Tối ngày 1-5-2008, tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt - Xô, Hội đồng thi đua khen thưởng Trung ương, Ban thi đua khen thưởng Trung ương, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, Báo Lao động, Báo Quân đội Nhân dân, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Công ty Hữu nghị Á châu đã phối hợp tổ chức Chương trình Vinh quang Việt Nam lần thứ VI nhằm tôn vinh những anh hùng, điển hình tiên tiến trong thời kỳ đổi mới và hội nhập.

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cùng nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đại diện lãnh đạo các bộ, ban ngành, đoàn thể ở trung ương và địa phương; các vị khách mời đại diện các tập thể Anh hùng và điển hình trong cả nước, các cá nhân được tôn vinh cùng đông đảo nhân dân thành phố Hà Nội các tỉnh thành lân cận.

Chương trình diễn ra trong bầu không khí trang trọng với những nội dung được chuẩn bị chu đáo, công phu. Trong danh sách đơn vị tổ chức Vinh quang Việt Nam lần thứ VI có thêm báo Quân đội Nhân dân. Trong 9 đơn vị, cá nhân được biểu dương có 2 sĩ quan quân đội và một người là vợ liệt sỹ Anh hùng Lực lượng vũ trang.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Hội đồng Thi đua khen thưởng Trung ương, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã phát biểu ghi nhận và cảm ơn những đóng góp của những điển hình tiên tiến được tôn vinh, đồng thời khẳng định: “Những tập thể, cá nhân mà Chương trình Vinh quang Việt Nam hôm nay tôn vinh là một phần trong số rất nhiều tập thể, cá nhân anh hùng, gương điển hình tiên tiến, đang ngày đêm đóng góp trí tuệ, công sức và cả máu cho đất nước ngày càng phồn vinh. Chắc chắn rằng để có được những thành tích đó, họ đã phải hy sinh phần giành cho cá nhân và gia đình mình. Họ xứng đáng được tôn vinh, được học tập, họ là những người thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua, những người thi đua là những người yêu nước nhất”. Phó Chủ tịch nước mong muốn và tin tưởng rằng, những tấm gương anh hùng, điển hình tiên tiến sẽ được quảng bá, nhân rộng, để cái đẹp, cái tốt ngày càng phổ biến trong xã hội, để phong trào thi đua yêu nước ngày càng có ý nghĩa thiết thực trong công cuộc xây dựng đất nước hiện nay.

Chín gương mặt trong phần giao lưu của Chương trình Vinh Quang Việt Nam 2008 thật sự là những tấm gương để lại trong lòng người nghe sự cảm phục qua những câu chuyện đầy ấn tượng của họ. Chín gương mặt anh hùng, dù mỗi người có một hoàn cảnh, địa vị xã hội, kinh nghiệm sống và tuổi đời khác nhau, song ở họ đều có một điểm chung, đó là sự bình dị, cao quý, dũng cảm đến quên mình, vì dân, vì nước, vì cuộc sống bình yên của mọi người.

Hình ảnh em Ngô Văn Thơ, học sinh lớp 11B7, trường Trung học Phổ thông Cửa Tùng, xã Vĩnh Quang, Vĩnh Linh Quảng Trị với vóc dáng bé nhỏ, tần tảo, bố mất sớm, mẹ đi làm ăn xa, đã dám lao mình từ trên thành cầu cao 30m xuống dòng sông chảy xiết để cứu các em nhỏ. Việc làm này, trong lúc bình thường, em không nghĩ mình có thể làm được. Câu chuyện giản dị, chất phác của em gây xúc động lòng người và lắng sâu trong lòng người nghe.

Anh hùng “Hiệp sỹ công nghệ thông tin” Trịnh Công Thanh đã chiến thắng nỗi đau bệnh tật hiểm nghèo, vượt lên nỗi bất hạnh của người khuyết tật không những tự tạo việc làm cho bản thân mà còn tạo việc làm cho hàng trăm lao động là người khuyết tật. Hình ảnh anh Thanh dũng cảm bước những bước chân tật nguyền bên cạnh MC lên sân khấu và giao lưu với khán giả về những việc mình đã làm khiến cả Hội trường lặng đi, vừa xúc động, vừa cảm phục.

Người phụ nữ trong tà áo dài giản dị Trần Thị Kim Oanh, hơn 20 năm làm công nhân đứng máy máy sợi con bậc 6/6, 17 năm liền đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở. Một mình chị đứng điều khiển 5 giàn máy, với 1200 cọc sợi, mỗi ngày chị đi chừng 10 cây số quanh các máy để thực hiện nhiệm vụ của mình, chưa nói đến tác động của tiếng ồn, của bụi... Có lẽ bên trong người phụ nữ ấy ẩn chứa một sức mạnh phi thường - sức mạnh đã giúp chị vượt mọi khó khăn gian khổ, phấn đấu 12 lần đoạt giải thưởng thi tay nghề.

Một gương mặt nữ vô cùng ấn tượng nữa của buổi lễ tôn vinh là chị Mai Thị Hiền - vợ Anh hùng liệt sĩ Phạm Hữu Huyên. Thượng úy Huyên đã hy sinh anh dũng khi làm nhiệm vụ giúp dân chống bão lũ. Vượt lên đau thương, mất mát quá lớn, chị Hiền vừa làm mẹ vừa làm cha đảm đang công việc gia đình nuôi dạy con ngoan, vừa phấn đấu thành giáo viên dạy giỏi. Khi được hỏi ra Hà Nội sẽ mua quà gì để thắp hương cho Anh hùng Phạm Hữu Huyên. Chị Hiền nói rằng, “lúc còn sống, anh Huyên rất thích dầu gió Phật Linh. Anh ấy nói, dầu này rất tốt để chữa cảm cúm, sốt nóng, đau bụng. Anh ấy thường gửi mua dầu này để mỗi khi đi công tác lên biên giới, hải đảo, cho anh em chiến sĩ. Chị Hiền nói, chị cũng sẽ mua mấy lố dầu Phật Linh, vừa thắp hương cho anh ấy, vừa tặng cho Bệnh xá Tỉnh đội để tặng anh em chiến sĩ như anh Huyên vẫn thường làm thế ngày còn sống.” Sự chất phác, giản dị và nghị lực phi thường của chị đã khiến nhiều người phải gạt thầm nước mắt.

Một gương mặt trẻ cũng không kém phần ấn tượng, đó là Thiếu úy Nguyễn Xuân Nghiễn, người đã dũng cảm cứu được 42 người dân cùng tài sản của 40 hộ gia đình đến nơi an toàn trong cơn bão số 2 (tháng 8-2007), khiêm tốn và giản dị, câu chuyện của anh đã trở thành bài học lớn về tình quân dân keo sơn, gắn bó, về sự hy sinh quên mình cho hạnh phúc nhân dân để xứng đáng là người lính Cụ Hồ, dù ngày hôm nay chiến tranh đã lùi xa. Với anh, hạnh phúc gắn liền với công việc.

Thượng tá Đỗ Ngọc Toàn dám dũng cảm đối mặt với tội phạm trong bất kể tình huống nào, không quản gian khổ hy sinh. Đại diện cho các tập thể Anh hùng, Đại tá Doãn Anh Tụ, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát Bảo vệ và Hỗ trợ Tư pháp, Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an đã chia sẻ những hy sinh thầm lặng của anh em đồng đội. Chiến tranh không còn nữa nhưng máu của những chiến sĩ công an vẫn còn đổ, đó là cái giá của hoà bình, hạnh phúc mà chúng ta đang được hưởng.

Ông Lê Anh Thuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần đầu tư và xây dựng Sao Mai, An Giang có nhiều hoạt động xã hội từ thiện. Công ty của ông đã trích 4 tỉ đồng để làm 10.000 căn nhà từ thiện cho người nghèo ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long... Sự tri ân với xã hội của ông khiến bao người cảm động.

Buổi lễ tôn Vinh quang Việt Nam lần thứ VI mặc dù đã khép lại, và trong hơn 2 tiếng đồng hồ ngắn ngủi, chưa thể chuyển tải hết những gian khổ, hy sinh, những vất vả nhọc nhằn của những cá nhân, đơn vị đã được tôn vinh trong buổi lễ, nhưng tấm gương sáng của họ chắc chắn sẽ có sức lan toả mạnh mẽ và có ý nghĩa xã hội to lớn.

Vinh quang Việt Nam lần thứ VI - sự kiện có ý nghĩa quan trọng và sẽ trở thành nguồn cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân tham gia tích cực hơn vào các phong trào thi đua yêu nước./.