Để bảo đảm vai trò hạt nhân lãnh đạo chính trị của tổ chức đảng ở cơ sở, thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, cần đổi mới và tăng cường kiểm tra, giám sát của Đảng, nhất là ở cơ sở.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh, người sáng lập, rèn luyện Đảng ta, đã nói: “Chính sách đúng là nguồn gốc của thắng lợi”,... “Khi đã có chính sách đúng, thì sự thành công hoặc thất bại của chính sách đó là do nơi cách tổ chức công việc, lựa chọn cán bộ, và do nơi kiểm tra. Nếu ba điều ấy sơ sài, thì chính sách đúng mấy cũng vô ích”(1). “Nếu tổ chức việc kiểm tra cho chu đáo thì cũng như có ngọn đèn “pha”. Bao nhiêu tình hình, bao nhiêu ưu điểm và khuyết điểm, bao nhiêu cán bộ chúng ta đều thấy rõ. Có thể nói rằng: chín phần mười khuyết điểm trong công việc của chúng ta là vì thiếu sự kiểm tra”(2).

Học tập tinh thần của Người, từ thực tiễn, Đảng ta cũng khẳng định: Công tác kiểm tra là “một bộ phận quan trọng trong toàn bộ công tác xây dựng Đảng”, là “một khâu quan trọng của tổ chức thực tiễn”, là “biện pháp hiệu nghiệm để khắc phục bệnh quan liêu”, lãnh đạo phải có kiểm tra, “lãnh đạo mà không kiểm tra coi như không có lãnh đạo”.

Công tác kiểm tra là một trong những chức năng lãnh đạo của Đảng, là một bộ phận quan trọng trong công tác xây dựng Đảng. Do đó, mọi tổ chức đảng phải không ngừng đổi mới, tăng cường và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra theo đúng nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng, đúng tư tưởng chỉ đạo, phương pháp đúng phạm vi, trách nhiệm của từng tổ chức đảng và xuất phát từ nhiệm vụ chính trị, nhằm xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu, bảo đảm cho các tổ chức đảng không ngừng phát huy vai trò hạt nhân chính trị, lãnhđạo thực hiện thắng lợinhiệm vụ phát triển kinhtế- xã hội, an ninh - quốc phòng.

Nhiều năm qua, công tác kiểm tra trong Đảng bộ huyện Thanh Oai đã góp phần quan trọng vào việc tổ chức thực hiện thắng lợi các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, bảo đảm các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng, thúc đẩy thực hiện các nhiệm vụ chính trị, tăng cường mối đoàn kết, thống nhất trong Đảng, giữa Đảng với nhân dân. Nhiều tổ chức đảng đã quan tâm nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về công tác kiểm tra. Nhiều cấp ủy đã quan tâm lãnh đạo công tác kiểm tra và trực tiếp kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới theo quy định của Điều lệ Đảng. Trong nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIX, ủy ban Kiểm tra từ huyện tới cơ sở đã tiến hành 339 cuộc kiểm tra, trong đó kiểm tra 214 đảng viên (kể cả cấp ủy viên) khi có dấu hiệu vi phạm, kiến nghị với tổ chức đảng có thẩm quyền xem xét và trực tiếp xem xét xử lý kỷ luật theo thẩm quyền từ khiển trách đến khai trừ ra khỏi Đảng 95 đảng viên.

Qua kiểm tra, đã giúp cấp ủy bảo đảm đúng nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng; hoàn thiện các chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo; phát hiện những điển hình tiên tiến, cá nhân tiêu biểu để động viên, khuyến khích, nhân ra diện rộng; khắc phục và xử lý những khuyết điểm tồn tại, thiếu sót, vi phạm; góp phần hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, như Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XX đã đánh giá.

Nhiều năm qua, công tác kiểm tra trong Đảng bộ huyện Thanh Oai đã góp phần quan trọng vào việc tổ chức thực hiện thắng lợi các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, bảo đảm các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng, thúc đẩy thực hiện các nhiệm vụ chính trị, tăng cường mối đoàn kết, thống nhất trong Đảng, giữa Đảng với nhân dân.

Tuy nhiên, công tác kiểm tra trong Đảng bộ huyện còn bộc lộ những thiếu sót, khuyết điểm: Một số cấp ủy chưa nhận thức đầy đủ về công tác kiểm tra của Đảng, coi công tác kiểm tra chỉ là công việc của ủy ban Kiểm tra, nên ít quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Khi trong địa phương, đơn vị có vụ việc hoặc vi phạm xảy ra thì lúng túng, thiếu chủ động cả về nội dung và phương pháp kiểm tra, xử lý vi phạm. Một số chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của Đảng chậm được triển khai, những biểu hiện tiêu cực trong một bộ phận cán bộ, đảng viên chậm được kiểm tra, phát hiện, xử lý công minh, kịp thời, đã hạn chế chất lượng, hiệu quả của công tác kiểm tra.

Nguyên nhân chủ yếu của những thiếu sót, khuyết điểm nêu trên là do đội ngũ cán bộ, trước hết là cán bộ làm công tác kiểm tra còn có những hạn chế, bất cập.

Văn kiện Đại hội X của Đảng về công tác xây dựng Đảng nêu rõ một trong những nhiệm vụ quan trọng là, phải “Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát với nhận thức và yêu cầu mới: công tác kiểm tra, giám sát phải góp phần phát hiện và khắc phục được những khuyết điểm, thiếu sót khi mới manh nha; bên cạnh việc tiếp tục thực hiện kiểm tra tổ chức và cá nhân đảng viên có dấu hiệu vi phạm, phải tăng cường chủ động giám sát, kiểm tra về phẩm chất đạo đức và kết quả thực hiện nhiệm vụ của tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, về nhận thức và chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và việc chấp hành Điều lệ Đảng. Coi trọng kiểm tra, phát hiện nhân tố tích cực”(3).

Như vậy, Đại hội đã quyết định bổ sung chức năng giám sát, tăng thẩm quyền và trách nhiệm xem xét kỷ luật của cấp ủy và Ủy ban Kiểm tra các cấp.

Để thực hiện có hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, nhất là ở cơ sở, các cấp ủy, tổ chức đảng cần tập trung làm tốt một số việc:

Một là, tiếp tục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về công tác kiểm tra của Đảng, giúp cho đội ngũ cán bộ, đảng viên hiểu rõ và sâu sắc hơn về ý nghĩa, tác dụng của công tác kiểm tra. Coi công tác kiểm tra là nhiệm vụ trực tiếp, thường xuyên của toàn Đảng. Trên cơ sở đó, coi trọng và làm tốt công tác kiểm tra, góp phần thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ chínhtrị.

Hai là, các cấp ủy, tổ chức đảng phải nắm vững phạm vi, trách nhiệm và những vấn đề cơ bản trong lãnh đạo và tiến hành công tác kiểm tra của Đảng.

Phải xác định công tác kiểm tra của Đảng là công tác của toàn Đảng, của mọi tổ chức đảng. Nhưng, do chức năng, nhiệm vụ của tổ chức đảng khác nhau nên phạm vi kiểm tra của các tổ chức đảng cũng được quy định khác nhau. Việc nắm vững phạm vi, trách nhiệm kiểm tra của các tổ chức đảng sẽ bảo đảm cho công tác kiểm tra được tiến hành theo đúng quy định của Điều lệ Đảng và không chồng chéo nội dung, đối tượng kiểm tra.

Mặt khác, công tác kiểm tra của Đảng phải xuất phát từ nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng, nhằm thực hiện thành công các nhiệm vụ. Do vậy, phải lấy việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng làm mục tiêu, phương hướng, nội dung hoạt động. Phải nắm vững và thực hiện tốt tư tưởng chỉ đạo công tác kiểm tra của Đảng, đó là “chủ động, chiến đấu, giáo dục, hiệu quả”.

Phải nắm vững và thực hiện tốt phương pháp cơ bản của công tác kiểm tra của Đảng là: Dựa vào đảng viên và tổ chức đảng, phát huy tinh thần tự giác, tự phê bình và phê bình của đảng viên và tổ chức đảng; phát huy trách nhiệm xây dựng Đảng của quần chúng; làm tốt công tác thẩm tra, xác minh; kết hợp công tác kiểm tra của Đảng với công tác thanh tra của Nhà nước, thanh tra nhân dân, công tác kiểm tra của các đoàn thể chính trị, xã hội, hội nghề nghiệp và phối hợp với các ban, ngành có liên quan. Phải nắm vững và thực hiện tốt các hình thức kiểm tra như: kiểm tra thường xuyên; kiểm tra định kỳ; kiểm tra bất thường.

Nắm vững và thực hiện tốt phương pháp cơ bản của công tác kiểm tra của Đảng là dựa vào đảng viên và tổ chức đảng, phát huy tinh thần tự giác, tự phê bình và phê bình của đảng viên và tổ chức đảng.

Ủy ban Kiểm tra cấp ủy không chỉ kiểm tra tổ chức đảng và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm mà còn có nhiệm vụ giúp cấp ủy tiến hành công tác kiểm tra theo Điều 30 của Điều lệ Đảng. Các cấp ủy vừa phải nắm chắc và thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm tra, vừa phải tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra đối với các tổ chức đảng, bảo đảm mọi nghị quyết, chỉ thị của Đảng đều được kiểm tra, các tổ chức đảng đều tiến hành công tác kiểm tra. Quá trình tiến hành công tác kiểm tra phải bảo đảm tính chủ động, thường xuyên, có chương trình, kế hoạch và đúng thẩm quyền, khắc phục tình trạng lúc làm, lúc bỏ, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác kiểm tra.

Ngoài ra, các cấp ủy, tổ chức đảng cần quán triệt và thực hiện tốt chức năng giám sát theo quy định của Điều lệ Đảng bổ sung. Có như vậy, công tác kiểm tra của Đảng mới thực sự là chức năng lãnh đạo, một nội dung quantrọng của công tác xây dựng Đảng, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sứcchiến đấu của các tổ chứcđảng, hoàn thành mọi nhiệm vụ.

Ba là, thường xuyên kiện toàn hệ thống ủy ban Kiểm tra, hoàn thiện quy chế phối hợp giữa ủy ban Kiểm tra với các tổ chức đảng và cơ quan bảo vệ pháp luật, xây dựng quy chế tiếp nhận, xử lý ý kiến của Mặt trận, các đoàn thể và của nhân dân nhận xét, phê bình tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên.

Thường xuyên kiện toàn tổ chức, tăng cường cán bộ có chất lượng, quan tâm xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ kiểm tra có đủ phẩm chất, đạo đức cách mạng; chấp hành nghiêm Cương lĩnh Chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước; có bản lĩnh chính trị vững vàng; khách quan, công tâm, trung thực; có nhiệt tình, trách nhiệm và ý thức tổ chức kỷ luật cao; có tinh thần đoàn kết và tinh thần cách mạng sâu sắc và có trình độ, năng lực, sâu sát thực tiễn, đủ sức để hoàn thành nhiệm vụ.

Đồng thời, cần quan tâm cải thiện điều kiện và phương tiện làm việc cho ủy ban Kiểm tra, nhằm làm cho công tác kiểm tra được thuận lợi, đạt chất lượng, hiệu quả cao hơn nữa.
 

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, NxbChính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t 5, tr 520
(2) Hồ Chí Minh: Sđd, t 5, tr 521 
(3) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr 302