Từ bên kia bờ Thái Bình Dương xa xôi, nhân dân Cu-ba đã kỷ niệm lần thứ 33 ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước Việt Nam (30-4-1975 - 30-4-2008) bằng những hoạt động thiết thực nhất. Cu-ba - Việt Nam một biểu tượng tuyệt vời của tinh thần quốc tế vô sản, của tình cảm thủy chung, son sắt chia ngọt, sẻ bùi. Tại cuộc mít-tinh ngắn gọn nhưng xúc động và thân mật sau khi kết thúc buổi lao động tình nguyện, ông Ê-pi-pha-vi-ô Xen-man đã ca ngợi lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc của Việt Nam, đồng thời nêu bật ý nghĩa chiến thắng 30-4-1975 và khẳng định: "Tấm gương anh hùng của nhân dân Việt Nam sẽ còn mãi trong lòng những người Cu-ba chúng tôi. Những thành tựu to lớn của nhân dân Việt Nam trong công cuộc bảo vệ và phát triển đất nước thật đáng khâm phục. Nhân dân Cu-ba tin tưởng những người anh em Việt Nam nhất định sẽ xây dựng được một nước Việt Nam đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn. Chúng tôi luôn luôn biết ơn sự giúp đỡ đầy tình anh em mà nhân dân Việt Nam đã và đang dành cho nhân dân Cu-ba trong những lúc khó khăn. Tình đoàn kết anh em thủy chung, trong sáng giữa Cu-ba và Việt Nam sẽ mãi mãi trường tồn".

Đài Truyền hình Cu-ba đã dành thời lượng 30 phút của Chương trình "Tương đồng và khác biệt" để giới thiệu những thành tựu to lớn của Việt Nam trong công cuộc phát triển đất nước hiện nay; đặc biệt là những nét văn hóa truyền thống thông qua trang phục và nghệ thuật ẩm thực.

Tại Liên bang Nga, nhiều người đã cùng hồi tưởng chiến thắng vĩ đại của nhân dân Việt Nam như chính mình là người trong cuộc: “Xưa là “nguồn sức mạnh tinh thần” tích cực ủng hộ Việt Nam đánh Mỹ, nay tiếp tục góp phần thắt chặt mối quan hệ Nga - Việt theo cách riêng của mình, tùy vào chức năng và vị trí xã hội của mỗi người”. Đó là tiếng nói chung nhất của những người Nga đã từng ủng hộ cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, lâu dài, gian khổ của Việt Nam, dù hiện tại họ ở những hoàn cảnh khác nhau...

Ông Ô-lếch Mô-rơ-dốp, Phó chủ tịch thứ nhất Đu-ma Quốc gia Nga, thành viên của nhóm đại biểu “Nước Nga Thống nhất” trong Đu-ma nói: “Thắng một cường quốc có tiềm lực quân sự lớn nhất thế giới như Mỹ, người dân Việt Nam đáng khâm phục biết nhường nào. Hãy chuyển đến cho họ, những con người quả cảm, lời chúc mừng chân thành nhất và lời cầu mong thành công trong sự nghiệp xây dựng đất nước. Tôi sẽ làm hết sức để củng cố tình hữu nghị Nga - Việt...”.

Ông Xéc-gây Xtê-pa-sin, Chủ tịch Viện Kiểm toán Liên bang Nga, và ông Mi-kha-in Be-xkhơ-men-nít-xưn - 1 trong 12 chuyên viên kiểm toán cấp cao của Liên bang Nga đã cùng phóng viên Thông tấn xã Việt Nam hồi tưởng về những tháng năm ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ của Việt Nam. Ông Be-xkhơ-men-nít-xưn nói: “Tôi cùng bạn bè đã hăng hái đóng góp vào Quỹ ủng hộ Việt Nam của nhà trường. Tôi lo lắng cho tính mạng các bạn học sinh Việt Nam và chờ mong ngày kết thúc chiến tranh. Khi nghe tin chiến thắng, tôi có cảm tưởng đây cũng có phần đóng góp của cả đất nước chúng tôi nữa. Lúc đó tôi hồn nhiên nghĩ rằng, tôi cũng có liên quan đến chiến thắng lẫy lừng của nhân dân Việt Nam, dù chỉ là những hành động, cảm nghĩ trẻ thơ”. Ông Xtê-pa-sin tâm sự: “Tôi đã hai lần đến Hà Nội và rất có cảm tình với người dân Việt Nam. Tình cảm đó bắt nguồn từ phong trào phản đối đế quốc Mỹ gây chiến ở Việt Nam do nhà trường phát động khi tôi còn là một cậu học sinh. Ở cương vị trước đây và hiện nay, tôi đã và đang cố gắng để thắt chặt mối quan hệ giữa hai nước chúng ta”.

Bà Ga-li-na Xvi-đơ-xcai-a là Đảng viên Đảng Cộng sản Liên bang Nga (KPRF), đã truyền tình yêu Việt Nam của mình cho hai người con trai là Đa-ni-la và Ác-xê-ni. Cả ba mẹ con đều tích cực tuyên truyền về một đất nước Việt Nam hòa bình, đổi mới. Bà tâm sự: “Lớp trẻ ở Nga bây giờ ít biết về những gì đang diễn ra ở nước các bạn. Thậm chí có em còn nghĩ là chiến tranh vẫn chưa kết thúc”. Nhân dịp 30-4-2008, bà Xvi-đơ-xcai-a đã mời phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đến dự buổi sinh hoạt của một câu lạc bộ thanh niên để nói chuyện, cung cấp tư liệu về cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam trước đây và về công cuộc đổi mới hiện nay.

Bà I-ri-na Ê-gơ-rô-va là Hiệu trưởng Trường phổ thông 282 (Mát-xcơ-va), nơi có 182 học sinh Việt Nam trong tổng số hơn 400 học sinh của trường. Bà nói: “Các em học sinh người Việt sinh ra và lớn lên ở Nga, theo học chương trình của Nga nên hầu như không hiểu gì về lịch sử và văn hóa của dân tộc mình”. Bà đã nhờ Đại sứ quán Việt Nam hỗ trợ nhà trường xây dựng “Góc Việt Nam” rộng 65 m2để trưng bày những tư liệu, hiện vật về lịch sử văn hóa Việt Nam. Ngày khai trương được ấn định đúng ngày Chiến thắng 30-4, học sinh Việt Nam tại trường sẽ được cô giáo Nga giới thiệu ngắn gọn và sống động về cuộc trường kỳ kháng chiến vì độc lập, tự do của cha ông mình./.