức tốt Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp trường, cấp tỉnh; tổ chức thi học sinh giỏi trung cấp chuyên nghiệp. Nhiều trường chuyên nghiệp tổ chức thi học sinh giỏi và thi kỹ năng nghề nghiệp cho học sinh, đồng thời tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ để vừa quảng bá hình ảnh của giáo dục chuyên nghiệp, vừa tạo điều kiện cho học sinh phát triển toàn diện. Tổ chức rút kinh nghiệm, phổ biến phương pháp giảng dạy hiệu quả của các giáo viên đạt giải cao trong các hội thi giáo viên dạy giỏi trung cấp chuyên nghiệp các cấp và chuẩn bị cho Hội thi giáo viên dạy giỏi trung cấp chuyên nghiệp toàn quốc.

Công tác phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh sau trung học cơ sở vào học trung cấp chuyên nghiệp từng bước được chú trọng. Các sở giáo dục và đào tạo và các trường chuyên nghiệp đã tích cực phối hợp với các ban, ngành xây dựng, thực hiện các giải pháp cụ thể để nâng cao hiệu quả công tác phân luồng học sinh sau trung học cơ sở vào học trung cấp chuyên nghiệp. Công tác truyền thông về giáo dục trung cấp chuyên nghiệp được tăng cường, thông qua các hội thi học sinh giỏi, hội thi giáo viên dạy giỏi, tư vấn, quảng bá tuyển sinh, hội chợ việc làm. Các cơ sở giáo dục chuyên nghiệp phối hợp với các trường trung học tổ chức tư vấn, tham quan, tìm hiểu ngành nghề, cơ sở đào tạo để nâng cao hiệu quả công tác phân luồng, hướng nghiệp; phối hợp với các trường phổ thông để đào tạo kỹ năng nghề nghiệp cho học sinh trung học. Công tác phân luồng, hướng nghiệp đã góp phần làm thay đổi nhận thức của xã hội đối với giáo dục trung cấp chuyên nghiệp, đặc biệt là đối với một số ngành mà xã hội có nhu cầu cao nhưng có ít người vào học, như các ngành nông, lâm, thủy sản, sản xuất và chế biến.

Chú trọng công tác quy hoạch phát triển nhân lực ngành giáo dục và đào tạo theo nhu cầu phát triển xã hội. Các bộ, ngành và các sở giáo dục và đào tạo đã chỉ đạo các trường xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển của mình phù hợp với Chiến lược phát triển giáo dục 2011 - 2020 và chiến lược phát triển của ngành, địa phương. Trong đó, tập trung xây dựng, thực hiện chiến lược phát triển trường, các chương trình, đề án, dự án về quy hoạch nhân lực và đào tạo theo nhu cầu xã hội, đầu tư cơ sở vật chất, phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý, đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng đào tạo, giáo dục trung cấp chuyên nghiệp.

Những hạn chế, bất cập của giáo dục nghề nghiệp hiện nay

- Phần lớn các chương trình đào tạo nghề nghiệp còn thiếu tính cập nhật, chưa gắn với những thay đổi từ môi trường doanh nghiệp, chưa đáp ứng được yêu cầu năng lực của người tốt nghiệp trong thị trường lao động.

- Việc mở ngành nghề đào tạo, nhìn chung, được thực hiện nghiêm túc theo các quy định, nhưng còn một vài địa phương chưa chú ý đến nhu cầu nhân lực, hoặc buông lỏng việc kiểm tra, kiểm soát chất lượng; việc mở ngành tại bộ, ngành, địa phương còn chưa gắn với quy hoạch phát triển nguồn nhân lực và phát triển kinh tế - xã hội.

- Quy mô và chất lượng đào tạo trung cấp chuyên nghiệp vẫn còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu về kiến thức và kỹ năng thực hành mà thị trường đòi hỏi. Học sinh giáo dục nghề nghiệp ra trường còn thiếu kỹ năng thực hành trên thiết bị công nghệ hiện đại, năng lực giao tiếp tại môi trường làm việc và trình độ ngoại ngữ còn yếu. Năng lực nghề nghiệp của học sinh tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng lao động, chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa phát triển số lượng với yêu cầu nâng cao chất lượng.

- Nguồn lực đầu tư cho trung cấp chuyên nghiệp hạn chế so với nhu cầu phát triển, nhu cầu học trung cấp chuyên nghiệp vượt quá khả năng cung ứng nguồn lực; cơ sở vật chất về trường, lớp, đất đai còn quá thiếu; trang thiết bị công nghệ, phương tiện, tài liệu dạy và học lạc hậu, trong khi lại thiếu sự kết nối giữa nhà trường với doanh nghiệp.

- Việc liên kết đào tạo ở một số địa phương còn buông lỏng, có hiện tượng chuyển chỉ tiêu đào tạo cho cơ sở đào tạo khác (thực chất là “bán” chỉ tiêu), không phản ánh đúng mục đích của việc liên kết; thiếu các yếu tố đóng góp về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất của cả hai bên liên kết.

- Công tác phân luồng học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào học trung cấp chuyên nghiệp còn rất yếu kém. Đây là một thách thức lớn đối với giáo dục nghề nghiệp nói chung và trung cấp chuyên nghiệp nói riêng trong việc thực hiện mục tiêu Chiến lược phát triển giáo dục 2011- 2020 là: “Đến năm 2020, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có đủ khả năng tiếp nhận 30% số học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở”(1).

Một số giải pháp phát triển giáo dục nghề nghiệp trong thời gian tới

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục nghề nghiệp trong thời gian tới, theo chúng tôi, cần tập trung giải quyết một số vấn đề mang tính giải pháp sau:

Một là, đẩy mạnh xã hội hóa và đa dạng nguồn lực cho phát triển giáo dục nghề nghiệp, mở rộng đào tạo kỹ năng chuyên nghiệp cho người lao động. Cơ cấu lại hệ thống giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp theo hướng tinh gọn, chuyên ngành, đồng thời nâng cao chất lượng đào tạo theo hướng thực dạy, thực học. Khuyến khích các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài mở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Gắn kết chặt chẽ giữa nhà trường với doanh nghiệp trong đào tạo; xây dựng các mối quan hệ chặt chẽ giữa đào tạo với thị trường lao động để đáp ứng nhu cầu của người sử dụng lao động và nhu cầu giải quyết việc làm.

Hai là, tạo sự thống nhất trong các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, tránh tình trạng cắt khúc, chồng chéo; đồng thời phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng các nghị định hướng dẫn cụ thể việc thực hiện Luật Giáo dục nghề nghiệp, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đồng bộ làm cơ sở triển khai thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện thống nhất đầu mối quản lý giáo dục; hoàn thiện cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, xây dựng khung các trình độ quốc gia, các tiêu chuẩn định mức trong giáo dục trung cấp chuyên nghiệp.

Ba là, xây dựng bộ tiêu chí tổ chức đánh giá định mức kỹ thuật vị trí việc làm của người lao động và nhu cầu nhân lực trình độ chuyên nghiệp. Tiếp tục mở rộng quy mô, đa dạng hóa các ngành nghề đào tạo, các hình thức đào tạo, các hệ đào tạo và các loại hình trường trung cấp chuyên nghiệp, gắn với bảo đảm chất lượng đào tạo, phù hợp với khả năng cung ứng nhân lực của cơ sở đào tạo và quy hoạch phát triển nhân lực của các bộ, ngành và địa phương. Rà soát, quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo cơ cấu ngành nghề phù hợp với quy hoạch phát triển nhân lực quốc gia, nhu cầu người học, đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường lao động trong nước và tham gia thị trường lao động trong khu vực và quốc tế.

Bốn là, các sở giáo dục và đào tạo tập trung chỉ đạo, tạo điều kiện để các trường trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng mở các khóa đào tạo ngắn hạn về kỹ năng nghề nghiệp. Đổi mới chương trình đào tạo, phương pháp đào tạo, đánh giá kết quả học tập của người học gắn với chuẩn năng lực và đánh giá sự tác động của chuẩn đầu ra đối với cải thiện chất lượng và hiệu quả đào tạo. Tăng cường quản lý chất lượng đầu ra, chuẩn hóa đầu ra và các điều kiện bảo đảm chất lượng; công khai về chất lượng, các điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực và tài chính.

Năm là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với các hoạt động thành lập trường, thực hiện quy chế đào tạo, mở ngành đào tạo, liên kết đào tạo, xác định chỉ tiêu tuyển sinh trung cấp chuyên nghiệp, kịp thời chấn chỉnh và công khai xử lý nghiêm các sai phạm trong đào tạo trung cấp chuyên nghiệp. Thực hiện xã hội giám sát đối với chất lượng và hiệu quả giáo dục chuyên nghiệp thông qua công khai các hoạt động giáo dục chuyên nghiệp.

Sáu là, tăng cường công tác tư vấn, hướng nghiệp, trong đó tập trung tổ chức tuyên truyền, tham mưu cho các cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai thực hiện các giải pháp để phân luồng học sinh sau trung học cơ sở vào học trung cấp chuyên nghiệp theo Chỉ thị số 10-CT/TW, ngày 05-12-2011, của Bộ Chính trị về phân luồng học sinh sau trung học cơ sở. Mỗi cơ sở giáo dục chuyên nghiệp cần thành lập trung tâm hoặc bộ phận chuyên trách tư vấn hướng nghiệp cho học sinh, xây dựng chương trình tích hợp các môn văn hóa với các môn học cơ sở và chuyên môn để nâng cao hiệu quả phân luồng sau trung học cơ sở trong giáo dục chuyên nghiệp.

Bảy là, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông nhằm nâng cao hiệu quả quản lý giáo dục chuyên nghiệp, trong đó triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu về giáo dục chuyên nghiệp ở các cấp và cơ sở giáo dục chuyên nghiệp, đưa các nội dung công khai về giáo dục lên trang thông tin điện tử của cơ sở đào tạo và của cơ quan quản lý.

Tám là, tiếp tục thực hiện Đề án Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020, trong đó tập trung vào việc tổ chức rà soát, bồi dưỡng năng lực ngoại ngữ cho giáo viên tiếng Anh trung cấp chuyên nghiệp, tổ chức dạy thí điểm chương trình tiếng Anh tăng cường cho một số ngành đào tạo trung cấp chuyên nghiệp. Chủ động hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong giáo dục chuyên nghiệp. Khuyến khích các cơ sở giáo dục chuyên nghiệp trong nước hợp tác, liên kết đào tạo với các cơ sở giáo dục nước ngoài để nâng cao năng lực quản lý, đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ khoa học, quản lý giáo dục chuyên nghiệp./.

---------------------------------------

(1) Chiến lược phát triển giáo dục 2011 - 2020, ban hành kèm theo Quyết định số 711/QĐ-TTg, ngày 13-09-2012 của Thủ tướng Chính phủ