Nét mới trong chính sách đối ngoại của Mỹ

Nguyễn Sơn
16:03, ngày 26-07-2009

TCCSĐT - Có lẽ chưa có một tổng thống Mỹ nào lên nắm chính quyền phải nhận một danh mục nhiệm vụ đối ngoại dài như Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma. Ông mong muốn cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược với Nga, kiềm chế tham vọng hạt nhân của CHDCND Triều Tiên và I-ran, giải toả xung đột Trung Đông, rút quân khỏi I-rắc, động viên thêm nguồn lực cho Áp-ga-ni-xtan, cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính,… Gánh nặng đối ngoại trong bối cảnh khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu buộc chính quyền Ô-ba-ma phải tìm ra hướng tiếp cận mới. Có những dấu hiệu cho thấy chính sách đối ngoại của Mỹ đang có những thay đổi quan trọng.

“Chỉ là một trong các nước”

Phát biểu tại Xtra-xbớc (Strasbourg, Pháp) hồi tháng tư vừa qua, Tổng thống Ô-ba-ma nói: “Không phải lúc nào chúng tôi cũng đúng. Những người khác cũng có thể có những ý tưởng rất giá trị. Và để chúng ta có thể làm việc cùng nhau, các bên cần phải thỏa hiệp, kể cả chính chúng tôi”. Tạp chí Time (Mỹ) lập tức nhận định rằng lời tuyên bố của Tổng thống Ô-ba-ma đồng nghĩa với việc coi “Mỹ chỉ là một trong các nước trên thế giới”.

“Sự khiêm tốn” nói trên của Tổng thống Mỹ, xét cho cùng, chỉ là sự công nhận một thực tế đã không thể phủ định rằng, Mỹ không mạnh đến mức có thể thực thi một chính sách đơn phương trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế. Quan niệm đơn cực về thế giới đã khiến các vấn đề đối ngoại nan giải ngày càng tích tụ nhiều thêm. Như nhìn một con thuyền chở nặng ngày càng thêm nặng, càng ngày càng có nhiều chính trị gia và trí thức Mỹ nhận thấy mô hình đơn cực không thể là giải pháp tốt cho một cấu trúc thế giới hậu Chiến tranh Lạnh.

Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay đã đẩy nhanh quá trình thay đổi nhận thức của người Mỹ. Các cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy người Mỹ sẽ hài lòng hơn nếu chính phủ của họ giảm bớt những tham vọng toàn cầu. Sự can thiệp quá sâu vào công việc của các nước khác bị hiểu là lòng tham của chính quyền và không phù hợp với mong muốn của người dân. Việc Quốc hội Mỹ bác bỏ dự chi ngân sách khá lớn để trang bị máy bay tiến công chiến thuật tầm trung thế hệ mới cho quân đội Mỹ mới đây là một ví dụ cho thấy mối quan tâm đến sức mạnh Mỹ đang phải nhường chỗ cho những mối quan tâm khác cấp thiết hơn đối với người Mỹ hiện giờ.

Trong bối cảnh thế giới và trong nước như vậy, việc công nhận mình chỉ là một nước trong các nước trên thế giới cho thấy có một sự thay đổi trong tư duy đối ngoại của chính quyền Ô-ba-ma để đạt được mục tiêu mà chưa bao giờ Mỹ có ý định từ bỏ, đó là giữ vai trò lãnh đạo thế giới.

Từ cấu trúc “nan hoa một trục” đến kết cấu “mạng đa cực”.

Cấu trúc đơn cực của thế giới là ước mơ của nhiều nhà chiến lược Mỹ ngay từ sau khi Chiến tranh thế giới thứ II kết thúc, tuy nhiên, đến khi Liên Xô tan rã, mơ ước này lại càng mãnh liệt bởi dường như đang có nhiều cơ hội thuận lợi để biến thành thực tế!

Năm 1991, Ngoại trưởng Mỹ Giêm-xơ Bây-cơ (James Baker) nhận định rằng, thế giới hậu Chiến tranh Lạnh sẽ giống như chiếc bánh xe đạp với những chiếc nan hoa cắm vào một trục (hub-and-spoke), theo đó, Mỹ sẽ là trung tâm của thế giới và các nước khác sẽ gắn kết với nhau qua Mỹ như những chiếc nan hoa xe đạp. Thế nhưng, mọi sự diễn ra không suôn sẻ như vậy.

Trong những năm gần đây, cùng với sự yếu đi tương đối của Mỹ về kinh tế, chính trị và văn hoá, các chính quyền Mỹ đều cố gắng đẩy vai trò của G-8 lên cao nhằm thông qua đó tiếp tục duy trì vị trí trung tâm thế giới của mình. Tuy nhiên, sự trỗi dậy của “phần còn lại của thế giới” (tức là các nước ngoài G-8) đã khiến mô hình này bị lung lay. Tổng thống Ô-ba-ma đã dự một hội nghị G-20 trước khi dự hội nghị của G-8 mở rộng.

Một trong những người đầu tiên nhận ra G-8 không còn có thể tiếp tục đảm đương vai trò đầu tàu thế giới nữa và kéo còi báo động là chiến lược gia D.Bdê-din-xki. Đã đến lúc ý tưởng về một thế giới đơn cực phải nhường chỗ cho ý tưởng về thế giới đa cực.

Nhà chiến lược nổi tiếng của Mỹ Pha-rít Da-ka-ri-a (Fareed Zakaria) nói rằng, sự trỗi dậy của “phần còn lại của thế giới” đã làm cán cân quyền lực toàn cầu thay đổi và một kiến trúc thế giới mới phải là kiến trúc mạng đa cực với các quốc gia quan hệ trực tiếp với nhau theo nguyên tắc điểm nối điểm (point-to-ponint).

Ý tưởng của Da-ka-ri-a được cụ thể hoá trong mô hình mạng đa cực của bà An-ne-Ma-ri Xlâu-tơ (Anne-Marie Slaughter), Trưởng khoa Quan hệ quốc tế của Đại học tổng hợp Princeton hiện đang đặc trách việc hoạch định các kế hoạnh chiến lược cho Ngoại trưởng Hi-la-ri Clin-tơn. Theo mô hình này, chính quyền Ô-ba-ma cần phải xây dựng quan hệ liên minh và đối tác với tất cả các nước, các tổ chức và các cá nhân có chung mối quan tâm đến từng vấn đề cụ thể. Để giải quyết các vấn đề quốc tế cụ thể ấy, chính quyền phải kiên quyết từ bỏ chủ nghĩa đơn phương, thương lượng tìm ra giải pháp thỏa hiệp trên cơ sở đồng thuận để có được sự chung tay của các nước, các tổ chức và các cá nhân liên quan.

“Trở lại châu Á”

Những vấn đề đối ngoại nan giải do chính quyền của Tổng thống Bu-sơ để lại tại khu vực này đã thu hút sự quan tâm đặc biêt của chính quyền Tổng thống Ô-ba-ma. Việc rút quân khỏi I-rắc, tăng cường cho Áp-ga-ni-xtan trong một chiến lược chung với Pa-ki-xtan, tiến trình hoà bình Trung Đông, chương trình hạt nhân của I-ran và CHDCND Triều Tiên,… là những cố gắng đối ngoại hàng đầu của Tổng thống Ô-ba-ma. Tư duy đối ngoại mới mặc dù đã nhận được những hoan nghênh nhất định nhưng chưa thể xoá bớt sự cảnh giác của các nước có liên quan.

Sự vươn lên mạnh mẽ của châu Á đang khiến chính quyền Mỹ đặc biệt quan tâm. Không phải ngẫu nhiên mà Ngoại trưởng Clin-tơn liên tục có các chuyến công du đến khu vực này.

Tại Ấn Độ, bà Clin-tơn nói đến một quốc gia trên một tỉ dân có thể có vai trò quan trọng hơn trong khu vực. Tại Thái Lan, bà Clin-tơn đã ký một Hiệp ước Hữu nghị và hợp tác với ASEAN mở đường cho sự có mặt thường xuyên hơn của Mỹ trong các hội nghị cấp cao khu vực, đặc biệt là Hội nghị thượng đỉnh Đông Á bao gồm 10 nước ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Ô-xtrây-li-a và Niu Di-lân. Mỹ hy vọng hội nghị này có thể đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu an ninh khu vực chiếm một nửa dân số thế giới này. Sự có mặt của Mỹ có thể sẽ có ý nghĩa rất lớn trong việc đảm bảo duy trì cân bằng địa chính trị trong khu vực.

“Tôi muốn gửi một thông điệp rất rõ ràng là Mỹ đang trở lại” – Bà Clin-tơn đã nói như vậy trong cuộc họp báo tổ chức tại Thái Lan. Khác với người tiền nhiệm của mình - bà Côn-đô-li-da Rai-xơ, thể hiện sự lơ là đối với khu vực Đông Nam Á, bà Clin-tơn cam kết sẽ không để vấn đề I-rắc và Áp-ga-ni-xtan lấn át sự quan tâm của mình đối với khu vực này.

Rõ ràng, sau hai thập niên nỗ lực dùng “quyền lực cứng” bất thành để xây dựng trật tự thế giới đơn cực do Mỹ lãnh đạo, chính quyền mới ở Mỹ thấy cần thay đổi cách thức lãnh đạo thế giới, trong đó kết hợp cả “quyền lực mềm” và “quyền lực cứng”, mà minh họa cụ thể cho sự thay đổi đó là thái độ “biết lắng nghe” và “mong muốn đồng thuận” hơn với “phần còn lại của thế giới”. Việc “trở lại” châu Á, chú trọng hơn đến khu vực phát triển năng động này của Oa-sinh-tơn cũng không nằm ngoài đường hướng đối ngoại chung đó./.