Tổ chức, cá nhân tôn giáo tham gia chủ trương xã hội hóa y tế, từ thiện nhân đạo

Nguyễn Hữu Tuấn Ban Kinh tế Trung ương
22:11, ngày 10-01-2015

TCCSĐT - Sự tham gia của các tổ chức, cá nhân tôn giáo vào hoạt động giáo dục, y tế, từ thiện nhân đạo đã góp phần làm đa dạng việc huy động các nguồn lực xã hội cho công tác xã hội nói chung, chăm sóc y tế nói riêng; chia sẻ gánh nặng với chính quyền địa phương, với Nhà nước và xã hội.

Hành lang pháp lý và đặc điểm của tôn giáo khi tham gia chủ trương xã hội hóa

Về hành lang pháp lý

Chủ trương xã hội hóa của Đảng được thể chế qua các văn bản như: Nghị quyết số 50/2005/NQ-CP, ngày 18-4-2005, của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục thể thao; Nghị định số 53/2006/NĐ-CP, ngày 25-5-2006, của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển các cơ sở cung ứng dịch vụ ngoài công lập; Nghị định số 69/2008/NĐ-CP, ngày 30-5-2008, của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường; mở rộng các lĩnh vực và chính sách khuyến khích thực hiện xã hội hóa và hoàn thiện hệ thống cơ chế khuyến khích với ưu đãi cao hơn nhằm hình thành và phát triển hệ thống các cơ sở cung ứng dịch vụ ngoài công lập.

Trong công tác tôn giáo, Nghị quyết số 25/2003/NQ-TW, ngày 12-3-2003, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX đã nhấn mạnh: “Giải quyết việc tôn giáo thực hiện chủ trương xã hội hóa các hoạt động y tế, văn hóa, xã hội, giáo dục của Nhà nước theo nguyên tắc: Khuyến khích các tôn giáo đã được Nhà nước thừa nhận tham gia phù hợp với chức năng, nguyên tắc tổ chức của mỗi tôn giáo và quy định của pháp luật. Cá nhân tín đồ, chức sắc, chức việc, nhà tu hành tham gia với tư cách công dân thì được Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện thực hiện theo quy định của pháp luật”.

Điều 33 Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo quy định: “1 - Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện để tổ chức tôn giáo tham gia nuôi dạy trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; hỗ trợ cơ sở chăm sóc sức khỏe người nghèo, người tàn tật, người nhiễm HIV/AIDS, bệnh nhân phong, tâm thần; hỗ trợ phát triển các cơ sở giáo dục mầm non và tham gia các hoạt động khác vì mục đích từ thiện nhân đạo phù hợp với hiến chương, điều lệ của tổ chức tôn giáo và quy định của pháp luật. 2- Chức sắc, nhà tu hành với tư cách công dân được Nhà nước khuyến khích tổ chức và hoạt động giáo dục, y tế, từ thiện nhân đạo theo quy định của pháp luật”.

Chủ trương của Đảng và những văn bản pháp luật trên đây đã tạo ra một hành lang pháp lý để cho tổ chức, cá nhân tôn giáo tham gia hoạt động trong lĩnh vực y tế, giáo dục, từ thiện nhân đạo; là công cụ pháp lý để cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với các hoạt động này. Qua triển khai thực hiện, nhiều tiềm năng của các tôn giáo bước đầu đã được phát huy.

Về đặc điểm tôn giáo ở Việt Nam có liên quan đến việc thực hiện chủ trương xã hội hóa

Việt Nam là quốc gia có nhiều tôn giáo, mỗi tôn giáo có hệ thống cơ cấu, tổ chức khác nhau. Hiện nay có 37 tổ chức, hệ phái tôn giáo và 1 pháp môn tu hành thuộc 13 tôn giáo đã được Nhà nước Việt Nam công nhận hoặc cấp đăng ký hoạt động. Ngoài ra, trên 30 cơ sở tôn giáo độc lập khác thuộc các tôn giáo Cao Đài, Bửu Sơn Kỳ Hương, Hồi giáo đã được chính quyền địa phương công nhận. Các Giáo hội có những tổ chức chuyên môn giúp thực hiện những chức năng khác nhau của tôn giáo, trong đó có chức năng giáo dục, văn hóa - xã hội, từ thiện nhân đạo. Chẳng hạn Giáo hội Phật giáo Việt Nam có Ban giáo dục tăng ni, Ban Văn hóa, Ban Từ thiện xã hội; Giáo hội Công giáo có Ủy ban Giám mục về bác ái xã hội,… Với hệ thống tổ chức sẵn có và được phân công theo những chức năng chuyên biệt, các tổ chức tôn giáo có những thuận lợi để tham gia thực hiện chủ trương xã hội hóa.

Hiện nay, cả nước có khoảng 95% dân số có đời sống tín ngưỡng, với khoảng 24,5 triệu tín đồ (chiếm khoảng 27% dân số cả nước), 83.000 chức sắc, 250.000 chức việc, 46 cơ sở đào tạo chức sắc tôn giáo (tương đương từ bậc trung cấp đến trên đại học), 25,5 nghìn cơ sở thờ tự (1). Nhiều cơ sở thờ tự được xây dựng không chỉ có chức năng lễ nghi, thờ cúng mà các tôn giáo còn sử dụng vào hoạt động giáo dục, y tế, từ thiện nhân đạo. Trong giáo lý giáo luật, các tôn giáo đều khuyên răn con người làm việc thiện; coi đó như là trách nhiệm, là nghĩa vụ thiêng liêng của người có đạo. Đây là một trong những đặc điểm cần quan tâm khi nghiên cứu về hoạt động xã hội hóa của các tôn giáo.

Thực trạng tình hình tổ chức, cá nhân tôn giáo tham gia chủ trương xã hội hóa

Xã hội hóa hoạt động giáo dục, y tế, từ thiện nhân đạo là một chức năng xã hội quan trọng của tôn giáo, gắn liền với quá trình hình thành, phát triển của mỗi tổ chức tôn giáo. Khi đã có các hành lang pháp lý, tôn giáo tham gia ngày càng nhiều vào các hoạt động này.

Hiện nay có hơn 300 cơ sở khám, chữa bệnh đông, tây y; hơn 100 cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc người già, người khuyết tật, không nơi nương tựa, trẻ em bị bỏ rơi, nạn nhân chất độc da cam, người nhiễm HIV,... Kinh phí tổ chức do tổ chức, cá nhân tôn giáo đóng góp để thực hiện các hoạt động này mỗi năm lên tới hàng chục tỷ đồng; đã thành lập các đoàn khám, chữa bệnh lưu động, phát thuốc miễn phí cho người nghèo. Hoạt động của các tổ chức, cá nhân tôn giáo trong việc thực hiện chủ trương xã hội hóa đã đem lại những hiệu quả thiết thực. Các cơ sở giáo dục, y tế, bảo trợ xã hội đã thu hút nhiều người đến học tập, chăm sóc sức khỏe, học nghề, là nơi nương tựa khi cơ nhỡ, khó khăn; hoạt động quyên góp cho việc cứu trợ đã đến được đúng đối tượng và hết sức kịp thời. Những hoạt động của các tổ chức, cá nhân tôn giáo đã góp phần làm đa dạng việc huy động các nguồn lực xã hội; giảm bớt khó khăn, làm vơi nỗi đau về thể xác và tinh thần cho người được thụ hưởng; chia sẻ gánh nặng với chính quyền địa phương, với Nhà nước và xã hội.

Tuy nhiên, khi thực hiện chủ trương xã hội hóa, các tổ chức, cá nhân tôn giáo đã gặp phải một số khó khăn, bất cập sau:

- Thiếu những thông tin, hiểu biết đầy đủ về chủ trương xã hội hóa của Đảng và Nhà nước.

- Trong hoạt động y tế, một số cơ sở khám, chữa bệnh không đáp ứng các điều kiện về cơ sở vật chất và chuyên môn theo quy định của pháp luật. Nhiều trang thiết bị y tế lạc hậu; thuốc sử dụng có loại gần hết hoặc đã hết hạn sử dụng; các đoàn khám, chữa bệnh từ thiện của tôn giáo có người không có chuyên môn về y tế. Các cơ sở thuốc nam của một số tổ chức, cá nhân tôn giáo hoạt động chủ yếu bằng kinh nghiệm gia truyền, nhân sự không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật để cấp chứng chỉ hành nghề. Khi thành lập cơ sở khám, chữa bệnh, tổ chức tôn giáo chủ yếu sử dụng nhân viên y tế đang làm việc trong các cơ quan nhà nước hoặc những người đã nghỉ hưu với nhiều hình thức mà chủ yếu là tự nguyện không hưởng lương.

- Cơ sở vật chất để thực hiện các hoạt động xã hội hóa còn hạn hẹp, nhiều nơi chưa đáp ứng được quy định của pháp luật. Các tổ chức tôn giáo có ít cơ sở riêng để thực hiện các hoạt động này, thông thường họ phải sử dụng khuôn viên cơ sở thờ tự để thực hiện hoạt động xã hội. Nhiều chùa Phật giáo Nam tông được sử dụng là nơi dạy học, các cơ sở của Tịnh độ cư sĩ là phòng thuốc nam, trụ sở dòng tu đạo Công giáo là lớp mầm non… nên khó có thể tránh khỏi những ảnh hưởng về mặt tôn giáo. Một số cơ sở giáo dục không chỉ có chăm sóc, dạy dỗ những kiến thức văn hóa cho các cháu mà bằng nhiều hình thức còn truyền bá các tư tưởng, giá trị tôn giáo. Điều này trái với quy định của Luật Giáo dục hiện hành là không được truyền bá tôn giáo tại các cơ sở giáo dục.

Ngoài mục đích nhân đạo, cá nhân tôn giáo còn muốn thông qua hoạt động này để quảng bá, khuếch trương thanh thế, lôi kéo tín đồ, sử dụng hoạt động này để truyền bá, phát triển đạo. Một số cá nhân còn lợi dụng hoạt động từ thiện để trục lợi.

- Kinh phí chủ yếu để thực hiện các hoạt động xã hội hóa có được từ sự tự nguyện đóng góp của tổ chức, cá nhân, nên nguồn kinh phí này thiếu ổn định.

- Hoạt động xã hội hóa của một số tổ chức, cá nhân tôn giáo còn mang tính tự phát, chưa đặt dưới sự hướng dẫn, quản lý của Nhà nước…

- Mặc dù đã có cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện hoạt động xã hội hóa, tuy nhiên quá trình triển khai thực hiện các văn bản này đã xuất hiện một số vấn đề bất cập, đặc biệt là khi áp dụng cho đối tượng là tổ chức, cá nhân tôn giáo, thể hiện ở tính thiếu cụ thể, đồng bộ trong các chủ trương đối với việc tổ chức, cá nhân tôn giáo tham gia hoạt động xã hội hóa. Các quy định của pháp luật không những thiếu cụ thể, đồng bộ mà một số quy định còn có sự mâu thuẫn, chưa thống nhất. Chẳng hạn, theo Pháp lệnh Hành nghề y, dược tư nhân năm 2003 hoặc Luật Phòng, chống HIV/AIDS thì tổ chức, cá nhân tôn giáo có quyền thành lập, tham gia hành nghề khám, chữa bệnh, thành lập cơ sở nhân đạo, từ thiện nếu họ có đủ các điều kiện theo quy định. Nhưng theo quy định tại Điều 33 Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo thì tổ chức tôn giáo chỉ được tham gia hoạt động xã hội hóa ở mức độ rất hạn chế. Trong thực tiễn, tổ chức, cá nhân tôn giáo không chỉ tham gia dưới hình thức hỗ trợ mà họ còn trực tiếp thành lập các trường mầm non, cơ sở khám, chữa bệnh, cơ sở bảo trợ xã hội...

Thực trạng trên đây đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát huy vai trò, tiềm năng của tổ chức, cá nhân tôn giáo trong việc thực hiện chủ trương xã hội hóa và hiệu lực quản lý của Nhà nước trong thực hiện chủ trương xã hội hóa.

Giải pháp phát huy tính tích cực, hạn chế những mặt tiêu cực của tổ chức, cá nhân tôn giáo trong việc thực hiện chủ trương xã hội hóa

Tham gia vào các hoạt động giáo dục, y tế, từ thiện nhân đạo là để thực hiện một trong những chức năng quan trọng của tôn giáo, do đó trong quá khứ, hiện tại và tương lai hoạt động này vẫn tiếp tục diễn ra. Với những hoạt động xã hội tích cực, hiệu quả của các tôn giáo, nhiều quốc gia trên thế giới luôn khuyến khích, tạo điều kiện cho các tôn giáo tham gia những hoạt động này. Với sự hỗ trợ của các quốc gia, xu thế “thế tục hóa” hoạt động xã hội của tôn giáo trên thế giới đang ngày càng mạnh mẽ.

Ở Việt Nam, với chủ trương khuyến khích, tạo điều kiện cho mọi tổ chức, cá nhân trong đó có các tổ chức, cá nhân tôn giáo hoạt động xã hội hóa sẽ phát triển mạnh hơn trong tương lai. Hiện nay, mặc dù Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm chăm lo đến đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, nhưng nhiều người vẫn gặp khó khăn; tình trạng thất học, nghèo đói, thiên tai, dịch bệnh tiếp tục hoành hành, có nơi, có lúc nghiêm trọng. Trong bối cảnh hiện nay, tôn giáo nước ta đã và đang có những biến đổi, những tác động sâu sắc, mới mẻ trên mọi phương diện… Tổ chức, cá nhân tôn giáo không chỉ tham gia có giới hạn vào các lĩnh vực xã hội hóa mà họ còn mong muốn được tham gia nhiều hơn, trực tiếp hơn. Trong lĩnh vực y tế, các tổ chức, cá nhân tôn giáo muốn được tham gia vào tất cả các loại hình khám, chữa bệnh (phòng khám đa khoa, bệnh viện) như mọi tổ chức, cá nhân khác. Trong lĩnh vực từ thiện nhân đạo, họ mong muốn được trực tiếp thành lập các trung tâm dạy nghề, trung tâm chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người già cô đơn không nơi nương tựa; trực tiếp tổ chức các đoàn cứu trợ nhân đạo...

Để phát huy tính tích cực, hạn chế những mặt tiêu cực của tổ chức, cá nhân tôn giáo trong việc thực hiện chủ trương xã hội hóa; quản lý có hiệu lực, hiệu quả các hoạt động này, thực hiện “Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác tôn giáo”, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Một là, xã hội hóa giáo dục, y tế, từ thiện nhân đạo là một chủ trương nhất quán, lâu dài của Đảng và Nhà nước, vì vậy, cần tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tôn giáo tham gia vào các hoạt động giáo dục, y tế, từ thiện nhân đạo như mọi tổ chức cá nhân khác khi có đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật và phù hợp với khả năng.

Hai là, khuyến khích tổ chức, cá nhân tôn giáo tham gia các hoạt động giáo dục, y tế, thành lập các trung tâm dạy nghề vì mục đích phi lợi nhuận. Các chính sách bao gồm: hỗ trợ về thủ tục pháp lý, chính sách về đất đai, chính sách về thuế,… theo quy định chung của pháp luật; tạo điều kiện cho tổ chức tôn giáo cử người tham gia học tập nâng cao trình độ để đáp ứng yêu cầu về chuyên môn trong công tác giáo dục, y tế, dạy nghề.

Ba là, cần có cơ chế phối hợp, bảo đảm sự thống nhất quản lý, phân định rõ trách nhiệm từng ngành, từng cấp. Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động xã hội hóa của tổ chức, cá nhân tôn giáo; hướng dẫn tổ chức, cá nhân tôn giáo thành lập cơ sở giáo dục, y tế, từ thiện nhân đạo và hoạt động theo quy định của pháp luật. Biểu dương kịp thời những gương người tốt, việc tốt trong tôn giáo; đồng thời, xử lý kịp thời những việc làm sai trái, không đúng quy định của pháp luật.

Trong lĩnh vực y tế: Cho tổ chức, cá nhân tôn giáo tham gia thành lập cơ sở khám, chữa bệnh, như phòng khám, bệnh viện tư… nếu có đủ điều kiện về con người, về cơ sở vật chất, trang thiết bị hành nghề theo quy định của pháp luật.

Trong các hoạt động từ thiện nhân đạo, bảo trợ xã hội: Cho phép các tổ chức, cá nhân tôn giáo thành lập cơ sở nuôi dưỡng người già cô đơn, trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật, các cơ sở dạy nghề cho các đối tượng khó khăn; các cơ sở chăm sóc sức khỏe cho người nghèo, người tàn tật, người nhiễm HIV/AIDS, bệnh nhân phong, tâm thần. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân tôn giáo tham gia hoạt động từ thiện nhân đạo như quyên góp, ủng hộ nạn nhân thiên tai, bão lụt,… thông qua cơ quan, đoàn thể; trường hợp tổ chức tôn giáo muốn độc lập tổ chức các hoạt động này phải thông báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về nơi diễn ra hoạt động từ thiện./.

--------------------------------------

(1) Báo cáo tổng kết thực hiện Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ, 2013