TCCSĐT - Ngày 24-7, tại Thành phố Quảng Ngãi, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với Bộ Văn hóa - Thể thao – Du lịch đã tổ chức hội thảo "100 năm phát hiện và nghiên cứu văn hoá Sa Huỳnh". Đây là hội thảo mang tầm quốc tế với sự tham dự của trên 200 đại biểu là các nhà khoa học, khảo cổ hàng đầu của Việt Nam và thế giới về văn hóa Sa Huỳnh. Hội thảo nhằm khẳng định những thành tựu trong nghiên cứu văn hóa Sa Huỳnh suốt 100 năm qua và tiếp tục bảo tồn để khai thác, phát huy những giá trị của nền văn hóa này vào cuộc sống hôm nay.

Thuộc thời đại đồ sắt sớm cách nay 2.000 - 2.500 năm, văn hóa Sa Huỳnh (miền Trung) cùng với Đông Sơn (miền Bắc) và Óc Eo (miền Nam) là 3 cái nôi văn minh xưa, tạo thành tam giác văn hóa cổ đại của Việt Nam. Mặc dù niên đại đã tính đến hàng nghìn năm, song nền văn hóa Sa Huỳnh chỉ mới được phát hiện vào năm 1909. Cuộc hội thảo được tổ chức nhân kỷ niệm một thế kỷ phát hiện nền văn hóa này.

Đồng thuận với những nhận định, đánh giá

Suốt 100 năm qua, những thành tựu về nghiên cứu văn hóa Sa Huỳnh của các nhà khoa học trong nước và thế giới là điều mà những người tham gia hội thảo không thể phủ nhận. 57 tham luận của các nhà nghiên cứu hàng đầu về khảo cổ học trong và ngoài nước gửi đến hội thảo đã soi rọi văn hóa Sa Huỳnh dưới nhiều góc độ, nhiều chiều kích. Những thành tựu về nghiên cứu văn hóa Sa Huỳnh đã nói lên cuộc tìm kiếm không mệt mỏi suốt cả thế kỷ qua nhằm giải mã những bí ẩn về một nền văn minh cách chúng ta hàng ngàn năm.

Các nhà nghiên cứu có mặt tại hội thảo thống nhất cao rằng, chủ nhân của văn hóa Sa Huỳnh là của người bản địa. Đồng thời cũng đồng thuận với nhận định: Không gian văn hóa Sa Huỳnh không chỉ bó hẹp trong phạm vi của một tỉnh mà nó được trải dài ra khắp dải đất miền Trung, từ Bình Thuận đến Quảng Bình. Trong đó, “vùng lõi” là ba tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam và Bình Định.

Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu cũng thừa nhận tầm ảnh hưởng cũng như mối giao thoa giữa văn hóa Sa Huỳnh với các nền văn hóa khác ở hai đầu đất nước là rất lớn. Văn hóa Sa Huỳnh với sức lan tỏa của nó đã vượt ra ngoài biên giới quốc gia. Bằng chứng là những hiện vật bằng gốm thu được qua các cuộc khai quật ở Kalanay, thuộc quần đảo Palawan của Phi-lip-pin đã có “họ hàng” với các loại gốm thuộc văn hóa Sa Huỳnh.

Theo Tiến sĩ sử học Đoàn Ngọc Khôi, Bảo tàng Quảng Ngãi, năm 1909, nhà khảo cổ học người Pháp M. Vinet lần đầu tiên phát hiện ở Sa Huỳnh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, có khoảng 200 mộ chum. Di tích khảo cổ đó được gọi là Dépot à Jarres Sa Huỳnh (nghĩa là Kho chum Sa Huỳnh).

Theo Giáo sư W.G Solheim - Đại học Ha-oai (Mỹ), ngay từ hàng ngàn năm trước, người Sa Huỳnh đã giong buồm ra khơi, không chỉ để đánh bắt hải sản nuôi sống cộng đồng mà còn để giao lưu với những nền văn hóa khác, bởi qua nghiên cứu, so sánh gốm của Sa Huỳnh và Kalanay giống nhau đến mức có thể xếp chung vào một nhóm mà ông đặt tên là “phức hệ gốm Sa Huỳnh-Kalanay”.

Dấu vết từ các đợt khai quật ngoài quần đảo Trường Sa cho biết, người Sa Huỳnh đã hình thành một trục giao thương từ rất sớm giữa miền Trung VN với Trường Sa và đảo Palawan của Phi-lip-pin.

Các nhà nghiên cứu cũng thừa nhận tầm ảnh hưởng cũng như mối giao thoa giữa văn hóa Sa Huỳnh với các nền văn hóa khác ở hai đầu đất nước là rất lớn. Văn hóa Sa Huỳnh với sức lan tỏa của nó đã vượt ra ngoài biên giới quốc gia. Bằng chứng là, những hiện vật bằng gốm thu được qua các cuộc khai quật ở Kalanay - thuộc quần đảo Palawan của Phi-lip-pin - đã có "họ hàng" với các loại gốm thuộc văn hóa Sa Huỳnh.

Khai thác di sản Sa Huỳnh

Từ năm 1909, nền văn hóa Sa Huỳnh đã được các nhà khảo cổ học của Cộng hòa Pháp và phương Tây phát hiện với những tên tuổi như: M.Vinet, H.Parmentier, M.Colani, O.janse… Vì thế, Hội thảo đã làm sáng tỏ những tư liệu về nguồn gốc, các giai đoạn tiền Sa Huỳnh, hậu Sa Huỳnh, quan hệ giao lưu của nền văn hóa này với các nền văn hóa Đông Sơn, văn hóa Óc Eo…

Trên cơ sở đó, tiến trình phát hiện, nghiên cứu văn hóa Sa Huỳnh một thế kỷ qua đã dần được định hình phục vụ cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị. Điều đó được minh chứng qua việc các nhà nghiên cứu đã có một tiếng nói chung về văn hóa Sa Huỳnh, đó là làm sao để phát huy hết những giá trị của nền văn hóa này vào cuộc sống hôm nay.

Theo Trưởng khoa Văn hóa - Lịch sử Ấn Độ cổ đại, Trường Đại học Calcutta-Suchandra Ghosh: “Giá trị của một vùng đất bao gồm hai yếu tố kinh tế và văn hóa. Kinh tế phát triển sẽ tạo ra những giá trị văn hóa; ngược lại, văn hóa sẽ hỗ trợ cho kinh tế phát triển”. Theo tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi, 3 thế kỷ trước đây, không ai nghĩ thương cảng Hội An sẽ thành di sản văn hóa thế giới như hôm nay. Và chính Hội An đã góp một phần rất lớn trong việc giúp vùng đất khó nghèo Quảng Nam mang một khuôn mặt mới. Vậy thì tại sao, chúng ta không đánh thức tiềm năng văn hóa Sa Huỳnh - một di sản vô giá khác bằng cách hình thành một con đường di sản mang tên văn hóa Sa Huỳnh dọc miền Trung”.

Dọc dài theo dải đất miền Trung, với biển Sa Huỳnh, gò Ma Vương (huyện Đức Phổ); xóm Ốc, suối Chình (đảo Lý Sơn); tại xã Bình Đông (huyện Bình Sơn), xã Đức Thắng (huyện Mộ Đức); gò Dừa, gò Mã Vôi (huyện Duy Xuyên, Quảng Nam), động Cườm, huyện Hoài Nhơn (Bình Định) Bãi Cọi (Hà Tĩnh)... qua những truông dài cát bỏng, bên những cửa sông khoáng đạt, ở đâu cũng có thể bắt gặp những hiện vật với nghìn năm tuổi.

Đó là tài sản vô giá đã bị lãng quên một cách phí hoài!

Vì vậy, những kiến nghị của các nhà nghiên cứu từ cuộc Hội thảo đã hé lộ cho các nhà quản lý ở Quảng Ngãi nói riêng và miền Trung nói chung một ý tưởng để hình thành con đường di sản văn hóa Sa Huỳnh, mở ra những chân trời mới cho việc phát triển kinh tế và văn hóa của miền Trung thông qua du lịch. Con đường ấy sẽ còn nhiều chông gai, nhưng chắc chắn sẽ mang lại những kết quả bất ngờ - bất ngờ như chính những hiện vật của tiền nhân để lại từ hàng ngàn năm trước.

Các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học đã có một tiếng nói chung về văn hóa Sa Huỳnh, sự bận tâm của họ không phải là những bất đồng nho nhỏ trong một vài nhận định, đánh giá, mà điều canh cánh bên lòng là làm sao để phát huy hết những giá trị của nền văn hóa này vào cuộc sống hôm nay./.