Đảng lãnh đạo, Đảng cầm quyền theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập, rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam để lãnh đạo sự nghiệp cách mạng của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và toàn thể dân tộc Việt Nam. Những thắng lợi vĩ đại, có ý nghĩa lịch sử và thời đại trong 85 năm qua của Cách mạng Việt Nam không thể tách rời sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Thực tế cho thấy Đảng lãnh đạo là nhân tố hàng đầu, quyết định mọi thành bại của Cách mạng Việt Nam qua các thời kỳ, cả khi Đảng chưa giành được chính quyền cho đến khi Đảng trở thành đảng cầm quyền.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp thu, kế thừa và phát triển những nguyên lý xây dựng chính đảng cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin trong thực tiễn Cách mạng Việt Nam, trực tiếp lãnh đạo, dày công giáo dục, rèn luyện Đảng ta ngày càng trưởng thành, vững mạnh. Người đã sử dụng trong các bài viết, bài nói của mình các khái niệm “Đảng lãnh đạo”, “Đảng cầm quyền”. Việc nhận thức các vấn đề đó trong giai đoạn hiện nay là hết sức cần thiết, làm cơ sở cho Đảng ta tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo và xây dựng các triết lý cầm quyền. Trong phương hướng, giải pháp xây dựng Đảng của nhiệm kỳ Đại hội X, Đảng ta đã xác định: “Kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Vận dụng và phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong hoạt động của Đảng. Thường xuyên tổng kết thực tiễn, bổ sung, phát triển lý luận, giải quyết đúng đắn những vấn đề cuộc sống đặt ra.” Để hoàn thành tôn chỉ trên, cần: “Tập trung đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước. Đảng lãnh đạo Nhà nước bằng đường lối, quan điểm, các nghị quyết; lãnh đạo thể chế hóa, cụ thể hóa thành Hiến pháp, pháp luật, kế hoạch, các chương trình công tác lớn của Nhà nước… Đổi mới phương thức lãnh đạo gắn với đổi mới phong cách và lề lối làm việc thật sự dân chủ, thiết thực, nói đi đôi với làm.”(1)
Tại Đại hội XI, trong phương hướng, giải pháp xây dựng Đảng những năm tới, Đảng ta tiếp tục xác định: “Tăng cường nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, làm sáng tỏ một số vấn đề về Đảng cầm quyền, về chủ nghĩa xã hội, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta và những vấn đề mới nảy sinh trong quá trình đổi mới, không ngừng phát triển lý luận, đề ra đường lối và chủ trương đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước; khắc phục một số mặt lạc hậu, yếu kém của công tác nghiên cứu lý luận.”(2)
Đảng lãnh đạo
“Đảng lãnh đạo” là một khái niệm được các nhà kinh điển Mác - xít nêu ra vào những năm cuối thế kỷ XIX, đánh dấu sự trưởng thành về mặt tổ chức với sự ra đời các chính đảng của giai cấp công nhân, lực lượng tiên phong thực hiện sứ mệnh lịch sử lãnh đạo quần chúng nhân dân lao động thủ tiêu chế độ bóc lột, xây dựng một xã hội mới, không có áp bức, bất công. “Đảng lãnh đạo” được hiểu là một hình thức của cuộc đấu tranh giai cấp, là giai cấp công nhân thực hiện vai trò tiền phong, gương mẫu, phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân để làm sao có được sự đồng tình, ủng hộ một cách tự nguyện của đại đa số nhân dân lao động đối với Đảng, kể cả khi Đảng chưa giành được chính quyền, nhằm xây dựng một xã hội tiến bộ theo mục tiêu của Đảng. V.I. Lênin viết: “Không có sự đồng tình và ủng hộ của đại đa số nhân dân lao động đối với đội tiền phong của mình, tức đối với giai cấp vô sản, thì cách mạng vô sản không thể thực hiện được. Nhưng sự đồng tình, ủng hộ đó không thể có ngay được và không phải do những cuộc bỏ phiếu quyết định, mà phải trải qua một cuộc đấu tranh giai cấp lâu dài, khó khăn, gian khổ mới giành được.”(3)
Trên cơ sở quan điểm của V. Lê-nin về Đảng lãnh đạo, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ bằng hành động thực tiễn là sáng lập ra một đảng của giai cấp công nhân và cả dân tộc để lãnh đạo toàn dân trong công cuộc giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam mà đã góp phần làm rõ cả nhận thức khái niệm về Đảng lãnh đạo. Theo Người, Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiền phong lãnh đạo của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc Việt Nam. Đảng lãnh đạo cách mạng bằng chủ trương, đường lối, bằng công tác tư tưởng, lý luận, đồng thời qua hành động tiền phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Người cho rằng: phải giáo dục mọi người bằng chính tấm gương sống của mình trước đã, sau đó mới giáo dục bằng lời nói. Nói đến sự gương mẫu là nói đến trách nhiệm, nói đến sự hy sinh. Bác nhấn mạnh: “Đảng không bắt buộc ai vào Đảng cả. Vào thì có nhiệm vụ, có trách nhiệm của đảng viên, nếu sợ không phục vụ được nhân dân, phục vụ được cách mạng thì đừng vào hay là khoan hãy vào.”(4). Để xứng đáng với vai trò tiền phong lãnh đạo, Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên phải không ngừng học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ trí tuệ, phẩm chất chính trị, đạo đức. Đảng phải thật sự tiền phong cả về tư tưởng, nhận thức, đạo đức và hành động, phải đề ra đường lối đúng đắn, sáng tạo, đội ngũ cán bộ, đảng viên phải hăng hái đi trước, nêu gương cho quần chúng noi theo. Theo Người: “Chế độ ta là chế độ dân chủ, nghĩa là nhân dân làm chủ. Đảng ta là Đảng lãnh đạo; nghĩa là cán bộ, từ trung ương đến khu, đến tỉnh, đến huyện, đến xã, bất kỳ ở cấp nào và ngành nào - đều phải là người đầy tớ trung thành của nhân dân.”(5)
Đảng lãnh đạo quần chúng nhân dân có nghĩa là Đảng phải làm sao trở thành lực lượng tiên phong trong dân chúng, vạch hướng, xác định mục tiêu đúng đắn, đáp ứng được được nguyện vọng, lợi ích cơ bản của đông đảo quần chúng nhân dân; đồng thời phải có uy tín cao do làm tốt sứ mệnh “người đày tớ trung thành của nhân dân”. Sự lãnh đạo của Đảng với quần chúng nhân dân có đặc điểm là sự vận động mang tính thuyết phục. Đảng lấy uy tín của mình là một Đảng có “đạo đức và văn minh” để thuyết phục quần chúng nhân dân đi theo, ủng hộ, thực hiện Cương lĩnh, đường lối, nghị quyết của Đảng. Điều đó diễn ra cả trước và sau khi Đảng lãnh đạo nhân dân giành được chính quyền. Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân cả trong cách mạng giải phóng dân tộc và thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội. Chính từ trong cuộc đấu tranh đó, Đảng đã tỏ ra là lực lượng “có sức hấp dẫn lớn” được quần chúng nhân dân tin yêu, ca ngợi, thuyết phục, là lực lượng giữ địa vị lãnh đạo. Sau khi Đảng lãnh đạo nhân dân giành được chính quyền, sự công nhận đó được kiểm chứng chủ yếu qua các cuộc bầu cử dân chủ và khi có đa số đảng viên của Đảng được bầu vào các cơ quan quyền lực nhà nước các cấp. Tuy nhiên, nhân dân công nhận địa vị lãnh đạo của Đảng không có nghĩa là Đảng có thể giữ mãi địa vị lãnh đạo đó nếu đánh mất niềm tin của nhân dân, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay nếu Đảng không chiến thắng được trong cuộc đấu tranh gian khổ chống chủ nghĩa cá nhân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng chỉ rõ: “Đảng không thể đòi hỏi Mặt trận thừa nhận quyền lãnh đạo của mình, mà phải tỏ ra là một bộ phận trung thành nhất, hoạt động nhất và chân thực nhất. Chỉ trong đấu tranh và công tác hàng ngày, khi quần chúng rộng rãi thừa nhận chính sách đúng đắn và năng lực lãnh đạo của Đảng, thì Đảng mới giành được địa vị lãnh đạo”(6). Người còn viết: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không phải nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân.”(7)
Đảng cầm quyền
Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời ngày 03-02-1930 trong bối cảnh đất nước bị thực dân Pháp xâm lược. Khi đó đã có nhiều phong trào, nhiều tổ chức yêu nước phất cờ khởi nghĩa chống thực dân Pháp và lũ tay sai nhưng đều thất bại. Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, do có lãnh tụ anh minh, uy tín cao, có lý luận cách mạng tiên phong dẫn đường, đề ra cương lĩnh, đường lối, mục tiêu cách mạng đúng đắn, có đội ngũ cán bộ đảng viên tiền phong gương mẫu, luôn sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc, nên đã được nhân dân, được lịch sử giao phó quyền lãnh đạo cách mạng Việt Nam cả trước và sau khi Đảng giành được chính quyền về tay nhân dân. Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành Đảng cầm quyền, đã lãnh đạo nhân dân, dân tộc Việt Nam “chiến thắng hai đế quốc xâm lược” là Pháp và Mỹ, mang lại hòa bình, thống nhất đất nước, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Gần 30 năm nay, Đảng là ngưởi khởi xướng và lãnh đạo sự nghiệp đổi mới xây dựng công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, đã thu được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử.
Trong lĩnh vực chính trị học, Đảng cầm quyền là một khái niệm được sử dụng rộng rãi ở các nước phương Tây ngay khi xã hội bắt đầu hình thành các đảng chính trị. V. Lê-nin cũng đề cập nhiều vấn đề liên quan đến đảng cầm quyền. Theo V. Lê-nin, đảng cầm quyền được hiểu là “đảng nắm chính quyền” bằng những người đại diện của đảng trực tiếp thực hiện công việc quản lý trong bộ máy nhà nước. Những cán bộ, đảng viên trong bộ máy nhà nước phải hoạt động làm sao bảo đảm vừa với tư cách là người đại diện cho Đảng thực hiện việc tuyên truyền, vận động nhân dân đi theo Đảng, tức là hoạt động “lãnh đạo”, vừa với tư cách là người đại diện cho Đảng, đồng thời là đại biểu của nhân dân thực hiện công việc quản lý nhà nước, tức là hoạt động “cầm quyền”. Đảng cầm quyền là khái niệm gắn với quyền lực. Tức là Đảng có quyền lực chính trị mà cụ thể là ở việc “nắm chính quyền”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận thức rất sớm về Đảng cầm quyền, tuy nhiên, không nêu rõ khái niệm Đảng cầm quyền là như thế nào, và hầu như chỉ có một lần trong Di chúc, Người mới nói rõ “Đảng ta là một Đảng cầm quyền”(8); nhưng qua những bài viết, bài nói, Người cho rằng “Đảng cầm quyền” là một khái niệm khác với “Đảng lãnh đạo”, Đảng cầm quyền là khái niệm gắn với quyền lực. Theo Người, Đảng cầm quyền cũng là Đảng nắm chính quyền, nghĩa là Đảng có quyền lực trong thực tế. Tuy nhiên, Đảng ta là đội tiền phong không chỉ của giai cấp công nhân mà là của cả dân tộc. “Đảng là đảng của cả giai cấp lao động, mà cũng là đảng của toàn dân”; đồng thời những cán bộ, đảng viên của Đảng trực tiếp thi hành những nhiệm vụ quản lý trong bộ máy nhà nước nhưng đều chỉ là những người được nhân dân “ủy thác”, bầu ra để phục vụ nhân dân. Người viết: “Nhân dân là ông chủ nắm chính quyền. Nhân dân bầu ra đại biểu thay mặt mình thi hành chính quyền ấy”(9). Có thể thấy, đây là một nét đặc thù của Đảng cầm quyền ở Việt Nam hiện nay. Điều này không có được đối với đảng cầm quyền ở nhiều nước trên thế giới, khi mà đảng cầm quyền chỉ là đại diện của một lực lượng trong nhiều lực lượng khác nhau của các giai cấp, tầng lớp dân chúng trong xã hội.
Rất tiếc, ngày nay, “một bộ phận không nhỏ” cán bộ, đảng viên có chức có quyền suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống, để cái “tôi” lên trên hết, bị chủ nghĩa cá nhân chi phối nặng nề, nói một đằng làm một nẻo, nói “như hát hay” nhưng làm trái hoàn toàn với giáo huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về Đảng cầm quyền. “Bộ phận không nhỏ” này coi quyền lực mà Đảng và nhân dân giao phó cho để phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc là quyền lực của mình, phục vụ cho lợi ích, tham vọng của mình và phe nhóm mình. Để cho xuất hiện “một bộ phận không nhỏ” ấy trong thời gian dài, qua nhiều kỳ Đại hội Đảng, gây hậu quả rất nghiêm trọng cho Đảng, cho đất nước, đấy là khuyết điểm lớn, là điểm yếu trong công tác xây dựng Đảng ở nước ta. Các thế lực đã và đang “nhằm” vào “điểm yếu” này để tiến công, chống phá Đảng ta hòng xoá bỏ vai trò lãnh đạo, địa vị cầm quyền của Đảng ta. Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng…” như một cái “chốt chặn”, để ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới triệt tiêu tình trạng “một bộ phận không nhỏ” suy thoái, biến chất gây mất niềm tin của nhân dân, gây tổn thất lớn cho Đảng.
Phương thức lãnh đạo và phương thức cầm quyền của Đảng
Những quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “Đảng lãnh đạo”, “Đảng cầm quyền” có ý nghĩa rất lớn, mang tính thời sự nóng hổi trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay. Cần nhận thức đúng đắn nội hàm của các khái niệm đó làm cơ sở để đổi mới phương thức lãnh đạo và phương thức cầm quyền của Đảng một cách đúng đắn.
Trước hết, trong mối quan hệ, tác động của Đảng đối với Nhà nước mà từ trước đến nay chúng ta coi là quan hệ “lãnh đạo”, “Đảng lãnh đạo Nhà nước” cần phải có sự nhận thức rõ hơn. Đây phải được coi là quan hệ gắn với quyền lực, do sự “cầm quyền” của Đảng. Tức Đảng có quyền lực, “Đảng cầm quyền”, nắm quyền lực nhà nước bằng cách Đảng “hoá thân” sự lãnh đạo của mình trong sự quản lý của Nhà nước, trên các phương diện của đời sống kinh tế, xã hội. Do vậy, hoạt động của Đảng hiện nay vừa có sự lãnh đạo, vừa có sự cầm quyền với các phương thức lãnh đạo và phương thức cầm quyền của Đảng.
Phương thức lãnh đạo và phương thức cầm quyền của Đảng có những điểm giống nhau và khác nhau. Điểm giống nhau chủ yếu ở chỗ: Sự tác động, ảnh hưởng của Đảng đối với Nhà nước và toàn xã hội đều hướng tới thực hiện Cương lĩnh, mục tiêu do Đảng đề ra; Đảng là một bộ phận của hệ thống chính trị, là thành viên của Mặt trận Tổ quốc nhưng giữ vai trò lãnh đạo; Đảng phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, Đảng phải đặt mình dưới luật, chịu sự kiểm tra, giám sát của nhân dân thông qua Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội.
Điểm khác nhau chủ yếu ở chỗ: Phương thức lãnh đạo của Đảng tập trung ở việc xác định đúng đắn đường lối, mục tiêu thể hiện trong Cương lĩnh, nghị quyết của Đảng; ở tính thuyết phục của công tác tư tưởng, tuyên truyền, giáo dục của Đảng; ở việc toàn Đảng, mỗi đảng viên luôn tự rèn luyện, nêu cao tính tiên phong, gương mẫu về mọi mặt, hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, thực sự là “người đày tớ trung thành của nhân dân”, trở thành ngọn cờ dẫn đường, vận động, thuyết phục nhân dân tự nguyện đi theo, ủng hộ Đảng, phấn đấu thực hiện thắng lợi đường lối, mục tiêu của Đảng. Phương thức cầm quyền của Đảng tập trung ở việc thực hiện công tác cán bộ, cắt cử và nắm chắc, kiểm tra, giám sát những cán bộ ưu tú của Đảng giữ những vị trí chủ chốt của bộ máy nhà nước các cấp để hoạch định và thực thi các quyết định, chính sách của chính quyền nhà nước trên cơ sở pháp luật và các cơ chế được thể chế hoá nhằm thực hiện các định hướng, mục tiêu của Đảng. Sự lãnh đạo và cầm quyền của Đảng là hai mặt hoạt động có quan hệ chặt chẽ với nhau. Một mặt, để có thể giữ vững địa vị cầm quyền, đòi hỏi Đảng phải giữ vững địa vị lãnh đạo, tức Đảng phải luôn có được vị trí tiên phong trong toàn xã hội, luôn được nhân dân tin yêu, đồng tình ủng hộ. Mặt khác, để có và giữ vững được địa vị lãnh đạo, thì ngoài việc Đảng phải thường xuyên nâng cao năng lực lãnh đạo, tức nâng cao năng lực hoạch định đường lối, chính sách bảo đảm đúng đắn, hợp lòng dân; làm tốt công tác tư tưởng tạo sự đồng thuận trong Đảng và toàn xã hội; làm tốt sứ mệnh “người đầy tớ trung thành của nhân dân”, Đảng còn phải thường xuyên nâng cao năng lực cầm quyền của mình, tức làm tốt công tác tổ chức cán bộ, bảo đảm hiệu quả cao trong quản lý của Nhà nước bởi đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng ở các cơ quan quyền lực nhà nước và trên mọi lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại… Chính từ việc thực hiện tốt các mặt hoạt động nêu trên sẽ là điều kiện tiên quyết để Đảng luôn giữ vững được lòng tin yêu của nhân dân đối với Đảng, từ đó nhân dân mới dành nhiều lá phiếu tiến cử các cán bộ thay mặt Đảng vào các cơ quan quyền lực nhà nước từ trung ương đến địa phương trong các đợt bầu cử, trưng cầu ý kiến nhân dân, như bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp./.
---------------------------------------------------------------
Chú thích:
(1) Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng. (Nguồn: http://dangcongsan.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30396&cn_id=195040)
(2) Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng.
(Nguồn:http://chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/NuocCHXHCNVietNam/ThongTinTongHop/noidungvankiendaihoidang?categoryId=10000716&articleId=10038382
(3) V.I. Lê nin: Toàn tập tập 39, Nxb. Tiến Bộ, Mát-xcơ-va, 1979, Tr. 251.
(4) Xưa Trần Thủ Độ cũng từng răn: “…Để lời nói suông mà bảo đời sau thì sao bằng lấy chính thân mình làm người dẫn đạo cho thiên hạ.”(Nguồn: Trang điện tử Ban quản lý lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh
http://www.bqllang.gov.vn/)
(5) Tại cuộc nói chuyện tại Hội nghị cán bộ của Đảng lần thứ Sáu, ngày 18 tháng 1 năm 1947.
(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập (Tập 3), Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, Tr. 138.
(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập (Tập 12), Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, Tr. 510.
(8) Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb. Chính trị Quốc gia, 2010.
(9 )Hồ Chí Minh: Toàn tập (Tập 7), Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, Tr. 218.
Việt Nam - Nga: Mối quan hệ gắn bó đặc biệt  (29/01/2015)
Kinh nghiệm phòng, chống tham nhũng của các triều đại phong kiến Việt Nam qua nghiên cứu luật “hồi tỵ”  (29/01/2015)
Kinh nghiệm phòng, chống tham nhũng của các triều đại phong kiến Việt Nam qua nghiên cứu luật “hồi tỵ”  (29/01/2015)
Kinh nghiệm phòng, chống tham nhũng của các triều đại phong kiến Việt Nam qua nghiên cứu luật “hồi tỵ”  (29/01/2015)
Phó Thủ tướng trả lời phỏng vấn về kết quả Hội nghị AMM Retreat  (28/01/2015)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên