Kinh nghiệm phòng, chống tham nhũng của các triều đại phong kiến Việt Nam qua nghiên cứu luật “hồi tỵ”
“Hồi tỵ” có nghĩa là tránh đi hoặc né tránh. Luật “hồi tỵ” quy định, những người thân như anh em, cha con, thầy trò, bạn bè cùng học, những người cùng quê... thì không được làm quan cùng một chỗ. Nếu ai gặp những trường hợp nói trên thì phải tâu báo lên triều đình và các cơ quan chức năng để bố trí chuyển đi chỗ khác. Luật “hồi tỵ” cũng được áp dụng nghiêm ngặt trong các kỳ thi Hương, thi Hội, thi Đình. Đây là một biện pháp cần thiết và hữu hiệu để nâng cao hiệu quả quản lý của các cơ quan công quyền ở nước ta, nơi mà truyền thống văn hoá, tình cảm gia đình, dòng họ, địa phương, quan hệ thầy trò… khá sâu đậm và có những ảnh hưởng nhất định đến việc thực thi quyền lực.
Vua Lê Thánh Tông và vua Minh Mệnh ban hành và thực hiện luật "hồi tỵ" với mục đích đề phòng việc kéo bè, kéo cánh, đem tình cảm riêng chi phối các mối quan hệ làm việc trong các cơ quan nhà nước, giảm thiểu tác động tiêu cực của bệnh cục bộ địa phương, gia đình chủ nghĩa. Theo các ông, để bộ máy nhà nước hoạt động minh bạch, có hiệu lực, hiệu quả thì những người làm việc trong bộ máy ấy phải vô tư, khách quan, tận tuỵ vì công việc chung. Trong cùng một cơ quan, tổ chức nếu có những người có quan hệ họ hàng, thân thuộc thì khi giải quyết công việc, khi tiến hành hoạt động kiểm tra, giám sát, khen thưởng, kỷ luật sẽ dễ bị tình cảm cá nhân chi phối, không thể khách quan, công tâm.
Trong lịch sử hành chính nhà nước Việt Nam, vua Lê Thánh Tông là vị vua đầu tiên đã ban hành và thực hiện luật “hồi tỵ” rất cụ thể và nghiêm túc. Trong Bộ luật Hồng Đức, ông quy định những điều khoản phải “hồi tỵ”: “Cha con, thầy trò, anh em, vợ chồng, thông gia... không được làm, không được tổ chức thi cùng một nơi”.
Để ngăn ngừa việc kéo bè, kéo cánh liên quan đến quyền uy của dòng họ, vua Lê Thánh Tông thực hiện chế độ “hồi tỵ” ngay từ việc cắt đặt xã quan ở các làng xã. Năm 1488, nhà vua xuống dụ quy định: “Từ nay các quan phủ, huyện, châu xét đặt xã trưởng, hễ là anh em ruột, anh em con chú, con bác, bác cháu, cậu cháu với nhau thì chỉ cho một người làm xã trưởng, không được cho cả hai cùng làm để trừ mối tội bè phái hùa nhau”(1).
Năm 1497, ông xuống dụ quy định bổ sung: “Các viên quan quản quân, quản dân nếu người nào có quê quán ở ngay phủ, huyện mình cai trị, có nhà ở nha môn mình làm việc, thì Bộ lại điều động đi nơi khác, chọn người khác bổ thay”(2).
Đối tượng thực hiện luật “hồi tỵ” dưới triều vua Lê Thánh Tông là tất cả quan lại trong bộ máy ở triều đình trung ương và các cấp chính quyền địa phương. Đặc biệt, ông rất quan tâm đến việc áp dụng luật “hồi tỵ” ở các làng, xã, nơi mà các quan hệ xã hội bị ràng buộc bởi nhiều mối quan hệ gia đình, bà con, họ hàng.
Luật “hồi tỵ” dưới triều vua Minh Mệnh được mở rộng phạm vi, đối tượng áp dụng và bổ sung những quy định mới, bao gồm:
- Quan lại ở các bộ, trong Kinh và ở các tỉnh, huyện hễ có bố, con, anh em ruột, chú bác, cô dì cùng làm một chỗ đều phải đổi đi chỗ khác. Đối với Viện thái y là viện chuyên giữ việc thuốc men, chữa bệnh cần phải cha truyền con nối thì không phải áp dụng luật “hồi tỵ”.
- Những quan lại, ai quê ở phủ, huyện nào thì cũng không được làm việc tại nha môn của phủ, huyện ấy.
- Quan lại ở các nha thuộc phủ, huyện ai là người cùng làng thì phải chuyển đi nha môn khác làm việc.
- Quan lại không được làm quan ở chính quê hương mình, quê vợ mình, thậm chí cả nơi đi học lúc còn trẻ.
- Người có quan hệ thông gia với nhau, thầy trò cũng không được làm quan cùng một chỗ.
- Khi thanh tra, thụ lý án, nếu trong đó có tình tiết liên quan đến người thân thì phải bẩm báo để triều đình cử người khác thay thế.
- Quan lại không được coi thi, chấm thi ở nơi nào có những người ruột thịt, thân quen ứng thi. Nếu có thì phải tâu trình thay người khác.
- Nghiêm cấm các quan đầu tỉnh không được đặt quan hệ giao du, kết thân, kết hôn với đàn bà, con gái nơi mình trị nhậm, cấm tậu nhà, tậu ruộng... trong địa hạt cai quản của mình(3).
Ngoài những quy định về “hồi tỵ” như trên, vua Lê Thánh Tông và vua Minh Mệnh còn đề ra những quy định rất cụ thể về các hình thức xử phạt nếu quan lại nào vi phạm các quy định về luật “hồi tỵ”. Trong chỉ dụ năm 1448, vua Lê Thánh Tông nhấn mạnh: “Nếu ai man trá sẽ bị nghiêm trị”.
Những quy định trong luật “hồi tỵ” được áp dụng dưới triều vua Lê Thánh Tông và vua Minh Mệnh rất cụ thể, đối tượng và phạm vị áp dụng luật rất rộng, đã góp phần làm cho bộ máy nhà nước được củng cố, tránh được tình trạng cục bộ, bè phái, địa phương chủ nghĩa, các cơ quan nhà nước hoạt động có hiệu lực và hiệu quả hơn.
Thực tế ở nước ta cho thấy, khi luật “hồi tỵ” không được thực hiện nghiêm chỉnh, dùng quan hệ họ hàng, thân quen, “cánh hẩu” vào mục đích cá nhân, dẫn đến những hậu quả tai hại về nhiều mặt:
Một là, kéo bè, kéo cánh làm lũng đoạn, tha hóa bộ máy nhà nước. Bằng mọi cách những người cùng phe cánh tự ca ngợi nhau, thành lập các nhóm, ê kíp, vô hiệu hoá những người không cùng chính kiến với mình, gây mất dân chủ trong các cơ quan nhà nước.
Hai là, tìm việc, thăng quan tiến chức nhờ vào mối quan hệ thân quen. Từ thời rất xa xưa trong xã hội đã tồn tại những quan niệm “một người làm quan cả họ được nhờ”, “một giọt máu đào hơn ao nước lã”... rồi đến xã hội hiện đại chúng ta đang sống, cứ mỗi lần về quê người ta lại kháo nhau ông nọ, bà kia làm quan ở Trung ương, ở thành phố... Chẳng biết anh em họ hàng từ đời thủa nào nhưng vẫn khuyên nhau “sao không đến đó mà nhờ”!
Trên phương diện tình cảm thì “thân quen” là động lực thúc đẩy sự gắn kết, gần nhau, hiểu nhau hơn. Nhu cầu tất yếu đó có ích cho sự phát triển đa dạng các quan hệ xã hội. Nhưng một khi “thân quen” chỉ là công cụ để đạt được các mục đích tìm việc, tạo phe cánh, thăng quan tiến chức, trục lợi, tham nhũng... thì quả là nguy hiểm cho sự phát triển của xã hội. Một cơ quan, đơn vị nếu chỉ xét trên tiêu chí người thân, người quen hoặc anh em, họ hàng để tuyển dụng, đề bạt thì nhân tài sẽ bị lãng quên, đức hạnh, tài năng khi đó cũng không còn mấy ý nghĩa.
Ba là, sự liên minh của doanh nghiệp “sân sau” với các quan chức nhà nước để trục lợi, tham nhũng. Đây là biến tướng nguy hiển của mối quan hệ họ hàng, thân quen thời hiện đại. Sự liên kết này xuất phát từ các quan hệ gia đình, họ hàng, người làm chính trị, người làm kinh tế. Họ giàu có lên một cách nhanh chóng nhờ “tài kinh doanh” của những người thân. Đằng sau cái “tài kinh doanh” đó bao giờ cũng có hình bóng của những người trong bộ máy công quyền. Những hợp đồng béo bở, những mối quan hệ làm ăn thuận lợi được chuyển cho các công ty do con em người thân của họ thành lập.
Những hậu quả nêu trên, dù xét ở khía cạnh nào cũng ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của đất nước. Điều này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh cảnh báo: “Họ kéo bè, kéo cánh, bà con bạn hữu mình không tài năng gì cũng kéo vào chức này, chức nọ. Người có tài, có đức nhưng không vừa lòng mình thì đẩy ra ngoài. Họ quên rằng đây là việc công chứ không phải việc riêng gì dòng họ của ai”(4).
Từ việc nghiên cứu luật “hồi tỵ” dưới triều các ông vua cải cách và để đấu tranh phòng, chống tham nhũng hiệu quả, khắc phục những bất cập trong công tác quản lý hiện nay, xin có một số đề xuất sau:
Một là, cần mở rộng đối tượng và phạm vi áp dụng luật “hồi tỵ”. Khoản 3, Điều 37, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 (được sửa đổi, bổ sung năm 2007 và năm 2012) quy định: “Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị không được bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của mình giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán - tài vụ, làm thủ quỹ, thủ kho trong cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc giao dịch, mua bán vật tư, hàng hóa, ký hợp đồng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị đó”. Có thể thấy, Luật Phòng, chống tham nhũng hiện hành quy định đối tượng và phạm vi áp dụng những quy định của luật “hồi tỵ” hẹp hơn rất nhiều so với luật “hồi tỵ” của cha ông ta thủa trước.
Hai là, ban hành những chế tài đủ mạnh buộc những đối tượng thực hiện những quy định của luật “hồi tỵ” phải nghiêm chỉnh thực hiện. Luật Phòng, chống tham nhũng hiện hành quy định đối tượng và phạm vi áp dụng luật “hồi tỵ” đã hẹp như vậy, nhưng việc thực hiện những quy định ấy chưa được nghiêm. Một trong những nguyên nhân chính là vì chúng ta chưa có những chế tài đủ mạnh buộc những đối tượng áp dụng phải thực hiện. Ở một số cơ quan, tổ chức hiện nay việc thực hiện các quy định tại Khoản 3, Điều 37 Luật Phòng, chống tham còn tùy tiện, gây ra nhiều bức xúc và hậu quả rất đáng lo ngại. Ở không ít cơ quan, tổ chức đã xảy ra tình trạng cán bộ lãnh đạo nhận nhiều người nhà, anh em, con cái, họ hàng vào làm việc trong cơ quan do mình phụ trách. Không ít cán bộ, công chức trong cùng một cơ quan, tổ chức có mối quan hệ mật thiết với nhau. Trình độ, năng lực của những người này cũng là vấn đề “tế nhị” trong tuyển dụng, sử dụng. Hình ảnh "cơ quan - gia đình, gia đình - cơ quan” diễn ra ở khá nhiều nơi. Thực trạng này ắt dẫn đến việc kéo bè, kéo cánh, tình trạng mất dân chủ trong các cơ quan, tổ chức.
Những biểu hiện tiêu cực của cái gọi là “thân quen, họ hàng” đã ảnh hưởng không nhỏ đến tính minh bạch, dân chủ trong bộ máy nhà nước. Để khắc phục, chúng ta rất cần có sự thay đổi; cần áp dụng cơ chế, chính sách mạnh buộc những người tuyển dụng, sử dụng cán bộ, công chức phải thực hiện nghiêm chỉnh những quy định của pháp luật./.
------------------------------------------------------------------
1,2. Đại Việt sử ký toàn thư, Bản kỳ thực lục kỷ nhà Lê, tập II, NXB KHXH, Hà Nội - 2004, tr. 534; 556.
3. Nguyễn Minh Tường: Cải cách hành chính dưới triều Minh Mệnh (1820 - 1840), NXB KHXH, Hà Nội - 1996, Tr. 204 - 205.
4. Hồ Chí Minh toàn tập, NXB CTQG, Hà Nội - 2002, Tập IV, Tr. 57.
Phó Thủ tướng trả lời phỏng vấn về kết quả Hội nghị AMM Retreat  (28/01/2015)
Nâng cao chất lượng dự báo chiến lược của Ban Đối ngoại Trung ương  (28/01/2015)
Nỗ lực hoàn thành các kế hoạch xây dựng Cộng đồng ASEAN  (28/01/2015)
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp đoàn cán bộ Tư pháp Lào  (28/01/2015)
Đặt tượng lãnh đạo tiền bối Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh  (28/01/2015)
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay