TCCS - Nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào nằm sâu trong lục địa của bán đảo Đông Dương, có chung 4.725 km đường biên giới với 5 nước láng giềng, 24 cửa khẩu cấp quốc tế và 21 địa phương, 27 cửa khẩu thông quan, nhưng lại không có cửa biển. Điều đó đã phần nào nói lên vai trò quan trọng của chính sách mở cửa kinh tế của đất nước Triệu Voi. Hiện nay, quan hệ với Việt Nam luôn là cơ bản trong chính sách đối ngoại của Lào.

Phát triển kinh tế đối ngoại là hướng đi đúng đắn của CHDCND Lào

Đất nước Lào không rộng, tổng diện tích là 236.800 km2, dân số 6.277.000 người, mật độ dân số bình quân là 22,7 người/km2. Cả nước có 16 tỉnh, thành phố, 142 huyện, 10.873 bản và 865.535 gia đình. Khí hậu Lào phân biệt khá rõ hai mùa: mùa mưa và mùa khô. Mùa mưa từ giữa tháng 5 đến tháng 10 và mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4. Lào không có động đất, không có bão mà chỉ có mưa lớn, có thể gây lũ lụt nhưng thường không gây hậu quả nghiêm trọng. Nhiệt độ trung bình mùa mưa là 25 - 30oC, về mùa khô chỉ từ 20 - 25oC, song trong 2 tháng cuối mùa khô, khí hậu trở nên nóng bức, khoảng 35 - 38oC. ở vùng núi phía Bắc tỉnh Phông-sa-lỳ, nhiệt độ mùa đông thấp, khoảng 1 - 2oC do chịu ảnh hưởng nhiều hơn của gió mùa đông bắc.

Do hoàn cảnh địa lý đặc biệt, không mấy thuận lợi về giao lưu thương mại (không có biển) và đường biên giới phần lớn là núi cao, kinh tế còn nặng về tự cung - tự cấp, Đảng và Nhà nước Lào đặc biệt chú ý đến quan hệ chính trị, an ninh và quan hệ kinh tế - thương mại với các nước láng giềng. Trong khi tuân thủ những nguyên tắc chung về hợp tác, hữu nghị với các nước, Lào chú trọng quan hệ khu vực, trong đó có chú ý đến quan hệ đặc thù với từng nước. Tính tế nhị và nhạy cảm trong quan hệ chính trị - an ninh cũng được vận dụng vào các quan hệ thương mại với các quốc gia, trước hết và đặc biệt với các nước láng giềng.

Sau khi giành được độc lập và thành lập nước CHDCND Lào vào năm 1975, Đảng Nhân dân cách mạng Lào đã lãnh đạo toàn dân tộc phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa. Trước thời kỳ đổi mới, nền kinh tế còn chịu ảnh hưởng của nhiều năm chiến tranh, lại trong cơ chế kế hoạch hóa tập trung, nên phát triển chậm và không ổn định. Giai đoạn 1981 - 1985, tốc độ tăng GDP chỉ đạt bình quân 5,5%/năm. Quan hệ kinh tế - thương mại với các nước còn rất hạn chế.

Từ Đại hội toàn quốc lần thứ IV của Đảng NDCM Lào (tháng 11-1986) đến nay đã hơn 24 năm, đất nước Lào đã chuyển từ nền sản xuất kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhờ sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự đoàn kết của toàn dân, chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội đã đi vào cuộc sống.

Lào trở thành thành viên thứ 9 của ASEAN vào tháng 7-1997 và từ ngày 1-1-1998 bắt đầu thực hiện nghĩa vụ và các cam kết trong Chương trình miễn giảm thuế quan có hiệu lực chung CEPT/AFTA.

Trước 1995, CHDCND Lào mới chỉ có quan hệ thương mại với hơn 40 nước trên thế giới, nay đã tăng lên hơn 60, trong đó có hiệp định với 17 nước. Lào gia nhập vào Diễn đàn kinh tế Á - Âu vào năm 1998. Nhiều triển vọng Lào sẽ chính thức gia nhập WTO trong một vài năm tới.

Hiệp định Thương mại Lào - Việt đã được ký kết vào ngày 12-01-1996. Trên tinh thần hữu nghị, tình đoàn kết đặc biệt với Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, ngày 21-7-2001, hai nước đã ký kết thỏa thuận về đầu tư phát triển và sử dụng cảng Vũng áng, tỉnh Hà Tĩnh. Ngày 16-04-2010, Tổng Công ty Khoảng sản và Thương mại Hà Tĩnh và Công ty Lào phát triển cảng Vũng áng đã ký hợp đồng liên doanh thành lập Công ty cổ phần cảng Vũng Áng Việt - Lào.

Việt Nam hiện có 19 tỉnh vùng biên giới Việt Nam - Lào và Việt Nam - Cam-pu-chia. Để phát triển kinh tế đối ngoại tại vùng biên này, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích cụ thể, áp dụng cho các tỉnh vùng biên, các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại đây. Cụ thể, theo Quyết định số 482/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam, đối tượng áp dụng cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế đối ngoại vùng biên giới Việt Nam - Lào và Việt Nam - Cam-pu-chia là các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế của Việt Nam thực hiện các chương trình, dự án đầu tại 19 tỉnh này của Việt Nam và các tỉnh của Lào, Cam-pu-chia có chung đường biên giới đất liền với Việt Nam. Cơ chế, chính sách này không áp dụng đối với các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế và khu kinh tế cửa khẩu.

Về chính sách ưu đãi, cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam chính thức giới thiệu với các cơ quan có thẩm quyền của Lào, Cam-pu-chia, áp dụng một số cơ chế, chính sách ưu đãi tại bản "Thỏa thuận Hà Nội năm 2007" ký giữa Việt Nam và Lào, ngày 14-9-2007, với Cam-pu-chia và Lào tại bản thỏa thuận "Cơ chế ưu đãi đặc biệt tạo điều kiện thuận lợi cho người, phương tiện, hàng hóa qua lại biên giới nhằm thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư khu vực Tam giác phát triển Cam-pu-chia - Lào - Việt Nam", ký ngày 26-11-2008.

Những thành tựu đạt được trong kinh tế đối ngoại

Chính sách đối ngoại đúng đắn đã từng bước giúp Lào hội nhập vào nền kinh tế khu vực và thế giới, làm cho thị trường xuất khẩu đa dạng hơn. Từ chỗ chỉ có một số thị trường truyền thống như Thái Lan, Việt Nam, Trung Quốc, đến cuối kế hoạch 5 năm (2001 - 2005) đã xuất khẩu sang hơn 40 thị trường, trong đó có các thị trường lớn như Ô-xtrây-li-a, Anh, Pháp, Đức... Các quan hệ thương mại quốc tế phát triển mạnh. Đặc biệt, đã thu hút được nhiều doanh nghiệp FDI đầu tư vào Lào để sản xuất hàng xuất khẩu.

Trong những năm qua, hoạt động kinh tế đối ngoại của CHDCND Lào luôn được giữ vững và phát triển vững chắc, đạt được nhiều thành tựu đáng kể:

- Xuất khẩu đạt được mục tiêu đề ra và đóng góp một phần đáng kể vào việc thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 1997 - 2010. Hoạt động xuất khẩu chính là yếu tố phát huy nội lực rất quan trọng, tạo thêm vốn đầu tư công nghệ, tăng thêm việc làm, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa đất nước

- Mặt hàng xuất khẩu đã chiếm tỷ lệ cao trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế. Cơ cấu xuất khẩu hàng hóa đã được thay đổi theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng các mặt hàng chế biến, giảm tỷ trọng các sản phẩm thô, tạo một số mặt hàng có khối lượng lớn và thị trường tương đối ổn định.

Đại sứ Lào tại Việt Nam, ông Sounthone Sayachak, cho biết, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Lào có xu hướng tăng: Năm 2006 đạt 261 triệu USD, năm 2007 đạt 321 triệu, năm 2008 đạt 422 triệu và năm 2009, dù cả hai nước bị ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai và cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nhưng kim ngạch thương mại trong 10 tháng vẫn đạt mức 337 triệu USD. Hiện nay, hai bên đang phấn đấu tăng cường kim ngạch thương mại hai chiều với mục tiêu đạt 1 tỉ USD vào năm 2010 này và 2 tỉ USD vào năm 2015.

Từ năm 2000 đến cuối năm 2009, Việt Nam đã có 207 dự án đầu tư tại Lào với tổng số vốn là 2,1 tỉ USD. Riêng năm 2009, Việt Nam đã có 48 dự án đầu tư với tổng số vốn là 1,4 tỉ USD, là một trong những nước dẫn đầu về đầu tư tại Lào.

Cùng với sự đổi mới toàn diện nền kinh tế trong nước, Lào đã rất nỗ lực và kiên trì theo đuổi quá trình hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu thông qua việc tham gia vào các tổ chức kinh tế khu vực và thế giới. Những thay đổi sâu sắc trong chính sách thương mại theo hướng mở cửa, từ phát triển thương mại quốc tế, đến việc tự do hóa các hoạt động kiểm soát về đầu tư nước ngoài là những đặc điểm chủ yếu của quá trình đổi mới kinh tế của Lào. Nhờ những thay đổi này, hệ thống thương mại quốc tế và các hoạt động thương mại của Lào đã đạt được những thành tựu đáng kể, làm tiền đề cho những bước phát triển tiếp theo.

Trước yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế và thực hiện thắng lợi chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn 2001 - 2010, tầm nhìn đến năm 2020, mục tiêu của chính sách thương mại Lào là đến năm 2015, CHDCND Lào sẽ tự do hóa hầu như hoàn toàn về thương mại hàng hóa và phần lớn về thương mại dịch vụ. Về cơ bản, mục tiêu này phải phù hợp với cam kết trong khuôn khổ ASEAN, APEC và WTO, đặc biệt là thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội 10 năm (2001 - 2010), để đến 2020 nước CHDCND Lào về cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Chặng đường gần 24 năm đổi mới nền kinh tế đã đánh dấu sự vươn lên mạnh mẽ của nền kinh tế Lào nói chung và hoạt động xuất khẩu của Lào nói riêng. Có thể nói, từ khi thực hiện đường lối đổi mới do Đảng NDCM Lào khởi xướng, bộ mặt nền kinh tế nước CHDCND Lào đã có sự thay đổi một cách nhanh chóng và rõ rệt.

Nhân dân các bộ tộc Lào có thể nhận thấy, kinh tế Lào chỉ thực sự có những bước phát triển thần kỳ khi đất nước thực hiện những chính sách mở cửa, khuyến khích các hoạt động xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài. Nền kinh tế mở cửa của Lào phát triển mạnh mẽ cũng chính là cơ hội để các nhà xuất khẩu trong nước tìm được cách tiêu thụ hàng hóa bên ngoài lãnh thổ Lào, vươn ra các thị trường rộng lớn hơn. Hoạt động xuất khẩu ngày càng có nhiều thành công rực rỡ và tạo được động lực cho sự phát triển nền kinh tế Lào.

Nhân dân các bộ tộc Lào luôn ghi nhận tình cảm và sự ủng hộ, giúp đỡ chí tình, to lớn, vô tư của nhân dân Việt Nam trong suốt quá trình cách mạng. Những quan hệ hợp tác anh em đặc biệt đó cùng với xu thế hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, đã và đang giúp cả hai nước gặt hái những thành tựu ngày một lớn hơn trên con đường phát triển./.