Việt Nam - Nga: Mối quan hệ gắn bó đặc biệt
TCCSĐT - Sáu mươi lăm năm trôi qua kể từ khi Việt Nam và Liên Xô chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao (30-01-1950 - 30-01-2015), trải qua muôn vàn khó khăn, thử thách của thời gian và biến động của lịch sử, tuy cách xa nhau về địa lý nhưng mối quan hệ giữa hai nước luôn có sự gắn bó đặc biệt, không ngừng phát triển và luôn hướng tới tương lai.
Trong lịch sử quan hệ ngoại giao của Việt Nam, quan hệ với Liên Xô (trước đây) và Liên bang Nga (hiện nay) luôn có một vị trí quan trọng, tác động đa chiều tới sự phát triển của mỗi nước và có ảnh hưởng trực tiếp đối với sự phát triển của Việt Nam. Nhìn lại quan hệ Việt Nam - Nga 65 năm qua, có thể nhận thấy những nét nổi bật sau:
Thứ nhất, quan hệ Việt Nam - Nga có lịch sử lâu dài, nền tảng vững chắc. Việt Nam và Liên Xô tuy xa cách nhau hàng vạn dặm, nhưng giữa hai dân tộc đã có sự tiếp xúc với nhau từ rất sớm (1) và trở nên gần gũi hơn từ sau Cách mạng Tháng Mười (năm 1917) thông qua vai trò của Nguyễn Ái Quốc - người cộng sản đầu tiên ở Đông Dương. Từ năm 1950 trở đi, quan hệ hai nước ngày càng có sự gắn bó khăng khít, mật thiết. Trong những năm tháng tiến hành kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nhân dân Việt Nam luôn nhận được sự giúp đỡ to lớn của nhân dân Liên Xô; hai nước hợp tác chặt chẽ trên những vấn đề đối nội, đối ngoại. Liên Xô luôn ủng hộ đường lối, mục tiêu, lập trường và quyết tâm chiến đấu của nhân dân Việt Nam. Sự giúp đỡ tích cực của Liên Xô trên nhiều phương diện là động lực quan trọng thúc đẩy công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc Việt Nam và đấu tranh thống nhất đất nước của nhân dân ta.
Trên cơ sở những thành tựu quan hệ hữu nghị trong lịch sử, từ năm 1975 đến nay, quan hệ Việt Nam - Nga tiếp tục phát triển, có những bước đột phá và nâng lên tầm đối tác chiến lược toàn diện vào tháng 3-2001. Quan hệ hai nước dựa trên nền tảng tình hữu nghị chân thành và độ tin cậy cao, không ngừng mở rộng hợp tác song phương trong khuôn khổ chính trị, pháp lý và kinh tế kiểu mới, phù hợp với thực tiễn đời sống quốc tế đương đại. Như vậy, quan hệ Việt Nam - Nga liên tục tịnh tiến về phía trước, mang tính chất mới, có cơ sở vững chắc, dễ tìm tiếng nói chung, nhất là về những vấn đề chính trị - an ninh.
Thứ hai, quan hệ Việt Nam - Nga là quan hệ hợp tác toàn diện; trong đó, nổi bật là quan hệ chính trị - ngoại giao. Quan hệ hợp tác Việt Nam - Nga diễn ra trên mọi lĩnh vực, từ chính trị - ngoại giao, văn hóa - xã hội; giáo dục - đào tạo đến khoa học - kỹ thuật,... trong đó hợp tác về lĩnh vực chính trị - ngoại giao là cơ bản, sâu sắc nhất. Củng cố và đẩy mạnh quan hệ chặt chẽ giữa hai nước trên lĩnh vực này luôn được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của cả Việt Nam và Liên Xô trước đây cũng như Liên bang Nga sau này. Giữa hai nước liên tục diễn ra các chuyến thăm hữu nghị chính thức, các cuộc hội đàm, trao đổi, gặp gỡ với cường độ cao và nội dung đối thoại ngày càng sâu sắc, phong phú, đa dạng. Lãnh đạo hai nước có sự nhất trí, có chung quan điểm, nhận thức về nhiều vấn đề quốc tế cũng như trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Đông Nam Á.
Bên cạnh đó, quan hệ kinh tế - thương mại, văn hóa - giáo dục và khoa học - kỹ thuật được thiết lập và không ngừng phát triển. Từ năm 1955, hai nước đã ký hàng loạt hiệp định, hình thành một hành lang pháp lý thông thoáng với 60 hiệp định, hiệp ước, văn bản thỏa thuận hợp tác (2). Kể từ khi thiết lập quan hệ kinh tế - thương mại vào năm 1955, quan hệ kinh tế - thương mại, lưu thông hàng hóa giữa hai nước năm sau đều tăng hơn năm trước. Từ năm 2003, thương mại hai chiều giữa hai nước hằng năm tăng trung bình 15% (3). Năm 2011, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Nga đạt 1,98 tỷ USD, tăng 8,1% so với năm 2010 (4) và đến năm 2013 đã đạt 4 tỷ USD (5). Hợp tác đầu tư giữa hai nước có bước khởi sắc: Nga có 101 dự án đầu tư ở Việt Nam đang hoạt động với tổng số vốn đăng ký là 2,05 tỷ USD, đứng thứ 18/101 nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Về phía Việt Nam, tính đến tháng 3-2014, số vốn của các dự án đã được cấp phép mà Việt Nam đầu tư sang Liên bang Nga là hơn 2,4 tỷ USD với 19 dự án (6). Thị trường du lịch Việt Nam - Nga được coi là một trong những thị trường sôi động với lượng khách tăng đều qua mỗi năm (tăng khoảng gần 20%/năm).
Trong lĩnh vực văn hóa - giáo dục, khoa học - kỹ thuật, hợp tác Việt Nam - Nga diễn ra phong phú, đa dạng, mở ra trên diện rộng với các ngành, các lĩnh vực khác nhau như hợp tác về giáo dục, ngôn ngữ, văn học, nghệ thuật, điện ảnh, âm nhạc, hội họa... Nga giúp Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao trình độ cán bộ, công nhân, chuyển giao các tài liệu kỹ thuật, mẫu thiết kế, trao đổi kinh nghiệm quản lý hoạt động khoa học - công nghệ.
Thứ ba, quan hệ Việt Nam - Nga có những nét đặc thù riêng. Quan hệ Việt Nam - Nga được xây dựng và phát triển trên cơ sở tin tưởng vững chắc, hình thành từ lâu đời. Lãnh đạo hai nước luôn đối thoại với tinh thần bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng sự lựa chọn con đường phát triển, chính sách ngoại giao đa dạng, đa phương, hướng tới chiều sâu ổn định trong hợp tác toàn diện, lâu dài, mang tính chiến lược, sẵn sàng tìm kiếm các giải pháp đôi bên cùng có thể chấp nhận để đi đến thỏa thuận về tất cả các vấn đề nảy sinh.
Ngoài hợp tác song phương, hai nước nỗ lực hợp tác trong khuôn khổ các tổ chức quốc tế (chủ yếu thông qua Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế khác trong hệ thống Liên hợp quốc). Việt Nam và Nga còn phối hợp hành động về hàng loạt vấn đề trong chương trình nghị sự của Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) và các cơ chế hợp tác đa phương khu vực khác.
Nga và Việt Nam luôn ủng hộ xu hướng phát triển tích cực trên thế giới nhằm xây dựng một trật tự thế giới dựa trên công lý, bình đẳng và hợp tác cùng có lợi giữa các quốc gia. Cả hai nước cùng ủng hộ xây dựng một thế giới đa cực, chống lại nỗ lực áp đặt, cách tiếp cận đơn phương về các vấn đề quốc tế. Việt Nam và Nga thống nhất cao về sự cần thiết để thực hiện các nguyên tắc tập thể trong giải quyết mọi tình huống khủng hoảng và xung đột, lên án phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, khủng bố quốc tế, tội phạm có tổ chức, chủ nghĩa cực đoan chính trị và tôn giáo, buôn bán ma túy và vi phạm nhân quyền. Hai nước cũng hợp tác chặt chẽ trong các vấn đề về môi trường, nguồn nước hay các vấn đề nhạy cảm như nhân quyền, dân chủ.
Quan hệ hợp tác lâu dài giữa hai nước tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện các dự án quy mô lớn, các dự án chiến lược quan trọng, cho phép và khuyến khích hai bên mạnh dạn đầu tư các nguồn lực vật chất và tài chính cần thiết để duy trì tốc độ tăng trưởng cao, sự phát triển bền vững của toàn bộ các lĩnh vực quan hệ, nhất là quan hệ kinh tế - thương mại, khoa học - kỹ thuật và an ninh - quốc phòng.
Quan hệ Việt Nam - Nga là quan hệ hữu nghị, toàn diện, nhiều mặt, đối tác lâu dài, nhưng không phải là liên minh quân sự - chính trị, dù quan hệ này chứa đựng các yếu tố của hợp tác kỹ thuật - quân sự. Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Nga không chống lại bất kỳ một nước thứ ba nào khác.
Thứ tư, quan hệ Việt Nam - Nga ngày càng mang tính thực tế cao. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Đông Nam Á khiến vị thế địa - chính trị của Việt Nam ngày càng gia tăng. Trong chính sách hướng Đông của Nga, Việt Nam là một trong những quốc gia mà nước Nga hướng tới, nhằm “củng cố và làm sâu sắc thêm đối tác tin cậy công bằng và sự hợp tác chiến lược” ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cũng như “bảo đảm các lợi ích quốc gia Nga trên cơ sở các nguyên tắc thực dụng, cởi mở và đa phương trong bối cảnh đang hình thành hệ thống đa cực trong quan hệ quốc tế” (7). Tại cuộc gặp song phương nhân chuyến thăm Nga của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng (tháng 11-2014), Tổng thống Nga V. Pu-tin nhấn mạnh, mối quan hệ giữa hai nước đang đạt được những triển vọng tốt đẹp và tin chắc rằng, chuyến thăm Nga của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ đóng góp tích cực vào việc phát triển mối quan hệ giữa Nga và Việt Nam.
Về phía Việt Nam, bên cạnh những thành tựu quan trọng đạt được trong công cuộc đổi mới đất nước, hiện đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, trong đó nổi lên những vấn đề, như nguy cơ tụt hậu ngày càng cao, nguy cơ rơi vào “bẫy thu nhập trung bình”, nạn tham nhũng, vấn đề dân chủ… Để giải quyết những vấn đề đó, về đối ngoại, Việt Nam không ngừng mở rộng quan hệ quốc tế, đẩy mạnh hợp tác kinh tế, hướng tới các đối tác mới, song luôn duy trì và coi trọng quan hệ với các nước bạn bè truyền thống.
Như vậy, từ yêu cầu phát triển, từ lợi ích mỗi nước, Việt Nam và Liên bang Nga đã gặp nhau tại một điểm, thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ toàn diện, hình thành nên mô hình quan hệ hợp tác kiểu mới, hoạt động chủ yếu dựa trên các lợi ích quốc gia lâu dài của cả hai bên. Quan hệ hợp tác Việt Nam - Nga gắn kết chặt chẽ với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của hai nước, phục vụ mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam và công cuộc hiện đại hóa nước Nga; đồng thời, tăng cường khả năng quốc phòng cũng như vị thế quốc tế của mỗi nước.
Những đặc điểm nổi bật nêu trên của quan hệ Việt Nam - Nga trong 65 năm hình thành và phát triển cho phép khẳng định rằng, quan hệ song phương giữa hai nước có một tiềm năng to lớn, có vị trí quan trọng, ý nghĩa chiến lược đặc biệt đối với sự phát triển của cả hai quốc gia. Điều quan trọng là hai nước cần tiếp tục nỗ lực phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, nắm bắt mọi cơ hội lịch sử, không ngừng củng cố, phát triển quan hệ hai nước trên mọi chiều cạnh, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, an ninh, ổn định ở Đông Nam Á, khu vực châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới./.
----------------------------------------
(1) Theo nguồn sử liệu Nga, vào năm 1891, trong chuyến du khảo Viễn Đông, “một nhân vật nổi tiếng trong lịch sử Nga là Sa hoàng Ni-cô-lai Đệ nhị - khi còn là Thái tử - đã thăm Sài Gòn trên chiến hạm A-dốp (Azov)
(2) Quan hệ “đối tác chiến lược toàn diện” Việt Nam - Liên bang Nga, Tạp chí Cộng sản điện tử, 24-7-2012
(3) Мощный потенциал российско-вьетнамского сотрудничества, Института Дальнего Востока Российской Академии Наук, 12-2010
(4) Cúc Nhi: Nhiều cơ hội đầu tư với Nga, Thế giới và Việt Nam (trang thông tin điện tử, Bộ Ngoại giao), 26-7-2012
(5) Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt - Nga phát triển tích cực, Cổng thông tin điện tử Chính phủ, www.chinhphu.vn, ngày 16-4-2014
(6) Основные итоги инвестиционного сотрудничества Вьетнама и России в 2013 г, http://www.ved.gov.ru, 3-2014
(7) Энергетика и внешняя политика Владимира Путина, NewsLand.ru, 10-6-2012
Kinh nghiệm phòng, chống tham nhũng của các triều đại phong kiến Việt Nam qua nghiên cứu luật “hồi tỵ”  (29/01/2015)
Kinh nghiệm phòng, chống tham nhũng của các triều đại phong kiến Việt Nam qua nghiên cứu luật “hồi tỵ”  (29/01/2015)
Kinh nghiệm phòng, chống tham nhũng của các triều đại phong kiến Việt Nam qua nghiên cứu luật “hồi tỵ”  (29/01/2015)
Phó Thủ tướng trả lời phỏng vấn về kết quả Hội nghị AMM Retreat  (28/01/2015)
Nâng cao chất lượng dự báo chiến lược của Ban Đối ngoại Trung ương  (28/01/2015)
- Một số giải pháp đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng hiện nay
- Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Thành phố Hồ Chí Minh qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng
- Hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên